Ra mắt đúng nửa thế kỉ từ năm 1974 nhưng cho đến nay Carrie: Vũ hội đẫm máu - tác phẩm đầu tay của “ông hoàng truyện kinh dị” Stephen King - vẫn còn vẹn nguyên giá trị và sự tác động. Tác phẩm này cũng mở đầu cho thấy một cam kết bền vững mà King rồi sẽ thực hiện suốt cả đời mình, khi biến các tác phẩm có màu sắc kinh dị từ chỗ “ba xu” trở nên quan trọng ngay trong dòng chính văn học.
Ông hoàng kinh dị Stephen King
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Carrie White – một thiếu nữ là nạn nhân ở khắp mọi nơi mà mình đi qua, từ ở trường luôn bị bạn bè bắt nạt, biến thành trò cười cho đến ở nhà, khi có một bà mẹ sùng đạo cuồng tín lên đến bệnh hoạn. Sống giữa bối cảnh đó và nhiều nguyên nhân chưa được lí giải, cô đã nảy sinh ra một khả năng đặc biệt là niệm lực bẩm sinh, có thể điều khiển vật thể chỉ bằng ý nghĩ. Trong buổi vũ hội cuối cấp, cô từ một “con dê tế thần” đã được chàng trai Tommy mọi người mến mộ mời làm bạn nhảy. Liệu điều bất ngờ này là cái kết đẹp hay có âm mưu nào vẫn còn ẩn giấu?
Với sức sống dài lâu khi đã bán được hàng triệu bản, truyền cảm hứng cho 4 bộ phim và được bàn tán từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thể thấy Carrie đã thể hiện được một vấn đề to lớn hơn chỉ là một tác phẩm kinh dị “dọa ma” thông thường. Ở đó không quá khó thấy King đã cài cắm rất nhiều vấn đề xoay quanh Carrie, từ nạn bắt nạt trong trường, việc bị đàn áp bởi sự cực đoan của cha mẹ, sự tổn thương của con trẻ, cách biệt giai tầng và nhân rộng lên thành câu chuyện nữ quyền đã từng rất mới vào năm 1974 khi nó ra mắt. Ở thời điểm này làn sóng thứ 2 quét khắp nước Mĩ, với cương vị một nhà văn nam, có thể thấy King đã rất dũng cảm khi cất tiếng nói trong một thời đoạn mà nhiều định kiến và ý thức hệ vẫn còn “giậm chân”.
Siêu năng lực và sự giải thoát
Ngay từ trang đầu, King đã mô tả Carrie như một nhân dạng bị chối bỏ: “Carrie lù đù đứng giữa bọn họ, một con ếch giữa bầy thiên nga. Nó là một đứa con gái mập lùn, mọc mụn khắp cổ, lưng và cả ở mông. Mái tóc ướt đẫm trông hết sức bợt bạt, bết lại đầy sầu thảm trên mặt nó. Carrie cứ đứng đó, đầu hơi cúi, để nước trút xuống thịt da và chảy đi. Bộ dạng nó phù hợp với vai con dê hiến tế, trò hề muôn thuở, thứ ba ngơ bạ gì cũng tin, kẻ đụng đâu hỏng đấy, và nó đúng là như thế. Nó cứ khổ sở ước hoài, rằng phải chi trường Ewen có buồng tắm tách biệt - tức là riêng tư - như những trường trung học ở Westover hay Lewiston. Bởi vì bọn họ nhìn chằm chằm. Bọn họ lúc nào cũng nhìn chằm chằm”. Ở đây không quá khó thấy được sự ngoại lệ của một cá thể, khi những khuôn mẫu chung trở thành sức mạnh của đám đông cuồng loạn, dập tắt đi những khác biệt không theo khuôn khổ.
Không dừng ở đó, khi về nhà, thì thứ chờ cô là một bà mẹ có đức tin chính thống giáo gần như cuồng tín, người đã sinh cô với niềm tin rằng Chúa đang làm ung nhọt bộ phận sâu kín như sự trừng phạt khi đã chung đụng gần một người đàn ông. Kể từ khi đó thứ chờ đợi cô là nơi nhà kho lạnh lẽo và chiếc tủ quần áo chật chội để tự suy tư về tội lỗi của mình. Bà cũng cật lực ngăn cản cô cố hòa nhập và xem việc sống đức hạnh trong một vòng tròn đỏ vẽ quanh mình là cách làm yên lòng Chúa. King không ngần ngại phơi bày những suy nghĩ của người đàn bà này, như lời thảng thốt bà đã nói ra: “Ôi Thiên Chúa, hãy giúp cho kẻ đàn bà tội lỗi bên cạnh con đây nhìn thấy tội nghiệt trong sự sống của nó. Cho nó thấy rằng nếu nó cứ vô tội thì Lời Nguyền Máu sẽ chẳng bao giờ đổ lên nó. Nó đã phạm tội mang những suy nghĩ dâm dục. Nó đã nghe thứ nhạc rock 'n roll trên radio. Nó đã bị Kẻ Chống Chúa dụ dỗ. Hãy cho nó thấy rằng đây là tác phẩm tạo ra bởi đôi tay ứng thù, tốt lành của Ngài...”
Và chính từ những “nút thắt” trên đã làm nên siêu năng lực của Carrie. Từ trước đến nay, những tác phẩm huyễn tưởng hoặc siêu nhiên luôn không được đánh giá cao bởi xa rời sự thật, từ đó hạ đi vị thế của dòng văn này. Nhưng ở Carrie, King cho thấy năng lực nói trên mang nhiều tầng nghĩa hơn chỉ đóng góp cho cuốn tiểu thuyết trở nên ăn khách (hoặc là rẻ tiền - tùy theo cách hiểu). Carrie theo đó là một lò nén của những áp lực, từ trường cho đến gia đình. Vì vậy thứ duy nhất có thể giúp cô giải tỏa mà không chết đi là siêu năng lực. Từ đó những cơn mưa đá, khả năng di chuyển đồ vật, kiểm soát dòng chảy tùy theo ý nghĩ... dần dần xuất hiện. Có thể nói hư cấu là cách King cho nhân vật của mình tồn tại, và nếu gạt đi yếu tố nói trên để chỉ còn lại sự thật, thì Carrie không chỉ chết đi trong trí tưởng tượng của tác giả mà còn chết bởi chính năng lực của mình, khi nó không thể phát tiết thành sự trả thù để rồi bản thân bị bịt kín lại như một nồi hơi ngày càng gia nhiệt.
Do đó siêu năng lực của Carrie cũng như trong các cuốn khác, từ She của H. Rider Haggard cho đến The Power của Naomi Alderman, đều mang bản chất là sự tố cáo rất nhiều áp chế được chất trên vai người phụ nữ. Ở khía cạnh này King đã cân bằng được sự đa nghĩa, khiến cuốn tiểu thuyết không chỉ mới lạ bởi những khả năng phi nhân của Carrie mà còn cho thấy nhiều điều sâu sắc hơn trong khởi nguồn của nó. Có thể coi đây là thành công lớn nhất của ông khi biến một dòng văn tưởng chỉ đơn thuần “câu khách” nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa mang tính tượng hình đặc biệt hơn. Bằng khả năng đi sâu vào tâm lí và không khoan nhượng những góc tối thẳm sâu trong tiềm thức con người, nửa sau Carrie và sự trả thù của nhân vật này không chỉ khiến độc giả lạnh sống lưng, mà bằng bạo lực của con người, nó cũng khiến ta không ngừng suy ngẫm về những áp chế, định kiến vàc ách mà đám đông làm tổn thương bất cứ ai đó khác xa với mình.
Ra mắt hơn nửa thế kỉ nhưng Carrie vẫn có sức sống trường tồn cho đến ngày nay
Những vấn đề ngoại vi
Trong tác phẩm mang nhiều suy ngẫm Bàn về việc viết, King đã nói rằng nỗi kinh hoàng tột cùng đối với riêng mình là sự tàn ác của con người, đặc biệt là đối với trẻ em, khi nó đã bóp méo mặt tốt hơn trong chính chúng ta. Điều đó cũng được truyền tải một cách sâu sắc trong tác phẩm này, khi có thể thấy hầu như những con người gây nên thảm kịch ở buổi vũ hội đẫm máu đều không có một gia đình mang tính trọn vẹn. Trong khi Carrie được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ cuồng tín, thì 2 kẻ gây nên thảm kịch: Chris – sống trong sự bao bọc nhưng bỏ mặc của ông bố luật sư giàu có, và Nolan – kẻ không gia đình, coi chiếc xe hơi là nhà của mình – cũng không đến từ nền tảng tốt hơn. Gạt qua câu chuyện về tuổi thiếu niên nông nổi và những ác cảm mang tính đám đông, King còn nói nhiều hơn về cấu trúc gia đình và những giá trị bị mất khi đồng tiền đi trước nhân tính.
Từ đó sự phân cấp giàu nghèo cũng được thể hiện rất rõ trong tác phẩm này. Không quá khó thấy King rất tham vọng khi ông liên tục vào - ra mạch truyện để xoáy vào các nhân vật tuy chỉ là phụ nhưng có đóng góp rất lớn vào thông điệp chung. Chẳng hạn nhân vật luật sư giàu có là cha của Chris – người muốn sử dụng quyền lực và tiền bạc để dàn xếp vụ việc với con gái mình – chính là đại diện cho một xã hội coi trọng kim tiền. Ông cũng bàn luận về sự yếu kém của hệ thống giáo dục khi không phát hiện một cách sớm hơn mâu thuẫn giữa những đứa trẻ còn chưa kịp lớn. Tuy các giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó trong tác phẩm này nhìn chung vẫn còn giữ được đạo đức làm nghề nhưng sự bất nhất trong tính cách và diễn tiến tâm lí của họ không thể che giấu được sự phân cấp trên đã ăn rất sâu vào tận gốc rễ. Điều này cho thấy tuy viết về siêu nhiên – thứ hư cấu cấp độ rất cao – nhưng thật ra King lại chạm gần sự thật hơn bao giờ hết.
Khép lại cuốn sách, câu hỏi không ngừng nảy ra trong mỗi chúng ta là liệu rằng kịch bản ấy có lặp lại không? Bằng cách viết thể nghiệm khi xen lẫn với những báo cáo khoa học, những cuốn hồi kí của các nhân vật vẫn còn sống sót sau thảm họa này... thì cái nhìn bi quan của King vẫn còn nguyên đó. Thay vì triệt để cải thiện những ngầm ý nói trên, thứ họ quan tâm là điều chỉnh gen để sự việc này im tiếng một lần và mãi mãi. Dự đoán của King tuy là tuyệt vọng nhưng cũng như trên, lại thật như chưa bao giờ sự thật gần gũi như thế, và những ngày này chính là minh chứng cho tầm nhìn chính xác, vượt xa thời đại của ông, khi những đau thương vẫn đang trở đi trở lại và chưa biến mất. Có thể nói Carrie là một tác phẩm chạm vào sự thật hơn bao giờ hết, dù được tạo nên chỉ bằng hư cấu.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD