Tổng thống Hàn Quốc chúc mừng Han Kang, nói bà đã mang lại thành tựu to lớn cho văn học xứ Hàn

Thứ Năm, 10/10/2024 21:45

Giải thưởng Nobel của Han Kang đã trở thành niềm vui lớn của người dân Hàn Quốc. Tờ báo Korean Herald cho biết trang web của hai nhà sách trực tuyến lớn của Hàn Quốc đã bị sập tạm thời do lượng truy cập quá lớn ngay sau khi Han Kang được công bố là người đoạt giải Nobel văn học.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chúc mừng Han Kang trên Facebook cá nhân và gọi đây là "một thành tựu to lớn" trong lịch sử văn học Hàn Quốc." Tổng thống Yoon Suk Yeol viết: “Đây là một thành tựu to lớn trong lịch sử văn học Hàn Quốc và là ngày lễ quốc gia mang lại niềm vui cho toàn thể người dân. Bà đã biến những vết thương đau đớn của lịch sử hiện đại thành những tác phẩm văn học vĩ đại. Tôi xin gửi lời kính trọng sâu sắc nhất tới bà vì đã nâng cao giá trị của văn học Hàn Quốc”. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng bày tỏ hi vọng Han Kang sẽ tiếp tục nhận được sự công nhận và yêu mến của độc giả trên toàn thế giới thông qua những tác phẩm xuất sắc của bà.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Một bất ngờ đối với độc giả Việt Nam và thế giới: Giải Nobel Văn học năm nay được trao cho nhà văn nữ người Hàn Quốc Han Kang. Ủy ban trao giải Nobel Văn học nhận định Han Kang được vinh danh “vì văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt của bà, dám đối mặt trực tiếp với các chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người.”

Han Kang sinh năm 27/11/1970 tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc, trong một gia đình văn nghệ sĩ. Cha của bà là nhà văn Han Seung Won cũng là một tiểu thuyết gia có tiếng. Anh trai của bà là Han Dong Rim cũng là một nhà văn. Bên cạnh việc viết lách, Han Kang còn dành tình yêu cho nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Bà còn là một nhạc sĩ và ca sĩ. Chính vì thế, trong các tác phẩm văn chương của bà, âm nhạc và nhiều loại hình nghệ thuật được thể hiện xuyên suốt và nhiều khi trở thành những ám dụ.

Năm Han Kang lên chín tuổi, gia đình bà chuyển đến sinh sống tại thành phố Seoul. Han Kang theo học ngành Văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei. Năm 1993, Han Kang bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp văn chương với việc xuất bản một số bài thơ trên tạp chí 문학과사회 (“Văn học và Xã hội”), trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ "Mùa đông ở Seoul". Sau đó Han Kang chuyển sang viết văn xuôi và ngay lập tức có thành tựu với giải thưởng trong Cuộc thi Văn học Mùa xuân của nhật báo “Seoul Shinmun” năm 1994 với truyện ngắn "Red Anchor" (“Mỏ neo đỏ”). Năm 1995, Han Kang xuất bản tập truyện ngắn đầu tay của mình có tựa đề là “A love of Yeosu” (“Tình yêu của Yeosu”) và ngay lập tức gây được tiếng vang. Nhờ đó, Han Kang đã tham gia Chương trình viết văn quốc tế của Đại học Iowa trong ba tháng vào năm 1998 với sự hỗ trợ của Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc.

Nhà văn Hàn Quốc Han Kang.

Các tác phẩm của Han Kang được xuất bản cho đến nay bao gồm các tập truyện ngắn “Fruits of My Woman” (Tạm dịch: Hoa quả thuộc về người phụ nữ của tôi, 2000) và “Fire Salamander” (Tạm dịch: Rồng lửa, 2012); các tiểu thuyết “The Black Deer” (Tạm dịch: Con nai đen, 1998), “Your Cold Hands” (Tạm dịch: Đôi tay lạnh giá của anh, 2002), “The Vegetarian” (Tạm dịch: Người ăn chay, 2007), “Breath Fighting” (Tạm dịch: Hít thở chiến thuật, 2010), “Greek Lessons” (Tạm dịch: Những bài học tiếng Hy Lạp, 2011), “Human Acts” (Tạm dịch: Bản chất của người, 2014), “The White Book” (Tạm dịch: Sách Trắng, 2016) và “I Do Not Bid Farewell” (Tạm dịch: Tôi không nói lời tạm biệt, 2021); tập thơ “I Put the Evening in the Drawer” (Tạm dịch: Tôi cất buổi chiều vào ngăn kéo, 2013); sách tiểu luận “Love, and the Things Around the Love” (Tạm dịch: Tình yêu và những điều xung quanh tình yêu, 2003) v.v…

Han Kang đã giành Giải thưởng tiểu thuyết Hàn Quốc lần thứ 25 với truyện ngắn “Baby Buddha” (Tạm dịch: Đức Phật nhỏ, năm 1999); Giải thưởng nghệ sĩ trẻ ngày nay năm 2000 của Bộ Văn hóa Hàn Quốc; Giải thưởng văn học Yi Sang năm 2005 với tác phẩm “Mongol Spot” (Tạm dịch: Vết bớt Mông Cổ) và Giải thưởng văn học Dongri năm 2010 với tác phẩm “The Wind is Blowing” (Tạm dịch: Gió đang thổi). Đồng thời bà đã được trao Giải thưởng văn học Manhae cho tác phẩm “Human Acts” (“Bản chất của người”, năm 2014) và Giải thưởng văn học Hwang Sun-won (2015) cho truyện ngắn “While One Snowflake Melts” (Tạm dịch: Khi một bông tuyết tan). Tiểu thuyết ngắn gần đây của bà là “Farewell” (Tạm dịch: Tạm biệt) đã giành Giải thưởng Văn học Kim Yujung (2018).

Trên bình diện quốc tế, tiểu thuyết “The Vegetarian” (“Người ăn chay”) của Han Kang đã giành Giải thưởng Man Booker Quốc tế năm 2016 và tiếp tục được trao Giải thưởng San Clemete tại Tây Ban Nha năm 2019. Tiểu thuyết “Human Acts” (“Bản chất của người”) đã giành Giải thưởng Malaparte năm 2017 tại Ý. Han Kang đã được chọn là nhà văn thứ năm cho dự án Future Library (Thư viện tương lai) tại Na Uy vào năm 2019. Dự án này sẽ chọn và xuất bản các tác phẩm của một số nhà văn thời hiện đại trong tương lai. Tác phẩm "Dear Son, My Beloved" (“Con trai yêu, người yêu dấu”) sẽ được lưu giữ tại Thư viện Deichman ở Oslo cho đến khi được xuất bản theo lịch trình vào năm 2114. Tiểu thuyết gần đây nhất của Ham Kang là “I Do Not Bid Farewell” (“Tôi không nói lời tạm biệt”) đã được trao Giải thưởng Medicis tại Pháp vào năm 2023, Giải thưởng Émile Guimet vào năm 2024.

 

Han Kang có một bộ sưu tập giải thưởng phong phú và cũng là một tác giả nữ quan thuộc cả ở châu Á và châu Âu với nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, do vậy chiến thắng của bà tuy bất ngờ song cũng không quá ngạc nhiên đối với các độc giả yêu văn chương.

Với giải Nobel Văn học, Han Kang trở thành nữ tác giả thứ 18 đoạt giải trong lịch sử, nhà văn nữ châu Á đầu tiên có giải, đồng thời cũng là một người thuộc “thế hệ trẻ” trong đội ngũ các nhà văn đoạt giải Nobel, sánh vai với tác giả người Anh Rudyard Kipling đoạt giải Nobel năm 41 tuổi, nữ văn sĩ Thụy Điển Selma Lagerlöf có giải khi 51 tuổi, nhà viết kịch người Bỉ Maurice Maeterlinck đoạt giải khi 49 tuổi…

KỲ HOÀNG dịch tổng hợp từ nhiều nguồn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)