Susanna Clarke: viết để vượt qua bệnh tật

Chủ Nhật, 17/11/2024 00:58

20 năm sau khi xuất bản tác phẩm giả tưởng đầu tay Jonathan Strange and Mr. Norrell, Susanna Clarke đã quay trở lại nước Anh huyền diệu với trí tưởng tượng độc đáo của mình.

Những câu chuyện tiếp nối

Hai thập niên trước, một biên tập viên tại Bloomsbury đã mạo hiểm với một cuốn sách vô cùng khác thường. Đó là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đầu tay lấy bối cảnh nước Anh thế kỉ 19, xoay quanh hai pháp sư thù địch cố gắng hồi sinh nghệ thuật ma thuật Anh Quốc vốn đã thất truyền. Bản thảo chưa hoàn thành của Clarke đầy rẫy chú thích công phu khiến tác phẩm giống chuyên luận mang tính hàn lâm về lịch sử và lí thuyết ma thuật hơn là một cuốn tiểu thuyết. Susanna Clarke, là một biên tập viên sách dạy nấu ăn, người viết tiểu thuyết trong thời gian rảnh.

Tác giả Susanna Clarke

Jonathan Strange and Mr. Norrell ngay lập tức đưa Clarke trở thành một trong những nhà văn viết truyện viễn tưởng vĩ đại nhất thuộc thế hệ mình. Các nhà phê bình đã xếp bà vào hàng ngũ những nhà văn cùng thời với C.S. Lewis và JRR Tolkien, trong khi một số người thì so sánh sự hóm hỉnh và quan sát xã hội sắc sảo của bà với Charles Dickens và Jane Austen. Độc giả say mê với cuốn sách và hơn 4 triệu bản đã bán từ khi ra mắt.

Tác phẩm nói trên đã định hình lại dòng sách kì ảo và xóa nhòa ranh giới với tiểu thuyết văn chương, lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker và giành được giải Hugo vô cùng danh giá cho các tác phẩm khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất. Clarke sau đó đã có những chuyến giới thiệu sách vòng quanh nước Mĩ cũng như châu Âu, trong khi Bloomsbury kí kết với bà một hợp đồng lớn cho cuốn tiếp theo.

Nhưng ngay sau đó Clarke đã biến mất một cách đột ngột như lúc xuất hiện. Bà được chẩn đoán mắc chứng mệt mỏi mãn tính và phải vật lộn để có thể viết. Các triệu chứng của bà - từ đau nửa đầu, kiệt sức, nhạy cảm với ánh sáng và sương mù - khiến bà không thể làm việc trong thời gian dài. Bà viết những đoạn rời rạc, không bao giờ mạch lạc, thậm chí còn không viết được một câu hoàn chỉnh. Vào thời điểm tồi tệ nhất của những năm đó, bà nằm liệt giường, chìm trong trầm cảm.

Khi ấy bà không coi mình là một nhà văn nữa mà thay vào đó là “một người phụ nữ ốm yếu”. Sau hai thập kỉ kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tay, Clarke trở lại thế giới kì diệu của hai nhân vật Strange và Norell. Tác phẩm mới nhất của bà - The Wood at Midwinter - vừa được Bloomsbury xuất bản tháng này, tập trung vào một cô gái trẻ bí ẩn có thể nói chuyện với động vật và cây cối rồi biến mất vào khoảng đất trong rừng. Chỉ dài 60 trang có ảnh minh họa, tác phẩm có vẻ giản dị dễ khiến ta tưởng đó là câu chuyện ngụ ngôn dành cho trẻ em, nhưng hóa ra lại là một cái nhìn thoáng qua về thế giới tưởng tượng phong phú mà Clarke không ngừng nghĩ đến từ khi hoàn thành Jonathan Strange and Mr. Norrell.

Clarke cho biết bà không nói gì về cuốn sách này vì sợ không thể thực hiện được những lời hứa. Bà nói: “Điều quan trọng nhất mà bản thân phải làm trong mỗi ngày là tự hỏi liệu mình có được bao nhiêu năng lượng để viết hôm nay”. Trong khi đó, chồng bà – Colin Greenland – người cũng đồng thời là một tác giả kì ảo cho biết: “Bà ấy lúc nào cũng viết hàng chục cuốn sách trong đầu của mình”.

Đọc tiểu thuyết của bà thường mang lại cảm giác như nhìn thấy một phần của thế giới rộng lớn hơn nhiều. Ngay cả Clarke đôi khi cũng không chắc chắn đâu là những chuyện mình đã viết ra còn đâu là thứ vẫn còn nằm gọn bên trong tiềm thức. Bà nói: “Tôi không thể nhớ mình đã đưa gì vào Jonathan Strange and Mr. Norrell nữa. Tôi thích những tác phẩm là phần nối dài của những câu chuyện đã được kể. Do đó, theo một cách nào, Jonathan Strange and Mr. Norrell cũng là phần sau của một câu chuyện, nhưng tôi không biết gốc gác từ đâu”.

2 tác phẩm làm nên tên tuổi của Susanna Clarke

Thế giới tâm trí mở từ tác phẩm

Khi căn bệnh ngày càng phát triển, bà đã học cách kiểm soát các triệu chứng này và phát hiện ra mình có thể duy trì tiến độ bằng cách làm việc theo từng đợt 25 phút, khi ấy chứng sương mù não phần nào sẽ được giảm bớt. Clarke biết rằng bà không thể tiếp tục viết một tiểu thuyết lịch sử phức tạp đòi hỏi phải nghiên cứu sâu rộng nữa, nên bà đã từ bỏ phần tiếp theo của Jonathan Strange and Mr. Norrell. Thay vào đó, bà bắt đầu viết một tiểu thuyết siêu thực được kể bởi một nhân vật đã quên tên thật và bị mắc kẹt trong một mê cung gồm các căn phòng tỏa ra vô tận, chứa đầy bức tượng kì lạ và thỉnh thoảng thủy triều lại nhấn chìm chúng.

Trọng tâm của câu chuyện này theo đó phản ánh một số mối bận tâm của Clarke. Chẳng hạn như người kể chuyện, Piranesi, sống chủ yếu một mình với các loài chim và những tượng đá, nhưng thay vì cảm thấy lạc lõng hay cô đơn, anh ta lại coi hành lang mình thường lang thang là nơi chứa đựng vô vàn kì diệu. Clarke đã gần hoàn thành cuốn tiểu thuyết trước khi nhận ra sự tương đồng giữa mê cung hư cấu và căn bệnh của mình. Bà nói: “Tôi vô thức nhận ra mình đang viết về một con người trong một hoàn cảnh tương đối biệt lập nhưng lại tìm thấy rất nhiều ý nghĩa trong hoàn cảnh đó”.

Khi Piranesi được xuất bản vào năm 2020, những độc giả lo ngại Clarke có thể không bao giờ viết thêm một cuốn tiểu thuyết nào nữa đã vô cùng phấn khích. Các nhà phê bình tuyên bố đây là kiệt tác: “Nếu tiểu thuyết đầu tiên đưa bà trở thành một trong những nhà văn viễn tưởng xuất sắc nhất thế giới, thì Piranesi sẽ đưa bà vào đền thờ của những nhà văn vĩ đại và thật không ngoa khi nói điều ấy”, một bài đánh giá trên tờ The New York Times chia sẻ.

Piranesi là một bước ngoặt trong cuộc đời Clarke, một ngã rẽ đã chỉ cho bà lối thoát khả thi ra khỏi mê cung mà bản thân mình vốn bị mắc kẹt. Tác phẩm mang âm hưởng chiêm nghiệm và tâm linh hơn - một sự thay đổi đưa bà đến gần hơn hết với “thần tượng” C.S. Lewis của mình.

Trong đời thường, bà và chồng đã sống hơn 20 năm trong một căn nhà thuộc ngôi làng nhỏ mà cách đó vài bước chân là một nhà nguyện làm từ đá nhỏ và một quán rượu thân thiện với những chú chó. Sự yên tĩnh của vùng nông thôn, nơi mà vào một ngày mùa thu gần đây, sự im lặng chỉ được đánh dấu bằng tiếng chim hót và tiếng kêu be be của đàn cừu, đã giúp Clarke tập trung mọi năng lượng vào việc viết lách.

Điều ít người biết là Clarke cũng thuộc nhóm nhỏ mang tính tâm linh. Họ thường gặp nhau trên mạng để cùng cầu nguyện cũng như thiền định. Đôi khi bà cũng thuyết giảng cho nhóm từ 10 đến 12 người tại nhà nguyện của làng. Để thư giãn, bà thường xem các clip review nước hoa trên Youtube cũng như các tập ghi lại những chương trình truyền hình xưa cũ của nước Anh.

Cùng với cuốn tiểu thuyết mới lấy bối cảnh thế giới của Jonathan Strange and Mr. Norrell, Clarke cũng đang thực hiện một cuốn sách khác lấy một phần bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Bradford những năm 1840, nơi bà sinh sống khi mình còn nhỏ. Clarke mô tả đó là một tiểu thuyết “phản kinh dị” với tiền đề kì ảo phản ánh niềm tin rằng luôn có điều gì đó cao cả ẩn chứa trong sự tầm thường. Tính cho đến nay, Clarke vẫn bị thu hút bởi ý tưởng về phép thuật. Đối với bà, phép thuật không phải là thứ gì đó siêu nhiên và xa vời, mà là “ý tưởng về thứ gì đó mang tính nguyên bản, một thứ gì đó gần như siêu việt” tồn tại quanh ta.

Bà nói: “Tôi cảm thấy rất mạnh mẽ khi có thể nhìn thế giới như nó vốn là, nếu vượt qua được cái tôi cá nhân thì mọi khoảnh khắc sẽ rất kì diệu”. Thay vì nghi hoặc bản thân như 20 năm trước, giờ đây bà tin bản thân là một nhà văn nhưng những tham vọng cũng như sáng tạo không hề giảm đi. Clarke nói: “Có người nói với tôi rằng hãy cầu nguyện theo lương tâm chứ đừng thực hiện chỉ vì câu thúc. Tôi nghĩ điều đó cũng giống với viết: Hãy viết theo cách bản thân cảm nhận chứ không phải vì chính ta cần viết. Tôi chỉ thành công khi viết những điều kì lạ bản thân cảm thấy cũng như tin vào con đường trải rộng phía trước thôi”.

TRIỀU DƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)