Bà ngoại qua đời. Theo di chúc của bà, cô cháu gái Iris được thừa hưởng ngôi nhà cũ ở Bootshaven, một vùng nông thôn thuộc miền tây bắc nước Đức. Tại đây, trong không gian phong kín hương vị đồng quê, vườn tược, nhất là hương táo quanh khu nhà, từng mảng quá khứ xa xôi xưa cũ hiện về trong tâm trí Iris. Buộc cô phải nhìn lại kí ức cô đã luôn trốn chạy bao năm, để tìm về, một phần con người đã mất.
Kí ức và quên lãng
Được đánh giá “là cuốn tiểu thuyết đột phá trong văn nghiệp” của Katharina Hagena, bao trùm lên toàn bộ bối cảnh, không gian, thời gian, con người… trong Vị hạt táo là những mảng kí ức vụn vỡ, nhòe mờ xếp chồng lên nhau. Kí ức tràn vào từng ngõ ngách, lưu dấu trong mỗi góc phòng, hiện diện trên từng thân cây ngọn cỏ, phủ bóng lên hiện tại và được khúc xạ qua lăng kính đầy tính chủ quan của một người trong cuộc - cô cháu gái Iris. Đồng thời, chính bản thân Iris ngay khi bước chân đến Bootshaven, đặt chân vào ngôi nhà ngập tràn hương vị quá khứ ấy, cô cũng đã bị kí ức hóa vào chiều không gian, tàn lụi và quên lãng.
Quả thực, không tàn lụi sao được khi ngôi nhà ấy đã chứng kiến sự hình thành, phát triển ba đời gia đình Lunschen và trước đó, nó đã tồn tại như một vật sở hữu của gia đình nhà Deelwater, cho tới khi cô con gái thứ Bertha Deelwater kết hôn với Hinnerk Lunschen. Nhưng sự tàn lụi ở đây không chỉ hướng đến sự đổi thay về mặt vật lí, mà hơn cả, là quá trình mọi vật hiện hữu lẫn ý thức con người đang dần tan biến vào hư vô. Ngôi nhà xuống cấp, vườn tược ngổn ngang, cùng quá nhiều cái chết đã diễn ra. Thậm chí, có những người chết khi tuổi đời còn rất trẻ như chị ruột bà Bertha hay Rosmarie, đều ra đi lúc mới 16 tuổi.
Những cái chết thương tâm, dòng thời gian trải rộng từ trước - trong - sau Thế chiến thứ Hai càng kéo dài thêm chuỗi dài bi kịch cho dòng họ này. Tựa như, đó là một bi kịch truyền kiếp của những con người, trọn một đời khao khát yêu đương, đuổi theo chữ “tình.” Tình yêu đôi lứa không được đáp lại, tình cảm gia đình xa cách, những toan tính, dối lừa làm người ta lầm lạc, rồi lại khiến người ta muốn lãng quên.
Vì tàn lụi nên quên lãng, vì đớn đau nên muốn quên đi tất thảy, hay càng cố khước từ quá khứ lại càng đẩy mọi thứ sâu xuống bờ vực mất mát và làm người ta càng đớn đau, cô độc? “Ai lãng quên thời gian, người ấy không già đi nữa. Sự lãng quên mạnh hơn thời gian vốn là kẻ thù của trí nhớ. Vì cuối cùng thì thời gian chỉ chữa lành mọi vết thương khi nó liên kết với lãng quên.”
"Vị hạt táo qua bản dịch của Lê Quang.
Hàng loạt hình ảnh mang tính biểu tượng cho thời gian và từng kỉ niệm đang dần lọt qua tấm lưới kí ức đã xuất hiện trong tiểu thuyết Vị hạt táo. Để rồi, tất cả đều hiện diện trên bóng hình con người. Bà Bertha sau khi ngã từ cây táo xuống, dần mất đi trí nhớ. Ông Lexow, dành trọn một đời yêu và gìn giữ bí mật giữa ông và bà Bertha, quá khứ cũng dần nhòe mờ, rồi ông mất sau khi trao lại chìa khóa phụ căn nhà cho Iris, chỉ một năm sau cái chết của bà Bertha. Kí ức trong Iris cũng xáo trộn, và có lẽ, rồi cô cũng sẽ quên, nếu không trở lại chốn xưa.
Tại căn nhà nhỏ tại vùng nông thôn Bootshaven miền tây bắc nước Đức, cùng sự tàn lụi của mảnh vườn với những cây táo bao quanh, từng mảng kí ức cũng dần tan biến như vậy đấy.
Kí ức và khắc ghi
Tuy nhiên, đến tận cùng, trong con người vẫn luôn chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn. Như song song với việc lãng quên, người ta lại luôn cố gắng khắc ghi tất thảy.
Bertha để vuột mất kí ức là thế, chẳng nhớ được gì trong những ngày tháng cuối đời, mà vẫn ý thức, nơi bà thuộc về không phải nhà dưỡng lão mà là căn nhà luôn phảng phất hương táo chín. Mẹ của Iris, Chista đi lấy chồng xa bao năm, vẫn chẳng thể nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Mari trốn chạy khỏi Bootshaven sau cái chết của Rosmarie, nhưng vẫn khắc ghi ấn tượng về cô bạn gái thủa nào lên chính thân xác, ngoại hình cô thể hiện. Và chẳng phải Iris, trở về rồi lại muốn lục tìm, chắp vá cho trọn bức tranh quá khứ hay sao?
Thậm chí, khắc ghi ở đây, còn là cả một phần lịch sử hằn sâu trên mảnh đất lẫn trong tâm thức con người. Về một thời Thế chiến, nước Đức phát xít, người ta phải đối diện với xa cách, sinh tử cùng những chuẩn mực đạo đức như trở nên rẻ rúng. Như kí ức tháng năm ông Hinnerk tham gia vào chính quyền phát xít, bị cải tạo, rồi trở về, tất cả ông đã chôn giấu tới tận cuối đời. Song chỉ một chữ Nazi ai đó sơn lên chuồng gà thôi, cũng đủ gợi lại thương đau năm nào.
Và làm sao có thể lãng quên đây khi cho dù tất cả lụi tàn, thì “mùi táo nâu ấm hủm, ngọt nồng hương đất” vẫn “tràn vào mọi ngóc ngách trong nhà” lẫn mọi ngóc ngách trong tâm hồn con người. Làm sao có thể quên lãng đây khi vị hạt táo vẫn bùi bùi nơi đầu lưỡi, gợi người ta nhớ những mùa táo trĩu quả, họ đã đu từ cành này sang cành khác, rồi sinh hoạt ngay trên cành, dưới gốc cây táo. Quả thực, làm sao có thể quên đây, khi kí ức đã trở thành nếp hằn sâu nơi tiềm thức mỗi người. Người ta có thể quên đi sự kiện, quên đi định danh nhưng cảm thức, cảm giác, cảm xúc, lại không sao lãng quên được.
Tất cả, trở thành thứ ẩn ức khiến cho bước chân con người, dù đi đến đâu, ở trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, cuối cùng vấn hướng về, trở lại chốn xưa, tựa tìm một “cố nhân”, hay chính là một phần tâm hồn đã gửi gắm tại đây. Và con người tìm về chốn cũ, tìm về kí ức xa xăm, cũng như hành trình, người ta trải đủ đắng cay, trưởng thành, quay về với cái tôi năm xưa, để hoàn thiện cái tôi hôm nay. Không chê trách hay phán xét, chỉ trưởng thành mà nhận định, trân trọng từng giây phút đã qua. Bởi, “rốt cục thì ai cũng phải giữ lại nước mắt của mình ở đâu đó.” Đơn thuần như vậy thôi.
Vị hạt táo - vị kí ức - vị tương lai
Bootshaven, địa danh trong tiểu thuyết Vị hạt táo vốn không phải địa danh có thật mà tất cả, chỉ là sự hư cấu, tưởng tượng của tác giả Katharina Hagena. Nhưng dẫu viết về một chốn vốn chỉ tồn tại trên trang sách Vị hạt táo, thì Bootshaven vẫn giữ trọn vẹn nét cuốn hút. Khi nơi đó có căn nhà đã chứng kiến đủ đam mê, cuồng nhiệt lẫn đớn đau, bi kịch của ba đời dòng họ Lunschen. Không chỉ vậy, căn nhà cùng cả vùng quê Bootshaven ấy, cũng tựa như một phần lát cắt lịch sử của nước Đức, dân tộc Đức từng chìm sâu trong vũng lầy chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Nhà văn Katharina Hagena kí tặng "Vị hạt táo" cho độc giả. Ảnh: LCG
Xung quanh căn nhà gia đình Lunschen trồng nhiều táo, và ở vườn trồng đủ loại hoa cùng các loại rau thơm, gia vị khác nhau. Nhưng tựa đề tác phẩm, lại là “vị hạt táo” mà không phải hương vị nào khác, dẫu rằng chi tiết “hạt táo” gần như chỉ thoáng qua. Phải chăng “hạt táo” ở tâm trái táo, cũng như quá khứ dù có ngỡ rằng mất đi vẫn lẩn quất trong tâm hồn. Hay “vị hạt táo”, mang theo cả hương trái táo của tuổi thơ, của những vụng dại mê đắm bất chấp tất thảy quyện cả vào kí ức người ra đi lẫn người còn ở lại? Hoặc, đó lại là hình ảnh biểu tượng cho vị cuộc sống, dù nhiều đắng cay, nghiệt ngã, dù chứa đựng cả những sai lầm không thể sửa chữa thì cũng đã thấm sâu vào vị giác lẫn huyết quản mỗi cá nhân?
Và, đấy cũng có thể là vị tương lai, khi người ta trải đủ đau thương, chua chát thì sẽ tìm thấy vị bùi tan vào cơ thể. Như Iris hiện tại, sau những hồi tưởng để có thể thẳng thắn đối diện với một Iris năm xưa “ngây thơ, trẻ con, ngốc nghếch, ích kỉ, yếu đuối, nhút nhát...”, cô cũng đủ tự tin đón nhận kí ức tựa một phần máu thịt mà đón nhận tình cảm của Max, hướng về tương lai trong chính ngôi nhà, mảnh vườn thoảng vị hạt táo năm nào.
Bằng lối viết “cẩn trọng”, các mảng vụn quá khứ - hiện tại liên tục đan xen tạo lên những dòng kí ức miên man cùng việc đặt ngôi kể lên chính Iris, Katharina Hagena đã tái hiện lên trang viết những kiếp người, đều thận trọng, lần hồi trên sợi dây kí ức để kiếm tìm con đường, hướng về tương lai. Nhưng Vị hạt táo có lẽ không chỉ là câu chuyện về quá khứ, hiện tại hay tương lai; mà đó còn là những trang văn về những con người, mang cái tôi vụn vỡ cùng nỗi sầu “thiếu quê hương” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) trong tâm thức, luôn khao khát trở lại nơi bản thân vốn thuộc về. Thứ cảm thức, đặc biệt ăn sâu và trở thành ẩn ức của lớp người thế hệ mới sau Thế chiến, cô đơn, thương tổn mà vẫn hướng về ngày mai với khát khao yêu và được cháy bỏng.
MỌT MỌT
VNQD