Trở thành hiện tượng khi ra cuốn sách đầu tay, Garth Greenwell đã làm thế giới chấn động với phong cách văn chương đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết Điều thuộc về em. Tác phẩm đã được nhiều nhà phê bình ngợi ca, và được tờ The New York Times gọi là “cuốn tiểu thuyết đầu tay hay nhất thế kỉ 21”. Mới đây, nhà văn người Anh đã cho ra mắt tác phẩm thứ hai mang tên Small Rain và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.
Garth Greenwell được ca ngợi ngay từ tác phẩm đầu tay Điều thuộc về em
Trong bài phỏng vấn sau đây, ông sẽ nói nhiều hơn về những thần tượng văn chương và các giọng văn ảnh hưởng lên mình. Từ Virginia Woolf, James Baldwin cho đến George Eliot và Thánh Augustine, Greenwell đã mời ta đến thế giới sáng tạo của mình.
- Kí ức đọc sách đầu tiên của ông có gì đặc biệt?
+ Cuốn sách đầu tiên tôi nhớ mình đọc và thấy yêu thích là Harold and the Purple Crayon của Crockett Johnson. Trong đó một cậu bé tự mình tưởng tượng bản thân lọt vào một cuộc phiêu lưu thú vị với vô vàn rắc rối, từ đó nỗ lực tìm đường về nhà. Tôi nghĩ cho đến ngày nay nó vẫn xứng đáng để mình đọc lại.
- Đâu là cuốn sách yêu thích khi ông lớn lên?
+ Tôi đọc ngấu nghiến hầu như mọi thứ khi mình còn nhỏ, và nhiều đến nỗi tôi không chắc mình thực sự có cuốn nào yêu thích hay không. Nhưng tôi nhớ mình khá tâm đắc với những cuốn sách của Judy Blume được lấy trộm từ giá sách của anh chị tôi. Ngoài ra có thể kể đến những cuốn tiểu thuyết tương đối kì bí của Cynthia Voigt hay bộ Magic's Pawn, Magic's Promise, Magic's Price của Mercedes Lackey . Đây có lẽ là những cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc có nhân vật chính là người đồng tính. Cũng không thể không kể đến bộ truyện bí ẩn Diana Tregarde.
- Cuốn sách nào đã thay đổi ông khi còn là một thiếu niên?
+ Với câu hỏi này thì đáp án không phải một cuốn sách mà là một nhà soạn nhạc. Tôi không mấy nghiêm túc với văn chương cho đến cuối tuổi thiếu niên, mà thay vào đó lại tập trung nhiều hơn vào nhạc cổ điển. Những tác phẩm này là cách mà tôi tiếp cận ngược trở lại với thơ ca. Đặc biệt là âm nhạc của Benjamin Britten – ông đã phổ nhạc rất nhiều bài thơ. Nền giáo dục mà tôi được hưởng cũng có đóng góp rất lớn. Chuyện ma ám ở Dinh thự Hill đã giới thiệu tôi với Henry James, trong khi Chết ở Venice thì đưa tôi đến với Thomas Mann. Đây có thể nói là 2 nhà văn quan trọng nhất và ảnh hưởng đến tôi như một tiểu thuyết gia.
Ngoài ra, những bài thơ tiếng Anh của Britten cũng đã giúp tôi nhạy cảm hơn với cách ngôn ngữ có thể khiến một câu văn mang nhiều sắc thái hơn là chỉ truyền tải thông điệp nào đó. Nhiều nhà soạn nhạc thường chuyển những bài thơ bình bình, nhưng Britten lại chọn những tác phẩm vĩ đại nhất. Ông chạm vào chúng với sự đồng cảm siêu nhiên và giúp các bài hát trở thành hành động diễn giải văn học tuyệt vời. Theo tôi, ông là một trong những độc giả xuất sắc nhất thế kỉ 20.
Những tác phẩm có ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo của Garth Greenwell
- Còn đâu là tác giả đã thay đổi suy nghĩ của ông?
+ Tôi là đứa trẻ tương đối sùng đạo, nhưng việc lớn lên trong cộng đồng đồng tính ở miền Nam nước Mĩ khiến tôi trở nên mất niềm tin. Sau đó, khi ngoài 20, tôi đã đọc được Tự bạch của Thánh Augustine. Có lẽ thật là kì lạ khi ông ấy - vị “kiến trúc sư” hoặc người canh cửa những quan điểm cứng rắn nhất của truyền thống Cơ đốc giáo - lại có một sự kết nối với bản thân tôi, nhưng không phải vì niềm tin mà là trí tuệ. Đọc Tự bạch là đắm chìm trong suy nghĩ, không phải như một lời khẳng định mang tính giáo điều. Thánh Augustine là cây viết yêu thích của tôi.
- Đâu là cuốn sách khiến ông muốn trở thành một nhà văn?
+ Tôi đã viết thơ trong 2 thập kỉ trước khi thử sức với tiểu thuyết. Nhưng tôi luôn say mê tiểu thuyết, và tôi nhớ mình đã từng cảm thấy nếu không bao giờ thử viết một cuốn thì mình sẽ rất hối hận. Khi đọc Vành đai sao Thổ của WG Sebald ở chương trình sau đại học, tôi thấy như một cánh cửa mở ra cho mình. Phải mất một thập kỉ sau thì tôi mới bắt đầu viết cuốn sách riêng, nhưng Sebald đã chỉ cho tôi loại hình tiểu thuyết mà sự phấn khích không được tạo ra bởi sáng tạo mà là quá trình điều tra sâu vào ngóc ngách của rất nhiều thứ.
- Tác giả mà ông muốn đọc lại nhất là ai?
+ Tôi nghĩ chúng ta thường nghi kị những tác phẩm vĩ đại vì sợ bản thân không lĩnh hội được tầm vóc của nó. Nhưng chúng ta phải học cách đọc nó, chúng ta phải điều chỉnh bản thân để hiểu được nó. Tôi nhớ mình đã vô tình lấy một tập thơ của Frank Bidart ra khỏi giá sách khi tôi đâu đó khoảng 20 tuổi và nhanh chóng đóng lại. Vài năm sau, việc đọc tập Desire của ông có thể nói là một trong những trải nghiệm văn học quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Đối với tôi, ông vẫn là tác giả Mĩ quan trọng nhất còn sống.
- Vậy đâu là cuốn sách ông muốn đọc lại?
+ Lần đầu tiên tôi đọc Căn phòng của Giovanni từ tiểu thuyết gia James Baldwin là khi tôi 13 hoặc 14 tuổi. Tôi đọc lại nó, ít nhất là hai lần, khi còn là sinh viên, và một lần nữa khi tôi ở quãng 20. Nhiều năm trôi qua và tôi không ngừng trải nghiệm lại nó. Lần đọc thứ 2 là sau khi tôi ra mắt Điều thuộc về em. Kể từ đó, tôi đã đọc và giảng dạy nó đến mức ám ảnh. Tôi cũng vừa hoàn thành một bài luận dài về lí do tại sao bản thân không thể từ bỏ cuốn sách nói trên. Tôi đã cố gắng hiểu làm thế nào mà một cuốn sách tiêu cực như vậy - trong đó mọi người đều kết thúc bằng cái chết hoặc bị tàn phá - lại có thể là nguồn cảm hứng cho một thiếu niên. Ban đầu tôi nghĩ vì qua những bi kịch ấy mà số đông độc giả có thể hiểu được “tội ác” của mình, thế nhưng giờ đây tôi nghĩ không phải như thế.
- Đâu là cuốn sách mà ông sẽ không đọc lại?
+ Khi còn trẻ, tôi rất thích thơ của Adrienne Rich. Nhưng khi đọc tuyển tập tác phẩm của bà cách đây vài năm, tôi thấy mình không còn như trước nữa. Những bài thơ giờ đây có cảm giác trái ngược với suy nghĩ của Thánh Augustin mà tôi mô tả ở trên. Nó không khiến tôi truy vấn chính mình mà là đóng sập cửa lại. Nó không gây ra trạng thái hoang mang mà là mang đến cảm giác chắc chắn về điều gì đó. Chắc hẳn tôi đã thay đổi. Nhưng tôi không muốn nói rằng bản thân sẽ không bao giờ đọc chúng nữa - tôi vẫn sẽ đọc và hi vọng có thể tìm đường có thể quay lại và tận hưởng.
- Cuốn sách mà ông thấy tiếc khi đã không đọc sớm hơn?
+ Phải đến tuổi 30 thì tôi mới phát hiện ra Middlemarch của George Eliot. Tại sao không ai giới thiệu cho tôi cuốn này sớm hơn? Bà ấy là một trong những tiểu thuyết gia yêu thích của tôi, vì sự hấp dẫn, sự thúc đẩy kịch tính cũng như trí thông minh hấp dẫn.
- Cuốn sách mà ông đang đọc là gì?
+ Để chuẩn bị cho một lớp mà tôi sẽ giảng dạy vào mùa thu này, tôi đang đọc lại Portrait of a Novel phi thường của Michael Gorra - một dạng tiểu sử về cuốn Vẽ một phụ nữ của Henry James. Khi theo dõi quá trình sáng tác của James, Gorra cho thấy một nhà văn trẻ đang phát huy hết khả năng của mình, viết nên kiệt tác đầu tiên. Đây là một cuốn sách thú vị.
- Đâu là cuốn sách ông thường tìm đến khi thấy chán nản?
+ Có nhiều điều tôi không thích trong Đến ngọn hải đăng của Virginia Woolf, nhưng bà lại rất yêu nhân vật và thế giới của mình. Những mô tả từ ánh sáng cho đến dung lượng của từng câu văn đều cho thấy được tình yêu dành cho sáng tạo của người phụ nữ này. Đọc bất kì tác phẩm nào của Woolf dù là Bà Dalloway hay Đến ngọn hải đăng, dù là bài luận cho đến nhật kí... đều nhắc tôi nhớ đến khả năng của văn học, về cách thức tuyệt vời để có thể nắm bắt được cả nhân loại này.
LINH TRANG dịch từ The Guardian
VNQD