Trong khi tiểu thuyết lãng mạn vẫn đang bùng nổ ở thị trường Mĩ, thì Hiệp hội các nhà văn lãng mạn Romance Writers of America (RWA) lại nộp đơn xin phá sản. Điều gì đứng sau câu chuyện tưởng chừng là nghịch lí này?
Tiểu thuyết lãng mạn vẫn đang thống trị danh sách bán chạy nhất, trong khi số lượng hiệu sách dành riêng cho nó cũng đang tăng lên. Có thể nói các nhà văn lãng mạn, những người thường tự xuất bản và có lượng người hâm mộ trung thành, đã và đang thay đổi động lực lâu đời của ngành xuất bản Hoa Kì.
Bộ sách lãng mạn Bridgerton đang làm mưa làm gió với phim chuyển thể
Tuy nhiên, ngay cả khi thể loại này đang đạt đến những đỉnh cao mới, thì Romance Writers of America, một nhóm tự gọi mình là “tiếng nói” của các nhà văn viết truyện lãng mạn, đã phải chịu sự sụt giảm mạnh về số lượng thành viên khi 80% hội viên đã rút khỏi tổ chức chỉ trong 5 năm qua. Mới đây, họ đã nộp đơn xin phá sản.
Được biết sự sụp đổ của tổ chức này diễn ra sau những cáo buộc nội bộ về phân biệt đối xử và loại trừ - những vấn đề mang tính hệ thống đã chia rẽ tổ chức trong nhiều thập kỉ. Christine Larson - tác giả của cuốn Love In The Time of Self-Publishing: How Romance Writers Changed the Rules of Writing and Success (Tình yêu trong thời đại tự xuất bản: Các nhà văn lãng mạn đã thay đổi các quy tắc viết và thành công như thế nào?) - cho rằng sự sụp đổ ấy là vì “nền tảng chung nhất của hội nhóm này đã bị phá vỡ. Khi bạn đứng trên đỉnh cao của ngành xuất bản, bạn sẽ không nhìn thấy hoặc không quan tâm đến nhu cầu của những người bị thiệt thòi nữa.”
Hồ sơ phá sản được nộp vào ngày 29/5 vừa qua, nêu bật lí do sụt giảm số lượng thành viên là do "tranh chấp liên quan đến các vấn đề đa dạng, công bằng và hòa nhập giữa một số thành viên của ban quản trị RWA trước đây và những người khác trong cộng đồng viết tiểu thuyết lãng mạn nói chung”. Khi được báo chí liên hệ, ban lãnh đạo hiện tại của tổ chức không trả lời thêm dù nhiều lần được yêu cầu bình luận.
Kể từ khi thành lập vào năm 1980, RWA đã trở thành trung tâm của một phong trào hỗ trợ các nhà văn và nâng cao vị thế của thể loại lãng mạn. Nó đã tập hợp những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho các tác giả đang làm việc với những “gã khổng lồ” trong ngành như Harlequin (trong nhiều năm đã yêu cầu các tác giả phải viết dưới bút danh do Harlequin sở hữu) và sau đó là trang bán lẻ Amazon.
Sự kiện quan trọng nhất của RWA là hội nghị thường niên và lễ trao giải thu hút các biên tập viên, đại lí bản quyền và chuyên gia quan hệ công chúng, cũng như đại diện từ các nhà xuất bản và hiệu sách lớn nhất trong ngành. Buổi dạ tiệc thường niên là sự kiện hoành tráng không thể bỏ qua. Năm nay sự kiện nói trên dự kiến diễn ra vào ngày 31/7 tại Austin, Texas, nhưng đã nhanh chóng bị hủy và được lên lịch thêm một lần nữa vào tháng 10 tới.
Tổ chức này hoạt động để mang lại uy tín cho một nhóm nhỏ các nhà văn - hầu hết là phụ nữ, viết cho phụ nữ - những người đã bị hạ thấp kể từ ít nhất là thời của Nathaniel Hawthorne, người nổi tiếng với lời phàn nàn về "bọn phụ nữ viết lách đáng nguyền rủa" mà ông cho là đã hạ bệ nghề nghiệp mà mình yêu quý. Nhóm này bao gồm một số nhà văn nổi tiếng nhất trong ngành, bao gồm thành viên sáng lập Nora Roberts và Julia Quinn – tác giả của loạt tiểu thuyết Bridgerton đang được chuyển thể truyền hình và tạo nên cơn sốt lớn. Vào thời kì đỉnh cao, nhóm này có hơn 10.000 thành viên.
Theo đó, chính sách chào đón các nhà văn dẫu chưa được xuất bản với tư cách là các thành viên chính thức của tổ chức chính là lí do khiến nó từng thu hút rất nhiều tác giả tham vọng. Đây là điều luật duy nhất mà chỉ RWA mới có, nếu so với những hội nhóm văn chương khác. LaQuette Holmes, một nhà văn và cựu chủ tịch của RWA, cho biết: “Nghiệp vụ của tôi hoàn toàn được cải thiện nhờ mối quan hệ với các cây bút lão luyện. Ngay cả ngày nay, tôi vẫn thường gọi cho các tác giả bán chạy nhất của tờ The New York Times và nói: ‘Này cô gái ơi, tôi hơi bế tắc ở chương sách này, cô có thể đọc nó và cho tôi biết điều gì còn thiếu không?’”
Tuy nhiên, khi Holmes gia nhập chi nhánh New York của tổ chức này vào năm 2015, cô thấy mình là "một trong số rất ít người da đen ở đây”. Nữ tác giả chia sẻ: “Thành thật mà nói tôi đã được chào đón vô cùng nồng nhiệt. Nhưng ngay cả khi mọi người tỏ ra hồ hởi, họ vẫn không thực sự hiểu được hoàn cảnh khó khăn của tôi với tư cách là một phụ nữ da đen viết về phụ nữ da đen trong tiểu thuyết lãng mạn. Họ không thực sự hiểu rằng các nhà xuất bản không quan tâm đến những tác phẩm như của tôi, hoặc những nhân vật do tôi sáng tạo ra.”
Những người tham dự nhảy múa trong hội nghị Romance Writers of America vào năm 2012
Larson cho biết mặc dù biên tập viên da đen nổi tiếng Vivian Stephens là một trong những người đồng sáng lập RWA, nhưng tổ chức này đã phải vật lộn với các vấn đề về hòa nhập trong giới xuất bản cũng như trong hàng ngũ của mình trong suốt lịch sử 4 thập kỉ qua. Bà cho biết vào năm 2005, một nhóm nhỏ trong nhóm đã thúc đẩy việc định nghĩa tình yêu lãng mạn chỉ diễn ra giữa "một người đàn ông và một người phụ nữ", đồng thời nói thêm rằng "nhiều thành viên RWA thấy rằng điều đó hoàn toàn sai trái và đã có một sự phản đối dữ dội".
Vấn đề của RWA cũng là đặc hữu trong ngành xuất bản. Trong nhiều năm qua, các thành viên, đặc biệt là phụ nữ da màu, đã vận động các hiệu sách đưa các tác phẩm lãng mạn của các nhà văn da màu vào mục tiểu thuyết lãng mạn, thay vì đưa chúng vào các mục riêng dành cho tiểu thuyết của người Mĩ gốc Phi. Vào tháng 12/2019, mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi hội đồng quản trị kỉ luật Courtney Milan - tác giả người Mĩ gốc Hoa, thành viên lâu năm của tổ chức - và cấm cô đảm nhiệm mọi vị trí lãnh đạo trong tương lai. (Lệnh này sau đó được hủy bỏ chỉ trong vài ngày nhưng Milan đã không quay lại tổ chức.)
Milan từ lâu đã ủng hộ sự đa dạng trong RWA, giành được giải thưởng cho các tác phẩm về việc đề cao sự đa dạng của mình. Nhưng khi cô gọi cuốn tiểu thuyết Somewhere Lies the Moon ra mắt vào năm 1999 là "mớ hỗn độn phân biệt chủng tộc" đầy rẫy những khuôn mẫu về phụ nữ Trung Quốc "khiến những người phụ nữ như tôi bị tấn công và quấy rối", thì tác giả của cuốn sách - Kathryn Lynn Davis - đã đệ đơn khiếu nại Milan lên tổ chức, cáo buộc cô bắt nạt trên mạng và tuyên bố mình đã mất hợp đồng xuất bản 3 cuốn sách vì các bài đăng của Milan.
Một thành viên khác của nhóm, Suzan Tisdale, cũng đã nộp đơn khiếu nại chính thức chống lại Milan, ví vị trí của cô trong ủy ban đạo đức giống như “một tên tân Quốc xã phụ trách ủy ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc”. Milan cho biết cô cảm thấy mình như "kẻ chịu tội cho mọi thứ liên quan đến sự đa dạng".
Larson cho biết nhiều người trong lĩnh vực này coi việc Milan bị loại trừ là hành động trả đũa "vì cô là người ủng hộ sự đa dạng một cách mạnh mẽ". Hashtag #IStandwithCourtney đã lan truyền và được ủng hộ trong suốt một thời gian dài. Ở thời điểm đó đó, các thành viên đã xin ra khỏi tổ chức hàng loạt, lễ trao giải năm 2020 cũng bị hủy bỏ khi các nhà tài trợ và nhà xuất bản lớn cắt đứt quan hệ với tổ chức này.
Cuối cùng, Davis đã rút lại những tuyên bố của mình, và một cuộc kiểm toán độc lập đã phát hiện ra rằng quyết định sa thải Milan của hội đồng quản trị là "vô lí" và dựa trên "những thiếu sót trong chính sách và qui trình của RWA". Nhưng thiệt hại là không thể khắc phục được, và chỉ trong vòng vài tháng, toàn bộ 19 thành viên trong hội đồng quản trị của RWA đã từ chức.
Những sai lầm khác của tổ chức này cũng nối tiếp sau đó, bao gồm việc trao giải thưởng vào năm 2021 cho một câu chuyện tình lãng mạn miền viễn Tây mà người anh hùng da trắng tìm thấy tình yêu sau khi tham gia vào cuộc thảm sát những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Lakota bản địa tại trận chiến Wounded Knee. Giải thưởng sau đó cũng nhanh chóng bị hủy bỏ.
Ngày nay, nhóm có khoảng 2.000 thành viên cũng như phải gánh khoản nợ 3 triệu USD tiền hợp đồng đã kí với các khách sạn cho các hội nghị thường niên trước đây của mình. Bất chấp số lượng thành viên của nhóm giảm đi, Holmes vẫn hi vọng vào tương lai và cho biết tổ chức đã thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề đa dạng và hòa nhập khi giờ đây nó đã trở thành yếu tố quan trọng trong cách tổ chức duy trì hoạt động.
TRIỀU DƯƠNG dịch từ The New York Times
VNQD