PHẠM TRỌNG THANH
Hành hương Cao Bằng
Nước mắt mẹ cò nỉ non đòn gánh
mùa thu xa tuổi thơ chưa biết buồn
chưa biết Cao Bằng
sông Bằng cuộn dòng dây cung trấn biên
Mã Phục núi đứng ngựa nằm
mù sương Cao Bắc
Cao Bằng cao vút
đá giăng thành mây nguồn đưa cõng
roi mưa quất vù vù ngọn bấc
người đi trấn thủ lưu đồn
thùng thùng trống trận
súng kíp Tà Lùng nghĩa quân khai hỏa
ải bắc mờ xa
vai mẹ đồng bằng lũ trôi trắng xóa
à ơi ngoan nào cò con ngóng mẹ
mẹ còn gánh gạo đưa chồng ngược dốc
miên man Hòa An, Trùng Khánh, Nguyên Bình
Cao Bằng trùng trùng
ruộng nương gối bản
suối ngàn xòe ánh lửa hoa đêm rằm
đàn tính nảy tâm tình non nước
rừng hội quân nuôi chí anh hùng
Cờ giải phóng phất cao...(1)
vách hoa cương khắc lời thề cứu quốc
bếp rèn quân khí thềm hang búa rền
bước chân hỏa tốc
mật lệnh tiến công Phai Khắt, Nà Ngần
Bông Lau, Đông Khê...
điệp khúc còn ngân
Hành hương Cao Bằng
Cốc Bó đầu nguồn trong suốt
Người về quê ta...
Người cao hơn núi (2)
mây lụa bay thanh thản màu trời
trên đổ nát hiện hình kẻ thù sấp mặt
Cao Bằng vươn vai
Cao Bằng dìu dặt
tình ai trao ai vương vấn sông Bằng
nàng về giã gạo ba giăng
để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm(3).
---------
1. Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến: trích Phất cờ Nam tiến, ca khúc của tác giả Hoàng Văn Thái, được hát trong ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
2. Trích Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
3. Ca dao.
Cây cói trong nhà
Ngỡ như trở lại ngày thơ ấy
Lời ru êm trong hơi ấm cỏ cây
Dàn go(1) ơi, đừng ngập ngừng như vậy
Vì mẹ tôi cũng dệt thế này
Năm tháng xa còn nhiều thương mến nữa
Ngồi với nhau xởi lởi xóm làng ta
Từ lá chiếu một đêm nằm năm ở
Sao tôi quên cây cói trong nhà
Người lặn lội đầu mom cuối bãi
Đay hoa vàng cói chín vàng hoa
Con đường giăng giăng vùng đay vùng cói
Có lần nào tôi lơ đãng đi qua
Xin đón nhận những gì thân thiết nữa
Đâu chiếc go xưa tay mẹ mỏi rời
Em ngồi dệt với cánh buồm cửa bể
Hẳn không ngờ em dệt tuổi thơ tôi!
---------
1. Go: dụng cụ để dệt chiếu
VNQD