Vì sao phê bình quan trọng?

Thứ Hai, 26/08/2024 14:15

Adam Kirsch sinh năm 1976, là nhà thơ và nhà phê bình văn học người Mĩ. Ông đã xuất bản hai tập thơ và viết nhiều bài phê bình về các tác phẩm văn học nổi tiếng. Hiện tại Adam Kirsch làm việc tại Đại học Columbia.

****************

Ba năm trước, Cynthia Ozick đăng một tiểu luận trên tạp chí Harper’s, than thở về sự thoái trào của phê bình, điều mà bà lập luận là làm nghèo chính văn chương. Không có cái “ý thức mà chỉ một cơ sở hạ tầng phê bình mới có thể đem lại,” Ozick viết, thì độc giả và nhà văn tất yếu lâm vào cảnh ông nói gà bà nói vịt, hay huyên thuyên; cần một đoàn nhà phê bình có ảnh hưởng để kết hợp các phản ứng cá nhân vào một thảo luận chung. Thật vậy, nhà văn và nhà phê bình xuất sắc này kết luận, “Phê bình cao cấp (superior criticism) không chỉ hợp nhất và diễn giải một nền văn hóa văn chương mà còn có sức mạnh hình dung nó vào hiện hữu.” Để biết mình thiếu gì, chúng ta chỉ cần so sánh thời đại của mình với những thập niên hậu chiến “khi Lionel Trilling thắng thế ở Columbia,” và “Edmund Wilson, Irving Howe, và Alfred Kazin làm sống lại các tập san.”

Có chút hài hước ảm đạm khi trở lại tiểu luận của Kazin về phê bình - viết năm 1960, khi những người khổng lồ của Ozick còn bước đi trên mặt đất - và đọc về “sự thiếu vắng tiếng vọng đối với tác phẩm của chúng ta, sự bất định của hồi đáp, sự rối rắm của những thuật ngữ cơ bản mà chúng ta quan tâm.” Đó có vẻ là trường hợp “chưa phải tồi tệ nhất/ Miễn là ta còn có thể nói, ‘Thế này là tồi tệ nhất rồi.’”(1) Cái với Kazin trông như một sự thoái hóa, nền văn hóa văn chương phân hóa với chúng ta lại trông như một thời hoàng kim. (Như một nhà phê bình vĩ đại khác, Randall Jarrell, từng nói, trong thời hoàng kim người ta than mọi thứ trông thật vàng vọt.)

Nếu bạn đang làm thơ, hay thậm chí viết tiểu thuyết, phản ứng tốt nhất với “sự thiếu vắng tiếng vọng” có lẽ là sự thờ ơ. Những tiếng vọng mà tác phẩm sáng tạo gợi lên nói chung thường quá thầm lặng và nội tâm để được đo bằng các chỉ số như doanh số bán hàng. Mọi thứ có phần khác biệt đối với một nhà phê bình, vì nhà phê bình nhất định phải ý thức hơn nhà văn về ý chí của riêng mình, về cái mà anh ta muốn diễn ra trên thế giới như kết quả của tác phẩm của mình. Như Kazin nói, “Anh ta viết để thuyết phục, lập luận, củng cố luận cứ của mình.”

Nhưng nếu đây là mục đích duy nhất của nhà phê bình thì ý chí của anh ta sẽ chỉ đơn thuần là ý chí quyền lực (will to power). Và nhà phê bình nào viết chủ yếu vì ý chí quyền lực (họ có tồn tại; họ có thể nêu tên) thì không bao giờ là nhà phê bình vĩ đại, hay tồn tại dài lâu. Càng ngày tôi càng cảm thấy lập luận chỉ là hình thức của phê bình, không phải nội dung, cũng như đưa ra đánh giá về một cuốn sách nào đó chỉ là dịp cớ của phê bình, không phải mục đích. Tốt hơn - chắc chắn đối với nhà phê bình thì tốt hơn - là không coi phê bình như một phương tiện để khiến các thứ diễn ra, để thưởng và phạt, hay để trở thành cái mà Kazin gọi là một “thế lực.” Nhà phê bình tham gia vào thế giới văn chương không phải với tư cách một nhà làm luật hay trưởng nhóm của một trường phái viết lách này kia, mà với tư cách một người viết, một đồng nghiệp của nhà thơ và nhà văn. Nhà văn diễn giải kinh nghiệm thông qua phương tiện là cốt truyện và nhân vật, nhà thơ thông qua nhịp điệu và ẩn dụ, và nhà phê bình thông qua các văn bản khác.

Đây là định nghĩa của tôi về “phê bình nghiêm túc” (serious criticism), và tôi nghĩ ngày nay về cơ bản nó cũng giống như 50 năm trước: nhà phê bình nghiêm túc là nhà phê bình nói lên được điều gì đó đúng đắn về cuộc đời và thế giới. Ý chí của nhà phê bình không phải là ý chí vươn tới quyền lực, mà là ý chí vươn tới thấu hiểu bản thân, biểu đạt bản thân, chân lí. Một bài điểm sách của Edmund Wilson trên tờ The New Yorker có thể từng có khả năng đưa doanh số bán hàng của một cuốn sách lên cao hoặc xuống thấp, nhưng đấy không phải là lí do chúng ta tiếp tục đọc The Wound and the Bow. Lionel Trilling chưa bao giờ có sức mạnh thực tế ấy, nhưng điều đó không ngăn chúng ta tiếp tục đọc The Opposing Self. Đó là những cuốn phê bình kinh điển vì mỗi cuốn đều cho thấy một tâm trí giải quyết những câu hỏi của riêng mình - về tâm lí học, xã hội, chính trị, đạo đức - thông qua việc đọc. Theo ý nghĩa này, Wilson và Trilling và các nhà phê bình khác thuộc truyền thống của họ, trong đó Frank Kermode có lẽ là gương mặt cuối cùng, cho chúng ta thấy đọc có thể là gì: một cách tạo nên bản ngã của một người, tâm hồn của một người.

Đương nhiên, đây là một lí tưởng. Đa phần, phụ thuộc vào kiểu bài mà cô ta viết, nhà phê bình cũng có những trách nhiệm khác. Cô ta là nhà báo: một bài điểm sách là, một phần, một câu chuyện tin tức về một cuốn sách mới và nó quan trọng vì sao. Cô ta là nhà bảo vệ người tiêu dùng, cho độc giả đủ thông tin để quyết định có mua cuốn sách hay không. Có lúc - như chúng ta thấy gần đây trong cuộc thảo luận về cuốn Freedom của Jonathan Franzen - cô ta là nhà bình luận xã hội, cố gắng xác định xem thành công (hay thất bại) của một cuốn sách nào đó thì nói lên điều gì về nước Mĩ nói chung, cách sống hay nghĩ hay tưởng tượng của một dân tộc.

Bằng cách này, vai trò của nhà phê bình có thể bước vào vai trò của nhà trí thức cộng đồng, và đương nhiên nhiều nhà phê bình vĩ đại cũng là những trí thức. (Có rất nhiều nhà văn và nhà thơ như vậy - hãy nhìn vào George Eliot và T. S. Eliot.) Trilling viết về Jane Austen, nhưng cũng viết về Báo cáo của Kinsey; Kazin viết về Blake, nhưng cũng viết về John F. Kennedy. Kiểu mở rộng phạm vi của phê bình này là điều tự nhiên, vì nghĩ về văn chương rốt cuộc cũng là nghĩ về xã hội và chính trị. Đối với Matthew Arnold, việc những người cùng thời với ông không thể viết bằng cái mà ông gọi là “đại văn phong” (grand style) đã dẫn ông đến một phê phán chung về xã hội Victoria, mà ông xem là một xã hội nghiện chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vị lợi.

Tôi không chắc ngày nay còn có ai viết kiểu phê bình này hay không - chắc chắn, những nhà phê bình văn học được ngưỡng mộ nhất thì không - và lí do dẫn đến điều này có lẽ là lí do mà Kazin đã viện ra: “giả định ngày càng lớn rằng văn chương không thể ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta, rằng tương lai nằm trong những bàn tay khác.” Bước phát triển này, với những khởi đầu mà ông đã thấy từ 50 năm trước, giờ đây đã diễn ra. Khó mà lấy lại được ý nghĩa cũ, ý nghĩa mà Arnold đã có, rằng nhà phê bình văn học là nhà phê bình xuất sắc nhất, rằng nghiên cứu văn chương cho ta điểm thuận lợi nhất để từ đó hiểu được toàn bộ một xã hội.

Có lẽ việc phê bình mất đi tính trung tâm này đã khiến tôi có khuynh hướng riêng là đặt trọng tâm trong cụm từ “phê bình văn học” lên từ thứ hai mà không phải là từ thứ nhất. Nếu bạn quan tâm chủ yếu đến việc viết, thì bạn không cần một cảm giác rõ ràng hay tức thời về đối tượng độc giả của mình: bạn viết cho một độc giả lí tưởng, cho bản thân mình, cho Chúa, hoặc cho cả ba kết hợp lại. Mặt khác, nếu bạn muốn phê bình trở thành đòn bẩy để nâng trái đất lên, thì bạn cần biết chính xác mình đang đứng ở đâu - cụ thể là, có bao nhiêu người đang đọc, và họ có đúng là những người cần đọc hay không. Tóm lại, bạn phải tính đến việc tiếp cận một “nhóm độc giả nói chung,” với tất cả những nỗi lo lắng liên quan, về sự phân mảnh, sự suy thoái của ngành in ấn, và sự trỗi dậy của Internet cùng với những tiểu nhóm tinh thần của nó.

Giống như mọi người, tôi vẫn tự hỏi rằng liệu một nhóm độc giả nói chung, tạo nên từ những người mà Virginia Woolf gọi là “độc giả phổ thông,” còn tồn tại hay không. Nếu còn thì độc giả của mục Book Review trên tờ The New York Times có lẽ chính là họ. Nhưng so với khán giả của một bộ phim mới hay người chơi của một trò điện tử mới, hoặc so với toàn bộ dân số, thì ngay cả mục Book Review cũng chỉ chạm đến một nhóm độc giả rất nhỏ. Có lẽ sự khác biệt duy nhất giữa tình hình của chúng ta với tình hình của Arnold là ở nước Anh thời Victoria, nhóm người quan tâm đến văn chương đồng thời cũng tạo nên giai cấp cầm quyền, trong khi ở nước Mĩ dân chủ thời truyền thông đại chúng, hai nhóm này gần như không chồng lấn lên nhau.

Sự thay đổi vị thế này lấy đi điều gì trong sự tự tin và thẩm quyền của nhà phê bình, có lẽ nó trả lại anh ta trong sự liêm chính và tự do. Hoặc có thể chỉ là, bản thân là một nhà thơ, tôi đã quá quen với việc biện hộ cho tính ngoài lề của một kiểu viết mà tôi vẫn tiếp tục cảm thấy là quan trọng. Dù làm thơ hay văn xuôi, tôi vẫn cố tin rằng điều quan trọng không phải là triển khai ảnh hưởng hay sức mạnh, mà là viết tốt - tức là viết một cách trung thực và đẹp đẽ; và rằng có lẽ, nếu bạn tìm đến chân lí và vẻ đẹp, thì mọi thứ còn lại sẽ được bù đắp vào cho bạn(2).

Biên dịch: TRAM NGUYEN. Hiệu đính: NGUYỄN HUY HOÀNG

--------

1. William Shakespeare, King Lear, Act 4, Scene 1.

2. Câu này tác giả phỏng theo Phúc âm Matthew 6:33, “But seek ye first the Kingdom of God and His righteousness, and all these things shall be added unto you.”

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)