Con gái Alice Munro nói về bí mật đen tối của gia đình

Thứ Sáu, 19/07/2024 00:52

Trong tuần qua, giới văn chương và báo chí đã bùng nổ khi Andrea Skinner bất ngờ chia sẻ trên tờ The Toronto Star rằng cha dượng đã xâm hại mình khi cô lên 9, và mẹ cô – Alice Munro – vẫn chuyển đến sống với ông sau khi biết chuyện.

Alice Munro và con gái

Qúa khứ đen tối

Skinner cho biết vào năm 2005, cô đã đến sở cảnh sát Ontario để trình báo về sự việc này. Gerald Fremlin - cha dượng của cô - đã bị buộc tội tấn công khiếm nhã và cũng nhận tội. Vào thời điểm ấy ông đã 80, được hưởng án treo trong vòng 2 năm. Munro biết chuyện nhưng vẫn qua lại chỉ cho đến khi Gerald qua đời vào năm 2013.

Skinner viết rằng chính vì sự nổi tiếng của mẹ mà “sự im lặng vẫn tiếp diễn”. Sau khoảng 30 năm, cô quyết định lên tiếng để công khai những nỗi đau mà mình không đáng phải chịu. Cô cũng nói thêm “Tôi muốn kể nó để nó trở thành một phần trong những câu chuyện mà mọi người nói về mẹ tôi. Tôi không bao giờ muốn xem một cuộc phỏng vấn, tiểu sử hay sự kiện nào khác về bà mà không đấu tranh với những gì đã xảy ra, và với thực tế là mẹ tôi, khi đối mặt với sự thật về những gì đã xảy ra, đã chọn ở lại và bảo vệ kẻ ngược đãi con gái của mình.”

Skinner cho biết trong bài báo rằng việc lạm dụng xảy ra khi người cha dượng đã ngoài 50, còn mẹ cô thì ngoài 40. Cô cho biết ông đã trèo lên giường nơi mình đang ngủ và tấn công tình dục. Skinner sau đó đã kể với mẹ, người đã muốn xác nhận điều đó với Gerald, và ông cũng không phản đối việc mình đã làm.

Skinner viết rằng trong nhiều năm sau đó, Fremlin không những dừng lại mà còn cố tiếp cận cô trong những chuyến đi bằng ô tô, khi ông mô tả nhu cầu tình dục của mẹ và “kể cho tôi nghe về những cô bé trong khu phố mà ông ta thích”. Theo bài báo trên tờ The Toronto Star, ông ta mất hứng thú với Skinner khi cô trở thành thiếu nữ.

Khi Skinner ở độ tuổi 20, Munro đã bày tỏ sự đồng cảm với một nhân vật trong một truyện ngắn đã tự tử sau khi bị cha dượng lạm dụng tình dục. Đọc được truyện ấy, Skinner quyết định kể hết với mẹ về những khốn khổ mà mình phải chịu. Trong một lá thư, cô kể với bà những gì Gerald đã làm, nhưng thay vì đáp lại con gái bằng sự cảm thông, Munro “phản ứng chính xác như tôi lo sợ, như thể bà đang ở giữa một vụ ngoại tình”, Skinner viết.

Khi ấy Munro rời khỏi Fremlin, đến ở tại một căn hộ chung cư mà bà sở hữu ở British Columbia. Skinner cho biết Fremlin đã viết thư cho gia đình mình, trong đó ông thừa nhận hành vi xấu xa nhưng đổ lỗi cho cô. Khi đến cảnh sát vào năm 2005, cô đã mang theo những lá thư này. Skinner nói thêm: “Ông ấy mô tả tôi lúc 9 tuổi là một ‘kẻ phá hoại gia đình’”. Ông ta cũng cáo buộc cô xâm phạm phòng ngủ của mình “để phiêu lưu tình dục”. Ông cho biết nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, thì việc công khai những bức ảnh nhạy cảm của bản thân cô là không tranh khỏi.

Nhưng bất chấp tất cả những điều này, Skinner cho biết Munro vẫn quay lại với Fremlin cho đến khi ông qua đời. Cô viết: “Bà ấy nói mình biết được sự việc khi đã muộn màng và bởi lẽ bà cũng rất yêu ông. Bà cũng đề cập rằng nền văn hóa kì thị phụ nữ nên chịu trách nhiệm nếu mong bà ấy hi sinh vì con cái hay bù đắp cho những thiếu sót của người đàn ông. Bà kiên quyết cho rằng bất cứ điều gì xảy ra thì đều là giữa tôi và cha dượng tôi. Nó không liên quan gì đến bà ấy".

Di sản có bị ảnh hưởng?

Ngay khi tin tức này được đưa ra, nhiều người ngưỡng mộ Munro đã thấy choáng váng, tự hỏi làm sao mà một nhà văn có tầm vóc như bà lại có thể giữ bí mật như vậy trong nhiều thập kỉ, và những tiết lộ này có thể tác động đến di sản đồ sộ của bà ra sao. Martin Levin - cựu biên tập viên mục sách của tờ The Globe and Mail - cho biết “Alice thuộc hàng Thánh thần trong giới văn chương. Tôi thậm chí chưa từng nghe thấy lời thì thầm nhỏ to hay gợi ý nào về tin tức này trong suốt 20 năm làm việc tại đây.”

Trong nhiều thập kỉ, Munro được tôn kính vì những truyện ngắn được viết với cách quan sát sắc sảo và những hiểu biết sâu sắc của bà về bản chất con người và các mối quan hệ. Ngay cả khi bà giành giải Nobel Văn chương 2013, thì nhà văn này vẫn giữ thái độ kín đáo và rất khiêm tốn khi mô tả cuộc sống của mình tại một thị trấn nhỏ ở Ontario là bình thường, yên tĩnh và hạnh phúc.

Khi được liên lạc, tiểu thuyết gia người Canada Margaret Atwood đã viết trong một email rằng bà "bất ngờ" bởi những tiết lộ này. Mặc dù bà đã biết được một chút về nguyên nhân gây ra rạn nứt gia đình cách đây vài năm, từ một trong những người con gái khác của Munro, nhưng bà không bao giờ biết toàn bộ câu chuyện cho đến khi đọc được lời kể của Skinner. “Tại sao bà ấy lại ở lại nhỉ?” Atwood tự hỏi viết về quyết định của Munro. “Tôi nghĩ bọn tôi sinh trưởng trong một thế hệ mà mọi bí ẩn đều được che giấu bên dưới tấm thảm. Ai cũng vậy thôi, ta không bao giờ hiểu hết người khác khi tưởng mình đã rất rõ”.

Trên mạng xã hội, một loạt nhà văn cũng như nhà báo, bao gồm Lydia Kiesling, Brandon Taylor và Jiayang Fan, đã bày tỏ sự sốc và đau lòng trước tin tức này. Những người khác, bao gồm cả tiểu thuyết gia Rebecca Makkai, tự hỏi liệu có khả năng tách biệt được lối viết siêu việt của Munro, đôi khi khám phá những hoàn cảnh gia đình hỗn loạn và sự xa lánh đột ngột, khỏi hành vi đáng lo ngại của bà hay không.

Makkai cho biết trong một email: “Những tiết lộ này không chỉ ‘phá hủy’ di sản của Munro với tư cách là một con người, mà còn khiến những tác phẩm ấy khi được nhìn lại thì len lỏi trong đó là sự phản bội theo nghĩa nào đó. Với tôi, điều đó khiến cho những gì Munro viết ra trở nên khó cảm hơn bao giờ hết”.

Douglas Gibson - biên tập viên và nhà xuất bản lâu năm của Munro tại McClelland & Stewart - công ty hiện đã được Penguin Random House Canada tiếp quản, chia sẻ ông biết về sự xa lánh của Munro với con gái mình cũng như lí do dẫn đến rạn nứt vào năm 2005. Ông nói: "Vấn đề đã trở nên rõ ràng với vai trò đáng xấu hổ của Gerry Fremlin giờ đây đã được tiết lộ. Nhưng tôi không có gì để bổ sung thêm vào câu chuyện gia đình bi thảm này".

Robert Thacker, học giả văn chương, người đã xuất bản cuốn tiểu sử được ca ngợi về nữ nhà văn mang tên Alice Munro: Writing Her Lives cho biết ngay khi cuốn sách chuẩn bị xuất bản vào năm 2005, ông đã nhận được một email từ Skinner, mô tả về việc mình bị lạm dụng tình dục. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ cô ấy muốn tôi đưa nó vào cuốn sách. Nhưng khi đó nó đã hoàn thành, và tôi với tư cách một người viết tiểu sử văn học, không nên đi sâu vào chuyện gia đình tương đối cá nhân”.

Khoảng năm 2008, Thacker lại ngồi với Munro để phỏng vấn bà cho bản cập nhật của cuốn tiểu sử, khi ấy bà đã yêu cầu ông tắt máy ghi âm để có thể thảo luận về chuyện có liên quan đến Skinner. Ông nói. "Đây là một trong những điều buồn nhất trong cuộc đời bà ấy", Thacker nói, nhưng bản cập nhật cũng không nhắc đến vụ án nói trên.

Sheila Munro, chị gái của Skinner và là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2002 Lives of Mothers & Daughters: Growing Up With Alice Munro nói với tờ The Star rằng mặc dù gia đình cảm thấy việc chia sẻ câu chuyện của Skinner là quan trọng, nhưng cô không tin rằng những tiết lộ này sẽ làm giảm đi di sản văn học của bà. “Tôi vẫn cảm thấy bà là nhà văn vĩ đại, xứng đáng với giải Nobel. Bà đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nó, và bà ấy đã thể hiện tài năng và trí tưởng tượng tuyệt vời”.

Jessica Johnson, một nhà báo ở Canada chuyên đưa tin về thế giới văn học, cho biết một số người nổi tiếng - bao gồm cả những người nổi tiếng trong giới văn học - thường được quy cho là rất trong sáng. "Chúng ta sống trong thế giới mà những người nổi tiếng như Munro thường có xu hướng được coi là nguyên nhiễm. Nhưng bà ấy cũng là con người, và không một ai biết rõ người khác”.

TRIỀU GIANG theo The New York Times.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)