Cùng với Natsume Soseki, Mori Ogai là tác gia góp phần đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Nhật Bản. Vừa là một văn sĩ, vừa là một y sĩ du học Tây phương, văn chương Mori Ogai gãy gọn, khúc chiết mà vẫn rất mực “điềm đạm”, thâm trầm khi ông khắc họa lên trang văn những dang dở của bao con người tài hoa mà số phận bọt bèo. Truyện ngắn của ông như thế, và tiểu thuyết Nhạn của ông cũng vậy.
Nơi con dốc Vô Duyên có nàng Otama xinh đẹp phải trở thành thiếp, vợ hờ của Suezo, một kẻ cho vay nặng lãi lõi đời vì ước nguyện mong người cha đã nuôi nấng nàng từ thời thơ ấu khi nàng mất mẹ, qua cảnh túng quẫn. Trải thời gian, nàng Otama trong trẻo, thơ ngây ngày nào đã trở thành người đàn bà dạn dĩ trước miệng lưỡi thế gian cùng mối quan hệ vợ chồng với Suezo. Cho đến ngày gặp chàng sinh viên Okada, trái tim nàng Otama những tưởng đã trở nên vô cảm, lạnh giá, lần đầu đập lên những rung động, khao khát ấm nóng, mãnh liệt của tình yêu.
Con dốc Vô Duyên
Đây là một địa danh có thật được văn hào Mori Ogai đưa vào tác phẩm và trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng. Bởi chừng như, mọi tình tiết, sự kiện, những mối nhân duyên, cả những đổi thay, sự trưởng thành, bao mâu thuẫn, rạn vỡ, để rồi tất thảy dở dang, đều xảy đến ở nơi đây.
Con dốc Vô Duyên, địa điểm nàng Otama chuyển từ không gian sống bên người cha tới không gian sống bên gã chồng hờ làm nghề cho vay nặng lãi. Nơi đánh dấu việc nàng Otama xinh đẹp đón nhận cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất song thiếu thốn về mặt tình cảm. Chịu cảnh cá chậu chim lồng, nàng đắn đo đủ thứ, cân nhắc đủ điều, đối mặt với đủ mọi bẽ bàng thân phận trước ánh nhìn người đời. Trải thời gian, nàng Otama “trưởng thành” nên một người phụ nữ dạn dĩ tới mức gần như tê liệt cảm xúc hay bởi nàng đã biết cách giấu kín tâm tư, tình cảm tận sâu sau gương mặt như đã khoác lên lớp mặt nạ của một người con gái hạnh phúc, một người vợ cam chịu.
Con dốc Vô Duyên, nơi vợ Suezo đã thấy người thiếp của chồng nhưng người thiếp đó lại không biết rằng đã bị cô nhìn thấy. Những tủi hổ, ê chề mà người phụ nữ lấy chồng và dành trọn tâm tư bên chồng, bên con kể từ khi hắn vẫn còn trong cơn bĩ cực hiện hình rõ hơn bao giờ hết. Giữa một bên được yêu chiều, một bên thì tới một tấm áo kimono mới cũng không thể có. “Vô duyên” khi hai người phụ nữ chẳng hề chạm mặt mà lại hết sức hữu duyên tại giao điểm, họ đều là kiếp phận phụ nữ mang theo những nỗi tủi hổ mà như chẳng thể sẻ chia với ai, chỉ có thể nuốt ngược vào trong, bởi người họ gọi là “chồng”, là “phu quân” kia sao hiểu được đây.
Con dốc Vô Duyên, nơi chàng Okada đã bị hút vào bóng dáng nàng Otama. Từ những giao tiếp thoáng qua, mơ hồ chàng sinh viên với người phụ nữ bên ô cửa sổ tại con dốc đó, người phụ nữ có tên Otama hiểu thế nào là rung cảm, là sự khao khát yêu thương. Bởi người phụ nữ bị trao qua tay những gã đàn ông bại hoại, chừng như lần đầu cảm nhận được, sự dịu dàng, trân trọng con người nàng từ phía một chàng sinh viên xa lạ.
Song cuối cùng, tất thảy vẫn chỉ là “vô duyên”, là tiếc nuối vô tận của người phụ nữ cả tâm hồn lẫn cảm xúc, đang dần bị bào mòn theo thời gian. “Sự hối tiếc” đã bị hàm răng của “thời gian” hôm qua hôm nay bào mòn góc cạnh rồi được rửa đi bằng nước “cam chịu” nên đã phai màu giờ lại hiện lên trong tâm tư nàng với đầy đủ góc cạnh và màu sắc tươi mới.”
Vậy nên, Vô Duyên là địa danh hữu hình mà cũng là biểu tượng vô hình cho những dang dở là thế. Vô duyên và vô phận.
Tôi
Nhạn là một tiểu thuyết có kết cấu, ngôi kể và điểm nhìn trần thuật khá đặc biệt. Tác phẩm gồm 24 chương không có tiêu đề được dẫn dắt theo ngôi kể thứ nhất. Người kể chuyện xưng “tôi” đóng vai trò như một kí giả ghi chép lại các sự kiện xảy đến trên con dốc Vô Duyên, trước và trong khoảng thời gian nàng Otama chuyển tới, khi nàng Otama gặp gỡ chàng sinh viên Okada cùng câu chuyện về một phần cuộc đời những con người gắn liền với con dốc Vô Duyên đó. Cho nên, ngôi kể là ngôi thứ nhất nhưng điểm nhìn trần thuật lại liên tục có sự dịch chuyển theo một nửa là về phía chàng Okada, một nửa là về phía nàng Otama.
Cũng vì thế, dẫu mang hình thức một tiểu thuyết được tạo dựng từ ngôi kể thứ nhất, nhưng nhân vật “tôi” lại như đứng trên góc độ của ngôi kể thứ ba, điểm nhìn toàn tri tái hiện câu chuyện, năm tháng đi qua trên con dốc Vô Duyên. “Tôi” là bạn cùng khu trọ, cũng là đàn anh ở trường y với chàng Okada. “Tôi” chia sẻ cùng chàng sở thích văn chương, hai người sinh viên trao tay nhau cuốn sách văn học mà Kim Bình Mai chính là cầu nối đầu tiên, nối kết họ. Để rồi sau này, “tôi” trở thành nơi gửi gắm nỗi ưu tư của thứ tình cảm mong manh, mơ hồ chàng sinh viên y khoa hướng đến người phụ nữ xa lạ ở cửa sổ trong căn nhà nằm trên con dốc Vô Duyên.
Và sau khi chàng sinh viên Okada đã rời Nhật Bản, lên đường sang nước Đức tu nghiệp, “tôi” lại là người lắng nghe, ghi chép quãng đời nàng Otama, những tháng năm trước và trong khi nàng đặt chân đến con dốc Vô Duyên. “Tôi” khẳng định anh không phải người tiếp nối mối cảm tình dở dang mà người bạn thân của anh để lại. Nhưng chắc chắn một điều rằng, dưới ngòi bút của “tôi”, dáng hình nàng Otama ở con dốc Vô Duyên đã hiện lên trọn vẹn. Từ khi nàng còn trong sáng, ôm nỗi dè chừng, bẽ bàng trước ánh nhìn người đời đến khi nàng dạn dày sương gió đến nỗi, nàng đã điềm nhiên mà sống trước sự khinh miệt của những người xung quanh. Cả dũng khí nàng có được trong thời khắc nàng khao khát được sống cho tình cảm bản thân.
“Tôi” là người ghi chép lại câu chuyện, đứng từ điểm nhìn của hai người bạn mà chắp bút lên tác phẩm “giống như hai mảnh trái phải của một bức tranh dưới kính thực thể cùng phản chiếu một ảnh tượng.” “Tôi” cũng là một nhân vật trực tiếp xuất hiện, tham gia vào nhiều sự kiện trong câu chuyện đó. Và “tôi” còn đóng vai trò như một người nối kết tác phẩm với độc giả khi có những câu văn, như sự đối thoại trực tiếp của “tôi” cùng người đọc vậy.
Sự phức tạp trong hình tượng nhân vật “tôi”, trong hiện hình “cái tôi” trên trang văn tiểu thuyết Nhạn khiến cho tác phẩm này của văn hào Mori Ogai thực sự như một lăng kính “thực thể”, soi chiếu những khía cạnh đa chiều khác nhau. Và đây chẳng phải là biểu hiện tính hiện đại trong văn chương Mori Ogai hay sao?
Nhạn
Nhạn - 雁 là một loài chim thuộc chi ngỗng - 雁属 và còn được biết đến như một loài ngỗng trời. Chim nhạn được tác gia Mori Ogai đưa lên trang văn và trở thành tựa đề cho cuốn tiểu thuyết 24 chương này của ông song dáng hình loài chim này chỉ thật sự hiện lên ở những trang truyện cuối cùng. Khi theo lời bạn, chàng sinh viên Okada đã ném một viên đá đến giữa hồ nơi những con ngỗng trời đang nghỉ ngơi. Một con đã gục xuống, trở thành món mồi cho anh chàng Ishihara, sinh viên cùng trường với họ, thu về với lời hứa hẹn “một bữa” tới Okada và “tôi.”
Tuy nhiên, “nhạn”, tựa con dốc Vô Duyên, sớm đã trở thành dạng hình ảnh mang tính biểu tượng phủ trùm đôi cánh lên toàn thiên tiểu thuyết. Trước hết, biểu tượng này như gợi tới tích Tô Vũ bị đày, phải buộc thư vào chân chim nhạn để nhắn tin về cho vua Hán ở trong Hán ngữ. Khi trong những dang dở nàng Otama đã không thể thực hiện, có bức thư nàng muốn gửi cho chàng Okada. Một bức thư là lời cảm ơn bình thường vì chàng đã giúp nàng thoát khỏi con rắn nước, đính kèm danh thiếp cá nhân. Những dự định nàng Otama ấp ủ với bức thư ấy, đã đi vào tận giấc mơ của nàng. Một giấc mơ cũng đầy dở dang, nuối tiếc. Và có lẽ, các tác phẩm văn chương chàng Okada đã đọc, truyện Nàng Tiểu Thanh hay tiểu thuyết Kim Bình Mai liên tục trở đi trở lại, cũng như một dạng “thư tín” ngầm báo hiệu cho mối cảm tình của chàng với người phụ nữ trên con dốc Vô Duyên, cả số phận éo le nàng Otama xinh đẹp phải gánh chịu chăng?
Để rồi, khi tự tay Okada vô tình giết chết con nhạn trên sông vắng đã như trở thành lời kết cho đoạn cảm tình sớm nở chóng tàn này. “Gương mặt người phụ nữ ngưng đọng như đá. Và trong đáy mắt đang mở to đó, dường như có ẩn chứa một nỗi niềm tiếc nuối vô hạn.”
Okada như cánh nhạn bay về cuối chân trời. Otama như cánh nhạn mòn mõi ở lại, tâm hồn và thể xác tiếp tục bị bào mòn trong căn nhà chất chứa u uẩn với những công việc mỗi ngày nàng lặp đi lặp lại, vô hồn.
Cả cuốn tiểu thuyết vốn đã chất chứa quá nhiều hình ảnh ngầm dự báo về những sóng gió, vụn vỡ. Và rồi, hết thảy như thu lại nơi cánh “nhạn”, trong bóng người mờ nhòe dưới ánh chiều nhập nhoạng mà trở thành tiêu đề cho cả tác phẩm vậy.
MỌT MỌT
VNQD