Lấy bối cảnh Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cách trái đất gần 400 cây số, tiểu thuyết Orbital kể về cuộc sống thường ngày của 6 phi hành gia khi họ lao vút qua vũ trụ với tốc độ hơn 28.000 km/giờ mới đây đã vượt qua 5 tác phẩm khác để giành chiến thắng ở giải Booker 2024 danh giá.
Cuốn sách của sự suy sụp
Ít người biết rằng Samantha Harvey đã có lúc muốn từ bỏ cuốn tiểu thuyết này. Tác giả chia sẻ ban đầu bản thân đã viết được đâu đó khoảng vài nghìn từ và rồi đột nhiên mất hết can đảm. Bà trần tình rằng: "Tôi thực sự không phải là một phi hành gia. Tôi không phải tuýp người yêu thích phiêu lưu, cũng không táo bạo hay thực tế, đôi khi hèn nhát và lo lắng nữa." Nhưng sau vài tháng thử nghiệm những ý tưởng mới, bà đã vô tình mở file Word bị lãng quên trong máy tính ra và khi đọc lại sau nhiều tháng trời xa cách, thì tính mạch lạc và sự thu hút đã chiếm lấy bà. “Lúc đó, tôi nghĩ đừng sợ hãi bất cứ điều gì. Nếu tôi suy nghĩ khác với nhân vật của mình thì cũng chẳng sao.” Vì vậy, bà đã bắt tay vào bản thảo này thêm một lần nữa.
Samantha Harvey giành chiến thắng cho cuốn tiểu thuyết dày 136 trang của mình
Được mô tả là "Virginia Woolf của thế hệ này" và "một kiểu Herman Melville[1] của không gian vũ trụ", Harvey là tác giả người Anh duy nhất lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker năm nay. Orbital, tiểu thuyết thứ 5 của bà, là một tác phẩm hư cấu ấn tượng, mạnh mẽ và hoàn toàn độc đáo. Diễn ra trong một ngày, nhưng thời gian trong không gian thì lại khác xa bối cảnh của độc giả. Mỗi một chương nhỏ trong số 16 chương sách ghi lại những nhiệm vụ đặc biệt, từ hút bụi trong khoang, theo dõi chuột và vi khuẩn cho đến những nhà vệ sinh bị tắc thường kì hay cố quan sát một trận siêu bão đang được hình thành ở Philippines... Mỗi nhân vật trong 6 người này chỉ được vén mạng qua những mảnh vỡ của cuộc đời mình và không trọn vẹn.
Mặc dù lấy bối cảnh không gian nhưng ý nghĩa của cuốn sách này lại tập trung vào trái đất. Đây có thể coi là một bức thư tình dài 136 trang gửi đến hành tinh đầy rắc rối của chính chúng ta. Harvey chia sẻ: “Tôi muốn viết một bài ca ngợi vẻ đẹp của trái đất nhưng với cảm giác buồn bã hoặc đau đớn, bởi những gì chúng ta đang làm chỉ khiến tình hình ngày càng xấu đi”. Trong đời thường, bà sở hữu giọng nói nhẹ nhàng với mái tóc vàng hoe và những đường nét thanh tú. Điều đặc biệt là bà thuộc về thế hệ cũ, không sử dụng điện thoại di động và dĩ nhiên là không có cả tài khoản mạng xã hội.
Bà sống trong một ngôi nhà đã được xây dựng từ thế kỉ 16 tại một ngôi làng ở biên giới Wiltshire-Somerset. "Tôi luôn có thể ẩn mình nhiều lần hơn nữa", bà nói đùa. Trong nhiều năm, bà đã tham gia các lớp học điêu khắc và có một bức tượng kích thước thật tái hiện người bạn đời của mình được giấu đằng sau những bụi cây rậm ở vườn sau nhà. Bà viết trong một "căn phòng lạnh lẽo, đổ nát, ẩm mốc, cũ kĩ" mà họ chưa kịp trang trí. Bà nghiêm túc, chân thành và hơi kì lạ như cuốn sách này, trong khi cũng sở hữu lối cư xử nhẹ nhàng, cung cách khiêm tốn và không mang đến cảm giác thuyết giáo.
Mặc dù bản thân Harvey không theo tôn giáo nào, nhưng trong nhiều tác phẩm, bà đã chất vấn chính đề tài này. Harvey bộc bạch: "Chúng ta đang sống trong một xã hội có tính thế tục, vậy liệu chúng ta sẽ lấy những ý tưởng triết học của mình từ nơi đâu đây? Chúng ta tìm thấy ý nghĩa được ở đâu đây?" Từ câu chuyện một kiến trúc sư đã nghỉ hưu mắc bệnh Alzheimer trong cuốn tiểu thuyết đầu tay được đón nhận tích cực vào năm 2009 là The Wilderness, cho đến "bí ẩn giết người thời trung cổ" trong The Western Wind ra mắt vào năm 2018, Harvey đã khám phá những câu hỏi triết học về bản thể, thời gian, đức tin và kí ức trong các tác phẩm mang tính hư cấu, bao gồm cả All Is Song (2012) và Dear Thief (2014).
Với mỗi tiểu thuyết, bà lại dấn thân vào một đề tài khác hẳn trước đó. Nhưng có thể nói chính cuốn hồi kí The Shapeless Unease phát hành vào năm 2020 về cuộc đấu tranh kéo dài một năm với chứng mất ngủ mới là tác phẩm mà bà cảm nhận có sự tương đồng nhiều nhất so với những gì mà các phi hành gia đã trải qua. “Tôi ngày càng lo lắng hơn, không biết tại sao nữa. Có lẽ tôi chỉ quyết định rằng đã đến lúc phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào đó.” Sau đó thì bà không thể ngủ được. “Tôi thấy thế giới mà mình đang sống thật là khắc nghiệt. Mọi thứ đều quá ồn ào, quá bận rộn và quá lớn lao.”
Cuối cùng, bà đã tìm thấy lối thoát duy nhất ngay trước mắt mình, khi hình dung những gì cách xa chúng ta trên vũ trụ bao la. Bà đã nảy ra ý tưởng về những người đã dành hàng nghìn gờ đồng hồ quay xung quanh trái đất, và sự tương đồng vừa được nói ấy chính là cảm hứng giúp bà viết ra cuốn Orbital. Harvey chia sẻ cả tiểu thuyết này và tác phẩm hồi kí trước đó đều được hoàn thành trong những đợt bùng nổ cảm hứng và được sáng tác trong sự tập trung gần như tuyệt đối.
5 cuốn sách vòng rút gọn của giả Booker
Cảm hứng bất ngờ
Và mặc dù Harvey đã bắt đầu viết Orbital trước đại dịch, nhưng hầu hết những gì thành hình sau này lại đến từ chính thời gian xảy ra phong tỏa. Theo đó bà luôn để những cảnh quay từ Trạm vũ trụ quốc tế phát trên máy tính để bàn. Nữ tác giả cho biết: “Tôi được an ủi rất nhiều khi có cảm giác như mình có thể lên vũ trụ mỗi ngày, dù hầu như chúng chỉ đến từ trí tưởng tượng của bản thân tôi. Khi tôi ở đây, trên trái đất này, tôi thấy khó được an ủi bởi những điều mà chúng ta đang làm với đất mẹ và với nhau. Nhưng khi tôi tự ‘thu nhỏ’ và thả mình theo một khoảng cách lớn, tôi lại có được cảm giác bình an. Việc tôi cần làm chỉ là nhìn vào vẻ đẹp mà thôi.”
Dẫu vậy bà không phải là một đứa trẻ ham mê không gian. Lớn lên ở hạt Kent và sau đó "di cư khắp nơi", những gì mà bà mô tả về tuổi ấu thơ của mình là việc bản thân lớn lên trong "một gia đình lao động" và không đặc biệt yêu thích sách vở. Cha bà là một thợ xây và mẹ bà làm công việc nội trợ. Họ sống cùng nhau đến khi cả hai li hôn khi bà lên 10. Mẹ bà sau đó trở thành một người viết thuê và chính điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Harvey: "Tôi thường thấy bà ở đó, ngày này qua ngày khác, giờ này qua giờ khác, bên máy tính, chỉ làm một việc bí ẩn, chỉ viết mà thôi", nữ tác giả nhớ lại.
Và cũng giống như nhiều đứa trẻ khác của thập niên 1980, thảm họa tên lửa Challenger[2] năm 1986 đã để lại ấn tượng rất lớn đối với bà. Câu chuyện cũng xuất hiện trong cuốn sách này. Trong một dịp khác, gia đình Harvey cũng đã đến thăm Trung tâm vũ trụ NASA ở Houston trong kì nghỉ ở Texas, và có những bức ảnh chụp khi bà còn là một cô bé trước những tên lửa khổng lồ. Trong khi những thiếu niên khác yêu thích nghệ thuật, thì Harvey-bé bắt đầu sưu tầm những câu trích dẫn của các phi hành gia. Nhiều năm sau đó, khi đang viết cuốn tiểu thuyết đầu tay (vẫn chưa xuất bản) và trong giai đoạn hoàn thành The Wilderness, Harvey đã có một công việc hành chính tại Bảo tàng Thiên văn học Herschel - một ngôi nhà phố ở Bath theo phong cách Georgia - nơi sao Thiên Vương được phát hiện ở khu vườn phía sau vào năm 1781.
Trong cuốn sách này, Trạm không gian vũ trụ đã được một tên lửa đưa đi trong nhiệm vụ mới đến với mặt trăng. Bà chia sẻ mình có cảm giác như kỉ nguyên hợp tác quốc tế đang đến hồi kết. “Tôi luôn ngạc nhiên về điều này ở loài người. Khi chúng ta nhìn vào những điều mình làm cho nhau, đồng hành cùng nhau để biến mọi thứ trở thành hiện thực, thì đó đều là những khoảnh khắc rất đáng chú ý và cũng rất đẹp. Nhưng liệu chúng có bền vững mãi không? Tôi không biết nữa”. Nhiều người sau khi đọc Orbital đã hỏi Harvey bà muốn mang đến cảm giác hi vọng hay là tuyệt vọng về tương lai gần trong cuốn sách này, đáp lại câu hỏi bà vẫn thể hiện một sự hoài nghi không thể phân tách, vào chuyển hồi đáp lại cho từng người đọc.
LINH TRANG dịch từ The Guardian
[1] Nhà văn nổi tiếng với các câu chuyện trên biển, nổi bật nhất có thể kể đến Moby Dick – Cá voi trắng, Jacket trắng...
[2] Thảm họa tàu con thoi Challenger xảy ra ngày 28/1/1986 khi do lỗi kỹ thuật mà sau 73 giây, con tàu nổ tung trên bầu trời Đại Tây Dương, miền trung bang Florida đúng 11giờ 38 phút. Đây được đánh giá là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mĩ (NASA).
VNQD