Tác phẩm “thất lạc” của Bram Stoker vừa được tìm thấy

Thứ Hai, 28/10/2024 10:32

Tác phẩm Gibbet Hill được xuất bản ngay trước khi Bram Stoker bắt đầu viết Dracula và có những điểm tương đồng kì lạ với cuốn tiểu thuyết kinh điển về ma cà rồng này mới đây đã được tìm thấy. Đây được coi là “tác phẩm thất lạc” hơn một thế kỉ của “cha đẻ” thể loại kinh dị.

Tiền đề cho Dracula

Trong một thư viện ở Dublin từng được James Joyce và WB Yeats lui tới, bên dưới trần nhà hình vòm màu ngọc lam và trắng, xung quanh là các giá sách bằng gỗ sồi, Brian Cleary đã tình cờ tìm thấy một tác phẩm của Bram Stoker – “cha đẻ” của tuyệt tác Dracula - mà ông tin rằng chưa có người còn sống nào từng đọc qua nó.

- Ảnh:Ấn bản Gibbet Hill sắp sửa ra mắt

tại một bệnh viện phụ sản sau khi mất thính lực đột ngột, đang xem qua kho lưu trữ Stoker tại Thư viện Quốc gia Ireland thì tình cờ phát hiện ra điều kì lạ. Trong một quảng cáo của Dublin Daily Express hiện không còn xuất bản vào ngày đầu năm mới 1891, một quảng cáo trong trang phụ lục đã giới thiệu hàng loạt tác phẩm sắp sửa ra mắt và một trong số đó là Gibbett Hill của Bram Stoker. Cleary chưa bao giờ nghe nói đến tựa sách này và đã tiến hành tìm hiểu. Ông chia sẻ: “Đó không phải là cụm từ có thể tìm thấy trên Google hoặc trong bất kì tài liệu tham khảo nào. Tôi thực sự kinh ngạc. Tôi muốn quay lại và hét lên: 'Đoán xem tôi tìm thấy gì này?' nhưng có những nhà nghiên cứu và học giả thực thụ ở đó, và tôi chỉ là một người nghiệp dư thôi.”

Cleary đã lần theo những số báo sau đó và tìm thấy Gibbet Hill. “Đây là một tác phẩm thất lạc”, ông nhận ra. “Tôi không nghĩ là có ai biết về nó”. Câu chuyện kể về một người kể chuyện không tên tình cờ gặp 3 đứa trẻ đang đứng cạnh đài tưởng niệm một thủy thủ bị sát hại tại Gibbet Hill, Surrey, nơi cũng được nhắc đến trong tiểu thuyết Nicholas Nickleby năm 1839 của Charles Dickens. Chúng gồm một cậu bé “có mái tóc vàng óng mượt” và hai cô gái da đỏ xinh đẹp, tóc đen. Cả ba đứa trẻ đã thực hiện một nghi lễ kì lạ liên quan đến âm nhạc và một con rắn, sau đó chúng trói người đàn ông lại và đe dọa anh ta bằng một con dao găm sắc nhọn.

Cả 4 người cùng nhau đi bộ lên đỉnh đồi Gibbet. Bị phân tâm bởi quang cảnh, người kể chuyện không còn nhìn thấy bọn trẻ nữa. Anh ta ngủ quên giữa một rừng cây và khi tỉnh dậy thì thấy bọn trẻ đang ở cách mình một khoảng cách ngắn. Ngay lúc đó con rắn trườn qua chân anh và hướng về phía bọn trẻ nhưng điều kì lạ là chúng dường như có thể giao tiếp và điều khiển con vật này. Sau đó, bọn trẻ tấn công người kể chuyện. Câu chuyện lên đến đỉnh điểm với cảnh con rắn quằn quại chui ra khỏi ngực người đàn ông và trườn xuống sườn đồi.

Cleary đã tiếp cận người viết tiểu sử Stoker là Paul Murray để xác thực về tác phẩm này. Mặc dù Murray rất phấn khích trước phát hiện này, nhưng ông không mấy ngạc nhiên vì chính bản thân đã khám phá ra 3 câu chuyện tương tự, vì vậy mà ông biết rằng có rất nhiều tác phẩm của Stoker bị lãng quên. Nhưng “khi tôi tìm hiểu thêm về những thứ xung quanh Gibbet Hill, tôi ngày càng tò mò hơn vì nó được xuất bản và gần như chắc chắn là được viết vào năm 1890 - năm mà Bram Stoker bắt đầu viết Dracula”.

Murray, người đã nghiên cứu quá trình phát triển của Stoker từ giữa những năm 1870 đến khi Dracula được xuất bản vào năm 1897, cho biết tiểu thuyết kinh dị gothic tinh túy “không phải tự nhiên mà có. Với tôi, Gibbet Hill là một mảnh ghép mới rất thú vị về sự nghiệp của Stocker. Nó phù hợp với quan điểm của tôi về quá trình thai nghén dài lâu tác phẩm kinh điển nói trên của ông. Và vì vậy, với tôi, đây có vẻ như là một ‘trạm dừng chân’ trên hành trình kéo dài hơn 20 năm mà Stoker đã dành để phát triển tác phẩm hư cấu đỉnh cao của mình”.

Gibbet Hill có nhiều điểm tương đồng với Dracula. Tại đây có hình ảnh gothic, bộ ba nhân vật độc ác cũng như mô tả đôi mắt “lóe lên thứ ánh sáng đen tối không thánh thiện” – dường như là những chỉ dấu cho đôi mắt “rực sáng thứ ánh sáng tà đạo” trong Dracula sau này. Một song đề khác là nội dung “thực dân hóa ngược” như Murray chỉ ra. Trong Gibbet Hill, hai đứa trẻ là người Ấn Độ trong khi ở Dracula ta có “Bá tước đến từ Transylvania đang quay trở lại để đe dọa nước Anh”. Cả hai tác phẩm có thể được coi là một lời chỉ trích chủ nghĩa đế quốc Anh bằng cách sử dụng “ảo tưởng thực dân hóa ngược và mời gọi người Anh coi mình là những nạn nhân tiềm tàng” của các quốc gia khác như công trình của David Higgins đã chỉ ra.

Có thể nói Gibbet Hill được xuất bản vào thời điểm then chốt trong sự nghiệp của Stoker, khi tác giả bắt đầu viết Dracula. Nhiều mối bận tâm về chủ đề của cuốn tiểu thuyết - ranh giới mong manh giữa bình thường và kinh dị, những trao đổi mờ ám giữa người sống và kẻ chết, các yếu tố kỳ lạ của Gothic... cũng xuất hiện. Stoker trình bày các diễn tiến trong tác phẩm này tự nhiên đến mức khiến “điều không thể tin trở nên đáng tin. Đó là câu chuyện mà ta không thể giải thích một cách hợp lí, nhưng lại hấp dẫn đến mức khiến ta như bị cuốn theo” – Murray chia sẻ.

Tác phẩm và câu chuyện tìm thấy xung quanh nó dự kiến sẽ được công bố với công chúng tại Lễ hội Bram Stoker thường niên của Dublin được tổ chức từ ngày 25 - 28 tháng 10 tới. Cleary cho biết ông hi vọng cuốn sách sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu đến bề rộng tác phẩm của Stoker, bởi ngoài Dracula thì nhà văn này còn viết hơn một chục tiểu thuyết khác và một số tập truyện ngắn cũng như làm việc nhiều năm với tư cách là người quản lí Nhà hát Lyceum ở London.

Brian Cleary đã tình cờ tìm thấy một tác phẩm của Bram Stoker

Sự tương quan kì lạ

Về mặt cá nhân, Cleary sống không xa con phố Marino Crescent ở phía bắc Dublin nơi Stoker sinh ra là mấy và thường xuyên đi qua ngôi nhà cũ của đại văn hào. Nhưng ít người biết còn có những mối liên hệ khác giữa ông và vị tác giả, khi bằng một sự sắp đặt đặc biệt nào đó mà “sợi dây điếc” đã chạy qua lịch sử của gia đình Stoker cũng như chính mình. Vào năm 2021, khi thức dậy vào một buổi sáng, Cleary phát hiện ra mình bị điếc mất một bên tai. Việc khám phá ra Gibbet Hill được ông thực hiện sau khi cấy ghép ốc tai điện tử và trải qua một chương trình trị liệu thính giác khắc nghiệt, bao gồm cả việc nghe nhạc trong thư viện khi thực hiện nghiên cứu của mình với hi vọng sản phẩm cuối cùng sẽ là một cuốn tiểu thuyết có Stoker là nhân vật chính.

Mẹ của Stoker, Charlotte, là một nhà cải cách xã hội và nhà vận động cho người khiếm thính. Năm 1863, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trình bày một bài báo cho Hiệp hội Thống kê và Điều tra Xã hội Ireland khi lập luận rằng nhà nước nên trả tiền nhà ở và giáo dục cho người khiếm thính. Trong thế giới nhỏ bé của Dublin vào thế kỉ 19, bà có sự hỗ trợ của Sir William Wilde, cha của Oscar Wilde, một bác sĩ phẫu thuật mắt nổi tiếng và là một học giả uyên bác, người đã khởi xướng một cuộc điều tra dân số đặc biệt về người khiếm thính ở Ireland vào năm 1851.

Điếc đã tác động đến cuộc sống của Stokers theo những cách khác nhau. Một trong những người anh em của Bram, George, đã xuất bản một bài báo về điếc trên tạp chí y khoa The Lancet, trong khi vợ của một người anh em khác đã mất khả năng nghe sau khi dùng thuốc sốt rét. Mặc dù đã bị loại khỏi cuốn tiểu thuyết chính thức ra mắt sau này, nhưng một nhân vật khiếm thính cũng đã xuất hiện trong các ghi chú gốc mà Stoker giữ cho Dracula.

Sắp tới, cuốn sách in lại câu chuyện nói trên kèm phần bình luận của Paul McKinley sẽ được Quỹ Rotunda, chi nhánh gây quỹ chính thức của bệnh viện Rotunda nơi Cleary làm việc, xuất bản. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được chuyển đến Quỹ Charlotte Stoker mới thành lập – được đặt theo tên mẹ của Bram, người từng là nhà vận động cho người khiếm thính – để tài trợ cho nghiên cứu về các nguy cơ gây điếc ở trẻ sơ sinh. Một cuộc triển lãm đi kèm đang được tổ chức tại Casino Marino ở Dublin, và buổi đọc công khai đầu tiên của câu chuyện sẽ diễn ra tại lễ hội Bram Stoker của hội đồng thành phố Dublin.

LINH TRANG dịch từ The New York Times và The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)