Tommy Orange được chọn là nhà văn tiếp theo của “Thư viện Tương lai”

Thứ Sáu, 23/08/2024 00:56

Tiểu thuyết gia được đề cử giải Pulitzer cho Không nhà và có tác phẩm mới Wandering Stars sẽ viết một bản thảo không được xuất bản trong vòng 90 năm tới.

Bằng điều này, Orange đã chính thức ghi tên mình như nhà văn thứ 11 của chương trình Thư viện tương lai. Bắt đầu vào năm 2014, chương trình dự kiến có sự góp mặt của 100 tiếng nói đương đại nổi tiếng nhất thế giới với những tác phẩm mà họ đóng góp và sẽ được in trên giấy làm từ những chính những thân cây do nghệ sĩ Katie Paterson vun trồng. Đặc biệt các tác phẩm này đều là bí mật và chỉ được đọc 100 năm sau.

Tiểu thuyết gia Tommy Orange

Thông tin trên được công bố trong một sự kiện tại Lễ hội Sách quốc tế Edinburgh. Paterson cho biết tác phẩm của Orange "gây chú ý bằng sự khám phá sâu sắc về bản sắc, sự gắn bó và chấn thương liên thế hệ, đặc biệt là trong trải nghiệm của người bản địa". Tác phẩm của Orange "được định sẵn sẽ gây được tiếng vang với độc giả của thế kỉ 22".

Sinh ra và lớn lên tại Oakland, California, Orange là thành viên của bộ tộc Cheyenne và Arapaho ở Oklahoma. Tác phẩm đầu tay Không nhà của nam tác giả đã lọt vào vòng chung khảo giải Pulitzer 2019, và cuốn thứ hai Wandering Stars mới đây cũng ghi dấu mình như một đề cử của giải thưởng Booker 2024.

Chia sẻ về dự án này, Orange cho biết: “Tôi chưa từng nghe nói đến dự án này trước đây, nhưng khi nhìn thấy những người tham gia trước đó, tôi đã vô cùng sửng sốt khi được đứng chung hàng ngũ với những vĩ nhân như vậy”. Những người đã tham gia các năm trước có thể kể đến nhà văn Zimbabwe Tsitsi Dangarembga, tác giả gốc Việt Ocean Vuong, nhà văn Na Uy Karl Ove Knausgård và một trong những nhà văn đương đại lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ - Elif Shafak. Orange tiết lộ bản thân đã đồng ý ngay từ đầu vì được Margaret Atwood - người đóng góp đầu tiên cho dự án – giới thiệu.

Orange cho biết việc tham gia vào Thư viện Tương lai có nghĩa là bản thân vẫn còn hi vọng nhân loại vẫn sẽ sống tiếp với những cuốn sách trong hơn 100 năm nữa. Trước đó, vào tháng 5/2014, Paterson đã trồng 1.000 cây vân sam Na Uy tại Nordmarka, một khu vực rừng ở phía bắc Oslo, để làm nguồn giấy cho việc in một tuyển tập vào năm 2114.

Orange cho biết việc viết "hướng tới một tương lai xa như vậy" sẽ "khác nhiều" so với việc viết các tác phẩm khác của mình. Nhà văn cho biết: "Mọi thứ sẽ khác vì tôi không biết người nào sẽ đọc nó. Bối cảnh sẽ khác, nhưng chủ đề chung vẫn là thế thôi, vì nếu kể được một câu chuyện hay, tôi nghĩ nó có thể sẽ kết nối với bất kì độc giả nào".

Các bản thảo hiện được lưu trữ tại thư viện Deichman Bjørvika của Oslo, trong Phòng im lặng được thiết kế đặc biệt, lót gỗ và có 100 ngăn kéo bằng kính đúc thủ công, mỗi ngăn đều được khắc tên tác giả và năm viết ra.

Chia sẻ về tác phẩm mà mình sẽ viết, Orange nói: “Tôi thức dậy vào ngày hôm sau với một dòng chữ cứ quanh đi quẩn lại trong đầu: ‘Tôi được sinh ra ở thì tương lai’. Bản thân dòng đó không có ý nghĩa gì cả nhưng tôi nghĩ: Liệu đây có phải khởi đầu cho những gì mà mình sắp viết không? Tôi nghĩ đây là cách viết có hơi đáng sợ đối với những người chắc chắn sẽ coi chúng ta là ngu ngốc và bồng bột theo rất nhiều cách, như khi chúng ta nhìn lại đồng loại một trăm năm trước”.

Thư viện tương lai theo đó sẽ chào đón các tác phẩm thuộc bất kì thể loại hoặc ngôn ngữ nào, trong khi độ dài của tác phẩm đó do tác giả quyết định. Mỗi mùa xuân, các tác giả sẽ trao tác phẩm của mình trong một buổi lễ tại Nordmarka, Na Uy. David Mitchell, Sjón, Han Kang và Judith Schalansky cũng là những tên tuổi đã từng góp mặt. Năm ngoái, Valeria Luiselli – nhà văn trẻ người Mexico - là tác giả được chọn.

Khu rừng sẽ là chất liệu sau 1 thế kỷ nữa của 100 tác phẩm từ các nhà văn nổi tiếng thế giới

Nói thêm về thành tích gần đây của mình với cuốn tiểu thuyết Wandering Stars vừa mới ra mắt, Orange chia sẻ lúc đầu bản thân chỉ định viết tiếp cuốn Không nhà thôi. Nhưng khi đến một bảo tàng ở Thụy Điển, nhà văn đã tình cờ biết một nửa số tù nhân từng ngồi khám ở Florida chính là những người thuộc cùng bộ tộc nơi mình sinh ra. Đây là một điều anh không thể ngờ, và muốn kết nối nó với cuốn tiểu thuyết trước đây. Anh chia sẻ khi nghiên cứu thì bản thân mới phát hiện ra những tù nhân ấy đã thực sự lưu trú tại một nhà tù có tên là Bear Shield, và đó trùng hợp thay đó cũng là tên của một trong những thị tộc trung tâm của cuốn Không nhà, vì vậy cả 2 cuốn sách có thể gắn kết theo một lịch sử tương đối đặc biệt.

Khi được hỏi về nguồn cảm hứng, Orange chia sẻ bản thân từng không đọc sách khi còn nhỏ tuổi. Lớn lên trong một Nhà thờ Tin lành Cơ đốc, phần lớn thời gian được anh dành cho Kinh thánh và sách Khải huyền vì việc tò mò muốn biết thế giới này sẽ ra sao khi đến thời điểm của sự tận thế. Niềm yêu thích văn chương chỉ đến khi anh ở giữa độ tuổi 20, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kĩ thuật âm thanh. Khi ấy anh làm việc tại một hiệu sách cũ và 2 cuốn sách khiến anh yêu thích là Qủa chuông ác mộng của Sylvia Plath và Confederacy of Dunces của John Kennedy Toole.

Tuy vậy những tác phẩm khiến anh muốn mình trở thành một tiểu thuyết gia là tập truyện Mê cung và những con hổ mộng mơ của Jorge Luis Borges, The Hour of the Star của Clarice Lispector và các truyện ngắn của Robert Walsers. Anh chia sẻ bản thân đã phải thốt ra “Ôi, mình có thể viết được những cuốn thế này không nhỉ? Mình muốn được như thế này”. Vậy là những dòng chữ đầu tiên đã được hình thành.

Trong khi đó, cuốn sách mà anh muốn đọc đi đọc lại sẽ là Song of Solomon của Toni Morrison. Anh bật mí có thể không phải một lần một năm nhưng mà tần suất cũng gần như thế. Nói về sự ngưỡng mộ với nhà văn này, Orange cho biết Morrison là một trong những tác giả vĩ đại nhất và đó cũng là tác phẩm mà anh thích nhất. Chia sẻ lí do, nam nhà văn cho biết mình không chỉ tìm thấy những câu và ý tưởng mới mẻ, đẹp đẽ trong đó mỗi lần đọc sách, mà còn tận hưởng chính nó như một độc giả bình thường. Nó chứa đầy vẻ đẹp, trí tuệ và sự dí dỏm.

Nói về những cuốn sách bản thân đang đọc gần đây, Orange cho biết đã có những cảm xúc lẫn lộn khi đọc lại tuyệt tác Huckleberry Finn của Mark Twain và cuốn sách “phái sinh” của nó - James từ nhà văn Percival Everett, cũng lọt vào chung khảo của giải Booker 2024.

TRIỀU DƯƠNG dịch từ The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)