Nổi tiếng với hàng loạt tiểu thuyết được đánh giá là có tầm vóc vượt mọi thời đại, đã ra mắt độc giả Việt Nam từ nhiều thập kỉ trước và liên tục được tái bản cho đến hiện nay, thế nhưng phải đến mới đây, tác phẩm đầu tay Tu viện Northanger của Jane Austen mới được chuyển ngữ và giới thiệu tại nước ta.
Ra mắt vào năm 1818 sau khi bà qua đời, cuốn tiểu thuyết theo nhiều phân tích được hoàn thành vào năm 1803. Là tác phẩm đầu tay nhưng Tu viện Northange cũng đã thể hiện một cách rõ ràng tài năng văn chương của Austen cũng như những chủ điểm rồi sẽ xuất hiện trở đi trở lại trong các tác phẩm nổi tiếng khác của bà như Kiêu hãnh và Định kiến, Lý trí và Tình cảm, Emma, Thuyết phục… Tác phẩm gồm 2 phần, phần đầu kể về nhân vật chính là nàng tiểu thư Catherine Morland cùng hành trình khám phá thế giới xung quanh trong chuyến đi đến Bath, từ đó hiểu thêm về chính bản thân cũng như nhân tình thế thái trong đời sống này. Phần 2 lại nặng tính gothic hơn, khi Catherine đến với điền trang của một gia đình quí tộc, và cố tìm hiểu xem liệu có chuyện kì bí nào xảy ra hay không.
Tiểu thuyết gia Jane Austen
Châm biếm, giễu nhại quen thuộc
Cũng như những cuốn sách khác, nàng Catherine ở tuổi 17 trong tác phẩm này cũng như những nữ nhân vật chính kinh điển của Austen nói riêng và dòng tiểu thuyết lãng mạn thế kỉ 18, 19 nói chung. Đó là một người thường hay mơ mộng, thích đắm chìm vào tiểu thuyết văn chương và thường trực đa sầu đa cảm. Diễn biến không khác biệt mấy với dòng chảy văn chương đương thời, khi cũng khắc họa những chuyển biến tâm lí thông qua tình yêu, hôn nhân và gia đình. Nhưng ở Tu viện Northanger, Austen đã dùng sự châm biếm, mỉa mai thường trực, từ đó phơi bày thói trưởng giả và những dối trá của tính nam gia trưởng và xã hội tư bản của thời bấy giờ.
Điều đó có thể nhìn thấy ở những chi tiết “lật ngược” mà Austen áp dụng cho cuốn sách này. Chẳng hạn như Catherine sinh ra không phải một người đẹp trong trứng nước, được nhiều ánh mắt ngưỡng mộ từ nhỏ đến lớn như dòng tiểu thuyết đa cảm. Cô cũng không gặp quá nhiều bất trắc đến mức bi kịch mà vốn thường đóng vai trò như những “deus ex machina” từ đó thay đổi toàn bộ mạch truyện. Gia đình của cô cũng không tuân theo motif tiểu thuyết Gothic thường thấy, với người cha giàu có còn người mẹ chết sớm bất khả lí giải. Cách viết của nữ tác giả cũng rất khác biệt, khi không cắt ngang mạch truyện để từ đó gửi gắm những bài rao giảng đạo đức thông qua các nhân vật phụ đóng góp rất ít vào mạch truyện chính như những tác phẩm điển hình của thời bấy giờ.
Thái độ châm biếm, mỉa mai cũng hiển hiện trong khắp trang sách, từ việc nhại lại lề thói kệch cỡm của xã hội bấy giờ thông qua nhân vật Henry Tilney –nam chính hoàn hảo mà Catherine sẽ sớm say đắm – như việc giả vờ ngạc nhiên khi trò chuyện cùng nhau cũng như cách xưng hô long trọng của những phút đầu gặp gỡ mà cả hai đều ghét; cho đến việc xây dựng hình tượng John Thorpe ba hoa, tự phụ và là điển hình của tính nam gia trưởng. Bằng sự lanh chanh những tưởng đó là trách nhiệm của một quý ông điển hình, Austen cho thấy được cái giả trá của xã hội chuộng hình thức và đầy móc mỉa.
Không chỉ thể hiện bằng thái độ châm biếm thấy rõ, Austen cũng rất khéo léo xây dựng các nhân vật có tính cách và khuôn mẫu đời sống khác nhau, từ đó làm rõ những luồng suy nghĩ đã định hình họ. Chẳng hạn như bà Allan – người bảo trợ Catherine đến Bath thăm viếng – chỉ độc quan tâm đến thứ vải vóc khóa lên người mình là biểu hiện cho tính trưởng giả, trong khi Isabella Thorpe – người được xây dựng với những diễn biến tâm lí phức tạp, lại đại diện cho giá trị thực dụng của thời buổi ấy, người sử dụng nhan sắc để mà có được thứ bản thân ước... Tuy không cho thấy rõ ý đồ muốn khắc họa sự kệch cỡm của mình, nhưng việc xây dựng thành công các nhân vật này đã cho thấy tài năng rất đáng kinh ngạc của Austen cũng như những điều mà bà mong muốn gửi gắm.
Sự châm biếm nói trên cũng không chỉ thuộc về nội quan tác phẩm, mà Austen cũng rất thường trực “tấn công” mạch truyện, cho ta thấy được vai trò cũng như làm rõ được sự chủ động và sứ mệnh sáng tạo của bản thân mình. Ở đó bà đã giải thích về những nút thắt tiểu thuyết để chuyển hướng ra khỏi dòng văn phổ biến thường thấy, cũng như cắm rất nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại trong thời đoạn này, từ việc chỉ trích tiểu thuyết làm băng hoại đạo đức của các cô gái trẻ cho đến cách thức sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn xác của những người trẻ không quá câu nệ lễ nghi... Điều này cũng nào đó cho ta nhìn thấy Austen ý thức rất rõ về vai trò của bản thân mình, và ít nhiều điều đó cũng đại diện cho khía cạnh nữ quyền trong sáng tác của bà.
Những suy ngẫm phức tạp về nữ quyền
Ở Tu viện Northanger, điều nói trên đã được cài cắm rất đỗi nhiều lần. Chẳng hạn Isabella Thorpe – người tuy bị đánh giá là thiếu đạo đức vì cách cư xử không chuẩn mực khi lựa chọn bạn đời – thật ra lại chính là điển hình nhất cho sự đổi mới. Ta có thể thấy ở nhân vật này tính nữ cường, tự chủ và là người ưa hành động hơn lí thuyết. Khi gặp những người đàn ông trong phòng khiêu vũ, ta thường trực thấy cô không bận tâm lắm đến những người này như Austen viết: “Chị đã tự đặt ra một quy tắc rằng không bao giờ chị bận tâm tới những lời họ nói. Họ sẽ thường tỏ ra thiếu đứng đắn nếu em không đối xử với họ thật mạnh bạo, và khiến họ phải giữ khoảng cách [...] Họ là những sinh vật gian trá nhất trần gian và tự nghĩ bản thân mình quan trọng lắm”.
Không chỉ đơn thuần là một nỗ lực cá nhân, mà sự ủng hộ giữa những người phụ nữ với nhau cũng là yếu tố quan trọng được Austen chú ý. Một trong số đó chính là liên minh Isabella và Catherine mà có đoạn: “Catherine rất có thiện cảm với tòa nhà này vì tại đó cô đã khám phá ra tính ưu việt của nữ giới và sự trọn vẹn của tình cảm giữa những người chị em. Điều này thích hợp cho những cuộc chuyện trò bí mật và sự tín nhiệm vô cùng tận, đến nỗi cô gần như quả quyết rằng mình sẽ tìm được một người bạn khác tại chính nơi này”. Và không chỉ một lần mối quan hệ với nữ giới của Catherine được hình thành, xây dựng và phát triển trong cuốn sách này. Điều đó cho thấy được sự phản ánh về giới ở cả khía cạnh cá nhân cũng như cộng đồng mà Austen tinh tế gửi gắm.
Tuy vậy không rõ vô tình hay cố ý, mà Tu viện Northanger cũng cho ta thấy một điều còn phức tạp hơn, khi nữ quyền hóa ra còn được che đậy theo kiểu hỗn loạn và đa mang hơn. Những tưởng Isabella là điển hình cho lối suy nghĩ mới, thì ngay lập tức ta thấy Austen đã khảo sát nhân vật này dưới góc nhìn của chủ nghĩa thực dụng, của ái kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Có thể nói rằng tính cá nhân đã chi phối tất cả ở nhân vật này, bởi cô không cần những lời hứa hẹn hay các hình mẫu nam tiên tiến, vượt xa thời đại, mà chính là sự thực dụng trong ngày hiện tại về tài sản, tình cảm... có chút gì đó hướng đến hưởng lạc. Ở đây nữ quyền có khía cạnh giới được bao hàm trong vòng tròn lớn hơn là sự tự nhận thức cá nhân và có hành động để thực hiện chúng. Đối đầu với quan điểm xã hội của thời bấy giờ, dĩ nhiên Isabella đã bị chỉ trích, nhưng một lần nữa hãy xem ai chỉ trích cô?
Đó là bà Allan – người đàn bà chỉ thích vải vóc, núp sau ông chồng khi Isabella đi xe ngựa mui trần thưởng lãm cảnh trí với người đàn ông mình chưa ước hẹn. Đó là Eleanor – người thiếu nữ đức hạnh điển hình nhưng rồi cũng sống cuộc đời được sắp đặt sẵn. Đó cũng là Catherine – người thiếu nữ chưa trưởng thành, mơ mộng và ngây thơ một cách không ngờ... Cả 3 nhân vật đều không ít lần có những chỉ trích nhắm đến Isabella, nhưng sâu trong đó ta có thể thấy họ hầu như không có tư cách để làm điều đó, vì xét cho cùng họ chẳng ý thức được cuộc đời mình sẽ khác ra sao so với đương thời. Người duy nhất có những phân định về nhân vật này là Henry Tilney – nhân vật nam chính – nhưng anh cũng không có chỉ trích nào nhắm đến cá nhân Isabella. Có thể nhìn thấy Austen đã dựng nên một tấm màn trong suốt của những định kiến ngay lúc bấy giờ. Bà mang nó vào bởi đó chính là hiện thực mà lối sống hoang dại, sa ngã đáng bị chỉ trích, nhưng cũng đồng thời vì trong suốt nên nó chẳng có tác động đáng kể nào, có thể vì bà biết rõ xã hội này rồi sẽ đi theo những gì mà Isabella làm.
Tu viện Northanger chứa đựng rất nhiều vấn đề vô cùng thú vị để ta nhận định, phân tích cũng như mổ xẻ trong thời đại này. Ngoài ra, tác phẩm cũng minh chứng cho tài năng của Austen và tầm vóc vượt xa thời đại chính vì giá trị không thua kém những tiểu thuyết nổi tiếng khác của bà.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD