Anh thợ thông ống khói và em bé mồ côi

Thứ Bảy, 11/02/2012 08:36

Jiri Wolker (1900 - 1924) là nhà thơ và nhà văn lớn của Tiệp Khắc trước đây. Ông tích cực góp phần vào việc sáng lập nền văn học hiện thực XHCN, là một trong những nhà thơ được yêu thích nhất của nước này. Ngoài thơ, ông còn viết nhiều truyện thiếu nhi nổi tiếng.

Anh thợ thông ống khói không chỉ vác cái thang, mà còn vác cả bộ mặt nhọ nhem và mang theo hạnh phúc bên người. Tất cả những người có đủ cúc áo đều biết rõ điều đó. Lúc anh đi qua trước mặt mọi người, thì họ lập tức sờ vào những chiếc cúc áo của mình và ước điều gì đó. Nó sẽ được thực hiện vì từ xưa, họ đã và sẽ còn làm như vậy khi những anh thợ thông ống khói còn đi lại trên các đường phố. Và nếu đó không phải là sự thật, thì hẳn mọi người đã xử sự theo cách khác.


Và bây giờ, như các bạn thấy, tất cả mọi người đều sẽ hạnh phúc theo cách của riêng mình. Muốn vậy, họ cần có các cúc áo và các anh thợ thông ống khói.


Chú bé mồ côi bé nhỏ Eníc biết rất rõ điều đó. Vì nghèo nên chú có nhiều mơ ước. Lúc chú mơ có chiếc vé chơi đu quay, lúc chú mơ được gặp người mẹ đã mất, lúc chú lại mơ tới những quả táo để trong những chiếc giỏ của những bà béo ở quảng trường thánh Iacúp.


Nhưng chú cũng có một nhược điểm quan trọng: Trên một chiếc áo khoác nhỏ và trên chiếc quần cũ của chú, chẳng còn chiếc cúc nào. Áo quần là do những người tốt bụng cho chú. Nhưng ngay cả họ cũng chả cho ai cái quý nhất. Họ cho chỉ cốt để chú có cái che thân. Lúc đầu, chú cũng chả quan tâm tới chuyện áo không có cúc. Mãi tới khi biết được điều bí mật có liên quan tới anh thợ thông ống khói, tới những chiếc cúc áo và niềm hạnh phúc, chú mới buồn rầu tự nhủ: "Mình không thể được hạnh phúc vì không có chiếc cúc áo nào." Eníc rất buồn vì chú muốn được hạnh phúc. Vì ai mà chả muốn điều đó.


Từ đó trở đi, chú chỉ nghĩ tới cái điều là làm sao có được chiếc cúc áo. Đối với các em bé khác thì dễ, nhưng đối với chú, thì đó là điều không đơn giản. Vì chú là em bé mồ côi cả bố lẫn mẹ.


Chú quyết định sẽ kiếm tiền để mua chiếc cúc áo bằng mọi cách làm thuê làm mướn.


Nhưng mãi chú vẫn không kiếm đủ tiền để mua. Mọi người nghĩ: "Cho chú tiền để làm gì? Đằng nào chú chẳng dùng để mua bánh kẹo. Chẳng thà cho chú cái gì đó để ăn."


Và họ đã làm như vậy. Họ cho chú bánh mì, pho mát, xúp hoặc đồ ăn thừa làm chú quên khuấy chuyện cái cúc áo và nghĩ rằng chẳng cần đến nó, chú cũng sẽ có được hạnh phúc.


Chiều đến, lúc trong túi chẳng còn gì, bụng đói và mọi sức lực đã tiêu tan, thì cái cúc áo hằng mơ ước bắt đầu nhảy múa trước mắt chú. Đặc biệt là lúc chú đi ngang qua những chiếc tủ kính có bày bán đủ mọi loại cúc áo khác nhau. Chú đặc biệt để ý tới những chiếc cúc áo bằng xà cừ. Chú nghĩ bụng: "Hẳn là, những chiếc cúc áo đó sẽ mang lại niềm hạnh phúc lớn nhất. Nhưng chắc giá của chúng rất đắt."


Eníc cứ nhìn chằm chằm vào những chiếc cúc áo đó cho tới khi bà chủ cửa hiệu cất tiếng xua đuổi chú:


- Cút đi thằng bé bẩn thỉu kia! Trong mắt mày, chẳng chứa điều gì tốt đâu!


Bà ta nghĩ chú đang định ăn cắp! Eníc xấu hổ, bỏ đi.


Đêm khuya, lúc Eníc nằm ngủ trên đống giẻ rách cùng với hàng chục người khác còn khổ hơn chú, chiếc cúc áo xà cừ và bộ mặt giận dữ của bà chủ hiệu lại hiện lên trong các giấc mơ của chú.


Cứ như vậy, chú ao ước mãi về chiếc cúc áo cho tới cái lần một hôm tình cờ, chú trông thấy ở ngoài phố em bé gái có đúng cái cúc áo đó trên áo của nó. Chú còn nhìn thấy rõ là cái cúc đó sắp bị rơi. Tim chú đập mạnh lúc chú nghĩ là nó sẽ rơi và chú sẽ nhặt được. Đến lúc đó, chú sẽ có được hạnh phúc. Và ngày mai, chú sẽ có mọi thứ.


Vì vậy, chú đã bí mật đi theo em gái đó. Rồi cái điều chú mơ ước đã xảy ra. Lúc em bé bước vào ngôi nhà thấp, chiếc cúc áo rơi xuống đường nhựa mà em bé không hay biết. Đó là em bé gái đặc biệt đãng trí nếu biết rằng đó là chiếc cúc áo duy nhất mà mất nó, thì em cũng đánh mất luôn cả niềm hạnh phúc.


Eníc mừng rơn. Chú thận trọng nhặt chiếc cúc rồi cầm ở tay. Dưới ánh mặt trời, chiếc cúc lóng lánh như viên đá quý. Chú giấu nó vào túi áo rồi đưa mắt nhìn về phía sau. Em bé bước vào nhà.


Eníc cũng biến mất ở góc phố gần đó.


Chú thận trọng mang chiếc cúc áo về nhà. Chú cởi áo khoác rồi đi mượn cái kim. Chú rút sợi chỉ ra từ mớ giẻ rách rồi lập tức đính nó vào áo khoác để kịp trước khi trời tối.


Nhưng bất chợt, chú nhớ tới điều gì đó. Chú nhớ tới việc là cô bé sẽ khóc ở đâu đó vì bị mất chiếc cúc áo. Có thể, cô sẽ không hiểu được hết niềm hạnh phúc do cái cúc áo đưa lại. Vì nếu biết vậy, thì cô đã thận trọng hơn. Nhưng rồi sẽ tới lúc, em gái biết được điều đó. Có thể, sẽ chẳng bao giờ, em có được chiếc cúc áo khác. Vì kiếm được nó đâu có dễ? Em gái đã bị mất, còn Eníc thì đã nhặt được. Nhặt được? Không, chú đã tìm thấy. Có lẽ, nên trả lại chiếc cúc áo?


Không, chú không thể làm điều đó, vì chú đã mong có nó trong chuỗi ngày vất vả của mình.


Chú nghĩ bụng: "Bao giờ có được hạnh phúc, thì mình sẽ trả lại và sẽ được đền ơn. Nhưng liệu rồi mình có tìm ra em gái đó không?"


Hai tay run lên, nhưng chú vẫn mải miết khâu.


Hôm sau, chú đi ra phố. Ở ngực chú, chiếc cúc áo sáng lóng lánh như ngôi sao. Chú có cảm giác mọi người đều nhìn mình. Vì vậy, chú dùng một bàn tay để che chiếc cúc áo. Chú còn sợ gặp phải em gái ngày hôm qua.


Chú đi, đi mãi để tìm anh thợ thông ống khói. Bất chợt, chú dừng lại ở ước muốn có được tòa lâu đài và quả cam.


Đến giữa trưa, chú gặp anh thợ thông ống khói. Khắp người anh đen như than, chỉ trừ cặp mắt màu xanh lơ như hai đóa hoa hồng thảo. Chú lao vội sang cái vỉa hè nơi anh thợ thông ống khói đang bước đi, tay chú nắm chặt chiếc cúc áo.


Quả tim chú đập nhanh như quả chuông.


Anh thợ thông khói lại gần chú.

Anh bước thản nhiên, miệng luôn mỉm cười.


Eníc tái mặt đi, đôi bàn tay cứng nắm chặt chiếc cúc áo. Chú nghĩ bụng: "Cứ để anh ấy bước 5 bước nữa rồi mình sẽ ước thầm."


Anh thợ thông khói đã ở bên chú. Nụ cười trắng lóa của anh ẩn hiện dưới bộ ria màu đen.


"Lâ…u đ..ài và c…am"


Có tiếng động khẽ, chiếc cúc áo được đơm bằng chỉ mục và bị vò trong bàn tay Eníc quá lâu nên nó đã bị đứt, nằm trong bàn tay chú như bông hoa héo.


Mọi hy vọng của chú đều tiêu tan. Chú rơm rớm nước mắt. Chú rất đau khổ vì thấy nó là mình đã bị trừng phạt vì tội ăn cắp chiếc cúc áo để mưu cầu hạnh phúc.


Chú khóc thảm thiết đến nỗi anh thợ thông ống khói phải ngoái lại, tới gần chú.


- Em sao vậy? - Anh thợ thông ống khói hỏi, giọng trong vắt.


Nhưng Eníc vẫn khóc, bàn tay vẫn nắm chặt chiếc cúc áo.


- Có ai bắt nạt em hay em bị mất cái gì?


Một bàn tay của anh đã vuốt tóc Eníc, cái bàn tay rất ấm.


- Em đã ăn cắp chiếc cúc áo! - Eníc thú nhận. Em muốn có tòa lâu đài và quả cam. Vì vậy, hôm qua, em đã lấy cắp chiếc cúc áo.


Rồi Eníc lại òa khóc.


- Em là con nhà ai?


Eníc chẳng biết mình là con nhà ai. Em chẳng là con nhà ai cả, dù rằng nếu được như vậy, thì chỉ có lợi đối với em.


Anh thợ thông ống khói cầm tay Eníc, dắt đi. Bàn tay anh đen nhẻm như bồ hóng. Trong tay anh, Eníc tỏ ra ngoan ngoãn như chú cừu non.


Anh thợ thông ống khói đưa Eníc về tới ngôi nhà nhỏ, đúng cái ngôi nhà mà cô bé hôm qua đã bước vào.


- Mẹ nó và Lida này, tôi dẫn về nhà ta em bé đã khóc vì muốn có tòa lâu đài và quả cam.


Eníc liền cãi:


- Cháu khóc vì đã ăn cắp chiếc cúc áo.


- Chúng tôi không có lâu đài và quả cam để cho chú, nhưng có thể cho chú bữa trưa.


Và họ cho chú ăn trưa. Họ đặt chú ngồi bên bàn, múc cho chú đĩa xúp đầy. Lúc này, anh thợ thông ống khói đã tắm rửa sạch sẽ ngồi bên chú, phía bên kia là bà chủ và đối diện với chú là Lida, em gái hôm qua đã đánh rơi chiếc cúc áo.


Họ đặt cho chú nhiều câu hỏi dễ chịu. Trong đời chú, chẳng lúc nào chú nói nhiều như lần này. Chú kể lại mọi điều, từ việc chú bị mồ côi, mơ ước được hạnh phúc tới việc chú bắt được chiếc cúc áo.


Hai vợ chồng chủ nhà cùng mỉm cười. Lida thì nhìn chú bằng đôi mắt nghiêm nghị, sửng sốt, còn đĩa xúp thì tỏa mùi thơm như hương trầm.


- Anh mến chú - Anh thợ thông khói nói. Nếu thích, chú có thể ở lại đây. Anh sẽ dạy chú cách thông ống khói. Và Lida cũng đỡ buồn.


Bà chủ nhà gật đầu, còn đôi mắt Lida, thì sáng long lanh. Eníc cảm động nhận lời rồi cắn luôn một miếng thật to để củng cố niềm vui đến bất chợt. Vì ở đây, thức ăn không vào dạ dày, mà vào thẳng trái tim.


Eníc bắt đầu học nghề thông ống khói.


Là thợ thông ống khói nghĩa là mang niềm vui tới cho mọi người. Nhưng bản thân người thợ thông ống khói, thì không thể có được hạnh phúc nhờ sự trợ giúp của chiếc cúc áo. Eníc không nhận ra rằng mình đã bị mất cái đặc quyền đó, rằng mình là người hạnh phúc, dù rằng chú hiểu rõ rằng mình không thể sờ vào chiếc cúc áo lúc giáp mặt bạn đồng nghiệp để chúc anh ta thực hiện được mơ ước.


Eníc trèo lên những mái nhà cao đến tận bầu trời, rồi tụt xuống các bếp lò theo các đường ống. Mọi người quý mến chú vì chú làm việc tốt, vì rằng các món ăn được nấu dưới những ống khói do Eníc làm sạch trông giống như những con chim bạch yến tinh khiết. Eníc đã mở đường cho mặt trời và không khí đi tới ngọn lửa của con người. Đó là công việc tốt đẹp.


Thời gian trôi như nước chảy, còn Eníc thì lớn nhanh như thổi. Ông bà chủ yếu quý chú. Còn Lida thì chẳng những đã bỏ qua cho chú cái tội đã ăn cắp chiếc cúc áo, mà còn trở thành vợ chú.


Bây giờ Lida đã lớn như cây bạch dương non bên cạnh Eníc vững chắc như cây dẻ gai.


Nếu như có lúc nào gặp Eníc, thì bạn nhận ra ngay. Chú ta cũng giống như mọi người thợ thông ống khói, những túi áo của chú đựng đầy cúc áo. Chú hào phóng phân phát chúng cho những ai áo thiếu cúc, vì chú muốn đem hạnh phúc tới cho mọi người.


Là thợ thông ống khói có nghĩa là mang hạnh phúc tới cho những ai có những chiếc cúc áo. Tới lúc mà mọi người ai cũng có đủ các cúc áo, thì tất cả mọi người đều có hạnh phúc.



(Jiri Wolker - Czech; Đỗ Thanh dịch theo bản tiếng Nga)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)