Tác giả hai lần được đề cử giải Booker nổi tiếng với hai tiểu thuyết At the Jerusalem và Gabriel's Lament có những câu chuyện giản dị, bí ẩn, đẹp đẽ và lặng lẽ về cuộc sống ở Anh với các nhân vật chịu đựng nỗi đau, tình yêu, mất mát hoặc đau đớn với lòng tự trọng không hề khoan nhượng đã qua đời ở tuổi 87.
Nhà văn, nhà thơ Paul Bailey
Ông sinh ra với cái tên Peter Harry Bailey ở phía nam London vào ngày 16 tháng 2 năm 1937. Cha của ông, Arthur Bailey, là một người thu gom rác mất sớm khi ông còn là một cậu bé nhỏ mà sau này Bailey đã chia sẻ khi viết Gabriel's Lament: "Tôi đã tưởng tượng ra một người cha mà bản thân mình chưa bao giờ có. Khi ấy tôi đã nhận được rất nhiều lá thư từ độc giả nói rằng: 'Ông đã đưa cha tôi lên trên trang giấy! Làm sao mà ông biết được cha tôi ra sao?' Vấn đề là: Tôi hoàn toàn bịa ra ông ấy. Khi đang viết, tôi nghĩ: 'Tôi có thể làm cho ông ấy tệ đến mức nào?'” Bailey chủ yếu được nuôi dưỡng bởi người mẹ độc đoán làm nghề bồi bàn mà ông từng viết: "Bà sống đến 90 tuổi vì hay mỉa mai. Bà liên tục chỉ trích mọi người, và điều đó mang lại cho bà năng lượng tuyệt vời".
Khi còn rất nhỏ, ông đã tưởng tượng ra một người anh em sinh đôi tên Paul "nói bằng giọng khác mặc dù sở hữu khuôn mặt y hệt và mặc quần áo của tôi”. Sau khi đi học ở nam London, năm 1953, Bailey đã giành được học bổng vào Trường Kịch nghệ Trung ương. Khi ông gia nhập đoàn hát Equity thì đã có một Peter Bailey khác xuất hiện, vì vậy ông bắt đầu sử dụng tên người anh trai tưởng tượng của mình. Ông làm diễn viên từ năm 1956 đến năm 1964.
Khi 30 tuổi và đang là nhân viên bán hàng tại Harrods, ông đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay At the Jerusalem lấy bối cảnh một viện dưỡng lão và được tiểu thuyết gia Philip Hensher mô tả là "một kiệt tác của sự đồng cảm, giàu trí tưởng tượng". Cuốn tiểu thuyết đã giành được giải Somerset Maugham cũng như Arts Council Writers sau khi xuất bản vào năm 1967. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng khác trong sự nghiệp của mình, bao gồm cả giải George Orwell và EM Forster.
Hai tiểu thuyết tiếp theo được cho ra mắt là Trespasses và A Distant Likeness trước khi cuốn sách đầu tiên được đề cử giải Booker là Peter Smart’s Confessions phát hành vào năm 1977. Nó xoay quanh câu chuyện về một người chồng không hạnh phúc và một diễn viên không thành công đang cố tự tử. Năm 1986, Bailey lại lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker một lần nữa cho cuốn tiểu thuyết Gabriel's Lament xoay quanh quá trình trưởng thành của Gabriel Harvey, một nhà văn thành đạt, một kẻ lập dị, người có hành trình tìm kiếm sự thấu hiểu bản thân đầy phức tạp vì được nuôi dưỡng bởi một người cha kì thị người đồng tính và một người mẹ mà ông yêu thương hết mực nhưng bỏ rơi mình.
Năm 1982, Bailey được mời làm giám khảo giải Booker và đã công bố Danh sách của Schindler từ tiểu thuyết gia Thomas Keneally là người chiến thắng. Đây là một lựa chọn gây tranh cãi vì một số người cho rằng cuốn sách của Keneally giống phi hư cấu hơn là hư cấu. Sau này Bailey đã chia sẻ rằng: "Có nhiều điều tôi hối hận khi làm trong cuộc đời mình, và việc làm giám khảo cho giải Booker là một trong số đó. Tôi thề sẽ không bao giờ lặp lại trải nghiệm kinh hoàng đó, trong việc tranh cãi để tìm ra người chiến thắng. Sự thô tục bao quanh giải thưởng Booker và Costa không phải là thứ mà tôi muốn làm.”
Chia sẻ về quan điểm sáng tác của mình, Bailey nói rằng: “Tôi viết vì mình phải viết cũng như muốn viết. Chỉ như vậy thôi. Tôi rất đồng cảm với quan điểm của nhà văn Isaac Babel là phải viết một cách đơn giản, ngắn gọn và chính xác. Chính ông là người đã nói 'Không loại thép nào có thể xuyên thủng trái tim con người một cách lạnh lẽo như dấu chấm câu vào đúng thời điểm. Tôi hi vọng một hoặc hai dấu chấm của mình làm được điều ấy.”
Ngoài tiểu thuyết, Bailey đã xuất bản thơ và sách phi hư cấu, bao gồm cuốn hồi kí An Immaculate Mistake ra mắt vào năm 1990 kể về trải nghiệm lớn lên là người đồng tính trong một gia đình tin rằng đó là căn bệnh. Năm 2001, ông cho ra mắt một cuốn tiểu sử khác mang tên Three Queer Lives nói về ba nghệ sĩ giải trí đồng tính hoạt động từ thế kỷ 20. Trong các thể loại, tác phẩm của Bailey thường xem xét ý nghĩa của việc trở thành người ngoài cuộc: ở rìa xã hội hoặc bị gia đình xa lánh.
Những tác phẩm nổi tiếng của Paul Bailey
Ông từng lãng phí nhiều năm để nghiên cứu tiểu sử của tiểu thuyết gia Henry Green mà cuối cùng ông đã từ bỏ trước sự phản đối của gia đình tác giả. Nhưng vào năm 1982 ông đã thành công với An English Madam, một tiểu sử tuyệt vời về Cynthia Payne, “má mì” của nhà thổ Streatham – nơi được mệnh danh là ngôi nhà lộn xộn nhất nước Anh trong thập niên 1980.
Từ thập niên này, Bailey thường xuyên đi du lịch với tư cách là đại sứ văn học cho Hội Đồng Anh – trên hết là đến Romania, đất nước mà ông đã chọn gắn bó. “Tôi nghĩ đó là một nơi vừa buồn tẻ nhưng lại hấp dẫn bản thân mình nhất”, ông nhớ lại. “Điều thực sự khiến tôi thích thú là vẻ đẹp của ngôn ngữ, tính hài hước xen lẫn ủ ê mà mọi người sở hữu”. Ông tiếp tục học ngôn ngữ và đất nước này nhanh chóng thay thế miền nam London ở thời thơ ấu để trở thành trọng tâm chính trong trí tưởng tượng của bản thân ông. Romania là bối cảnh cho các tiểu thuyết Kitty and Virgil (1998) và The Prince's Boy (2014) nói về những người tị nạn Romania ở Paris những năm 1920. Tác phẩm được xuất bản gần đây nhất của Bailey là tập thơ thứ hai mang tên Joie de vivre ra mắt vào năm 2022.
Thân thiện và dí dỏm, Bailey từng được Philip Hensher nhận định “có lẽ là nhà văn lớn nhất London”. Nhưng mặc dù ông là một nhân vật quen thuộc của giới văn chương khi thường hiện diện tại các buổi ra mắt sách và là một nhà phê bình sung mãn – thì ông chưa bao giờ thực sự giành được danh tiếng mình đáng sở hữu. Ông chỉ được nhắc đến đôi lần trong tác phẩm tổng hợp chân dung văn học hiện đại mang tên The Prose Factory (2016) của DJ Taylor và không được nhắc đến lần nào trong tác phẩm khảo sát tiểu thuyết Anh từ năm 1970 mang tên Retroland (2023) của Peter Kemp, mặc dù vị tác giả này có quen biết ông ở mảng báo chí.
Có nhiều lí do tại sao tên của Bailey có thể không xuất hiện ngay lập tức trong tâm trí độc giả ngày nay. Ông không có những bạn văn cùng thời, ông không viết văn ngay từ ban đầu mà là tham gia kịch nghệ. Ông là một người đồng tính nhưng lại chưa bao giờ là một nhà văn đồng tính. London của ông không phải là phong cách tân Gothic, cũng không phải là hình ảnh của sự bẩn thỉu hay là một nơi châm biếm đế chế Thatcher. Ông đã quá “già” để đủ điều kiện lọt vào danh sách Tiểu thuyết gia trẻ xuất sắc nhất của giải Granta năm 1983 (ông hơi hoài nghi Martin Amis và Julian Barnes nhưng rất ngưỡng mộ Kazuo Ishiguro). Ông đã thử nghiệm tương đối nhiều lần nhưng không thuộc nhóm những người tiên phong gồm các tên tuổi như BS Johnson hay Ann Quin. Ngoài ra ông cũng không thuộc chủ nghĩa hậu hiện đại của các nhà văn thế hệ sau mình...
Nhưng không thể phủ nhận những gì ông đã để lại vẫn còn giá trị và sẽ trường tồn theo chiều thời gian. Người đại diện của Bailey tại RCW Literary Agency, Matthew Marland, mô tả ông là “một trong những tác giả lâu đời nhất và được yêu thích nhất của RCW. Tất cả chúng ta sẽ rất nhớ ông”.
TRIỀU DƯƠNG dịch
VNQD