“Chú chó hộ mệnh” – xoa dịu nỗi đau của con người

Thứ Năm, 27/06/2024 07:00

Giúp tác giả Hase Seishu giành giải thưởng văn học Naoki lần thứ 163, lấy bối cảnh Nhật Bản sau thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011, Chú chó hộ mệnh là cuộc hành trình đi dọc dài nước Nhật, tìm đến người bạn thơ ấu trước ngày thảm họa xảy đến của một chú chó lai giống chó chăn cừu có tên Tamon. Và hành trình đi, rồi gặp gỡ, được những mảnh đời khác nhau cưu mang trong một khoảng thời gian, Tamon đã như một vị thần hộ mệnh, xoa dịu nỗi đau của con người, hướng người ta tới tính thiện, tình thương, như đúng cái tên Tamon - Tì Sa Môn Thiên vương, vị thần cai quản phương Bắc, một trong Tứ Thiên vương của Phật giáo mà chú chó đang mang.

Sau thảm họa kép, rất nhiều cá nhân trên nước Nhật đã mất đi người thân, nhà cửa, công việc, nhận những di chứng tinh thần, tâm lí không thể nguôi ngoai… mà chàng thanh niên Nakagaki Kazumasa là một trong số những người như vậy. Để duy trì sự sống và có tiền lo cho người mẹ đang mắc hội chứng sa sút trí tuệ ngày một trở nặng, anh buộc phải tham gia vào những công việc, phi vụ phi pháp. Khoảng thời gian đó, anh gặp, cưu mang Tamon, chú chó lai giống chó chăn cừu gầy gò, bẩn thỉu bị lạc chủ. Tamon ở cùng Kazumasa, tới ngày biến cố xảy đến. Tamon xa dần, gặp gỡ những mảnh đời khác nhau nhưng lúc nào đôi mắt chú cũng dõi về phương Nam, về một đích đến xa xăm mà năm năm sau, chú mới đến được.

Bìa tiểu thuyết "Chú chó hộ mệnh" của Hase Seishu.

Những mảnh đời lạc lối sau thảm họa

Như đã nói, tiểu thuyết Chú chó hộ mệnh được lấy bối cảnh bắt đầu từ nửa năm sau thảm họa kép: động đất - sóng thần xảy đến với xứ Phù Tang và chảy trôi theo trục thời gian năm năm, trải theo dọc dài nước Nhật, cùng hành trình xuôi về phương Nam của chú chó Tamon. Cả cuốn sách, là muôn mặt kiếp người với sáu chương truyện, ứng sáu mảnh đời khác nhau đang dần sống những ngày thích ứng với cuộc đời mới khi họ nhận ra, bản thân vẫn còn tồn tại và phải tiếp tục sinh tồn sau nỗi kinh hoàng kia.

Nhưng nỗi kinh hoàng, sự sợ hãi, vết thương tâm lí lẫn vết thương kinh tế khiến người ta thật khó để quay lại cuộc đời bình thường chỉ trong khoảng thời gian vài tháng, thậm chí là vài năm. Những xung đột vẫn ngầm chảy trong mối quan hệ giữa người với người, những vấn đề liên quan trực tiếp đạo đức hay tồn vong, tới khoảng thời gian này càng trở nên sâu sắc mà trở thành các vết rạn nứt khó thể hàn gắn. Người ta lạc lối, cũng dần xa cách người thân lẫn phần nhân tính từng rất thiện lương…

Đó là câu chuyện về người thanh niên Nakagaki Kazumasa mở đầu cho không gian truyện Chú chó hộ mệnh. Câu chuyện của chàng trai mất việc sau thảm họa, để trang trải cuộc sống, chăm lo cho mẹ, cho chị, anh buộc phải lãng quên bản thân, nhúng tay vào những công việc chẳng mấy lương thiện. Đó là câu chuyện về tên trộm ngoại quốc Miguel, vì sinh tồn trong không gian “bãi rác” chốn quê nhà mà buộc bản thân lang bạt, trở nên tha hóa ngay khi còn rất nhỏ.

Đó là câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ đang trên bờ vực hôn nhân tan vỡ vì chẳng thể tìm được tiếng nói chung. Đó là câu chuyện về cô gái làm nghề buôn phấn bán hương ngày một xa gia đình do quyết định nông nổi thời tuổi trẻ đến nỗi không thể quay đầu được nữa. Đó là câu chuyện về ông lão thợ săn cự phách nhất làng, đã đi tới sườn dốc phía sau cuộc đời và bản thân ông cũng chuẩn bị trước tinh thần sẽ ra đi trong cô độc. Và cuối cùng, là câu chuyện về cậu bé Hikaru mất đi khả năng nói chuyện, giao tiếp lẫn sự khống chế cảm xúc, nhất là mỗi lần cậu bé đối diện trước biển, sau khi trực tiếp chứng kiến, trải qua nỗi kinh hoàng năm nào.

Mỗi người một số phận nhưng đều gặp nhau nơi giao điểm của không gian nước Nhật tháng năm sau thảm họa mà chừng như ai cũng đang lạc lối trong cuộc đời chính mình. Giữa đúng sai, được mất, giữa yêu thương, buông bỏ, giữa chia cách, trở về… sự xuất hiện của Tamon trong giao điểm đó đã lần lượt, gợi về trong tiềm thức những cá nhân xa lại, quá khứ rất xa mỗi người từng trải qua, với những chú chó họ từng nuôi và tình yêu lẫn nhân tính ngỡ rằng họ chẳng còn đủ thời gian để nhớ về trong cuộc sống mưu sinh, đấu tranh để tồn tại.

Vì thế, con người dẫu có lầm lạc tới đâu, phải chăng vẫn luôn lưu giữ tính nhân sâu thẳm, chỉ đợi một cơn gió của sự quan tâm, gắn bó thổi đến, thức tỉnh lương tri? Nên Kazumasa và Miguel vẫn gọi Tamon là “thần hộ mệnh”, nhưng bản thân chú chó, với những cá nhân lạc lối trong đời sinh tồn, có lẽ giống liều thuốc chữa lành, chiếc mỏ neo, neo đậu nhân tính con người, tới giây phút cuối đời hơn chăng.

“Thần hộ mệnh” - Tamon

Được đặt theo tên của một vị thần trong Phật giáo, dù với những cá nhân khác nhau, Tamon lại có một tên gọi riêng thì tới cuối cùng, những người cưu mang chú chó lạc chủ, vẫn thật sự coi Tamon như vị “thần hộ mệnh” của bản thân. Thần hộ mệnh mang lại may mắn, nhưng hơn cả, là “sự tồn tại đặc biệt”, “là sinh vật mà thần linh đưa đến gặp loài người ngu ngốc” với những kẻ lạc lối, xoa dịu đớn đau, “dẫn đường” cho con người tìm lại căn tính nguyên sơ. Để người ta có đủ dũng khí đối diện với bản thân, với cái tôi quá khứ và với cái tôi hiện tại mà nhận ra, họ đã luôn trốn tránh nhằm sống cuộc đời dễ dàng hơn như thế nào. Nhưng người ta chẳng thể mãi né tránh, càng chẳng thể chọn con đường dễ dàng khi cuộc sống luôn là một chuỗi những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng.

Trong cuộc đời những cá nhân trên trang sách của tác giả Hase Seishu, chú chó Tamon chỉ là sự xuất hiện vô tình, chẳng hề báo trước. Tamon chợt đến, cũng chợt đi, bởi ánh mắt của chú, bất kể sống với ai, cũng luôn hướng về phía Nam như ngóng đợi, như tìm kiếm, tìm về người chủ cũ, người thân cũ xa cách. Tamon chỉ là một chú chó bình thường, thông minh, hiểu chuyện, được nuôi dạy tốt. Tamon không phải thần linh, càng không phải bùa hộ mệnh. Nhưng chú chó ấy đã đến với cuộc đời đầy những thương tổn, rạn vỡ của con người hàn gắn yêu thương, cũng tiếp thêm nghị lực, lòng dũng cảm cho người ta được sống trọn vẹn là chính mình mà hướng tới tương lai.

Ở bên mỗi người chủ tạm thời trên hành trình năm năm, thay vì nói Tamon là “thần hộ mệnh”, bên cạnh việc chú chó đó tựa chiếc mỏ neo níu giữ tính nhân trong con người, thì có lẽ, Tamon còn như đôi mắt, dõi nhìn số phận con người mong manh, bản thân con người yếu đuối thế nào, và đời sống vô thường vốn lại rất công bằng với từng người ra sao. Cuộc đời vốn luôn tồn tại những ngã rẽ người ta chẳng thể suy tính để rồi khi người ta ra đi thì những ân oán, vay trả, hứa hẹn, hi vọng… cũng tan vào hư vô. Tựa đôi mắt Tamon “giống hệt bầu trời trong xanh của mùa đông. Con ngươi đen nhánh, nhưng trong suốt” thu lấy dáng vẻ con người trong khoảnh khắc cuối cùng.

Và cũng vì cuộc đời này vốn công bằng, nên tới tận cùng, những người có duyên, có tình, vẫn sẽ nối kết với nhau, nơi giao điểm yêu thương mà Tamon, với ý nghĩa “thần hộ mệnh”, đã nối kết mỗi cá nhân xa lạ đó.

Điều kì diệu của “tình yêu thương vô hạn”

Trước hết, chính để nói đến hành trình kì diệu trải dài năm năm hướng về phía nam sau thảm họa kép của chú chó Tamon nhằm tìm lại đến người bạn thơ ấu, cậu bé Hikaru, đưa cậu bé ra hậu di chứng của nỗi kinh hoàng năm nào. Nhưng có lẽ, điều kì diệu của “yêu thương vô hạn” được tác giả Hase Seishu gửi gắm trong tiểu thuyết Chú chó hộ mệnh còn vượt thoát câu chuyện cá nhân giữa chú chó Tamon và cậu bé Hikaru mà trở thành giá trị phổ quát xuyên suốt cả tác phẩm.

Khi yêu thương có thể đánh thức những kí ức xa xôi, thức tỉnh lương tri con người, trao cho người ta lòng dũng cảm đối diện với lầm lạc, gắn kết yêu thương ngỡ chừng đã rạn vỡ. Sáu câu chuyện riêng lẻ trong cùng tổng thể một cuốn tiểu thuyết, xoay quanh nhân vật trung tâm đặc biệt - chú chó Tamon, tác giả Hase Seishu không chỉ tạo nên kết cấu truyện lồng truyện mà còn tạo lập tính đầu cuối tương ứng cho cả cuốn sách. Mở ra với câu chuyện về chàng trai Nakagaki Kazumasa, kết thúc cũng là lời gợi nhắc tới quãng thời gian Kazumasa sống cùng Tamon. Chú chó hộ mệnh - Tamon, tựa sợi chỉ đỏ, trở thành biểu tượng của lòng trung thành, của “sức mạnh tình bạn” nối kết con người, nối kết thương yêu trên mảnh đất hoang tàn, vụn vỡ sau tháng năm thiên tai, thảm họa.

Và giữa những sáng tác văn chương viết riêng về loài chó trên văn đàn Nhật Bản, bên cạnh một Hachiko - Chú chó đợi chờ, Quil - Bước ngắn dệt nên dặm dài, Chú chó tử thần… tiểu thuyết Chú chó hộ mệnh của nhà văn Hase Seishu đã thật sự tạo nên dấu ấn riêng, trong cả nội dung lẫn cách thức tác giả triển khai câu chuyện, bí ẩn ở tình tiết mà vẫn rất đỗi ấm áp yêu thương.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)