Cuộc đời nhà văn Marjorie Kinnan Rawlings

Thứ Năm, 11/07/2024 00:34

Jody và Chú nai con là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ Marjorie Kinnan Rawlings. Cuốn sách là tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1938, giành giải Pulitzer một năm sau đó, dịch sang 29 thứ tiếng và nhanh chóng được hãng Metro-Goldwyn-Mayer chuyển thể thành phim điện ảnh. Nhưng cuộc đời của nhà văn này còn nhiều chi tiết đặc biệt hơn cả những thành tích đó.

Nhà văn Marjorie Kinnan Rawlings

Cuộc đời qua những lá thư

Từ trước đến nay, độc giả vẫn xem Jody và Chú nai con như một câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi, nhưng chất trữ tình, cách thể hiện tinh tế cuộc sống đồng quê, cách sử dụng phương ngữ, cấu trúc và những cảm xúc mà nó mang lại có thể dành cho bất kì người trưởng thành nào. Cross Creek, nơi ra đời tác phẩm là một địa điểm kì diệu. Ngày nay ngôi làng vẫn là một vùng thôn quê có con suối nhỏ chảy giữa hai hồ Orange và Lochloosa. So với trước đây, trang trại, các tòa nhà phụ và vườn cam của Marjorie Rawlings giờ đã trở thành công viên tiểu bang với con đường trải nhựa và các tour đi bộ có hướng dẫn viên.

Để hiểu về Marjorie thì có hai dữ liệu không nên bỏ qua. Đầu tiên là hơn 4.000 lá thư được bà gửi đi cũng như nhận lại với nhiều bạn bè, tình nhân, thành viên gia đình và các cộng sự chuyên môn. Nguồn tư liệu này cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc sống công khai cũng như riêng tư của nhà văn này. Marjorie theo đó viết nhiều thư tay, và chữ của bà cho thấy đây là một người hào sảng, đầy nghệ sĩ tính. Có thể thông thường thì bà viết vội những suy nghĩ táo bạo nhất khi đang uống rượu, trong khi cũng có những lá thư khác thì được soạn thảo, đánh máy cẩn thận, hoàn toàn có thể đưa vào một cuốn hồi kí văn học.

Vào cuối đời mình, trong bài phát biểu tại buổi lễ khánh thành một thư viện của Đại học Florida, nơi lưu trữ các bài viết của mình, Majorie đã chia sẻ rằng “những lá thư, đặc biệt là những lá thư tay có giá trị hơn mức thông thường, tôi nghĩ, nên là một phần tối quan trọng của bộ sưu tập của một nhà văn. Vì khi nghiên cứu về người nào đó mà bắt gặp được những lá thư tay, người ta liền biết mình vừa đào được một kho báu lớn”. Năm 1998, khi thư viện George A. Smathers tại Đại học Florida sở hữu một kho từ thư phong phú giữa Marjorie và người chồng thứ hai Norton Baskin, người phụ trách tư liệu Frank Orser đã viết: “Đây là nguồn tư liệu chi tiết, sâu sắc và gần như có thể tạo nên một cuốn tự truyện”. Marjorie chắc hẳn sẽ rất hài lòng với điều này.

Hai năm sau, khi nghiên cứu tiểu sử của tiểu thuyết gia Ellen Glasgow và biết rằng những lá thư tay của bà đã bị hủy hoại, Marjorie đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc: “Điều này làm tôi buồn khổ, vì điểm cốt yếu của một nhân cách thường được thể hiện trong những lá thư cá nhân hơn bất cứ thứ gì khác.” Khi nói điều ấy, chắc bà cũng đang nghĩ đến những lá thư tay mà mình gửi đến biên tập viên Maxwell Perkins của nhà xuất bản Scribner, hai người chồng và những người bạn thân như Julia Scribner Bigham, biên tập viên Norman Berg của Macmillan và các nhà văn Zora Neale Hurston, Ernest Hemingway hay Sigrid Undset.

Với tất cả, bà đã chia sẻ những khó khăn sáng tạo của mình. Nếu không có những lá thư đó, ta sẽ không thể nào biết Marjorie đã viết ra những tác phẩm cực kì độc đáo thế nào trong khi vẫn phải điều hành một vườn cam năng suất và sống một cuộc sống bận rộn, vì ngay lúc này bà đã trở thành một nữ doanh nhân sau khi rời bỏ công việc báo chí ở miền Bắc để đến vùng hoang dã Florida. Ngoài ra sau thành công của Jody và Chú nai con, bà cũng trở thành một người nổi tiếng.

Nguồn dữ liệu quan trọng thứ hai là hai bản thảo tự truyện của Marjorie. Bản thảo đầu tiên, Blood of My Blood, là một câu chuyện về thời thơ ấu, tuổi trẻ và tuổi trưởng thành của bà. Nó dừng lại ở cái chết của mẹ bà vào năm 1923. Bà đã hoàn thành nó sau khi chuyển đến Florida vào năm 1928 và tham gia một cuộc thi viết tiểu thuyết nhưng không thành công. Tuy nhiên đây có thể xem là cuốn hồi kí nhiều hơn là tiểu thuyết, khi có sự góp mặt của cha mẹ, anh trai, giáo viên cũng như là những người khác có thật trong cuộc đời bà (tất cả được giữ nguyên tên). Cuốn sách cũng tập trung chủ yếu vào mối quan hệ khó khăn của Marjorie đối với mẹ bà, Ida Kinnan.

Ngoài ra cũng có một bản thảo khác mang màu sắc tương tự là Cross Creek xuất bản vào năm 1942. Nó là một biên niên sử phi hư cấu xoay quanh quá trình sáng tạo và cuộc sống của nữ tác giả tại Creek. Đây là một chuỗi các câu chuyện duyên dáng, đôi khi hài hước mô tả những cuộc gặp gỡ với bạn bè, hàng xóm, người làm nông, động vật hoang dã, thời tiết, hệ động - thực vật. Đây có thể xem là kho tàng về những con người, địa điểm và sự kiện có thật, được viết một cách tỉ mỉ, giàu trí tưởng tượng và rất chắc tay.

Ở một mức độ nào đó, các nhà văn phản ánh những người họ đọc. Mặc dù thư viện cá nhân của Rawlings đã bị phân tán sau khi bà qua đời, nhưng người ta vẫn có thể biết thói quen đọc sách “vô độ” qua những lá thư mà bà viết ra. Bà quan tâm đến rất nhiều thứ: văn học, chính trị, lịch sử, khoa học, triết học, tiểu sử, nghệ thuật viết lách. Bà yêu Proust và ghét Faulkner. Bà đọc đi đọc lại Kinh Thánh, dù bà không theo bất kì tôn giáo nào. Bà thường tham khảo cuốn Du kí thế kỉ 18 của William Bartram, đặc biệt là những quan sát của nhà tự nhiên học về Florida. Bà đã tiếp thu những câu chuyện lịch sử đồ sộ, tập trung vào những bài thơ đơn lẻ. Bà từng nói mình đọc “khoảng một cuốn sách mỗi ngày”.

Bản tiếng Việt của tiểu thuyết Jody và chú nai con

Theo dòng nhân học

Một điều quan trọng để hiểu Rawlings là thời đại mà bà đã sống. Mặc dù khao khát viết truyện và tiểu thuyết văn học, nhưng bà là một người phụ nữ có thu nhập hạn chế, và ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bà cần tìm một công việc - bất kì loại công việc nào. Với hi vọng sẽ sử dụng được kĩ năng viết lách của mình, bà bắt đầu với tư cách là một chuyên gia quan hệ công chúng của YWCA[1]. Điều này dẫn đến sự nghiệp báo chí không ổn định vào những năm 1920, khi các phóng viên nữ rất hiếm, chủ yếu làm việc tự do và được giao cho các chuyên mục bên lề là “trang dành cho phụ nữ”. Chúng chỉ tăng lên sau khi phụ nữ giành được quyền bầu cử. Trong sự nghiệp này, bà được đánh giá cao vì khả năng kể chuyện uyển chuyển nhưng cũng được cảnh báo đó sẽ là rào cản khi bà viết tiểu thuyết nghiêm túc.

Trong giai đoạn 1930 – 1945 mà bà đã viết và sống tại Florida, có thể coi Marjorie là một nhà văn sâu sắc của thời đại mình. Trong thời Đại suy thoái và chuẩn bị dẫn đến Thế chiến II, một số lượng lớn các tác giả người Mĩ đã ghi chép lại những góc khuất văn hóa của các vùng đất không bị thay đổi bởi cuộc sống hiện đại. Một số nhà văn cảm thấy mình có động lực nhân học, nối tiếp sau những thành công của Tuổi trưởng thành ở Samoa của Margaret Mead và các câu chuyện cá nhân như My People the Sioux của Luther Standing Bear cùng nhau ra mắt vào năm 1928.

Động lực này kết hợp giữa đi thực địa với viết báo cáo điều tra, một hoạt động chỉ mới xuất hiện có vài thập kỉ ở giai đoạn ấy. Các nhà văn bị cuốn vào cơn lốc này, cảm thấy luyến tiếc một cách hoài niệm những vùng thôn quê đã bị biến đổi một cách tàn khốc sau cuộc Cách mạng Công nghiệp và Thế chiến thứ nhất. Một số tác giả miền Nam, đáng chú ý là Erskine Caldwell, đã nỗ lực phản ánh “vùng đất hoang vu” và “những con người vô danh” của nông thôn miền Nam, cho thấy những con người này lạc hậu và thiếu kết nối với nền văn minh đến mức độ nào.

Tình cờ là vào năm 1928, Marjorie Rawlings cũng đã quyết định rời bỏ công việc làm báo ở New York để thử viết tiểu thuyết ở Cross Creek, Florida. Với khoản thừa kế nhỏ, bà đã mua lại mà không cần nhìn vườn cam rộng 72 mẫu Anh và một trang trại, quyết tâm cùng với người chồng đầu tiên Charles Rawlings về đấy viết toàn thời gian, sống bằng lợi nhuận từ vườn cam này. Hóa ra khu vườn đòi hỏi nhiều công sức hơn là bà tưởng nhưng Marjorie cũng nhìn thấy ở vùng hẻo lánh Florida cơ hội tuyệt vời để đắm mình vào một nền văn hóa ít người biết đến và biến việc quan sát thành tác phẩm văn chương. Trong vòng vài năm sau khi đến đây, bà đã đưa nó và bản thân mình lên bản đồ văn học nước Mĩ, ghi dấu bản thân như một trong những tác giả quan trọng nhất của giai đoạn này.

MẠNH QUÂN dịch từ LitHub


[1] Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (Young Men's Christian Association). Nó là tổ chức có hơn 58 triệu thành viên tại 125 chi hội cấp quốc gia.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)