‘Hoang mạc Tartar’: Trong lớp sương u minh

Thứ Sáu, 27/09/2024 11:43

Được đánh giá là kiệt tác văn chương của nhà văn Dino Buzzati nói riêng và văn chương Ý nói chung, Hoang mạc Tartar cho đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị về tính phổ quát trong cả đề tài cũng như thông điệp, qua đó phơi bày bản chất yếm thế của chính con người thông qua hệ thống ẩn dụ, hình tượng độc đáo.

Cuốn sách xoay quanh chàng thanh niên Giovanni Drogo ngời ngời sức sống được phân đến làm nhiệm vụ tại pháo đài Bastiani – một đồn biên phòng cũ kĩ ở nơi thưa người mà khắp bốn bề chỉ toàn núi đá cũng như hoang mạc. Tại đây, ngày nào binh lính cũng tiến hành tuần tra, chờ những đội quân của phía phản nghịch rồi sẽ ghé đến. Theo những chức tước đứng đầu nơi đây, phía bắc biên giới chính là hoang mạc Tartar, là nơi sinh sống của một tộc người mọi rợ muốn chiếm phương Bắc. Tuy vậy dấu vết nhỏ nhất của những người này lại không hề có. Trước sự cũ kĩ, ủ ê của nơi chốn này và sự mới mẻ của quãng đầu đời ở tuổi thanh niên, Drogo đã muốn rời đi nhưng rồi ngày ngày tháng tháng trôi qua anh vẫn ở đó. Vì sao lại thế và có điều gì đang lôi cuốn anh?

Nhà văn Dino Buzzati

Câu chuyện phi lí

Bao trùm khắp cuốn tiểu thuyết là sự phi lí, từ cả bối cảnh, không gian cũng như động cơ của các nhân vật. Trong tác phẩm này, những tên nhân vật từ Drogo, Filimore cho đến Angustina, Matis, Lazzare… đều đậm chất Ý nhưng ta lại không thể biết cuốn tiểu thuyết này được đặt ở đâu, vì Ý không có hoang mạc và cũng không có tộc nào là người Tartar. Các nhân vật trong cuốn sách này dường như chờ đợi một điều bất khả, họ hi vọng, tuyệt vọng rồi lại có thêm hi vọng trước khi chìm sâu một lần và mãi mãi.

Chính vì mục tiêu không có thực đó càng làm ta nhớ đến tuyệt tác của Samuel Beckett là Trong khi chờ đợi Godot, và cũng tương tự đội quân Tartar, Godot đã không hề đến và không thể biết y là người nào. Trong quá trình dài đằng đẵng ấy, cả hai tác giả đã họa nên sự yếm thế của chính con người. Thay vì tin vào hiện thực cũng như những gì vẫn đang xảy ra, họ luôn chờ đợi một điều bất khả rồi sẽ lại đến. Nhưng như ta biết khoảnh khắc mà sự hư vô biến thành hiện thực là không thể có. Trong Hoang mạc Tartar, Buzzati cũng rất hợp lí khi gán vào đời sống quân ngũ, khi nhịp điệu sinh học và đời sống gần như đã bị uốn nắn, và người ở đó không thể biết gì ngoài việc tuân lệnh, từ đó lại trở thành thói quen của thân xác mình.

Thói quen theo tâm lí học là điều bình thường, nhưng khi kết hợp với tình trạng vô minh thì lại càng cực đoan đến không thể ngờ. Chẳng hạn bởi có niềm tin những người phía Bắc rồi sẽ tràn vào lãnh thổ đất nước mà sự nghiêm cẩn của đội quân ấy đã được duy trì. Buzzati có chút châm biếm cho ta nhìn thấy được khía cạnh này, ở nơi mà vào một ngày phải cần đến 3 mật khẩu để chuyển giao ca giữa các trạm gác vì sợ sẽ có nội gián (trong khi mối nguy không hề tồn tại). Và chính bộ máy đầy cồng kềnh ấy cũng đã lấy đi tính mạng của viên lính Lazzare đáng thương, khi dẫu quen mặt tất cả mọi người thì một cái chết là không thể khác khi anh không biết mật khẩu để đi vào cổng sau khi tách đoàn nhằm chứng minh mình.

Cái phi lí, sự hư vô và tình trạng vô minh cũng làm nảy sinh chủ nghĩa anh hùng có phần cực đoan. Cũng như Hai kinh thành của Charles Dickens phơi bày sự thiếu cân bằng do không tồn tại “lãnh đạo tinh thần”, thì ở Hoang mạc Tartar, điều quá khích cũng đã hiển hình bằng sự hi sinh không thể khó hiểu hơn bao giờ hết. Ở đó, khi quân đội Tartar chỉ còn là một chấm nhỏ không hơn không kém, thì những quân sĩ bắt đầu nhận ra việc nhìn thấy và phát hiện nó sao cho trước nhất chính là động cơ của cuộc đời mình. Họ tự tranh để xem ai sẽ là người trụ lại tại đây, để Angustina – chàng trai “sùng đạo” và rất kiên gan – dần được Thánh hóa trong những giấc mơ của nhung nhúc người mà Drogo là một trong số đó. Cái chết trong một đêm lạnh mùa đông để chứng minh mình với những người kẻ đường biên giới cũng đầy châm biếm và thật nực cười như kết cục của Lazzare trước đó.

Bẫy sập thời gian

Cứ thế tháng ngày dần dần trôi qua, ngày nối tiếp ngày, năm nối tiếp năm và họ vẫn sống trong bầu sương mù ngày càng dày đặc. Cũng như xa tận phía Bắc luôn bị che mờ bởi sương mùa thu, bởi tuyết mùa đông hay đám mây bụi của những ngày hè, cuộc đời của những con người nơi đây cũng kéo dài trong lớp vỏ chật chội như một xác ướp. Việc đặt Tartar với sự lặp lại cả 2 cấu phần gồm 3 kí tự “tar” liệu có phải cách mà Buzzati gợi cho ta thấy những sự hi vọng mà bản thân họ cũng không thể biết? “Tar” là âm thanh bật khỏi môi người một cách vô tình mà chẳng cần đến hành động xác nhận điều gây ra sự chú ý thật sự là gì, và những tiếng “tar” cứ thế nối nhau như một làn sóng của những con người cứ mãi quẩn quanh.

Cũng như nhân vật Drogo của mình, Buzzati từ lúc ra trường đến khi qua đời chỉ gắn bó với một tòa soạn báo, kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong khi vẫn miệt mài cho ra mắt nhiều tác phẩm giá trị. Cuối cùng rồi ta nhìn thấy tòa hoang mạc ấy cũng chỉ đơn thuần là một ẩn dụ, nơi con người mắc bẫy thời gian và ý chí thì bị bẻ gãy bởi những niềm tin mà họ bám vào như một cọc neo. Drogo không phải không có ý định trốn thoát khỏi đó. Vì bị mê hoặc bởi chủ nghĩa anh hùng cực đoan mà anh đã chọn ở lại ở những buổi đầu, nhưng rồi sau đó là những nỗ lực để được thoát li. Dẫu vậy những thứ chờ anh ở đời sống dân thường cũng chỉ toàn là những điều xa lạ. Đó là người mẹ không còn tỉnh thức vì tiếng nhón gót của bàn chân anh. Là vị hôn phu Maria không còn những giao cảm cũ như nhiều năm trước cũng như căn phòng vẫn còn nguyên đó nhưng đã không còn thuộc về chính anh... Sau khi đã ở quá lâu giữa 4 bức tường và vùng hoang mạc mở ra rộng khắp, những gì thân thuộc với anh là tiếng nước nhỏ giọt, là những vọng gác không nhìn thấy gì ngoài sỏi và đá, là những cấp trên cũng như cấp dưới sở hữu cùng nhau vẻ mặt sầu não cũng như tiếc thương những gì đã mất…

Chính tại nơi đây thì bẫy thời gian đã phủ bùa họ. Khả năng thích nghi giờ đã trở thành một điều yếm thế. Nó giúp cho những sĩ quan có thể chịu đựng được không gian nói trên khi họ mới đến, nhưng rồi cũng dần xóa sạch bản sắc, biến họ trở thành những người mục ruỗng từ tận bên trong mà tính cá nhân đã bị hủy diệt. Ta thấy ở đó là những cá nhân có chức tước cao gần như vô hình. Trong các đoạn miêu tả của Buzzati, ta thấy họ như đã được lập trình. Họ ủ ê vẩn vơ quanh 4 bức tường ở nơi mình ở. Ta cũng thấy được chính đặc điểm này khi một toán lính đến để vẽ lại đường chia biên giới, thì đại tá Filimore đã phải trải qua những đoạn tâm lí vô cùng đặc biệt: từ vui mừng vì đến cuối cùng thì sự phi lí đã thôi phi lí, rồi đâm ra hoài nghi vì những thất vọng đã quá chồng lấp và rồi sau cuối là cay đắng nhận ra bản thân đã đúng vì đó không phải quân đội Tartar...

Cái bẫy thời gian đã giam hãm họ như lớp tơ nhện chờ đón con mồi. Trong đoạn miêu tả quang cảnh căng phòng của Filimore, Buzzati đã vô tình nhắc đến một con ruồi. Nhưng có thể thấy con ruồi không hẳn vô tình có mặt ở đó, mà đó hệt như hóa thân của những con người vẫn đang vẫy vùng trong lớp tơ nhện chính là mê cung của sự kì vọng, hi vọng và rồi tuyệt vọng. Cho đến cuối cùng, khi Buzzati cho nhân vật của mình rơi vào thế trận không thể khác đi thì thêm lần nữa sự phi lí lên ngôi, rằng thứ chờ y suốt bao năm qua cuối cùng thì cũng đã đến nhưng không còn sức để tận hưởng nó. Cái kết của một cá nhân đã giúp hoàn thành vòng tròn phi lý nhưng cũng mở ra một hàm ý khác khi Đệ nhị Thế chiến đang dần tiến triển, không ngừng tăng tốc chính sự vô nghĩa cũng như bạo tàn. Hoang mạc Tartar ở nhiều tầng nghĩa đã cho ta thấy con người có thể nhỏ bé và đầy mềm yếu đến như thế nào. Đây có thể là một tác phẩm kinh điển, ấn tượng và bắt kịp mọi thời đại.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)