Elias Khoury, bậc thầy của tiểu thuyết Ả Rập hiện đại

Thứ Sáu, 04/10/2024 00:05

Trong các tiểu thuyết và bài báo của mình, Elias Khoury đã tìm cách thuật lại câu chuyện về Trung Đông đương đại và quê hương Liban nơi mình sinh ra. Ông được đánh giá là người nối tiếp nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương người Ai Cập Naguib Mahfouz trong vai trò “cha đẻ” của tiểu thuyết Ả Rập hiện đại.

Tiểu thuyết gia người Liban Elias Khoury

Nhà văn người Liban Elias Khoury qua những câu chuyện sâu sắc và phức tạp về cuộc sống hậu chiến ở Trung Đông đã được ca ngợi là một trong những tiểu thuyết gia Ả Rập hiện đại vĩ đại nhất. Ngoài ra ông cũng là tổng biên tập của một số ấn phẩm hàng đầu của Liban, giúp ông có một vai trò vô cùng quan trọng nền văn hóa chính trị đầy biến động của đất nước mình. Ông đã qua đời vào chủ nhật vừa qua tại thủ đô Beirut, hưởng thọ 76 tuổi. Con gái ông, Abla Khoury, xác nhận cái chết và cho biết thêm sức khỏe cha mình đã suy yếu trong nhiều tháng qua.

Các tác phẩm của Khoury, cả tiểu thuyết và báo chí, thường tập trung vào hai sự kiện song song đã định hình nên thế hệ của ông: cuộc nội chiến ở Liban từ năm 1975 đến năm 1990, và hoàn cảnh khốn khổ của người Palestine sau khi Israel được thành lập, đặc biệt là hàng chục nghìn người đã chạy trốn sang Liban vào năm 1948 sau sự kiện Chiến tranh sáu ngày năm 1967.

Là một tiểu thuyết gia, Khoury thường được so sánh với nhà văn người Mĩ James A. Michener - người đã cố gắng ghi lại những giai đoạn lịch sử hoành tráng trong các câu chuyện có phần riêng tư ở các tác phẩm như Hawaii (1959) và Texas (1985). Nhưng nếu tầm nhìn của ông có phần tương đồng với A. Michener, thì nghệ thuật viết của Khoury lại mang hơi hướng của Williams Faulkner với những câu chuyện đan xen theo dòng ý thức. Ông cũng tuyên bố Vladimir Nabokov và Italo Calvino là những người có ảnh hưởng lớn lên bản thân mình.

Ghenwa Hayek, giáo sư văn học Ả Rập hiện đại tại Đại học Chicago, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Khoury là một tiểu thuyết gia có suy nghĩ sâu sắc về hình thức, thể loại và ngôn ngữ, sau đó sử dụng những kĩ năng đó để áp vào các sự kiện". Phong cách hiện đại của ông thể hiện sự thay đổi lớn so với di sản của Naguib Mahfouz - nhà văn Ai Cập được coi rộng rãi là cha đẻ của tiểu thuyết Ả Rập hiện đại, người có các tác phẩm lịch sử quan trọng chịu ảnh hưởng từ Walter Scott, Victor Hugo và các nhà văn châu Âu thế kỉ 19 khác.

Khoury trong suốt sự nghiệp đã phản ánh sự hỗn loạn liên tục của chiến tranh, di cư và áp bức. Chính những điều này đòi hỏi thế giới Ả Rập cần được tái hiện qua một hình thức hư cấu mới, có khả năng phản ánh thực tế hỗn loạn của thời đại mình. Thường bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ duy nhất, kéo dài, các tiểu thuyết của Khoury không ngừng mở rộng phạm vi theo kiểu vạn hoa tiến vào quá khứ và xuyên biên giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian vào năm 2007, Khoury chia sẻ: “Tôi đang cố gắng diễn tả sự phân mảnh của xã hội. Quá khứ của Beirut không phải là sự ổn định mà là sự thay đổi dữ dội. Mọi thứ đều có khả năng và không chắc chắn. Trong tiểu thuyết của tôi, bạn sẽ không chắc liệu mọi thứ có thực sự xảy ra hay không mà chỉ biết chúng đang được kể lại. Điều quan trọng là câu chuyện chứ không phải lịch sử.”

Các tác phẩm nổi tiếng bằng nhiều ngôn ngữ của Elias Khoury

Khi đánh giá tiểu thuyết Gate of Sun (tạm dịch: Cổng mặt trời) của Khoury trên tờ The New York Times sau khi tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 2006, tiểu thuyết gia Lorraine Adams đã gọi tác phẩm này là “vô cùng phong phú, chân thực” và là “một kiệt tác thực sự”. Bà nhận định: “Đã có những tác phẩm hư cấu vượt trội viết về người Palestine và do người Palestine viết, nhưng ít có tác phẩm nào đưa ra ánh sáng những huyền thoại, câu chuyện và lời đồn thồi của cả Israel và người Ả Rập với lòng trắc ẩn sâu sắc như vậy”. Đây được biết đến là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, xuất hiện bằng tiếng Ả Rập vào năm 1998 và tiếng Anh vào năm 2006. Khung tường thuật bao gồm một nhân viên y tế nói chuyện với một chiến binh Palestine đang hôn mê, kể lại câu chuyện cuộc đời của mình và sau đó bắt đầu mở rộng hệ không – thời gian.

Trong khi đó Yalo ra mắt vào năm 2002 bằng tiếng Ả Rập và năm 2008 bằng tiếng Anh lại tập trung vào một thanh niên bị buộc tội hiếp dâm, người phải tự bào chữa trước cảnh sát bằng cách kể một phiên bản khác về câu chuyện của mình trong nhiều ngày như một phiên bản khác của Nghìn lẻ một đêm.

Trong suốt sự nghiệp, Khoury đã viết 13 tiểu thuyết, 3 vở kịch, 2 tập truyện ngắn, 2 kịch bản phim và 5 cuốn sách phê bình - bằng chứng cho thấy tài năng văn chương vượt trội của ông. Tuy vậy ngay khi còn nhỏ, ông chưa từng có ý định trở thành một tiểu thuyết gia. Sau khi nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Sorbonne ở Paris, ông bắt đầu sự nghiệp phê bình văn học ở Beirut. Ông thuộc ban biên tập của một số tạp chí nhỏ nhưng có ảnh hưởng của Liban, và từ năm 1992 đến năm 2009 đã biên tập mục văn hóa của An-Nahar, một trong những tờ báo nổi tiếng hàng đầu được viết bằng tiếng Ả Rập.

Ông vẫn tiếp tục làm nhà báo ngay cả khi đã chuyển sang viết tiểu thuyết và sân khấu, hai thể loại mà ông cho rằng mang lại cho mình nhiều không gian hơn để khám phá những sự thật khó diễn đạt được thông qua thể loại phi hư cấu thông thường. Tác giả chia sẻ: “Viết lách rất quan trọng vì nó cho tôi cơ hội để suy nghẫm cũng như hiểu được những gì vẫn đang diễn ra. Tưởng tượng là một phần của mọi tác phẩm hư cấu giúp tôi có thể tạo ra khoảng cách với các hoạt động chính trị.”

Sự nổi tiếng của ông như một trong những trí thức hàng đầu của Beirut đã mang lại cho ông ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình xã hội dân sự của Liban, đặc biệt là khi đất nước cố gắng tái thiết sau cuộc nội chiến tàn khốc. Ông đã đứng lên như một người nói lên sự thật về độc lập cũng như ủng hộ các mục tiêu như dân chủ và quyền của người Palestine. Chẳng hạn vào năm 19 tuổi, khi đến trại tị nạn của người Palestin ở Amman (Jordan), ông đã biết rằng việc trục xuất người Palestine trong thời kì lập quốc Israel (thường được gọi dưới tên Nakba) là một “thảm họa”. Ông từng bày tỏ: “Nói về kí ức Nakba là sai lầm, vì chúng ta đang sống trong thời kì Nakba thật sự. Về mặt lịch sử, tôi không thấy rằng chúng ta có thể bắt đầu bất cứ điều gì nghiêm túc trừ khi Nakba chấm dứt.”

Bên cạnh văn chương, ông cũng có bằng cử nhân lịch sử từ Đại học Liban ở Beirut năm 1970 và bằng tiến sĩ cũng về chuyên ngành lịch sử từ Đại học Sorbonne năm 1973. Theo đó luận án của ông đề cập đến cuộc xung đột năm 1860 tại nơi hiện là Liban giữa những người theo đạo Thiên chúa và Druse, một giáo phái tách khỏi đạo Hồi vào thế kỉ 11. Cuộc chiến đã giết chết khoảng 25.000 người nhưng ông phát hiện ra rằng các nhà sử học Liban hầu như không đề cập đến.

Cũng kể từ đó chủ đề về kí ức quốc gia chạy qua phần lớn các tác phẩm sau này của ông. Ông nói rằng sự tương tác giữa huyền thoại và lịch sử rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của một xã hội và đó thường là điều đầu tiên mà những kẻ chiếm đóng cố gắng tước đoạt. Nhưng điều quan trọng hơn, như ông chia sẻ, là “tôi không quan tâm đến trí nhớ, tôi quan tâm đến hiện tại. Nhưng để có được hiện tại thì bạn phải biết điều gì cần quên và điều gì cần nhớ”.

TRIỀU DƯƠNG dịch theo bài viết trên The New York Times.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)