Bí mật của phục sinh…

Thứ Sáu, 24/01/2025 09:12

(Đọc Phục sinh của Đào Quốc Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

          Mỗi giây phút của đời ta là một sự tham dự vào việc tạo nên chính mình, cả thể xác và linh hồn. Mỗi giây phút ấy, cũng là một cuộc phục sinh, trên đỉnh cao của lòng trí ta. Ai rồi cũng sẽ có cho mình một Đồi Golgotha mà chỉ riêng họ là người thấu biết. Trong ý nghĩa máu thịt nhất, bỏ mặc huyền thoại cao cả, sống là chịu nạn, và phục sinh là hoa trái của lòng quả cảm trong tột cùng đơn độc.
          Tôi đã nghĩ những điều ở trên khi đọc tập thơ Phục sinh của Đào Quốc Minh. Khi những ý nghĩ không rời bỏ mình, xuyên qua 180 bài thơ, tôi hiểu rằng, đó là mạch lõi làm nên tư tưởng “phục sinh thi ca - phục sinh thi sĩ” ngầm chảy trong tác phẩm.
          Tại sao phải phục sinh thơ? Câu hỏi ấy tôi đặt ra cho mình, chẳng biết nó có đến trong tâm tư Đào Quốc Minh hay không, nhưng chắc hẳn là ý niệm cần thiết cho những ai để ý đến đời sống thi ca Việt Nam đương đại. Những cám dỗ đến từ sự ngọt ngào dễ dãi của cảm xúc; những vỗ về yên ủi làm ta say-mê mà quên tỉnh-thức; những đẽo gọt chế tác phần lớn mang thái độ “gây hấn” với mĩ học cũ mà chưa tựu thành điều gì đáng kể; những bí bách quẩn quanh không thoát nổi bóng mình… đang làm cho thơ rơi vào bi kịch suy tư tưởng và tự thỏa mãn. Tựa như người đánh cá hài lòng với quãng sông hồ no đủ hay chủ nhân một khu vườn sung sướng với mùa trái quả phì nhiêu, thi ca và thi sĩ tìm thấy sự hân hoan tầm thường dưới bóng một ngôi làng, một nếp nhà, một bếp lửa, một bữa ăn. Thậm chí, những nỗi đau cũng trở nên vặt vãnh, những lo âu cũng trở nên bé mọn, bỏ mặc ngoài kia sa mạc đang cồn lên hoang dại, và cái chết, và chiến tranh, và cái ác, và lãng quên… đang trùm lên tất thảy.
            Thơ Minh bước ra khỏi những quẩn quanh vặt vãnh ấy, tự khách quan hóa chính điểm nhìn và nội cảm của mình, để lặng lẽ kiên tâm đi vào hoang mạc. Có thể nói, chất thơ được chưng cất từ nguồn tư tưởng phục sinh của Đào Quốc Minh đã dựng lại vương quốc mơ mộng, âm u thăm thẳm, phảng phất tiếng thở dài buồn lạnh điêu tàn. Đó cũng là trạng thái trữ tình chủ đạo của cái tôi thi sĩ bên bờ nhân gian mịt mù vô định. Trong nhịp điệu chậm rãi, mơ hồ, như âm vọng của niềm quên lãng, tiếng thơ Đào Quốc Minh phục sinh vẻ đẹp tiêu trầm, phôi pha, chỉ còn trong mơ mộng. Ở đó, những huyền thoại khuất chìm, những vàng son phai nhạt, những xuân sắc rong rêu, những nồng nàn vắng lạnh, những gần gụi thường nhật trở nên xa xôi và xa lạ. Giữa lưu lạc, hoài niệm là thứ duy nhất ta còn có thể mang theo để chứng thực rằng, con người chẳng phải là một hiện hữu hư vô: nhân loại vẫn mải miết bay qua/ những giấc-chân-mây-cát-bụi/ con mắt trăm năm chưa khép lại bao giờ (Con mắt gốm).
           Đau nỗi đau của nhân loại, thực chất là cảm nhận ở bình diện phổ quát những bi kịch của tồn tại đang vây bủa con người. Từ nỗi niềm riêng mà thấu cảm được cái chung, đưa câu chuyện của cá nhân thành sự kiện có tính phổ biến, đó là con đường hình thành tư tưởng lớn trong sáng tạo nghệ thuật. Với Phục sinh, Đào Quốc Minh đã âm thầm kiên định thực hiện điều đó.
           Phục sinh là một thế giới được dựng nên bằng mơ mộng, bằng những tưởng tượng, liên tưởng đứt nối, chập chờn, trong thăm thẳm thời gian, dọc miền vô định của nhân gian. Cõi ấy mơ hồ, buồn lạnh và hoang liêu. Điểm đặc biệt làm nên khí hậu xa xăm, hoang vắng, nhuốm màu luân lạc trong thơ Đào Quốc Minh chính là việc anh triệu hồi những xa lạ về bên nhau, rút bỏ cầu nối của hư từ (từ so sánh, quan hệ từ, liên từ…) để các thực thể va chạm, lóe sáng, soi tỏ những hình dung bất ngờ, lạ lẫm. Liên tưởng rất xa được nâng cánh bằng tưởng tượng siêu hình, tượng trưng, thành ra, những lựa chọn và kết hợp đã vượt lên lối nghĩ thông thường. Thơ thức dậy trên quỹ đạo mơ hồ xa xăm ấy, làm giãn nở vùng không gian của mĩ cảm duy thực: người lính già vẫn ngồi trong hoang phế/ thắp từng cây nến nhỏ… trên đồi/ con mắt cũ phút chốc nhòe tấm ảnh/ vang-một-tiếng-người ở-đâu-đó-xa-xôi (Người lính già).
           Một cõi giới xa lạ, hiện hình trong ánh chớp lóe lên từ sự “chập nổ” của những ảnh tượng đối lập, nhiều lúc tưởng như phi lí. Thời gian thật dài, không gian cũ-xưa-thăm thẳm-mịt mù, đã kéo tất cả vào trường mĩ cảm âm u, huyền hoặc. Dẫu vậy, khi nhìn lại những điều bé nhỏ, ngắn ngủi, mong manh, đặt trong trường liên tưởng đối lập, bên cạnh những đại lượng kì vĩ, vĩnh hằng (thời gian, không gian, huyền thoại…), tập thơ đã làm sống dậy niềm trắc ẩn trong trái tim con người. Phục sinh thơ, phục sinh thi sĩ, xét cho cùng, cũng chính là phục sinh trái tim con người trên hành trình lưu đày giữa nhân gian. Đó chẳng phải là bí mật lớn nhất của sự sống hay sao?

                                                NGUYỄN THANH TÂM giới thiệu và chọn

Đôi bờ nước mắt

I.
lịch sử đi cùng những cuộc hành quân
như dòng hải lưu chẳng bao giờ ngừng chảy
lênh đênh lênh đênh đôi bờ nước mắt
đêm - đêm người - mẹ - thân - còng
quỳ ôm cây ghita vỡ toang dạt vào cát trắng
ngọn đèn nào sáng bừng như giọt máu
rỏ âm thầm khắp cõi mênh mông...

tiếng súng vang đã mấy mươi năm
em vẫn giữ bản tình ca chưa bao giờ xưa cũ
con chó đá trầm thiêng bên chùa đổ...
vẫn chong chong đợi mãi chân trời
hải cảng lồng qua hằng ức những bóng người
em gục đầu vào bóng mình lặng lẽ
đêm đêm ai nghe trong từng hồi sóng trẻ
tiếng - con - tàu năm - ấy đã - ra - khơi

II.
Hoàng Sa, Trường Sa của lòng mẹ ta ơi
của tiếng đàn ngân vang về một ngày trở lại
gươm đã tuốt trần bốn nghìn năm...
xin đáy cát rạt rào hãy vùi sâu mãi mãi
súng đạn trở thành truyền thuyết của mai sau

trên đôi bờ người thổi tắt ngọn đèn
nằm ngâm nga bài kệ dưới trăng thâu...
nhà sư hành hương ngủ quên rồi bên sóng
lòng ốc đá uông uông nơi bến lộng
vọng đến muôn trùng... lời biển cả ru con...

III.
tôi trở về phiêu bạt khắp nhân gian
những đứa bé không - bao - giờ lớn nữa
mà bài đồng dao cao hơn... xanh hơn
người - lính - già đã - hóa - thành tháp - cổ
một hồi chuông rung mãi bên trời
cõi biển - dâu và trường - thành thuở - cũ
chợt nhạt nhòa như giấc mộng xa xôi...

trên đồng hoang còn lại một nhà thơ...
ngồi kéo nhị miên man... trong chiều vắng...
hoa rụng đầy trên hai - vai tóc - trắng
tiếng sóng nào thầm lạnh dưới ngàn sâu...


Lời ru trên bến sông

I.
khi tôi sinh ra - cuộc chiến đã lụi tàn
chỉ còn cánh hoa trôi bồng bềnh trên sông Mã
tiếng ngựa hí lồng suốt mấy nghìn năm
còn âm - vang từng đỉnh - đồi tượng - đá...
người con gái - ánh mắt - hao mòn...
đứng hát ru buồn thầm lặng giữa Trường Sơn

sông Lam ơi... bao đêm dài - trở sóng...
hỡi người lính xưa! Về lại với Truông Bồn
tôi quỳ xuống trên bến đò soi - bóng
máu anh hùng thành nước - mắt quê - hương...

II.
tôi như người hành - giả tha - phương...
như nhạn Hải Vân như con đò Thạch Hãn
trông bóng núi từng vang trời tạc đạn
như nấm mồ xưa sừng sững của rừng chiều...

tôi chỉ nghe chùm chuông gió tinh tang
trên hiên nhà tranh hoang vắng đến cô liêu
gã họa sĩ mù mơ màng cây bút trắng
thảo bức họa thiên thu về một dòng sông bạc...
đã cuốn trôi đi bao chiến tích xưa rồi...

người lính nằm ở đâu trong lòng đất mẹ...
tiếng gọi nào ngân vọng đến xa xôi...

III.
tôi ngủ lại đêm mơ bên trời tiếng mõ
những đỉnh trăng truông núi nhạn mây cồn...
ngôi - làng của - anh trên đôi bờ lau cỏ
ngọn - đèn - nào vẫn - thắp ánh sao hôm...

ai đặt lên từng vũng - chân đầy gió...
một cánh - hoa - thơm chiến địa tự - bao - giờ
người thiếu phụ bến giang đầu tóc bạc
nâng cây đàn đứt cước khóc - trong - mơ...

tiếng ai gọi bên kia dòng sông lạnh
bóng anh về... trong - huyền - thoại... lời - ru...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)