Tàn Tuyết: Đấu tranh chống lại giới văn học ngày nay

Thứ Năm, 10/10/2024 16:09

Nổi lên trong thời kì nở rộ của văn học những năm 1980 hay còn được gọi là "Cơn sốt cao trào văn hóa" với tư cách là thành viên của một nhóm các nhà văn hư cấu tiên phong (gồm cả Mạc Ngôn, Dư Hoa...) có tác phẩm thách thức sự chính thống của chủ nghĩa hiện thực xã hội, trong những năm qua, Tàn Tuyết luôn là cái tên được đặt cược cao cho giải Nobel Văn chương. Năm nay, bà tiếp tục dẫn đầu danh sách của nhà cái NicerOdds và được kì vọng sẽ là người Trung Quốc thứ 2 có chiến thắng này.

Những đổi mới táo bạo trong tác phẩm của bà được đánh giá cao, và thậm chí còn phiêu lưu hơn những nhà văn hiện đại phương Tây, bao gồm Kafka, Borges cũng như Italo Calvino. Với Tàn Tuyết, viết là để chống lại cái chết của tâm hồn và đấu tranh cho một cuộc sống đích thực. Cuộc đấu tranh đó luôn không bao giờ kết thúc và sẽ mãi mãi tiếp tục. Cuộc phỏng vấn sau đây sẽ nói nhiều hơn về quan điểm sáng tác cũng như suy nghĩ của bà về những nhà văn khác.

- Bà từng nói trong các cuộc phỏng vấn rằng văn bản của mình đến từ tiềm thức và một nhà văn giỏi không nên biết mình đang viết gì. Vậy bà nghĩ gì khi bắt đầu viết?

+ Bản thân tiềm thức thực ra không phải yếu tố quyết định, vì mỗi cá nhân đều sở hữu. Chìa khóa nằm ở việc người ta có thể giải phóng tiềm thức để sáng tạo hay không. Ở đây có một cơ chế phức tạp và tôi chỉ có thể giải thích từ góc nhìn của triết học và nghệ thuật. Trong 5 hoặc 6 năm nữa, tôi dự định sẽ viết một cuốn sách về đề tài này. Trong cuốn sách đó, tôi sẽ trình bày một cách chi tiết suy nghĩ của mình về những vấn đề nói trên dựa trên kinh nghiệm thực hành nghệ thuật cũng như thành quả từ quá trình nghiên cứu chuyên sâu về triết học phương Tây của mình.

Tôi đã viết hơn 30 năm và thứ mà tôi sử dụng chính xác là phương pháp sáng tạo của nghệ thuật hiện đại: Lí trí giám sát từ xa. Cảm xúc được giải phóng hoàn toàn. Tôi hướng về vực thẳm đen tối của ý thức và lao vào, và trong sự căng thẳng giữa hai lực lượng đó, tôi xây dựng những cốt truyện tuyệt vời, lí tưởng cho những câu chuyện của mình. Tôi nghĩ những người có thể viết theo cách của tôi phải sở hữu một năng lượng nguyên bản to lớn và một tinh thần logic mạnh mẽ. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể duy trì được sự sáng tạo hoàn toàn trong một ý thức liên tục bị gián đoạn. Ở Trung Quốc, tôi chưa từng thấy một nhà văn nào có thể duy trì được sự sáng tạo như vậy trong suốt nhiều năm.

- Cấu trúc cũng như hình ảnh trong các tác phẩm của bà có thể rất khó để nhận ra. Bà suy nghĩ về chúng như thế nào?

+ Tôi không bao giờ nghĩ trước câu chuyện của mình. Tôi chỉ cầm bút và viết, mỗi ngày đều viết một đoạn văn nhỏ. Trong hơn 30 năm, mọi thứ vẫn luôn như vậy. Tôi tin rằng bản thân được bao quanh bởi một “hào quang” mạnh mẽ và đó là “bí quyết” thành công của tôi. Những nghệ sĩ thành công đều có thể thao túng “sự cân bằng của các lực lượng” - họ là những người có tài năng phi thường.

- Khi bà nói mỗi ngày đều viết một đoạn văn nhỏ", ý bà là viết theo trình tự từ đầu đến cuối hay là sau đó sắp xếp chúng lại với nhau?

+ Tất cả tác phẩm của tôi - tiểu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn - đều được viết theo trình tự từ đầu đến cuối. Tôi không bao giờ sắp xếp chúng lại theo một trình tự nào cả. Bản thảo của tôi vì vậy mà rất ngăn nắp. Tôi rất, rất hiếm sửa chữa từ nào.

- Không gian là một yếu tố quan trọng trong các sáng tác của bà. Bà suy nghĩ thế nào về chúng?

+ Chỉ có nhà văn sở hữu mức độ lí trí cao mới có thể phá vỡ không gian thông thường và bước vào một bối cảnh nguyên sơ, hoàn toàn kì ảo. Dante là kiểu nhà văn như vậy. Bối cảnh địa ngục của ông ấy tràn ngập khát khao và sức mạnh. Những linh hồn thức tỉnh mạnh mẽ ở đó giành được không gian riêng tư thông qua những cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Ngay khi đấu tranh chấm dứt thì không gian ấy cũng sẽ biến mất. Đây là cơ chế sáng tạo mà tôi đã có nói đến trong câu trả lời ở trên. Mỗi nhà văn thể hiện sức sống của mình thông qua không gian hoàn toàn xa lạ mà họ tạo ra.

- Tác phẩm của bà thường mô tả những điều kì dị, sự biến dạng cơ thể và bạo lực không khoan nhượng. Đây là “đặc trưng” của những nhà văn được xác định là thuộc trường phái tiên phong của Trung Quốc vào những năm 1980. Cách tiếp cận của bà nên được nhìn nhận thế nào so với những nhà văn khác?

+ Tôi không giống một số nhà văn Trung Quốc khác, những người thích thú với việc miêu tả bạo lực theo kiểu đơn giản. Điều đó được gọi là diễn xuất trần trụi vì không có bản chất nào ẩn thân trong đó. Trong một số ít tác phẩm đầu tay của Dư Hoa, anh ta viết về bạo lực rất đáng chú ý, tôi thậm chí còn viết bình luận về tập truyện nói trên. Tuy vậy cũng có rất nhiều tác phẩm không có chút ẩn dụ về sức mạnh nào. Mạc Ngôn cũng thế, chúng bị bóp méo, thật sự thấp kém.

Theo tôi, miêu tả về bạo lực phải có hình thức, phải có cảm giác siêu hình. Giống như những hình ảnh trong địa ngục của Dante, chúng phải miêu tả được những đấu tranh thực sự sâu thẳm trong tâm hồn con người. Người đọc chứng kiến những hình ảnh đáng sợ của Dante, nhưng chúng cũng thúc đẩy những những lí tưởng và khao khát trong sáng nhất của bản thân họ.

- Bà tương tác thế nào với độc giả của mình?

+ Tôi thường xuyên tương tác với độc giả Trung Quốc và đã có khá nhiều cuộc phỏng vấn được thực hiện. Tôi cũng rất hay giao lưu với cư dân mạng cũng như chỉ trích mà có thể nói là đã xúc phạm hầu hết các nhà văn và nhà phê bình đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn phải kiên trì nói lí lẽ và giữ vững lập trường phê phán. Trung Quốc có khá nhiều người hâm mộ Tàn Tuyết, nhưng nhìn chung, thời đại của Tàn Tuyết vẫn chưa đến, vì các tác phẩm của tôi quá vượt trội và không tuân theo thẩm mĩ thông thường. Vì vậy, tôi phải tiếp tục thực hiện công việc đều đặn để đưa tác phẩm của mình vào trong cuộc sống. Độc giả Trung Quốc và nước ngoài có phản ứng tương tự với các tác phẩm của tôi, bởi vì chủ đề của tôi là bản chất con người một cách phổ quát - bộ mặt nguyên thủy của chính chúng ta từ khi sinh ra.

- Có nghệ sĩ đương đại nào truyền cảm hứng cho bà không?

+ Tất cả nghệ thuật hiện đại (bao gồm cả văn học) đều là nghệ thuật trình diễn. Những tác phẩm nghệ thuật này đều là minh chứng cho việc các nghệ sĩ đứng lên để tồn tại. Tôi thích nhiều loại hình nghệ thuật, từ âm nhạc cổ điển, hội họa hiện đại cho đến khiêu vũ hiện đại. Các tác phẩm âm nhạc cổ điển của Bizet, Tchaikovsky, Beethoven, Brahms, Schubert, Mendelssohn, Bach và những người khác đều là minh chứng thực sự cho trình diễn hiện đại. Kinh thánhThần khúc cũng tràn ngập các yếu tố hiện đại và chúng mạnh mẽ hơn nhiều so với cái gọi là văn học hậu hiện đại. Đối với các họa sĩ và nhà điêu khắc hiện đại, những người tôi yêu thích nhất là Van Gogh, Dali, Munch, Miro, Bosch và Giacometti. Điệu nhảy yêu thích của tôi là Butoh của Nhật Bản.

- Bà từng viết rằng người nghệ sĩ nên "cho độc giả khả năng mở khóa cánh cổng địa ngục cá nhân của họ và giải thoát tinh thần bị giam cầm lâu dài ". Ý tưởng này có nhiều tương quan với Lỗ Tấn phải không?

+ Tôi vẫn lấy thái độ của Lỗ Tấn đối với văn hóa nước ngoài làm hình mẫu cho mình. Kiểu tư duy đó - cởi mở với thế giới, nhưng không tự hạ mình - chính xác là thứ mà chúng ta, những nhà văn Trung Quốc đại lục, còn thiếu. Tôi đã nói đủ về vấn đề này rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm điều này: Bối cảnh văn học của Trung Quốc đại lục ngày nay ảm đạm hơn nhiều so với những năm 1930 và 1940. Sứ mệnh của tôi chính là đấu tranh chống lại giới văn học ngày nay cũng như phát huy tinh thần Lỗ Tấn từ đó giúp nhà văn trẻ có thêm hi vọng. Giới văn học Trung Quốc hiện nay bao gồm một số ít bè phái chỉ biết nghĩ đến bản thân. Những nhà văn trẻ chỉ cần thể hiện chút ít gan dạ thì sẽ mất toi mọi cơ hội thăng tiến.

- Đâu là điều mà bà muốn độc giả nhìn nhận tác phẩm của mình?

+ Tôi tin rằng, trong kỉ nguyên sắp tới, tất cả các nghệ sĩ tiên phong sẽ trở thành người diễn giải tác phẩm của chính họ, và sau làn sóng đó, diễn giải sẽ trở thành một thông lệ phổ biến. Đó chẳng phải là tin tốt cho đông đảo công chúng sao? Nếu đôi mắt của độc giả mở ra và sự tò mò của họ được khơi dậy, họ sẽ háo hức thêm vào cách diễn giải của mình vào thứ mà họ đang đọc hoặc thậm chí là vào tác phẩm hư cấu mà họ đang viết. Theo cách này, mọi tác phẩm sẽ trở thành một nơi để thử nghiệm, và thông qua quá trình diễn giải, mọi người sẽ nỗ lực sáng tạo mới. Tôi gọi loại diễn giải này là sự mở rộng của văn bản. Cách tiếp cận hiện thực đối với việc đọc - sự ngưỡng mộ thụ động, đứng bên ngoài và thốt lên một vài câu cảm thán về sự bí ẩn của văn học - là không đủ để giải quyết các tác phẩm thử nghiệm như tiểu thuyết của tôi. Mọi độc giả phải đứng lên và biểu diễn để bước vào lĩnh vực văn học thể nghiệm.

Thực hiện bởi Dylan Suher và Joan Hua cho The Asymptote
TRIỀU DƯƠNG dịch

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)