Han Kang: “Phẩm giá con người là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục viết tiểu thuyết”

Thứ Hai, 21/10/2024 00:41

Sau khi Han Kang là chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương 2024, các viện sĩ Viện Hàn Lâm đã có cuộc trao đổi ngắn với báo giới. Trong đó, tiểu thuyết gia Anna-Karin Palm – chủ nhân ghế số 16 – đã chọn Bản chất của người là tác phẩm tiêu biểu nhất của nữ nhà văn Hàn Quốc. Bài phỏng vấn sau đây sẽ nói nhiều hơn về cuốn sách này và quá trình sáng tạo để viết nên nó.

Nhà văn Han Kang

+ Lịch sử Hàn Quốc trong thế kỉ 20 chứa đầy những đau thương, tại sao cô lại chọn viết về cuộc nổi dậy Gwangju?

- Thế kỉ 20 đã để lại những vết thương sâu sắc không chỉ ở Hàn Quốc mà còn cho toàn thể nhân loại. Vì tôi sinh năm 1970 nên tôi không trải qua cuộc chiếm đóng của Nhật Bản (kéo dài từ năm 1910 đến năm 1945), cũng như Chiến tranh Triều Tiên (bắt đầu vào năm 1950 và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn năm 1953). Tôi bắt đầu xuất bản thơ và tiểu thuyết vào năm 1993 khi 23 tuổi. Đó là năm đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự 1961 mà một tổng thống không phải quân nhân lên nắm chính quyền. Nhờ đó, tôi và các nhà văn cùng thế hệ cảm thấy rằng mình đã có được sự tự do để khám phá nội tâm của con người mà không có cảm giác lo sợ. Khi ấy chúng tôi biết mình nên đưa ra những tuyên bố chính trị thông qua tác phẩm.

Vì vậy, tác phẩm của tôi tập trung vào những nghịch lí. Con người sẽ không ngần ngại hi sinh mạng sống để cứu một đứa trẻ đã ngã xuống đường ray, nhưng cũng có thể trở thành thủ phạm của bạo lực khủng khiếp như ở Auschwitz vậy. Tính bất nhất này là “bài toán khó” với bản thân tôi từ khi còn nhỏ. Có thể nói rằng những cuốn sách của tôi là những biến thể về chủ đề bạo lực của con người, vì vậy tôi đã mò mẫm bên trong chính mình và ở đó tôi đã gặp Gwangju, nơi mình đã trải nghiệm gián tiếp vào năm 1980.

+ Cô xuất hiện như một nhân vật trong tiểu thuyết này để ghi lại kí ức của mình. Đó là một phương tiện rất hiệu quả để kết nối cuộc sống và nghệ thuật, quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì sao cô lại sử dụng cách viết nói trên?

- Tôi sinh ra ở Gwangju và chuyển đến Seoul cùng gia đình năm lên 9 tuổi - chỉ 4 tháng trước vụ thảm sát. Chúng tôi chuyển đi hoàn toàn tình cờ và vì quyết định có vẻ nhỏ nhặt này mà cả nhà tôi vẫn bình an vô sự. Điều đó đã trở thành một loại tội lỗi của người sống sót và khuấy động cả gia đình tôi trong một thời gian dài. Tôi 12 tuổi khi lần đầu nhìn thấy một cuốn sách ảnh được xuất bản và lưu hành bí mật để làm bằng chứng cho vụ thảm sát. Cha tôi đã mang nó về sau chuyến thăm Gwangju. Sau khi được truyền tay nhau giữa những người lớn, nó được giấu trong giá sách với gáy quay về phía sau. Một ngày nọ tôi vô tình mở nó ra mà không biết bên trong có gì. Tôi còn quá nhỏ để biết cách tiếp nhận bằng chứng về bạo lực tràn lan được chứa đựng trong những trang sách đó.

Làm sao con người có thể làm những điều như vậy với nhau? Ngay sau câu hỏi đầu tiên này, một câu hỏi khác nhanh chóng theo sau: chúng ta có thể làm gì trước bạo lực như vậy? Tôi vẫn chưa quên nó ngay cả giờ đây - bức ảnh chụp một hàng người dài vô tận xếp hàng bên ngoài bệnh viện để đáp lại lời kêu gọi hiến máu. Rất nhiều dân thường không ngại hiểm nguy để giúp đỡ những người bị thương trong vụ bạo lực. Khi thiết quân luật trở lại và chấm dứt 10 ngày đấu tranh, những người dân này vẫn ở lại đó ngay cả khi biết bản thân có thể ngã xuống. Theo cung cách đó, tôi đã đi tìm lời đáp của 2 câu đố không thể giải được đó là bạo lực và nhân phẩm của con người. Bản chất của người tạo thành một bản ghi chép về sự mò mẫm của tôi đối với hai câu hỏi này.

+ Cô bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này vào năm 2013, ngay sau khi cựu tổng thống Park Geun-Hye đắc cử vào cuối năm 2012. Đối với nhiều người, nhiệm kì của bà có thể được coi là sự hội tụ của những căng thẳng tương tự như Hàn Quốc vào năm 1980 tại thời điểm xảy ra vụ thảm sát Gwangju. Nó ảnh hưởng thế nào đến việc sáng tạo?

- Đúng là tôi đã chuẩn bị các tài liệu liên quan đến sự kiện Gwangju vào tháng 12.2012. Nhưng thực tế thì thôi thúc viết đã nổi dậy bên trong tôi từ tháng 1.2009. Vào thời điểm đó, một tòa nhà ở quận Yongsan của Seoul đã được định hướng chuyển đổi mục đích, và những chủ doanh nghiệp nhỏ ở đó đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi trên nóc tòa nhà để phản đối khoản bồi thường ít ỏi mà họ nhận được. Chính phủ đã sử dụng vũ lực để giải tán cuộc biểu tình, trong quá trình đó một vụ hỏa hoạn xảy ra khiến 5 người biểu tình và 1 cảnh sát thiệt mạng. Tôi thấy tòa nhà đang bốc cháy trên bản tin và nghĩ đến Gwangju.

Tôi cảm thấy rằng Gwangju đã trở lại với chúng ta dưới một nhân dáng khác, khi nó không còn là một danh từ riêng nữa mà đã trở thành một danh từ chung, rằng chúng ta đã vô tình sống bên trong Gwangju suốt các năm qua, rằng Gwangju đang tự bộc lộ mình trong những ngọn lửa ngắn ngủi đó. Bởi vì tôi tin rằng Gwangju giờ đây là cái tên phù hợp cho điều gì đó thật phổ quát hơn chỉ một địa điểm hay là quốc gia cụ thể nào đó, nên các tài liệu tôi đọc sau đó không chỉ liên quan đến Gwangju mà còn liên quan đến Auschwitz, Bosnia, Nam Kinh và vụ thảm sát người Mĩ bản địa.

+ Qúa trình ra mắt cuốn sách có khó khăn không?

- Cho đến tận khi Bản chất của người được xuất bản, tôi vẫn không chắc liệu cuốn tiểu thuyết sẽ được đón nhận thế nào. Tuy nhiên, trái với dự đoán của tôi, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông (trừ phe cánh hữu) đều đồng loạt đưa tin về nó. Phản ứng của độc giả là “chúng tôi muốn nhớ về Gwangju tại thời điểm này, chúng tôi không muốn nó bị lãng quên”. Thời điểm đó là tháng 5.2014. Tôi tin phản ứng như đã nói trên cũng sẽ vậy thôi nếu như cuốn sách được phát hành ngay lúc này đây bởi tình hình đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi ấy.

- Vậy viết nó thì thế nào? Cô có phỏng vấn những nhân chứng không?

+ Nếu tôi viết cuốn sách này vào những năm 1990 thì việc có được các tài liệu sẽ là một thách thức lớn. Nhưng vì tôi bắt đầu viết vào mùa đông năm 2012 nên tôi có thể có được rất nhiều tư liệu. Vì vậy, trên thực tế, thách thức mà tôi phải đối mặt là làm thế nào để xử lí được một “núi” tài liệu khổng lồ như vậy. Đặc biệt, có những lời chứng bằng văn bản của hàng trăm người, tổng cộng chiếm hơn 2000 trang giấy. Việc đọc kĩ chúng là rất quan trọng với bản thân tôi. Nhưng cuối cùng, tôi muốn cuốn tiểu thuyết không có chức năng tài liệu, mà là một tác phẩm văn học thấm đẫm con người.

Tôi không muốn phỏng vấn gia đình của những người đã mất hoặc bị thương vì họ đã đưa ra lời khai của mình nhiều lần rồi. Tôi thấy làm thế là không phải đạo. Thay vào đó tôi sẽ gặp những người bình thường mà mình biết và hỏi họ về Gwangju. Họ lần đầu tiên biết sự kiện đó vào khi nào? Khám phá đó đã thay đổi cuộc sống của họ ra sao? Và tôi đã nhận được sự giúp đỡ không thể mong đợi. Bắt đầu từ thông tin về các tài liệu có giá trị mà tôi không hề biết đến, mô tả về bầu không khí của trường đại học vào đầu những năm 1980 mà khi đó chính tôi còn là đứa trẻ… Những chi tiết đó chính xác là những gì tôi cần. Tôi rất biết ơn những người đã mở lòng với tôi theo cách này.

+ Cô từng nói rằng tất cả tác phẩm của mình đều liên quan đến việc trả lời câu hỏi về ý nghĩa của việc làm người. Nhưng so với Người ăn chay thì có vẻ như Bản chất của người rộng lớn và phổ quát hơn?

- Đúng vậy, dù 2 tiểu thuyết có vẻ khác nhau nhưng thực tế chúng có thể được xem như một cặp có gốc rễ đan xen vào nhau. Khi viết Người ăn chay, tôi đã ấp ủ những câu hỏi về bạo lực của con người và sự bất khả của thơ ngây. Ở mặt trái của nỗ lực cực đoan, nhân vật chính Yeong-hye đã quay lưng lại với bạo lực bằng cách từ bỏ cơ thể con người và biến mình thành một loài thực vật. Ta thấy đó là một sự tuyệt vọng sâu sắc và đầy hoài nghi về nhân loại này. Trong một cuốn sách khác của tôi, Greek Lessons, nhân vật chính mất đi khả năng nói cũng như một cách để phản kháng bạo lực.

Thế nhưng chống lại bạo lực cũng chứa trong mình một nỗ lực để phục hồi dù phải trải qua rất nhiều khó khăn. Bản chất của người cũng bắt đầu bằng nỗi thống khổ về bạo lực của con người, nhưng thứ cuối cùng tôi muốn đạt đến là phẩm giá của con người - nơi tươi sáng, nơi những bông hoa nở rộ. Đó là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục viết tiểu thuyết.

PHƯƠNG NGA theo bài phỏng vấn đăng tải trên The White Review

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)