Là nhà văn vĩ đại của nước Anh thế kỉ 19, Charles Dickens nổi tiếng nhất với những tác phẩm kinh điển phản ánh hiện thực khốc liệt như Hai kinh thành, Oliver Twist... Tuy vậy những người hâm mộ Dickens cũng biết ông có một niềm yêu thích vô cùng đặc biệt với các câu chuyện mang tính kì bí, siêu nhiên, và tập truyện ngắn Chuyện kể lúc hoàng hôn vừa ra mắt có nhiều tác phẩm như vậy.
Đại văn hào Charles Dickens
Tuyển tập gồm 10 truyện ngắn ở nhiều đề tài, qua đó cho thấy khả năng kể chuyện bậc thầy và sức sáng tạo sâu rộng của Dickens. Có những tác phẩm đến từ đời thực khi ông được nghe từ thuở ấu thơ (Thuyền trưởng Murderer và giao kèo với Quỷ) hoặc tự bản thân trải nghiệm (Bóng ma trong phòng cô dâu), nhưng cũng có truyện được sáng tạo mới qua đó gửi gắm rất nhiều thông điệp về cái ác và sự dằn vặt lương tâm khi con người tự bán bản thân cho sự tàn ác. Từ nền tảng này, các truyện mang tính siêu thực của Dickens có thể chia ra thành 3 nhóm chính: một mang tính giáo dục, hai mang tính cảnh báo thông qua nỗi sợ và cuối cùng là tính chất siêu linh chưa thể lí giải.
Ở nhóm đầu tiên, yếu tố kinh dị được Dickens sử dụng như một biện pháp để các nhân vật vốn không hoàn hảo có thể qua đó tự sửa chữa mình. Chẳng hạn trong truyện Con yêu tinh bắt cóc lão đào huyệt, Dickens đã cho lão phu Gabriel Grub trải nghiệm cảm giác sợ sệt khi bị lôi xuống tận mấy tất đất để không mặt sưng mày sỉa, ác tâm đố kị, quắc mắc dữ tợn với những hàng xóm hoặc các em nhỏ. Hay trong Nam tước lâu đài Grogzwig, việc được gặp gỡ Thần Tuyệt vọng và Tự sát cũng đã để lại bài học tin vào ngày mai, của việc nhìn vào hai mặt của một vấn đề và hướng về phía tốt đẹp hơn cả. Có thể nói qua những tác phẩm này, Dickens đã nâng giá trị của thể loại này, qua đó không chỉ nêu bật những nỗi sợ hãi của con người mà còn gửi gắm thông điệp vô cùng giá trị.
Ở nhóm thứ hai, ông dùng yếu tố nói trên như để cảnh tỉnh cho những tội lỗi mà con người ta dễ dàng mắc phải. Đây có thể nói là nhóm truyện xuất sắc và đáng sợ nhất của Dickens, khi cũng như nhóm đầu mang dụng ý giáo dục, những miêu tả không khoan nhượng và không giảm nhẹ này sẽ giúp độc giả phải tự răn bản thân trong vòng vây nỗi sợ. Chẳng hạn trong truyện Bản thảo của người điên, ông đã viết về bi kịch của một chàng trai bị lừa lọc bởi cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc, từ đó nảy sinh ra những cảm xúc tương đối cực đoan dù người phụ nữ trong câu chuyện này cũng không hoàn toàn có được hạnh phúc. Qua đó ta thấy với sự ép buộc cả 2 đã bị giam hãm hạnh phúc, tự do và niềm khát sống, từ đó hình thành nên sự khinh ghét, thúc đẩy đến những cái kết không thể khác đi. Trong khi ở Đôi mắt của người mẹ, Dickens tăng tiến hơn nữa sự ám ảnh bởi tính kế thừa – một đứa bé nhỏ sở hữu ánh mắt của mẹ và khi người chú tham lam giết nó để được sở hữu những món gia sản – thì y cũng thấy trong đó một sự ám ảnh không ngừng gia tăng.
Ở những truyện này tính siêu nhiên dường như không xuất hiện mấy mà chiếm đa số là những diễn biến tâm lí tương đối phức tạp. Những điều kinh dị, những sự ám ảnh hay những bóng ma… dường như đều đến từ cái áp chế mà nỗi lòng và những áp lực không thể tỏa bày của các nhân vật. Qua đó câu chuyện tuy được viết đầy ám ảnh và bầu không khí tương đối khác lạ, nhưng hóa ra nó lại hiện thực hơn bao giờ hết. Những tác phẩm này không còn truyền tải thông điệp mà có thể nói chính những bi kịch và sự đớn đau đã như những lời răn giảng cho chính những ai đang có ý định sẽ làm điều xấu.
Bìa sách Chuyện kể lúc hoàng hôn
Và cuối cùng, Dickens cũng mang đến nhiều câu chuyện chỉ thuần túy là các tình tiết không thể giải thích, không thể cam chắc là từ nơi đâu. Các tác phẩm này thường có sự xuất hiện của các thế lực siêu nhiên cùng các nhân vật tương đối nhạy cảm khi có thể nhận ra được sự hiện diện nói trên. Chẳng hạn trong Bốn câu chuyện ma hay Chuyện kể lúc hoàng hôn, Dickens đã viết về các giao điểm bất ngờ giữa một hình dung và những con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ ấy ngay trong đời thực. Với một kết cấu đề cao sự sáng tạo như các câu chuyện này, ông cũng mang đến những chi tiết thú vị và đầy bất ngờ thông qua giấc mơ, hai cõi hư thực và sự mỏng manh của tâm lí con người.
Chẳng hạn trong truyện Bóng ma trong phòng cô dâu, ông đã nhân đôi số lượng “hồn ma” cùng việc tạo ra “giao cảm” theo kiểu tia lửa phát ra từ mắt khi 2 thực thể ở 2 thế giới va chạm với nhau. Ra mắt vào năm 1857, điều đó có nghĩa là từ rất lâu trước cả She của H. Rider Haggard, Carrie của Stephen King hay The Power của Naomi Alderman thì ý tưởng này đã được tính đến. Một điểm khác là trong câu chuyện Phiên tòa xử án giết người, việc tạo ra một thực thể tuy là vô hình nhưng lại khiến cho những người xung quanh có thể cảm nhận được sự tồn tại cũng gợi ta nhớ đến H.G. Wells trong Người vô hình sau này...
Không những có sự phong phú khi tạo ra nhiều motif truyện với những dụng ý khác nhau, mà Dickens cũng rất tài tình khi mang tính chất văn học vào các truyện ngắn. Suốt một thời gian truyện kinh dị hay siêu nhiên chỉ được coi là “ba xu” bởi tâm thức thời đại duy vật cũng như quan niệm về sự thoái hóa mà tiểu thuyết giải trí vốn bị gắn liền. Tuy vậy ngay chính trong những truyện ngắn của mình, ta có thể thấy vị đại văn hào cũng sử dụng nhiều phong cách viết khác nhau, biến các câu chuyện trở nên mới mẻ và đầy đặc biệt.
Trong truyện Con yêu tinh bắt cóc lão đào huyệt, việc tên Grub bị kéo xuống lãnh địa của bầy yêu tinh cho ta cảm nhận nào đó rất Dante của Thần khúc, trong khi việc chúng cho y thấy những kịch bản khác nhau của một cuộc sống muôn màu cũng có tính chất kịch nghệ khi từng sân khấu hiện ra và rồi biến mất một cách nhanh chóng. Chỉ trong giới hạn của một truyện ngắn không quá dài, nhưng có thể thấy Dickens đã kết hợp nhiều loại hình lại với nhau, qua đó cho thấy một sự mới lạ và đầy thú vị xét riêng về nghệ thuật viết. Ngoài ra Dickens cũng kết hợp tính chất Gothic trong nhiều truyện ngắn, từ đó đem đến những tuyệt tác kinh dị theo motif quen thuộc không khó nhận ra. Đơn cử như trong Nam tước lâu đài Grogzwig là những miêu tả về tòa lâu đài xập xệ, về cầu thang đá dẫn lên cao sâu... hay trong Đôi mắt của người mẹ là những đường hào hay là con rạch tương đối luẩn khuất... vô cùng điển hình cho dòng văn này.
Điều đó cũng tiếp tục được phát triển ở Bản phác thảo của người điên, khi qua đoạn văn ở cuối tác phẩm, có thể thấy tư duy về hình ảnh vô cùng điêu luyện của vị tác giả với những miêu tả như một thước phim đậm tính điện ảnh: “Tôi đi dưới tay bầy quỷ, chúng lồng lộn trong gió, xô đổ đám gò đống và rào giậu trước mặt, rồi quay tròn tôi liên hồi giữa tiếng gió xé bằng một tốc độ đủ làm đầu óc tôi đảo điên, cho đến lúc chúng chịu quăng tôi đi sau cú ném kinh hồn, và tôi nặng nề tiếp đất. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đã ở đây - trong căn phòng xám xịt này, nơi ánh dương hiếm khi tìm đến, ánh trăng lẻn vào theo từng tia chỉ đủ để soi tỏ những bóng đen u ám quanh tôi, và dáng hình lặng câm trong góc phòng cũ.” Ở đó từng chuỗi hành động được kết nối một cách uyển chuyển và giàu hình ảnh, gợi nên khung cảnh đậm tính siêu thực…
Từ những điều trên có thể thấy rằng ngay cả ở mảng kinh dị thì Dickens cũng là nhà văn vô cùng tài năng với sức sáng tạo vô biên cùng cách viết phức tạp, qua đó mang đến một hình thức mới cho dòng văn này. Ngoài ra với những câu chuyện gửi gắm thông điệp, ông cũng mang đến những ý nghĩa mới, thức tỉnh con người từ chính nỗi sợ của bản thân mình.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD