Benjamín Labatut: Tôi vui khi mọi người nói sách của tôi khiến họ hoảng loạn

Thứ Hai, 29/07/2024 11:28

Những cuốn sách hấp dẫn của nhà văn người Chile về vật lí lượng tử và lí thuyết trò chơi đã mang đến cho Labatut lượng người hâm mộ vô cùng cuồng nhiệt, từ những “quái nhân kiệt xuất” trong lĩnh vực của họ như Stephen Fry trong điện ảnh, Björk trong âm nhạc cho đến cựu tổng thống Mĩ Barack Obama.

“Tôi biết người ta cố tránh né nó”, Benjamín Labatut đã nói như thế khi nghe thấy những tóm tắt về sách của mình, chẳng hạn như đó là những tác phẩm có liên quan đến những người có trí thông minh siêu phàm đang giải quyết những vấn đề cực kì sâu sắc. Vì vậy ông đã chia sẻ điều cần quan tâm một cách thật sự phải là “Tại sao tôi lại để tâm đến những nhà khoa học điên rồ ấy?”

Nhà văn Benjamín Labatut

Cả 2 cuốn sách hiện đã xuất hiện bằng tiếng Anh của Labatut là When We Cease to Understand the World (2020) – tác phẩm lọt vào danh sách rút gọn của International Booker, và The Maniac - mới được xuất bản dưới dạng bìa mềm, đều đã tạo ra những tiếng vang lớn. Chúng đều xoay quanh thời điểm đó đầu thế kỉ 20, khi giấc mơ về sự hiểu biết một cách toàn diện thế giới này của con người đã bị đảo lộn. Đó là giai đoạn của vật lí lượng tử, của định lí bất toàn và hằng hà sa số những phát minh khác.

Giai đoạn đó cũng trùng với sự ra đời của kỉ nguyên nguyên tử và những đau khổ của toàn nhân loại được đính kèm theo. Những nhân vật mà Labatut bị thu hút là những người theo đuổi những khám phá này với cái giá phải trả là sự bình yên trong tâm trí cũng như là sự tỉnh táo của bản thân họ. Đó là Karl Schwarzschild - người đã tính toán về sự tồn tại của các lỗ đen, là Werner Heisenberg - người đã mất trí ở Helgoland sau khi đóng góp rất lớn cho cơ học lượng tử, là Alexander Grothendieck - thần đồng toán học với trí thông minh đáng kinh ngạc đã kết thúc những ngày tháng của mình ở dãy núi Pyrenees trong cơn say sưa về quỷ dữ...

Nói về những nhân vật này, Labatut cho biết “Giống như những nhà thần bí, họ đã đạt đến đỉnh cao trong ngành của mình nhưng vẫn nghe thấy lời Chúa thì thầm: ‘Có thứ gì đó… ở đằng sau đó’. Chúng ta có sinh và cũng có diệt, có cả mặt tốt cũng như mặt xấu. Đã bao lâu rồi – kể từ khi có cơ học lượng tử và thuyết tương đối hiện đại – 100 năm nhỉ? Điều trùng hợp Phúc âm cũng đã xuất hiện sau 1 thế kỉ Chúa bị đóng đinh. Vậy là chúng ta cũng đang trải qua sự tương đồng này”.

Trong The Maniac, với nhân vật chính là John von Neumann, Labatut đã tìm thấy thứ mà ông gọi là "tinh thần của thời đại chúng ta". Von Neumann đã bị cản trở bởi Gödel xoay quanh các cơ sở toán học thuần túy của mình. Ông là nhân vật trung tâm trong Dự án Manhattan – nơi Oppenheimer cũng đã tham gia để chế tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên của nước Mĩ - và ở nơi đó ông đã đặt ra cơ sở cho lý thuyết trò chơi và là một trong những “cha đẻ” của trí tuệ nhân tạo. Von Neumann cũng là một nhân vật có nhiều tham sân si hận, ông ích kỉ, đôi khi có vẻ vô đạo đức cũng như sở hữu thứ mà Labatut gọi là "trí thông minh lạnh lùng, tính toán, sắc sảo và sâu sắc".

Gặt hái được nhiều thành công trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha, Labatut đang bắt đầu thu hút sự chú ý ở tầm thế giới nhờ được đề cử ở giải Booker Quốc tế và sự “chứng thực” của cựu tổng thống Barack Obama. Khi được phỏng vấn, nam nhà văn này vừa mới tham gia một sự kiện sách với nam diễn viên Stephen Fry tại Hay Festival diễn ra ở Vương quốc Anh. Không như When We Cease to Understand the World được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, The Maniac là một thách thức, khi Labatut viết nó bằng chính tiếng Anh.

Khi được hỏi cuộc sống du hành xuyên lục địa thời thơ ấu có ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm không, Labatut nói: "Tôi ước đó là một điều thật sự đáng kể. Nhưng chẳng có câu chuyện nào kiểu đó cả. Bố tôi cật lực làm việc. Tôi sinh ra ở Hà Lan, sống ở đó cho đến khi được 2 tuổi, quay lại Chile ở tuổi lên 8, rồi chuyển về Hà Lan và ở đó cho đến khi khoảng 15, 16 tuổi. Nói cách khác, gia đình tôi liên tục di chuyển. Tôi lớn lên giữa Chile và Hà Lan, nói tiếng Anh – điều này thật kì lạ. Vì vậy, tôi không thực sự là người Chile, nhưng cũng không phải là người Hà Lan”.

Viết về chủ đề khoa học, nhiều người đã hỏi liệu vị nhà văn theo đuổi chủ đề của mình đến mức độ nào. Đáp lại thắc mắc nói trên, Labatut nói: “Tôi không thể dạy con gái 12 tuổi của mình toán học đơn giản. Tôi không biết gì về toán học cả. Nhưng tôi nghĩ tâm trí của một nhà văn hoạt động bằng sự đồng cảm chứ không phải là với sự hiểu biết”. Ông nói thêm: “Điều làm tôi thích thú nhất là những vấn đề vẫn còn bí ẩn, chưa được giải đáp. Trong các cuốn sách của mình, tôi thích mời gọi mọi người quay ngược thời gian để cùng tận hưởng kiểu niềm vui này [...] Tôi không phải là người suy nghĩ nghiêm túc. Tôi là một nhà văn, và trí thông minh của một nhà văn phải thật sống động, độc đáo. Nó phải mang theo cả sự mâu thuẫn. Nó phải làm sao để vừa chuyên nghiệp lại vừa nghiệp dư.”

Nói về phản ứng từ phía người đọc, Labatut khá kì lạ khi bác bỏ hầu hết những điều mà tiểu thuyết (kể cả tiểu thuyết của mình) đã làm rất tốt. Ví dụ, khi được khen là đã nắm bắt được cách nói năng mà nhân vật thường dùng trong thực tế, nhà văn Chile chỉ nói đơn giản: “Tôi không quan tâm. Và tôi cũng không nghĩ mình giỏi về điều đó. Hầu hết những gì mọi người coi một tác phẩm văn chương tuyệt vời thường phải bao hàm đó là giọng văn và tính cách nhân vật, thế nhưng đó không phải là điều mà tôi chú ý. Với tôi, điều quan trọng nhất đó là ý tưởng của mình phải được truyền tải một cách hoàn hảo.”

Hai cuốn sách làm nên tên tuổi của Benjamín Labatut

Đối với những sự so sánh bản thân với các nhà văn viết "tiểu thuyết phi hư cấu” cũng như tự truyện, Labatut cho đó là những nhận định không mấy chính xác. Văn chương của tác giả này có phần tương tự Tom McCarthy hơn là Rachel Cusk hay Karl Ove Knausgård. Nói về điều này, Labatut nhớ đến Robert Bolaño – một vĩ nhân văn chương khác của Chile – người đã từng viết rằng khi một tiểu thuyết gia đặt bút viết "tôi" thì bạn biết họ đang nói dối đấy. Ông nói: “Nếu anh là một kẻ giết người hàng loạt, hoặc, giống như, một thám tử ở Mexico City, khi ấy hãy viết tiểu thuyết có tính tự truyện. Còn nếu là gái mại dâm được trả phí cao nhất thế giới này thì cũng hãy làm điều đó... Nhưng tôi không phải là những người này.”

Phần kết của The Maniac mô tả - gần giống như bản tường thuật thể thao - chiến thắng của AI trước một nhà vô địch con người trong trò chơi cờ vây. Sự trỗi dậy của AI là di sản của Von Neumann và Labatut hoàn toàn không đồng ý rằng nó được thêm vào chỉ để hút khách. Ông nói: “Khi bạn có một hệ thống toán học có thể chạy trên ngôn ngữ, bạn có hai thứ mạnh mẽ nhất mà con người chúng ta đã từng phát triển: toán học và ngôn ngữ. Tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn đang ở bờ vực của một điều gì đó, nếu không muốn nói là đã vượt qua bờ vực. Tôi nghĩ rằng thảm họa AI đầu tiên là điều không thể tránh khỏi.”

Ông nói thêm: “Lời khen tuyệt vời nhất mà tôi nhận được cho đến ngày nay vẫn là khi mọi người nói với tôi rằng cuốn sách của tôi khiến họ hoảng loạn, cảm thấy tệ hại hoặc thậm chí là không thể đọc nổi. Và đó là khi tôi biết mình đã truyền tải một cách thành công các ý tưởng mà bản thân mong đợi”.

THUẬN PHÁT dịch từ bài viết của The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)