Bài thơ cho chúng mình

Thứ Ba, 15/11/2016 00:07
ttntt

(Đọc Nắng nghiêng mùa trăng
của Khương Thị Mến, Nxb Hội Nhà văn, 2015)
 
Đôi mắt đêm như dòng sông mùa lũ
Sao Hôm thì gần, sao Vược thì xa
Khi nhánh tầm gửi vẫn xanh trước cây bưởi nhà ta
Em viết vần thơ hai chiều gừng cay muối mặn.


Ngay những câu thơ mở đầu của Nắng nghiêng mùa trăng đã sớm đưa ra một thông điệp nhìn về phía bên trong con người. Cái tên Khương Thị Mến đang dần quen với độc giả ở một giọng thơ trữ tình chân chất, nồng nàn và đắm đuối mà không ít sự gân guốc, quyết liệt dù bề mặt thơ chị luôn khá phẳng lặng. Đó là ưu thế cũng là những thách thức với chị vì người đi trước từng rất thành công với cách viết của chị.
Tình anh còn nồng nàn?/ Em mải tìm con sóng phủ đại ngàn/ Cuộc gọi nhỡ, tin nhắn dở/ Trong nửa em ban mai chim hót (Bài thơ cho chúng mình) đã cho thấy sự tự chất vấn, day dứt không còn đơn giản nữa. Đặc biệt là câu Trong nửa em ban mai chim hót đã có sự đột phá táo bạo đầy chất thơ.

Khương Thị Mến từ điểm nhìn bên trong đã bật ra những câu thơ mang chứa nội tâm khá sâu sắc nhưng luôn sáng rõ. Đây cũng là đặc điểm chính trong Nắng nghiêng mùa trăng. Hãy nghe nhà thơ cảm nhận: Thu chở heo may ngang ngõ nhà ta/ Buộc nỗi si mê vào làn tóc rối/ Ngã ba chiều dáng em về rất vội/ Hạnh phúc tình tang lăn lóc cọng rơm vàng (Đoản khúc thu); Ngược chiều gió thổi/ Thấy trăng gầy mọc muộn/ Em nông nổi chợ đời ta chiều hôm nắng quái/ Nhện giăng tơ trên đóa tường vi (Ngược chiều gió); Quà cho tháng Tư là con đường hoa xoan trắng nhỏ xinh thơm nức cổ tay em/Líu lo tiếng chim chìa vôi trong mưa rào đầu hạ/ Gương mặt em ẩn dụ hai mùa (Lời hẹn tháng Tư).

Từ thế mạnh điểm nhìn từ bên trong Khương Thị Mến luôn triển khai bài thơ theo cách đa dạng nhất có thể. Bởi vì vậy, thơ chị đôi khi tưởng như thừa câu, thừa chữ nhưng ở toàn bài vẫn toát lên sự đủ đầy mà không rườm rà, dông dài. Điều đó cho thấy nội lực thơ luôn mạnh và cái cần nói luôn được dâng lên đến kiệt cùng: Mẹ sinh tôi trên cánh đồng trầm tư trở dạ/ Cánh đồng vết chân chim sâu như đáy mắt cào cào/ Gọi mần tách vỏ/ Xanh lên nưng nức/ Nắng chắt lại sau ráng chiều đỏ rực/ Năn lác vành nón lấm bùn (Cánh đồng của mẹ tôi); Ông trăng treo rờ rờ đỉnh đầu cây mít/ Bà lão hàng xóm thức giấc/ Lắng nghe cả trời đêm khe khẽ/ Bước chân mèo hoang nhong nhóng qua sân (Bà lão hàng xóm).

 
nang nghieng


Chất thôn dã, phong dao cũng luôn phảng phất trong Nắng nghiêng mùa trăng. Đây cũng là một nét son trong thơ Khương Thị Mến. Chúng ta đang đánh mất không ít những giá trị cổ truyền đặc sắc. Điều đó luôn khiến không chỉ nhà thơ hẫng hụt: Nghe xao xác chim gầy tìm tổ/ Mẹ gặt lời ru từ mảnh ruộng đã gieo/ Đèn hạt đỗ khắc dấu cột kèo/ Triệu triệu lần trầm ngâm không nói (Mùa màng của mẹ tôi); Sau nén hương trầm cháy dở/ Ngôi mộ tổ tiên khắc dấu ngày trôi… Tre trúc ngàn đời không nhớ mặt/ Vạch đất nối dài thăm thẳm trăng sao (Cội nguồn); Người đàn bà đi qua triền sông/ Sông cạn nối trăng cạn dòng/ Chòng chành câu hát/ Người đàn ông rẽ lối mòn triền sông/ Ngày thổi rỗng giọt đồng hồ khô khốc (Triền sông).

Trong Nắng nghiêng mùa trăng đã vang lên những câu hỏi, như tự chất vấn chính mình, như đang chất vấn một xa xôi nào đó còn chưa có câu trả lời thỏa đáng: Đâu là duyên, đâu là phận/ Anh như đêm dài gấp trăm ngày cộng lại khi em đã biết chờ (Đặt vào); Ngày xưa! Có bao giờ trở lại?/ Cho mẹ mơ về thời khăn áo đã xa (Mùa màng của mẹ tôi);  Nỗi nhớ trùng trình trôi dạt/ Đi qua trong nhau chiều đông/ Ở đôi bờ hạnh ngộ/ Trong veo khuôn mặt em (Nỗi nhớ); Trôi theo dòng sông ngại chảy/ Trôi theo mùa đau vai mẹ cấy/ Nơi cuối trời sao thức chong chong (Trên cánh đồng chiêm).

Khương Thị Mến trong Nắng nghiêng mùa trăng đã cho thấy sự vững vàng, điềm tĩnh trước mọi đổi thay, dâu bể. Giọng thơ vang lên với nhịp điệu không quá chói gắt nhưng cũng không quá mờ nhòe đã cho thấy một bản lĩnh riêng. Qua Nắng nghiêng mùa trăng, thấy thêm một Khương Thị Mến tảo tần trong thơ, tảo tần và ngẫm ngợi từ điểm nhìn vào bên trong, từ bên trong của chính mình. Một sự tự vượt mình vốn rất khó và rất đáng trân trọng đối với người làm thơ như câu thơ chị viết: Trong trẻo bóng én về trong sớm mai/ Bờ vai tháng giêng trẻ lại/ Em khóc thành mưa xuân…/ hạnh phúc/ mỏng manh rơi (Tháng Giêng)

PH
ÙNG VĂ​N KHAI giới thiệu và chọn
 

Bài thơ cho chúng mình
 
 
Anh bức tranh đá cuội xám màu
Em rét đài tháng ba, mưa ngâu tháng bảy
Cho mưa rơi giữa chúng mình
Cho tròn lời yêu một chiều mây trắng
Nhặt hoa cau về chạm ngõ đắm say
 
Chợt thấy
Đôi mắt đêm như dòng sông mùa lũ
Sao Hôm thì gần, sao Vược thì xa
Khi nhánh tầm gửi vẫn xanh trước cây bưởi nhà ta
Em viết vần thơ hai chiều gừng cay muối mặn
 
Có nỗi nhớ ngược dòng
Có niềm thương đợi ngày hội ngộ
Dải Ngân Hà vợ chồng Ngưu cách trở
Có cầu Ô Thước bắc ngang
Em tìm trong sâu thẳm thời gian trong ngàn năm trăng tròn khuyết
 
Tình anh còn nồng nàn?
Em mải tìm con sóng phủ đại ngàn
Cuộc gọi nhỡ, tin nhắn dở
Trong nửa em ban mai chim hót.

doi chim

 
 
Cánh đồng của mẹ tôi
 
 Mẹ sinh tôi trên cánh đồng trầm tư trở dạ
Cánh đồng vết chân chim sâu như đáy mắt cào cào
Gọi mần tách vỏ
Xanh lên nưng nức
Nắng chắt lại sau ráng chiều đỏ rực
Năn lác vành nón lấm bùn
 
Đêm lột xác bên mong ước của ngày
Tôi lớn lên tuổi hai lăm tràn đầy nhựa sống
Nhựa sống cánh đồng mẹ truyền cho tôi
Hừng hực sức sinh sôi của đất
 
Tôi ra đi
Mang hơi thở hồn làng về chốn thị thành
Mải miết sống, học hành, công tác
Nào ngờ có lúc quên cánh đồng
Quên mẹ đợi cửa khi cài khi mở
Ngoài hiên vắng mỏi mòn
 
Mẹ và cánh đồng đong nắng đong sương
Thành bài thơ cả đời tôi không viết nổi
Chợt nghe lòng buốt nhói
Cánh đồng trở mùa đâu bóng mẹ tôi?

yeu thuong
 

Lời yêu chưa nói
 
Lời yêu anh chưa nói
Nắng trở chiều
Vẫy chuyến đò sang sông
 
Lời yêu anh chưa nói
Trăng chẳng tròn đêm rằm
Gỡ rối chòm sao chi chít
Xé nửa cho người bối rối lặng câm
 
Đời chẳng chung đôi che khóe mắt khóc thầm
Đêm vẫn dài gấp trăm lần suy nghĩ
Rẽ vòng vào ta gặp vô cùng hun hút nhớ
Xâu chuỗi ngày trong mắt tím vò mưa
 
Phiên chợ quê đưa đẩy bước em về
Kẽo kẹt võng trưa mòn lời ru rong ruổi
Buông tay còn chất chồng tiếc nuối
Đeo đuổi tháng ngày đau đáu phía không nhau
 
Mắc cạn em vọng phu bạc đầu
Đứng giữa muộn mằn tình yêu tha thiết
Cho người chưa một lần nói dối
Chợt khóc òa đá cuội mồ côi.
 
 
 
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)