Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền rủa của Chung Bora đã gây được tiếng vang lớn tại giải Booker Quốc tế khi cùng là đại diện của Hàn Quốc lọt vào danh sách đề cử. Cũng như tác phẩm của Chung Bora, cuốn tiểu thuyết của Sang Young Park khắc họa một Hàn Quốc hiện đại cùng những con người bị gạt ra lề nhưng điểm khác biệt đó là đặc sệt hơi thở thị thành.
Mới đây, Tình yêu ở thành phố lớn được chuyển thể thành phim điện ảnh Đôi bạn học yêu được mời tham dự 6 Liên hoan phim Quốc tế danh giá cũng như phiên bản truyền hình dài tập được ra mắt song song. Điều này cho thấy được sức hút mạnh mẽ và sự yêu thích đặc biệt dành cho cuốn sách, bởi hơn hết, đây được coi là cuốn sách tiên phong và trần trụi về cuộc sống của những người trẻ nói chung và người đồng tính nói riêng tại Hàn Quốc. Mang dáng dấp tự truyện, cuốn sách kể về nhân vật Yong 30 tuổi cùng những mối quan hệ trong quá khứ của mình. Đó là một sự thấu cảm với người bạn gái ở chung nhà Jae Hee, là sự khắc khẩu với mẹ cũng như là những cuộc tình chếnh choáng với các tình nhân lướt qua đời mình...
Nhà văn Sang Young Park
Sự mất kết nối
Văn chương của Sang Young Park không phức tạp hay đánh đố, thay vào đó bằng cách kể chân thành như đang thủ thỉ, tâm tình, anh đã tìm được lượng độc giả riêng – những người cũng đang phải trải qua câu chuyện tương tự dù là dị tính hay đồng tính. Cuốn sách mở đầu với đám cưới của người bạn thân Jae Hee và việc gặp lại những người bạn đồng môn lớp Văn học Pháp. Tuy vậy cũng như những xã hội phương Đông khác, việc gặp lại này không khiến người ta cảm thấy dễ chịu mà thay vào đó là sự soi mói cũng như đánh giá ngấm ngầm dành cho nhau. Những điều này cũng xuất hiện xuyên suốt cuốn sách, qua đó cho thấy một xã hội bị đình hình bởi mất kết nối và khoảng cách thế hệ.
Khoảng cách thế hệ ấy có thể tìm thấy ở câu chuyện ngoại biên của Jae Hee – người thiếu nữ phóng túng, hoang dại, sinh trưởng trong một gia đình giàu có nhưng vì sự thiếu cảm thông từ cả 2 phía trong gia đình cô mà đã chọn lựa con đường có nhiều chông gai. Xuyên suốt cuốn sách, Sang Young Park khắc họa nhân vật của mình thông qua hình tượng bao thuốc lá Marlboro Đỏ - thứ vừa khẳng định cá tính của một cá nhân nhưng cũng đại diện cho sự cô độc, khi điếu thuốc ấy không thể chia sẻ cùng ai. Họ nhận khoái lạc từ những luồng khói vào sâu trong mình, và đến lượt mắt quan sát thế giới qua bức màn mỏng và bị che mờ. Và điều ấy không chỉ dừng ở Jae Hee với việc cha mẹ chạy theo đồng tiền bỏ bê con cái, mà còn ở mẹ của nhân vật chính – một người phụ nữ chịu tổn thương và tiếp tục trao truyền điều đó cho con cái mình.
Theo đó nhân vật Young đã có nhiều năm sinh sống cùng một người mẹ đã li dị chồng vì ngoại tình, từ đó sinh sống độc lập bằng nghề mai mối để nuôi lớn con trai. Bà được chẩn đoán mắc ung thư gan và trong quá trình đó, bà càng hướng Chúa hơn bao giờ hết. Điều đó cũng có nghĩa việc chấp nhận con trai mình đồng tính là điều bất khả. Nhưng sâu xa hơn, Sang Young Park còn họa nên hiện thực chung về hệ lụy của nền giáo dục Đông phương và hệ tư tưởng của những bậc “cha mẹ hổ”. Cũng như những người không may thất bại trong hôn nhân khác, người mẹ bám rít lấy con trai mình như một cái phao được quăng cho mình giữa bể tuyệt vọng. Do đó khi chứng kiến anh từng ngày lớn lên, rời xa khỏi mình, bà đã ngày càng cay nghiệt và đau đớn hơn.
Bà hành hạ anh trong từng cơn đau của bệnh tật. Bà chì chiết anh trong mọi hành động thường thấy... chỉ để bản thân thật sự hiện diện trong cuộc đời anh. Từng bước từng bước Sang Young Park cho ta thấy được sự tuyệt vọng ấy – nỗi đau của người phụ nữ ở dốc cuộc đời và nỗi sợ cô độc lên đến ám ảnh. Biến chuyển tâm lí ấy không hề hiếm trong các xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, và có thể nói Tình yêu ở thành phố lớn đã lột trần hiện thực này, thứ vốn được ẩn giấu trong màn sương của hiếu đạo và ánh mắt soi mói của những người xung quanh.
Không dừng tại đó, Sang Young Park cũng rất dũng cảm nói lên cảm xúc của mình với tình thế ấy. Mối quan hệ của anh và mẹ như chiếc bập bênh. Họ có lúc hằn thù, có lúc cảm thấy không thể sống cùng nhau và anh đã thẳng thắn nói lên cảm nhận bộc phát của mình. Cũng tương tự như Bật khóc ở H Mart từ tác giả gốc Hàn Michelle Zauner, quan hệ của họ luôn luôn phức tạp ở nhiều chiều kích. Nhưng cho đến cuối, khi nhìn thấy những khoảnh khắc ở bên dốc kia cuộc đời, họ vẫn thứ tha và dành cho nhau một sự trìu mến dù là thoáng qua. Khi nhìn mẹ ngắm mặt trời lặn, Young đã thôi đòi hỏi một lời xin lỗi từ bà – xin lỗi vì đã làm anh phải liên tục sống trong một mớ cảm xúc hỗn độn, xin lỗi vì anh đã quá mỏi mệt với việc giải thích hay là khẳng định chính bản thân mình...
Cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam
Tìm mình giữa thành phố bao la
Và không chỉ có người mẹ mang những ám ảnh tâm lí, điều này còn đến trước thực tế là sự phán xét của xã hội dành cho một cộng đồng nhỏ những người “không hề giống mình”. Chính ở điểm này ta thấy trong Young luôn tồn tại một sự phòng bị. Anh luôn chuẩn bị sẵn câu trả lời để đốp chát lại những soi mói vô duyên, nhưng còn buồn bã hơn khi anh đã che giấu cảm xúc quá lâu để đến một lúc những gì mà mình tiếp nhận đã được lọc sẵn qua một lớp màn vui vẻ giả tạo. Tổn thương bởi lời nói và sự kì thị, bản năng của Young luôn là nụ cười để sau đó sẽ là những cảm xúc phức tạp lũ lượt kéo đến. Anh mạnh mẽ trong một nhóm những người như mình khi thấy bản thân vượt trội, nhưng cũng đồng thời không ngừng bị phá hủy từ tận bên trong, trước những định kiện cũng như góc nhìn không mấy thiện cảm.
Ngoài việc khắc họa một xã hội Hàn Quốc mất kết nối và các tư tưởng lễ nghĩa dần dần trở thành một nỗi ám ảnh, Sang Young Park còn thành công thể hiện cá tính trong từng câu văn. Bằng màu sắc châm biếm, giễu nhại một cách duyên dáng, anh đã bỏ nhỏ những suy tư cá nhân lém lỉnh của các nhân vật một cách đúng lúc và đúng thời điểm, không ngừng khiến độc giả phải bật cười và thấy đồng cảm – thứ mà trong cuộc sống bởi những lí do khác nhau họ không thể nói ra những suy nghĩ thật. Có thể nói chính điều này cũng làm nên đặc trưng riêng của vị tác giả, giúp cho cuốn sách có giọng điệu đặc sắc và không thể nhầm lẫn.
Ngoài điều đó ra, anh còn mang đến góc nhìn mà chỉ những người thuộc cùng cộng đồng mới có thể nhìn nhận cũng như quan sát. Đó là nam tính độc hại và sự trẻ con của những gã trai vẫn chưa kịp lớn trong trường đại học quen thói khoác lác. Đó cũng là những đêm say sưa dưới ánh đèn màu và nhạc xập xình của những quán bar ở khu Itewon. Đó cũng là một Seoul về đêm với ánh đèn phản chiếu trên ô cửa taxi hay một “thế giới rộng mở chờ đợi những thân thể nghèo nàn và phóng túng tuổi hai mươi dũng cảm khám phá”... Càng đặc biệt hơn trong cuốn sách này, tác giả cũng dành nhiều phân đoạn để khắc họa cơ chế tự phủ nhận bản thân của những người “đồng tính đặc biệt” mà cụ thể hơn là người bạn trai làm biên tập viên nhà xuất bản sách triết học của Young. Qua đó cuốn sách không chỉ có bề nổi là những quan sát về một Hàn Quốc hiện đại, mà đồng thời còn ở bề sâu với những ngẫm nghĩ vô cùng sâu sắc về các mối quan hệ đứt gãy cũng như những chấn thương mà chính sự thiếu đồng cảm đã gây ra cho các nhân vật.
Với câu chuyện hấp dẫn, lời văn tếu táo, hài hước nhưng cũng không kém phần nghiêm túc với những câu hỏi lớn được đặt ra, Tình yêu ở thành phố lớn có thể nói là một cuốn sách đại diện cho thời đại này và những người con của không gian ấy. Họ sung mãn, hoang dại nhưng cũng đồng thời chịu tổn thương và đầy mong manh. Qua đó không quá khó hiểu cho sự thành công của tiểu thuyết và cũng không ngoa khi nói Sang Young Park là một đại diện cho văn học đồng tính Hàn Quốc hiện đại.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD