Lấy bối cảnh những năm đầu của cuộc nội chiến kéo dài 3 thập kỉ ở Sri Lanka, Brotherless Night của VV Ganeshananthan là bức chân dung đau lòng về hành trình để tồn tại của một người phụ nữ và là minh chứng cho cả tác động lâu dài của chiến tranh và sự gắn kết của gia đình. Mới đây nó đã chiến thắng giải Women’s Prize for Fiction lần thứ 29, vượt qua những tên tuổi và tác phẩm nổi bật khác.
Cuốn sách xoay quanh Sashi – thiếu nữ 16 tuổi với mong muốn trở thành bác sĩ. Nhưng trong thập kỉ tiếp theo, khi cuộc nội chiến tàn khốc tàn phá Sri Lanka, giấc mơ đã đưa cô sang một con đường khác. Cô đã chứng kiến những người xung quanh gồm 4 anh trai mà mình yêu quý cũng như người bạn thân nhất bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực. Nội chiến, lịch sử, cảm xúc - đó là 300 trang văn xuôi cần phải được đọc.
Nhà văn V. V. Ganeshananthan trên bục nhận giải.
- Xin chào Ganeshananthan. Nếu mô tả ngắn gọn về Brotherless Night, bà sẽ nói gì?
+ Đó là cuốn sách về một người phụ nữ thuộc cộng đồng người Tamil thiểu số ở Sri Lanka hồi tưởng lại tuổi trẻ và việc học y ở Jaffna trong thập kỉ đầu tiên của cuộc nội chiến ở đất nước này. Đó là giai đoạn đã làm thay đổi không chỉ tương lai của cô mà cũng còn của 4 người anh em mà cô yêu quý.
- Điều gì đã truyền cảm hứng cho bà viết cuốn sách này?
+ Tôi lớn lên với những câu chuyện mà bạn bè và gia đình họ trải qua trong thời kì này ở Jaffna. Tôi đặc biệt xúc động trước hành động mà những người phụ nữ đã làm để giữ cho gia đình họ được an toàn trong những hoàn cảnh tàn bạo. Tôi cũng được truyền cảm hứng từ một cuốn sách phi hư cấu có tên The Broken Palmyra, trong đó 4 giáo sư người Tamil tại Đại học Jaffna đã ghi lại cảnh bạo lực mà dân thường phải chịu dưới bàn tay của các lực lượng an ninh chuyên chế nhà nước do người Sinhal, lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ và các nhóm chiến binh Tamil gây ra.
Tôi cũng đi đi về về Sri Lanka liên tục. Tại đó tôi đã mua rất nhiều sách lịch sử và trên đường trở về nhà, tôi đã đọc hết chúng, tìm kiếm những thứ có thể gợi ý cho câu chuyện hư cấu của mình. Tôi tìm thấy câu chuyện tuyệt thực ở một ngôi chùa và thực sự quan tâm đến nó. Nhưng tôi biết mình không thể đưa nó vào cuốn tiểu thuyết khi ấy, vì vậy tôi đã chuyển hướng và rồi nó trở thành chương đầu tiên của Brotherless Night sau này.
- Bà là nhà báo trước khi viết tiểu thuyết. Điều đó giúp ích gì cho bà trong tác phẩm này?
+ Phải nói là rất nhiều. Đầu tiên và quan trọng nhất, nó mang lại cho tôi kĩ năng phỏng vấn mọi người. Vì vậy, tôi thấy thoải mái hơn khi thực hiện và gợi mở các cuộc trò chuyện. Tôi cũng dành nhiều thời gian để đọc sách và dung hòa nhiều câu chuyện trái ngược nhau. Với những dị bản hoặc lược bỏ hoặc nhấn mạnh những điều khác nhau, tôi cũng đối chiếu, đối chứng chúng với thực tế. Tôi nghĩ những khả năng trên đến từ nghề báo.
- Quá trình phỏng vấn các cựu chiến binh, nhà báo, nhà nhân chủng học cũng như thường dân có khó khăn không?
+ Nó đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn vì tôi đang cố gắng lấy được lòng tin của họ. Điều này càng đặc biệt hơn với những người sống sót qua thời kì đó, bởi để họ tin tưởng vào người khác và kể lại bi kịch là không dễ dàng. Phải mất nhiều năm để thực hiện nghiên cứu và khiến những cuộc trò chuyện kiểu này trở nên khả thi.
Ngoài ra câu chuyện của mỗi cá nhân chỉ là mẫu nhỏ, và ta không thể để nó đại diện tất cả. Tôi thường kiểm tra chéo những gì họ kể với các hồi kí, biên khảo về giai đoạn này, đồng thời cố gắng đưa những câu chuyện cá nhân mà tôi nghe được vào không-thời gian đó để hiểu được sự tương tác giữa cái mà tôi gọi là vi lịch sử và đại sử.
Cũng thật may mắn vì có rất nhiều sách viết về khoảng thời gian này, nhiều cuốn đặc biệt có trong thư viện của các trường đại học. Với việc là một giảng viên ở các trường cao đẳng và đại học kể từ mùa thu năm 2008, tôi có quyền truy cập vào rất nhiều thư viện khác nhau ở nhiều nơi khác nhau và tôi đã tận dụng chúng. Ngay cả trước đó, khi còn là nghiên cứu sinh, tôi nhớ mình đã phát hiện ra rằng Đại học Iowa có lượng lớn sách về lịch sử Sri Lanka, điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Và đó là lúc tôi bắt đầu hiểu được sức chứa của các thư viện đại học, điều mà tôi thấy vô cùng biết ơn.
- Vì sao việc viết về thời kì này ở Sri Lanka lại quan trọng với bà?
+ Vì tôi tò mò về cách mà cuộc chiến bắt đầu, về những ảnh hưởng mà nó gây ra. Câu chuyện về sự kết thúc của cuộc chiến, vốn nổi tiếng là tàn khốc, hay đúng hơn là vô cùng tàn khốc, đã được kể lại rất nhiều từ khi chiến tranh kết thúc. Nhưng giai đoạn những năm bắt đầu chiến tranh lại chưa được quan tâm đúng mức, ít nhất là trong tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh.
Có một số tiểu thuyết đặc biệt kể về điều này như Funny Boy của Shyam Selvadurai... nhưng chúng cũng nhanh chóng dừng lại sau đó hoặc tập trung vào các sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của chiến tranh. Do đó tôi muốn biết liệu thời kì cực kì phức tạp đó có khả năng ghi lại trong tiểu thuyết hay không. Và tôi đã lớn lên nhờ những câu chuyện về thời kì này, nên đối với tôi, dường như đó là điều có thể làm được và nên làm.
- Việc viết Brotherless Night đã ảnh hưởng đến bà như thế nào?
+ Dĩ nhiên là có tác động rất lớn. Về mặt cá nhân, đây là dự án mà tôi đã bắt đầu vào tháng 1/2004 và thực sự chỉ hoàn thành xong vào tháng 7/2022, do đó nó chiếm một phần rất lớn trong cuộc đời tôi.
- Cuốn sách này có thể nói là rất khác biệt về phong cách lẫn nội dung với tiểu thuyết đầy tay của bà. Bà thấy sự khác biệt ấy như thế nào?
+ Tôi bắt đầu viết cuốn sách đầu tay khi đang theo học ở trường đại học, đâu đó vào năm thứ hai, khi tôi 19 hoặc 20 tuổi. Và tôi hoàn thành nó vào mùa xuân năm 2007, khi tôi 27 tuổi, vậy là tôi đã mất đến 8 năm trời. Trong thời gian đó, tôi cũng bắt đầu viết Brotherless Night. Tôi có nhiều dự án được thực hiện đồng thời và luôn cố gắng giải quyết các vấn đề của mình trong cuốn sách này bằng một cuốn khác. Mỗi cuốn đều làm cho cuốn còn lại trở nên khả thi.
Bìa sách Brotherless Night chiến thắng giải Women's Prize for Fiction 2024.
Ở cả hai cuốn, tôi đều viết theo ngôi thứ nhất vốn rất mạnh mẽ. Theo cách đó, quá trình viết thực sự khá giống nhau. Cuốn tiểu thuyết đầu được viết dưới sự ảnh hưởng của nhiều nhà văn, chẳng hạn như Jamaica Kincaid – người hướng dẫn của tôi tại trường đại học. Trong khi Brotherless Night lại được sáng tạo trong quá trình mà tôi học viết sáng tạo, vì vậy tôi phải học cách làm việc độc lập hơn sau khi tốt nghiệp, chẳng hạn như phải viết nó ra như một nhà văn thực thụ.
Điều đó có nghĩa là phải mò mẫm nhiều hơn, thử nghiệm nhiều hơn theo những cách vừa thú vị vừa đáng sợ. Một lần nữa, như đã nói trên, trong cả hai trường hợp, tôi đều sử dụng ngôi thứ nhất mạnh mẽ và đó đều là các giọng nói nữ. Tôi coi cả hai cuốn sách đều là tiểu thuyết chính trị và đặc biệt là tiểu thuyết về nữ quyền. Vì vậy, tôi rất vui vì mình đã xác định được phương hướng. Đó có thể là một dạng may mắn, tiếng gọi nào đó đến từ tiềm thức mà tôi thực sự không thể phân tích được.
Tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết thứ hai vào đầu năm 2004. Và như tôi đã nói trước đó, lí do khiến nó mất nhiều thời gian như vậy là do khối lượng và tính chất của các nghiên cứu tôi cần thực hiện. Nó mất nhiều thời gian hơn và đưa tôi đến những nơi khác nhau, cả về cảm xúc cũng như thể chất trong quá trình sáng tạo. Đó là trải nghiệm khá lạ trong cuộc đời tôi, và điều đó ảnh hưởng đến câu chuyện tôi kể. Hơn nữa so với cuốn sách đầu tiên, tôi thường phải đối mặt với những câu hỏi: liệu tôi có làm đúng mọi việc hay không và liệu tôi có thực sự đang đi đúng hướng hay không?
- Bà có đang chuẩn bị cho cuốn sách nào khác không?
+ Tôi có một vài dự án viết lách khác đang được thực hiện, một trong số đó là các tiểu luận cũng như truyện ngắn là những con đường tách ra từ Brotherless Night. Thỉnh thoảng tôi cũng viết một số tiểu thuyết đồ họa - đây là kết quả của một loạt các lớp học mà tôi đã dạy trong khoảng thời gian viết tiểu thuyết này. Khi đọc chúng tôi thấy rất thích, vì vậy tôi nghĩ sáng tác bằng thể loại này chắc chắn sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ nhiều nguồn
VNQD