130 năm sau khi qua đời, chỉ một số ít sách của Robert Louis Stevenson là được biết đến một cách rộng rãi. Chúng gồm Đảo giấu vàng, Bắt cóc, Vườn Thơ của một đứa trẻ và nổi tiếng nhất vẫn là cuốn tiểu thuyết ngắn Bác sĩ Jekyll và ông Hyde - một kiệt tác về sự kì dị đã báo trước cho kỉ nguyên Freud và tạo ra tác động đáng kể đến nền văn hóa Âu - Mĩ với khoảng 60 bộ phim, chương trình truyền hình chuyển thể tính cho đến nay.
Louis Stevenson và vợ Fanny
Nhưng sự nghiệp của Stevenson còn đồ sộ hơn thế. Trong cuộc sống ngắn ngủi của mình (ông mất khi mới 44 tuổi, sau một cuộc đời mắc bệnh suy nhược), ông đã cho ra đời một loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, thơ ca và phóng sự báo chí phong phú. Bộ hoàn chỉnh tác phẩm của ông có thể chiếm hơn một mét trên bất cứ giá sách của gia đình nào.
Những người đương thời tinh ý đã coi ông là một nghệ sĩ hoàn hảo. “Ông ấy dường như cứ thế viết ra mà thôi, chẳng cần dụng công gì mấy”, nhà văn trinh thám G.K. Chesterton đã viết như thế một cách ghen tị. Trong khi Oscar Wilde coi ông là một “nghệ sĩ tinh tế về ngôn từ”, thì Henry James - người đã trở thành bạn thân của ông - đánh giá phong cách của ông “nổi bật như những viên ngọc trai và kim cương”. Trong bài điếu văn khi Stevenson qua đời, James viết rằng ông đã “thắp sáng một nửa địa cầu và bản thân ông cũng là một vùng trong trí tưởng tượng của bất cứ ai”.
Tuy vậy trong giới văn nhân, thì người vợ người Mĩ của Stevenson, Fanny Van de Grift (1840-1914), cũng là một người vô cùng nổi tiếng. Bà là một cá tính mạnh mẽ theo đúng nghĩa này. Bà theo chủ nghĩa cá nhân và không quan tâm đến các vai trò phân theo giới tính vốn được ngầm hiểu, khi là một nhà thám hiểm dũng cảm, đôi khi cũng khá liều lĩnh khi khuyến khích sở thích phiêu lưu của Stevenson và sở hữu tính cách độc đoán. Nhiều người trong “câu lạc bộ” chỉ toàn nam giới gồm những bạn văn của Stevenson coi Fanny là một kẻ phá đám, mặc dù có một số ít, như James, thì đánh giá cao tính cách của bà. “Nếu anh thích những khe núi và các hẻm sâu” ông viết cho Owen Wister, một tiểu thuyết gia ở miền viễn Tây, thì “anh sẽ thích cô ấy”.
Camille Peri, trong cuốn tiểu sử mới hấp dẫn của mình về gia đình Stevenson, đã lưu ý rằng những người viết tiểu sử Stevenson trước đây đã dán nhãn Fanny là “khó tính” mà không cố gắng hiểu bà cần thiết thế nào với người chồng mỏng manh và dễ căng thẳng của mình. Họ cũng không hề nhắc đến “niềm đam mê, tình bạn và năng lượng sáng tạo đã trở thành sức sống mãnh liệt cho cuộc hôn nhân của gia đình Stevenson.” Trong khi Fanny vẽ đẹp và cho ra đời những truyện ngắn đáng khen ngợi cho các tạp chí, thì bà vẫn luôn khiêm tốn về tài năng của mình và tuân theo sự sắp đặt ngấm ngầm. “Sức khỏe của Louis là trên hết, công việc là thứ yếu và nhu cầu của Fanny là cuối cùng”, Peri khẳng định.
Chính bản thân bà cũng là một người vô cùng mạnh mẽ. Đến từ Indianapolis, thủ phủ của bang nhưng vẫn không hơn gì một thị trấn biên giới, Fenny đã kết hôn với một người đàn ông quyến rũ không đáng tin cậy ở tuổi 17 và đi cùng ông đến các mỏ bạc ở Nevada - nơi ông kiếm được không khá khẩm mấy còn hai vợ chồng thì phải run rẩy trong một túp lều làm bằng vải bạt cũng như bìa cứng. Sau một vài năm chịu đựng sự vung tay quá trán và không chung thủy của chồng, bà đã trốn thoát cùng với các con, đến học nghệ thuật ở Paris và sau đó tìm đường đến khu nghệ sĩ Grez-sur-Loing, nơi bà gặp Louis (như Peri gọi ông) khi đang ở Pháp trong quá trình cải thiện sức khỏe. Nam nhà văn đã bị mê hoặc bởi người phụ nữ lang bạt kì hồ người Mĩ đầy vết sẹo vươn lên, không thể gục ngã và lớn hơn ông cả thập kỉ này.
Gia đình Stevenson ở Samoa khoảng năm 1891, Robert Louis và Fanny ngồi cạnh nhau trên hiên nhà
Louis dường như đã bị bệnh lao nhưng không bao giờ được chẩn đoán mắc căn bệnh này, mà thay vào đó là giãn phế quản đã được phát hiện sau khi qua đời, và được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết thường xuyên. Quê hương Scotland với bầu không khí tệ hại đã khiến cho việc du lịch đến những vùng khí hậu ấm hơn là một cứu cánh của vị nhà văn. Quay lưng lại với sự nghiệp mà người cha trung lưu đã lên kế hoạch cho mình, đầu tiên là trong công ti kĩ thuật sửa chữa hải đăng của gia đình và sau đó là trong ngành luật, ông bắt đầu hành trình của mình ở Pháp, nơi gặp Fanny vào năm 1876. Cả hai được nhiều người biết đến với chuyến du lịch nổi tiếng bằng một con lừa ở Cévennes. Sau đó ông theo Fanny đến California và cuối cùng hưởng tuần trăng mật với bà trong một trại khai thác Silverado hoang vắng.
Sau những chuyến du ngoạn xa hơn qua Châu Âu và Châu Mĩ, cặp đôi này đã khởi hành đến phía Nam Đại Dương, qua những vùng đất như Nuku Hiva, Fakarava, Tahiti, Hawaii, Micronesia, quần đảo Gilbert và cuối cùng là Samoa, nơi họ mua 300 mẫu Anh và tạo ra một trang trại ca cao. Các đồn điền rộng lớn của Fanny sau này đã trở thành “nền móng” cho vườn bách thảo lâu đời nhất ở Samoa, nơi mà nhiều người vẫn có thể tham quan cho đến ngày nay. Gia đình Stevenson, những người chống chủ nghĩa đế quốc nhiệt thành, đã từ bỏ lối sống Tây phương, tiếp thu các phong tục địa phương và tham gia chặt chẽ vào chính trị khu vực, trong khi Louis sản xuất báo chí và tiểu thuyết với tốc độ gần như điên cuồng. Trong 4 năm ở vùng đất này, ông đã viết những cuốn tiểu thuyết về Nam Đại Dương ít được biết đến nhưng rất hấp dẫn là The Ebb-Tide, The Beach of Falesá cũng như Weir of Hermiston vẫn còn dang dở mà ông tin đó là tác phẩm hay nhất mình từng tạo ra.
Trong khi đó, tác phẩm của riêng Fanny thì lại ít được các nhà viết tiểu sử Stevenson trước đây chú ý, nhưng Peri lại rất quan tâm đến khía cạnh này. Mặc dù không đưa ra lời tuyên bố nào về năng khiếu văn chương của Fanny, nhưng Peri khẳng định những sáng tạo của bà cũng “vừa vặn và chân thật như của những cây bút tạp chí nữ khác cùng thời”. Cô cũng đưa ra những nhận định về cốt truyện của Fanny để cho thấy sự tinh tế về mặt tâm lí và sở thích kì lạ chắc chắn có liên quan đến thẩm mĩ của chồng mình.
Cặp đôi này thỉnh thoảng cũng hợp tác chung, và Fanny đã tư vấn cho Louis về các tác phẩm đang thực hiện của ông. Sự kiện nổi tiếng nhất là việc bà đã từ chối bản thảo đầu tiên của Bác sĩ Jekyll và ông Hyde, khiến vị nhà văn phải đốt bản thảo và bắt đầu viết lại. Điều này đã khiến một số nhà phê bình chỉ trích Fanny là phá hoại di sản của chồng, nhưng theo Peri, “bỏ qua thực tế rằng sự phá hoại thường là một phần thiết yếu của quá trình sáng tạo, thì có bằng chứng cho thấy sau khi cân nhắc những lời góp ý của Fanny, Louis vẫn khá thoải mái khi theo đuổi hướng đi của mình”. Trong khi việc ông thấy thế nào về tác phẩm của vợ vẫn còn là những bí ẩn. Peri cũng chỉ ra việc thiếu những lời khen ngợi rõ ràng trong các bức thư còn sót lại có thể ngụ ý rằng ông không đánh giá cao chúng.
Cách cư xử thô lỗ và đôi khi nam tính của Fanny, tính cách Mĩ dễ dãi và sự “thống trị” rõ ràng của bà đối với người chồng ốm yếu đã khiến những người bạn nước Anh của Louis nổi giận. Nhưng Peri đã chứng minh một cách thuyết phục rằng "Louis coi tình yêu của mình dành cho Fanny là sự giải phóng và là cảm hứng cho việc sáng tạo. Chính bà đã tạo điều kiện cho ông thoát khỏi nước Anh lạnh lẽo, mưa gió, khuôn thước để đến một thế giới dễ chịu hơn nhiều với ánh nắng, tự do và không bị ràng buộc”. Louis đã từng viết cho J.M. Barrie – tác giả của Peter Pan - rằng Fanny "luôn bị ghét bỏ hoặc được tôn thờ một cách mù quáng, không có khoảng giữa".
Nhưng với những tìm tòi mới của Peri, độc giả ở thời hiện đại sẽ phải đưa ra những đánh giá công bằng về vai trò của bà trong mối quan hệ với chồng, để ta hiểu được bà đã trao cho ông những hạnh phúc nào, mà theo lời Louis, là “danh dự, sự thôi thúc, lòng dũng cảm và nhiệt huyết”.
THUẬN NGÔ dịch theo LitHub
VNQD