Mặc dù tên tuổi của Christopher Isherwood gắn liền với nhiều sự kiện tương đối lạc quan như là nhà văn kinh điển về thập niên 30 của thành phố Berlin, là nguồn cảm hứng cho vở Cabaret kinh điển, là nhà văn với mối tình vượt khoảng cách ấn tượng... Thế nhưng cũng có một góc rất khác về tác giả này.
Trong đó, có thể nói rằng Katherine Bucknell là người viết tiểu sử hoàn hảo nhất về văn nhân này. Bà là học giả về Isherwood - người đã cống hiến khoảng 30 năm để biên tập 3 cuốn nhật kí Diaries mà vị tác giả viết ra gần 4 thập kỉ, từ năm 1939 đến 1983. Ngoài ra, bà cũng làm việc để cho ra mắt The Animals - tập hợp những lá thư mà Isherwood viết cho người tình Don Bachardy, cũng như Lost Years, một cuốn hồi kí khác xoay quanh giai đoạn 1945-1951.
Như Gore Vidal – tác giả của The City and The Pillar nổi tiếng – từng nói với sự thẳng thắn cùng đôi mắt xanh: “Mọi thế hệ đều có những nhân vật nổi trội ngay từ rất nhỏ: họ là ngôi sao từ trong trứng nước. Mọi người đều muốn biết họ, muốn bắt chước họ rồi phá hủy họ. Isherwood là một trường hợp như thế”.
Nhà văn Christopher Isherwood.
Christopher William Bradshaw Isherwood, giống như nhân vật anh hùng trong một cuốn tiểu thuyết cổ điển của Anh, sinh vào tháng 8 năm 1904 trong một cuộc sống tương đối đầy đủ, hưởng nhiều đặc quyền. Theo Bucknell, “Christopher Isherwood” ngay từ đầu đã là “nhân vật trung tâm của một câu chuyện” – đó là câu chuyện về cuộc đời ông. Là một đứa trẻ ở Cheshire, ông thông minh, nhạy cảm, ăn nói lưu loát và được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh không thể hoàn hảo hơn. Cha mẹ ông, Frank và Kathleen, tranh giành thể hiện tình yêu dành cho con mình. Và quan trọng nhất, tài năng của ông cũng đi kèm với một tham vọng lớn.
Bucknell nhận xét trong suốt văn nghiệp, Isherwood luôn “làm việc trên ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu”. Tại đây, ông có nhiều điểm chung với ba nhà văn người Anh xuất sắc không kém, sinh ra cùng thời với mình là Graham Greene (tháng 10 năm 1904), Evelyn Waugh (tháng 10 năm 1903) và George Orwell (tháng 6 năm 1903). Giống như Orwell, Isherwood sẽ phải vật lộn với chính danh tính - nhưng là thông qua giới tính chứ không phải là giai cấp, để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn và là chính bản thân hơn. Ông rồi sẽ là một “Christopher”, nhân vật ngôi thứ ba số ít, người mà suốt đời sẽ luôn theo đuổi hành trình tìm kiếm sự xác thực.
Cuộc Đại chiến cũng góp phần tạo nên câu chuyện cuộc đời của Isherwood. Tuổi thơ quyến rũ của nhà văn này đã tan vỡ vào tháng 5/1915 khi, trong trận chiến Ypres, cha ông hi sinh bởi đạn pháo. Nỗi đau buồn của Kathleen buộc cậu bé 10 tuổi bàng hoàng nhận ra rằng mẹ yêu chồng hơn là con trai. Từ đó chiếc cọc neo giữ tình cảm của cậu trở nên bơ vơ.
“Nhân vật” đầu tiên mà Isherwood đảm nhận sau chấn thương này rất có thể là “đứa trẻ mồ côi” được dành để tưởng nhớ đến sự hi sinh của cha. Do không thể gặp ông một lần sau cuối, vị nhà văn đã học cách chôn vùi cảm xúc. Và khi không còn phụ thuộc vào cảm xúc của mẹ, ông đã bắt đầu khẳng định bản thân và tìm ra tiếng nói riêng dưới tư cách là một nhà văn.
Các tác phẩm của Christopher Isherwood.
Giống như Eric Blair đã tìm thấy danh tính mới của mình khi đi khắp Paris và London để trở thành George Orwell sau này [1] , Christopher Isherwood cũng khám phá ra bản thân của mình vào những năm 1920 ở Berlin. Trong thời gian mà Đức Quốc xã chuẩn bị nắm quyền, ông đã trở thành “Herr Issyvoo” [2], tìm thấy sức thu hút ở các chàng trai.
Gore Vidal nói rằng với tuyên bố: “Tôi là một chiếc máy ảnh” trên trang đầu của Từ biệt Berlin, Isherwood đã “trở nên nổi tiếng”. Quả thực, cụm từ nói trên rồi sẽ định hình cả cuộc đời ông. Sau khi xuất bản cuốn Người chuyển tàu (1933) và Từ biệt Berlin (1939), ông sẽ không bao giờ còn như xưa nữa. Nhân vật Sally Bowles của ông từ đây sẽ truyền cảm hứng cho vở kịch ăn khách mà cuối cùng trở thành vở nhạc kịch ăn khách Cabaret ra mắt vào năm 1972.
Là người thích tiệc tùng và phê bình sách, thường xuyên lui tới quán Cafe Royal và đài truyền hình, người ta thỉnh thoảng nhìn thấy Isherwood lướt qua các trang thư từ cũng như nhật kí của các nhà văn khác. Một bạn của ông từng thốt lên rằng con người này “đã quyến rũ nhiều chàng trai hơn bất kì cá nhân nào khác ở Berlin”. Trong khi đó Vidal, vật lộn với tinh thần khó nắm bắt của bạn mình, thì viết rằng Isherwood nổi lên “như nhân vật chính” của thời đại này, nhưng cũng thừa nhận ông “không phải là con người dễ tái hiện lại phía trên trang giấy… Không gì khó phản chiếu hơn là một tấm gương”.
Sau Thế chiến, nhà văn nổi tiếng với “chiếc máy ảnh” đã đoạn tuyệt với nước Anh và đến Hollywood để trở thành một nhà biên kịch. “Christopher”, đôi khi là “Chris”, là nhân vật thống trị nửa sau câu chuyện cuộc đời mình - một biểu tượng của người đồng tính, đồng thời cũng là tín đồ của Swami Prabhavananda và phong trào Vedanta - một đức tin mới trên bầu trời California. Isherwood yêu nước Mĩ chính xác vì ông không thuộc về đất nước này cũng như không một ai khác sở hữu nước Mĩ: “Tôi thấy tự do ở đây. Tôi đang một mình. Cuộc sống của tôi sẽ do chính tôi tạo nên mà thôi.”
Năm 1953, Isherwood, người luôn đặt dục vọng lên trên tình yêu suốt nhiều năm liền, đã gặp chàng trai trẻ Don vào ngày lễ tình nhân và cuốn lấy nhau. Ở thời điểm đó ông đã 48 trong khi chàng trai trẻ kia chỉ vừa 18. Những thăng trầm trong mối quan hệ của họ với tư cách là “Dobbin” và “Kitty” đã xuất hiện lại trong Một con người với đầy sắc thái, từ ám ảnh, đau đớn cho đến cay đắng.
Trong một câu trích mang tính bộc lộ cao ở phần cuối sách viết về nhà văn rất vĩ đại này, Bucknell đã phá vỡ vỏ bọc để tuyên bố rằng cuốn sách của bà là “cuộc phiêu lưu của cả một đời”. Cụm từ mơ hồ này cũng chính là lời cảm ơn được bà ngầm gửi đến Bachardy, bạn đời của Isherwood – người mà nếu ông không kịp xuất hiện thì bức chân dung “từ trong ra ngoài” của một trong những tác giả lớn nhất nước Anh sẽ không bao giờ có thể được tái hiện lại, đưa ra ánh sáng và đầy đủ hơn thế.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch theo The Independent
------------------------
[1] Ý chỉ đến tác phẩm Chìm nổi ở Paris và London của Orwell, ghi lại khoảng thời gian ông lang thang ở 2 địa điểm này để khám phá sự nghèo khó.
[2] Cách đọc tên Isherwood do phát âm không chuần của nhân vật nữ người Đức Sally Bowles trong cuốn tiểu thuyết Người chuyển tàu.
VNQD