Năm 2023, Vẫn còn có ngày mai tạo nên những bất ngờ lớn cho điện ảnh Ý khi nằm trong top 10 bộ phim ăn khách nhất năm dù đây là một tác phẩm thiên về nghệ thuật, ít tính thương mại vốn khó tiếp cận đại chúng. Mới đây, bộ phim ra mắt khán giả Việt Nam trong tuần lễ Liên hoan phim châu Âu 2024 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Góc nhìn thú vị
Là bộ phim trắng đen có màu sắc chính kịch – hài hước, Vẫn còn có ngày mai đặt trong bối cảnh nước Ý thập niên 1940 với gia đình của nhân vật chính Delia và những khuôn mẫu về định kiến giới cô phải chịu đựng. Cuộc sống hàng ngày của cô gồm việc chăm lo buổi sáng cho cả gia đình gồm chồng, cha chồng, cô con gái lớn rồi 2 con trai, sau đó làm việc lặt vặt để có thêm thu nhập cho gia đình suốt cả ngày dài trước khi lại trở về nhà lo cho buổi tối. Cuộc sống cứ thế như một vòng lặp, thế nhưng thay vì nhận lại sự yêu thương thì dành cho cô chỉ là bạo lực từ chồng, những lời mắng nhiếc từ cha chồng cũng như khoảng cách thế hệ thiếu sự thấu hiểu cùng cô con gái.
Gia trưởng và bạo lực được truyền tải một cách đặc biệt trong bộ phim này
Thoạt nghe nội dung của tác phẩm này đậm tính bi kịch và là câu chuyện mà nhiều phụ nữ cũng đã kinh qua, thế nhưng nữ minh tinh Paola Cortellesi - người cũng đồng thời là biên kịch, đạo diễn - đã biến thước phim trở nên sống động và hấp dẫn hơn. Theo đó tác phẩm không chỉ chứa đựng bi kịch mà còn kết hợp với những chi tiết phá cách bất ngờ mang đến nụ cười, từ đó như vở hài đen để ẩn sau những nụ cười còn là thông điệp đòi hỏi người xem phải tự suy ngẫm. Đây cũng chính là điểm thú vị nhất của tác phẩm, tạo nên tính mới và sự độc đáo, góp phần mang đến thành công cho bộ phim này.
Không dừng ở đó, có thể bởi bản thân là một phụ nữ mà những cài cắm của Cortellesi cũng đầy thú vị, tinh tế. Mở đầu bộ phim, chỉ qua 2 cảnh căn nhà âm dưới mặt đất và một con chó “đánh dấu lãnh thổ” mà nữ đạo diễn đã tái hiện được chủ đề chính nhất của tác phẩm này, khi cái nghèo luẩn quẩn xung quanh và chiếm vị trí trung tâm luôn là những người đàn ông. Chuyển từ 2 cảnh nhiều hình tượng này, góc máy tiếp cận vào trong phòng ngủ của cặp vợ chồng với cú đấm thẳng vào vợ của người chồng Ivano. Cũng như 2 cảnh trước đó, đây có thể nói là cảnh quay góp phần định hình nên bầu không khí của bộ phim, cho thấy được sự hài hước ẩn trong lớp vỏ bạo lực.
Cảnh phim tiếp tục chuyển sang bàn ăn, và ngay nơi đó tính nam gia trưởng đã được tiết lộ. Cortellesi đã chuẩn bị sẵn tâm lí cho khán giả, khi xây dựng những motif nhân vật vô cùng điển hình. Đó là người cha nghiêm khắc, người vợ tần tảo, cô con gái hoang dại và 2 cậu con trai nhỏ đấu đá suốt ngày. Chính motif có phần quen thuộc khi đặt để vào tính hài hước đã làm bật lên những điểm mới mẻ. Nữ đạo diễn nhiều lần cô đặc không khí phía trên bàn ăn bằng những ánh mắt lo âu, sự im lặng lạnh lẽo hoặc tiếng kêu loảng xoảng của đồ sứ vỡ tan, từ đó mang đến cảm giác bất an và tạo thành đà cho những bạo lực dần dần lên ngôi.
Và quả thật không dưới một lần đỉnh điểm của tác phẩm này đã được đẩy lên cao trào, nhưng trong phút chốc Cortellesi đã bẻ ngoặc mạch phim, mang đến khán giả một cứ sững sờ hệt như một liệu pháp sốc để đưa cơ thể về trạng thái nhạy cảm nhất. Chẳng hạn như cách 2 vợ chồng những tưởng đang khiêu vũ lãng mạn thì chẳng mấy chốc bộ phim hé lộ đó là điệu vũ của sự bạo lực, khi cũng bấy nhiêu động tác, những cơ thể quấn quít vào nhau… nhưng đó lại là một cuộc tranh chấp. Tại đây, sự căn chỉnh âm nhạc cũng như hài hòa cùng ngôn ngữ hình thể khiến cho bạo lực gần như vắng mặt nhưng luôn lởn vởn bởi những âm ba để lại sâu trong người xem.
Một không gian riêng
Trên nền tảng nam tính độc hại đó, hình tượng Delia đã được đẩy lên như một chứng nhân của định kiến giới. Hàng ngày cô phải tất bật với bao nhiêu việc, từ tiêm thuốc cho các ông bà lão, sửa quần áo thuê cho đến sửa chữa ô hỏng hay đảm nhận công việc giúp việc… Mọi thứ đều làm bật lên phẩm chất can trường của phụ nữ. Tuy vậy điều chờ đón cô là sự chất vấn của người chồng vì số tiền bé mọn kiếm được cũng như những sự bất công của thị trường lao động, khi dù bỏ công, bỏ sức, có cả kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thì những gì mà họ nhận lại lại cũng không bằng một người đàn ông chỉ mới chạm ngõ.
Sự gắn kết giữa những người phụ nữ đã mở ra một không gian khác cho họ
Dẫu vậy dường như Cortellesi vẫn còn hơi “tham” khi khai thác vấn đề này, chẳng hặn như cảnh chất vấn ông chủ ở cửa hàng ô vì sao lương của một người thành thạo nhưng là nữ giới lại thấp hơn một cậu bé chưa có kinh nghiệm chỉ mới vào làm là quá thừa thãi. Bởi lẽ chính trong gia đình của Delia điều này đã được truyền tải quá đỗi rõ ràng, khán giả cũng đã nhìn thấy, do đó sự ôm đồm quá nhiều thông điệp khiến cho tác phẩm đôi khi ngồn ngộn thiếu sự tinh tế. Ngược lại, có một phân cảnh khi cô chứng kiến người đàn ông được dùng thang máy, không phải mang vác gì ngoài chiếc cặp trong khi bản thân ôm giỏ đồ to lại phải đi bộ… lại là cái nhìn sáng tạo về sự khác biệt. Nếu tiết chế hơn và không lộ quá nhiều thông điệp, đây có lẽ là một bộ phim hay, gần đạt tới mức chạm hoàn hảo.
Nhưng cũng từ sự đồng hành mà những người phụ nữ có với nhau, một sự phản kháng cũng dần hình thành. Phản kháng nơi này không mang hàm nghĩa đấu trang chống lại nam giới, mà là tìm thấy được không gian riêng, nơi cá nhân họ có thể trút bỏ những sự kềm kẹp để tự giãi bày, chia sẻ với nhau. Khung cảnh Delia hàn huyên cùng người bạn gái bán rau ở chợ dễ gợi ta nhớ đến cuốn tiểu thuyết Người bạn phi thường của nhà văn ẩn danh Ý Elena Ferrante, khi qua những sự đồng cảm, người phụ nữ như tìm thấy được một chỗ an trú để phơi bày mình. Khung cảnh ở sân thượng và những người giúp việc cùng phơi tấm drap trắng phau cũng gợi ta nhớ đến bộ phim Roma của Alfonso Cuarónç, khi đó là những khung cảnh trao quyền về cho phụ nữ, khi họ được là mình nhất trong những không gian mà bản thân họ cảm thấy an toàn. Cũng như Virginia Woolf từng nói phụ nữ cần có một căn phòng riêng để viết, thì ở đây, thứ không gian đó chính là hòa nhập cùng những người khác.
Và không chỉ giới hạn nhân vật Delia ở gia đình mình, Cortellesi rất thông minh khi tận dụng bối cảnh của thời bấy giờ để dựng xây nên những nhân vật bên lề thu hút không kém. Đó là anh lính Mĩ da màu – người cảm tạ Delia vì tấm ảnh bị lạc mất – mà sau này đã “hỗ trợ” cô trong một “phi vụ” gần như không tưởng. Đó cũng là anh chàng say xỉn hài hước hay bà hàng xóm vì quá bất hạnh đâm ra cạnh khóe... Tất cả tạo nên “vũ trụ “của những cá thể bị gạt ra lề và Cortellesi cũng đầy thông minh khi xây dựng những tình tiết gây cười, qua đó mang đến những phút gây không thể bỏ lỡ mà cũng đồng thời giảm nhẹ sự khốc liệt của bạo lực, mang đến trạng thái cân bằng về mặt cảm xúc cho người xem.
Nhìn nhận sâu hơn, điều này cũng phần nào đó là lời phản biện cho nhận định chung: “Không gian của người phụ nữ luôn là nhà bếp”. Delia trong tác phẩm này còn vượt ra ngoài biên giới xã hội khi tham gia vào một dấu mốc lớn của người phụ nữ đó là bầu cử. Thay vì để nhân vật của mình chạy theo tình yêu (điều mà ai cũng tưởng và là đại diện của ánh mắt đầy thành kiến về sự ngốc dại của phụ nữ), thì Cortellesi lại hướng đến điều xa hơn là cuộc bỏ phiếu - nơi quyền của người phụ nữ được thực thi và cũng khi đó thì các phiếu bầu cũng sẽ đồng thời là lá thư tình khi sự tự do đã đến... Đầy bất ngờ và vô cùng sáng tạo để kể câu chuyện về người phụ nữ, Vẫn còn có ngày mai không thể phủ nhận là bộ phim thông minh, ấn tượng và sẽ còn để lại những dư âm sâu sắc cho điện ảnh Ý.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD