Một chút Tân Lang

Thứ Sáu, 15/09/2017 00:15
. LÊ MINH HÀ
 
                 ...Ăn một miếng trầu gặp đây ăn một miếng trầu không ăn                                                                                        
                                    cầm lấy cho nhau bằng lòng trầu này trầu tính trầu tình...
                                    ...Đứng ở đằng xa yêu nhau đứng ở đằng xa...
                                      (Ba quan mời trầu - Quan họ Bắc Ninh)
1.
Lang chọc một phát vào sườn Tân, lúc bấy giờ đang cắm cúi đập đất:
- Nhìn kìa, bọn con gái đã về kìa. Con Nương, con Gái vú đẹp nhất.

Tân cấm cảu:
- Làm rốn cho xong đi rồi mà về. Nhìn chúng nó đầy bụng được à. Hôm nay đến lượt tao phải thổi cơm rồi.

Lang cười cười nhìn ông anh rồi lẳng lặng nhặt cái vồ vừa quăng xuống luống khi vặn lưng ngắm đám gái làng đi ngang. Tháng mười chiều sương xuống sớm, cánh đồng đầy chân rạ chợt mềm đi trong mắt chàng. Đất cũng dường như nặng lại, không mù mịt như lúc xế chiều nắng hanh. Đám con gái áo vắt vai, độc cái yếm hững hờ che ngực rõ bóng dần trong sương. Lang cúi mặt, giấu cái nhìn tinh quái. Chàng không muốn ông anh đồng sinh thẹn. Mẹ ngày xưa trở dạ đẻ được con rồi chết, chẳng biết hai thằng con sinh đôi khác tính khác nết thế nào.

Tiếng nói tiếng cười chộn rộn trong sương đục:
“Muộn lắm rồi... Còn những mấy luống kia có mà đập hết cả đêm. Có anh nào về với chúng em chăng? Đỡ cơm nước cho chúng em rồi giăng lên em ra em đập giúp.”
“Con Nương nó nói rồi đấy nhá. Anh Tân anh Lang sao chưa ra nhời?”
“Chị Gái rõ là… Chị về thổi cơm cho xong rồi xin anh ấy nhà chị cho đi đập đất đêm giăng. Kìa kìa, giăng non lên sớm.”

Những người đàn bà cứ vừa trêu chòng nhau vừa tất tả đi ngang cánh đồng. Chẳng ai để ý Tân Lang cũng đã cất vồ lên vai đi rõ xa phía sau. Lang ưỡn ngực hít lấy hít để, cố gạn trong mùi sương cái hương mồ hôi đàn bà. Của Nương. Của Gái. Tân ngoảnh nhìn thằng em song sinh, nghĩ gì lại nín lặng quay đi. Những người đàn bà đã tới bìa làng, đồng loạt mặc áo che lưng trần. Nhắm mắt lại Tân Lang cũng vẫn hình dung được những tấm lưng con gái mảnh mai mềm mại. Này Gái. Này Nương…
*
*    *
Ông Phó rút cái tăm tước từ liếp ra khỏi miệng, nhìn tấm lưng con giai đã qua tuổi lớn của hai thằng cháu, cất giọng:
- Hai anh xong xuôi mọi việc thì vào tôi có chuyện.

Chuyện cưới vợ. Không phải là cho chú mà là cho cháu. Tân xách cái quang nhỏ đựng cái ấm đất đầy nước chè tươi vừa ủ. Lang cầm theo mấy cái bát và nải chuối mới giú ra đặt lên cái bàn chõng, nhìn hàm râu ông chú nhảy múa theo lời. Đầu óc hai chàng trai căng chật hình bóng những cô gái làng. Ông chú tủm tỉm nhìn hai thằng cháu đột nhiên khép đùi, kéo kéo hai ống quần nâu nhuộm vỏ già đầy vẻ ý tứ.

- Thế các anh bằng lòng để chú định sự cho rồi chứ. Hai anh bằng tuổi. Giá kể cùng đón được con nhà người ta về mà làm ăn sinh con đẻ cái thì sung sướng quá. Nhưng một năm mà làm hai đám thì nhà mình mỏng vốn lo không xuể. Chú tính anh Tân ra trước cưới trước. Có mấy con bé chú vừa nhắc đấy, hai anh bàn bạc lựa lấy một đứa…

Lựa với chọn cái nỗi gì. Ông Phó hỏi hai thằng cháu cho có lệ chứ thực tâm ông chọn xong rồi. Nương. Chẳng hẳn vì Nương hơn Gái. Mà vì, ông Phó rành rẽ:
- Hai anh mẹ đi trước bố đi sau từ cái hồi mới lớn hơn con nòng nọc, nhớn nhao thành người làng trên xóm dưới không ai phải phàn nàn gì thế là mừng rồi. Nhưng nhà mình của nả chẳng có gì. Chú cũng như cha mà chú cũng nghèo. Vậy nên tôi nghĩ xin con Nương có phần dễ. Nhà nó mẹ góa con côi.

Ông Phó không nói ra. Tân ậm à vâng dạ giấu nỗi mừng. Còn Lang tủm tỉm. Lòng dạ hai anh em bổng trầm hai nhẽ. Vừa nghĩ tới sự có Nương về làm vợ, Tân đã bổi hổi bồi hồi. Ngỡ như thấy lại tấm lưng mỏng mảnh buộc hờ dải yếm mà trước ngực lại… Chỉ nhìn nghiêng thôi đã thấy đôi bầu vú mới nhú từ năm ngoái năm kia rắn đanh thây lẩy như quả lê người lên mạn ngược buôn về. Tưởng đến là Tân nghẹn hết cả cổ, họng khô khát chẳng khác nào đêm nằm ngủ say há miệng thở, bừng mắt là phải vùng ra giại nước đầu hồi ừng ực từng ngụm lớn rồi hổn hển tè vào gốc chuối. Tân tự biết chẳng bao giờ mình dám nhìn thẳng nhìn nghiêng bầu ngực ấy, chẳng bao giờ mình bình tĩnh nổi trước tiếng cười lanh lảnh ấy. Nên bây giờ có ông chú định liệu, chàng lấy làm mừng rỡ lắm. Chỉ ngại thằng em. Ra trước ra sau cũng một đường nơi mẹ trong chốc lát mà sao nó khác tính khác nết, nghịch quái khôn lường.

Ông Phó đã chiêu sang bát nước chè thứ hai, lại rẽ ràng giảng giải cho hai thằng cháu đường ông định liệu. Sảy cha còn chú. Ông chẳng vợ con, chỉ có hai thằng cháu bầu bí đầu giàn. Ông đã nhờ người có nhời dạm trước mẹ Nương rồi. Tân cố bình thân, nghiêng ấm rót thêm chè vào cái bát sành ông Phó vừa đặt lại chõng, nhìn chú lắng nghe. Lang tủm tỉm gật đầu. Rõ là nó chẳng nói gì mà ông Phó tự dưng chột dạ. Ông đang cân nhắc giùm hai thằng cháu việc này. Chạm ngõ bao nhiêu. Dạm hỏi bao nhiêu. Còn cưới. Chú dành dụm được ngần này, chúng mày có bao nhiêu? Miệng nói, mà mắt nhìn Lang vẫn đang cười lim lỉm, còn đầu óc lấn bấn hình ảnh hai mẹ con cái Nương. Nhà đàn bà goá, con mười sáu mẹ ba hai, thật chẳng khác gì hai vại tương ngả trước ngả sau nhưng đều đã ngấu. Ông Phó bâng khuâng tưởng trước một ngày mình cũng lại nêm cối quẩy gánh lên đường, gặp mẹ Nương ở một xó nào đó đồng rừng mạn ngược. Đã hẹn rồi...
*
*    *
Lang hớn ha hớn hở đi trong đám rước dâu. Tân chẳng biết lòng dạ thằng cu em nhàu như dưa vừa nén. Lang nhìn Nương váy lĩnh áo the cúi đầu đi giữa chúng bạn, biết thế là hết rồi. Chàng nhìn Gái đi ngay sau Nương, tà áo hai cô có lúc gió đánh quấn vào nhau, biết thế là hết rồi. Đám cưới Tân Nương tiêu hết những đồng bạc cuối cùng mấy chú cháu dành dụm được bấy lâu, dẫu nhà gái chẳng thách gì thì vẫn phải tiêu lậm thêm vào tiền vay mượn. Dẫu gì cũng phải có ít thì dăm mâm, nhiều nhặn thì làm lấy độ chục mâm, không thì tủi vong linh bố mẹ chúng mày, mà chú cháu cũng không đến nỗi mất mặt giữa làng. Tao lo được. Ông Phó nói chắc như đóng nõ cối. Tâm vừa run vừa mừng răm rắp nghe lời chú. Chỉ Lang biết. Phần mình thế là hết rồi. Biết tới khi nào chú cháu anh em lại dành dụm đủ. Gái trạc tuổi Nương, con gái có thì, mà nhà Gái lại bát ăn bát để, dẫu có đứng chung bờ ruộng thì cũng đâu dám lả lơi chung một phận nghèo này ai ơi.
*
*    *
Lúc khách khứa họ hàng vãn thì đã nhập nhoạng tối. Lang vào bếp chổng mông khều tro thổi vào mấy hòn than còn đượm, châm đĩa đèn dầu trẩu bưng ra. Nương thu vén nốt chỗ cỗ thừa, cuống cuồng vớ nắm rơm rửa vội mấy cái bát đũa rếch dọn mâm lên mời ông Phó, chồng với em chồng. Nàng không biết Lang đứng trong bếp tối đã nhìn ra cái lúc chị dâu đưa ống tay áo mới lên lau mặt, nước mắt đầm đìa vì nhớ bầm...
 
20371134 806670072840363 411170711 n
Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Tân đã ngồi khoanh chân bằng tròn trên chõng rót rượu mời chú. Ông Phó bảo nhà nghèo phiên phiến, trên dưới gái giai gì thôi cũng một mâm cho ấm, phúc đức nhà mình giữ lễ, nghĩa cách rách thôi biếu nhà giàu, ngẩng mặt nhìn bàn thờ cha mẹ anh chị rồi tợp chén rượu khà một tiếng cười hỉ hả. Tân vâng dạ, cất giọng giục vợ, gọi Lang. Nói rồi tự dưng ngượng miệng. Vợ thì chỉ trước đó mấy hôm còn gọi là cô Nương xưng tôi, nay thành người sẽ chung mâm chung giường, sẽ phải gọi nhau là “mình”, “mình ơi”, nghe cũng thú mà cũng thẹn, nhưng cùng thẹn rồi cũng như nhà người cùng quen cả. Nhưng với Lang… Vợ rồi, anh em ra đời chốc trước chốc sau, chẳng nhẽ lại mày tao như mọi bữa. Mà hình như thằng em cũng buồn buồn ngượng ngượng, cứ luẩn quẩn hết ngoài đống rơm lại xoay xuống bếp. Vợ mình chỉ mới tháng trước nói chuyện với mình nó vẫn gọi là con, con Nương. Anh em ngày ngày ra đồng vào rừng luật quật với nhau, hết buổi làm lại trần truồng nồng nỗng cùng nhau nhào xuống sông tắm, tối cùng ngồi bên sàng khoai nguội nhai chập chuội, lúc nào mắt ríu lại thì đập chân mấy cái lên giường gác cẳng lên nhau ngáy. Nhưng mà đêm nay…
*
*    *
Gian nhà tối tăm nồng mùi rượu đã hả hơi sau cả ngày cỗ bàn. Cơm nước xong, Lang xách cái vò rượu nút lá chuối khô còn óc ách dăm ba chén, bảo Tân:
- Tôi đưa chú về rồi ngủ lại với bọn thằng Thóc thằng Trấu. Anh bảo chị thả hết bát đũa rếch vào cối đá ngâm đó sáng mai tôi về tôi rửa đỡ.

Và chàng đột nhiên nhận ra từ lúc Nương vào nhà như là vợ của Tân chàng chưa một lần gọi nàng là chị. Bỗng dưng Lang tức giận, bước vội ra cái sân đất nện đã ẩm hơi sương, gióng giả đánh tiếng vào trong giục ông Phó còn lần chần thắp nén hương cho anh chị. Ngày mừng ngày vui. Lại nghĩ thương người đi, sớm quá.
*
*    *
Cứ lang mang giữa thương anh thương chị mừng cho cháu rồi bấn bíu với niềm vui sắp được lên đường sắp có người đàn bà góa bụa từ độ còn quá trẻ lo cho miếng cơm bát nước nóng, có càm ràm, thể nào chả càm ràm, thì thế mới là đàn bà của mình chứ không đã ra cái ngọt nhạt thếch thác của người thiên hạ, ông Phó không để ý tiếng thằng cháu đi bên cạnh thở. Thở như là phải chạy. Thở như là phải nén hơi. Tháng chạp trăng suông. Lá chuối ưỡn mình ra tận ngõ hứng sương, phả vào mặt ông hơi xuân mướt mát. Thằng Lang làm sao mà thở như kéo bễ? Lại còn gạt gãy cả tàu lá chuối nghe rốp rốp.

Lúc ngả mình lên chõng kéo cái chiếu đắp ngang người, ông Phó còn nghe tiếng chó đuổi nhau. Ông mỉm cười. Cái thằng! Làm gì mà để chó nhà người ta sủa váng lên như thế. Khéo nó xồ ra… Bảo song sinh nhưng rõ là thằng Lang nhanh nhạy hơn thằng Tân, mồm miệng cũng hơn, cứ để một mình rồi thế nào nó cũng công được về nhà một con vợ ra vợ. Ông không biết chính cái lúc ông nghĩ thế và yên tâm buông mình vào giấc ngủ có bóng người đàn bà góa trẻ vai đầy ngực nở tóc dày hơi thở như hơ lửa, thằng cháu ông vừa choang nguyên cái vò rượu vào gốc xoan bên đường. Này chú này cháu! Này anh này em! Này Gái này Nương! Này cái đời nghèo chó chết khéo vẫn còn chưa hết chuyện!
*
*    *
Nỗi tức chính mình trong lòng Lang lúc đó thật chẳng bõ bèn gì so với nỗi tức chính mình trong lòng Tân. Đêm về khuya, Nương vẫn loay hoay dưới bếp. Một mình Tân bên đĩa đèn leo lét chừng sắp lụi, muốn giục vợ đi nằm mà thẹn. Đến lúc lên giường, thực chỉ là cái chõng tre lên nước bóng ngời bấy nay hai anh em co quắp lấy nhau, cả căn nhà tối xắt ra miếng được. Tân tiêng tiếc vì ngọn bấc lụi mất rồi, chẳng được nhìn Nương má hồng môi đỏ, lưng mảnh ngực vồng. Cái chiếu mới còn nguyên mùi cói thum thủm đắp ngang người cả hai vợ chồng động cựa mình là tụt. Vừa luồn tay tốc váy vợ, Nương giật bắn người làm Tân cũng giật mình. Cả hai vội tách nhau ra, bốn bàn chân vô ý chạm phải nhau, Nương cười gắt khẽ:
- Gì mà lạnh như chân ma thế?

Chỉ có vậy mà đột nhiên hai tấm thân bốc lửa. Bẹn Tân căng. Đùi non của Nương như nở ra vì hơi ấm đột ngột trào lên. Nương lả người, nhớ lời mẹ dặn. Tân lập vập. Cái chiếu đắp hờ trên hai tấm thân trai gái tụt xuống, rớt khỏi chõng ụp luôn lấy cái nồi đất vỡ đựng mấy hòn than còn đượm. Nương quờ quạng thõng chân xuống chõng hất cái chiếu ra khỏi mẻ un, trách chồng:
- Nhà cẩn thận nào. Có mỗi đôi chiếu mới này. Cháy thì ngày mai chú Lang về lấy gì rải ổ cho chú.

Chỉ có thế mà sống lưng Tân lạnh. Chàng có cảm giác người mình bị chẻ dọc. Cơn nóng căng đau cả bẹn rút dần. Con giống của chàng từ từ mềm ra sun lại. Tân tức tối tưởng tượng lại cái cảnh chỉ mấy hôm trước đêm nào con bòi cũng chổng ngược làm mình vừa đau vừa mỏi phải vùng dậy ra gốc chuối tè. Suốt đêm đôi vợ chồng mới cưới căng thẳng. Nương căng thẳng vì chẳng xảy ra sự gì. Tân căng thẳng vì biết không thể xảy ra sự gì. Con bòi như tằm rụt thế này chỉ đáng ném cho gà. Chàng hãi hùng nghĩ tới cảnh ngày mai đám chúng bạn đứa vợ rồi đứa chưa xúm vào hỏi han trêu chọc vậy. Và chàng biết vì sao. Chỉ vì Lang. Đứa em song sinh, đứa bạn, đang chẳng biết ngủ hay thức trong cái ổ rơm của hai anh em thằng Thóc. Chưa bao giờ anh em Tân bỏ nhau đi chơi qua đêm ở một nhà nào. Tân không biết, nỗi thương em rồi chẳng bao lâu nữa đâu thành nỗi hận, vừa thương vừa hận.
*
*    *
Giá cụ Tân sống ở thời chúng mình thì dễ ợt. Ra phòng khám nam khoa. Hay tới bác sĩ tâm lí. Mà có khi cũng chẳng cần đi đâu, tìm lấy một cuốn sách. Bán đầy ra kia kìa. Nhưng khi đó…

Nương vừa uống xong gáo nước, đang tính đi chuyến nữa ra chợ. Cả tháng đôi phiên, phải cố. Nhà có hai đàn ông, củi kiếm về đã đóng gánh chất đầy đầu hồi. Bán được hết chỗ củi này tùng tiệm là đủ làm giỗ ông bà bố mẹ chồng. Chú Phó cũng về. Mẹ biết đâu cũng về. Chẳng biết mẹ xuôi ngược phương nào, cái nhà của hai mẹ con tháng tháng Nương đảo qua đôi lần rằm mồng một hương khói thế vẫn không át được mùi thiếu hơi người.

Có tiếng gà táo tác bên hũm đất gốc chuối. Nghe như tiếng chân. Úp cái gáo ngang chum nước, nàng ngẩng đầu rồi bước vào nhà. Bóng trưa chìm đi ngoài vườn vắng. Không dưng Nương hồi hộp:
- Mình về sớm thế a?
Bóng người ngồi dậy trên cái chõng đêm đêm hai vợ chồng vẫn nằm không động cựa. Dễ cả tháng rồi. Nương đến gần, hơi đàn bà vẫn còn con gái nồng nàn. Nàng cúi người sờ tay vào trán người nằm, nhỏ nhẹ:
- Sao về sớm thế? Mình mỏi người à? Ra giêng rồi, nắng mới hùng hục làm rồi để toát mồ hôi thế này dễ cảm lắm.

Bóng người đứng thốc dậy. Nương giật mình bước lùi, tay quơ về phía sau chạm phải cột nhà làm từ thân xoan đào kê trên mễ đá xanh. Bóng người túm lấy cánh tay Nương. Hơi thở hừng hực. Tân? Lang? Nương không biết. Chỉ thấy váy có một bàn tay túm lấy tốc ngược ngang hông. Cái gì cứng như dùi nóng giãy chọc vào đùi non Nương ẩm ướt, ngập vào suối ấm. Đau dại người. Cùng lúc một cái gì bật dậy từ sâu thẳm. Bàn tay túm lấy hông nàng, ấn nàng vào cột nhà. Thân xoan đào róc vỏ tự đời nảo đời nào rung chuyển. Giời ơi. Khéo mà cột bật khỏi chân mễ. Giời ơi. Khéo mà đổ nhà. Giời ơi. Nương lả đi. Hai đầu gối run. Mãi mới buông được cái cột nhà chẳng biết nàng quặp lấy tự khi nào, lẩy bẩy ngồi xuống duỗi người dựa cột. Con Thạch Sùng bám trên xà nhà tự khi nào tắc lưỡi một cái làm Nương giật mình. Tỉnh. Bóng người đi ngoài sân nắng lúc lắc cái ấm giỏ. Ai như... Giời ơi...

Gái mười sáu như đất nỏ. Giai mười bảy sầm sập mưa rào. Từ đấy, chái bếp, gốc rơm, có khi đứng áp lưng ngay bên đống lúa vừa gặt vẫn còn đẫm sương chưa kịp gánh về, rơm tươi thóc ướt đâm nhoi nhói, xong rồi mà nửa ngày sau vẫn còn rặm rặm, làm cho lại nhớ lại thèm. Chị em bạn gái đùa con Nương gái phải hơi giai hơn thài lài gặp cứt chó mạ già ruộng ngấu thế mà vẫn chưa có gì à rõ là chúng mày nhìn xem này vú nó nở ra. Nương ngúng nguẩy cười, mắt sóng sánh một dòng trong veo như con sông chảy ven làng mùa đông hanh hao lạnh cóng người mà chị em chúng bạn vẫn rủ nhau ra dầm mình giặt giũ tắm táp ngày có nắng. Chẳng ai biết lòng Nương lấn bấn. Cái người ban ngày vẫn ghì siết lấy mình ngập trong mình những lúc vắng người ở chân đống rơm, bên những bó lúa còn chưa đập, chỗ đồng ngô nơi cánh bãi..., cái người vẫn đêm đêm nằm bát sấp bên mình... Có phải là...? Là ai?

Giá cứ lấn bấn mãi chỉ một điều ấy thì sung sướng biết bao nhiêu. Mà cơ khổ. Bởi chẳng bao lâu thì Nương biết, ai là ai. Bữa cơm bên cái mâm chõng tay ba, anh em chồng vợ, mà cả Tân cả Lang chả ai nhìn nhau, và ai cũng nói năng nhấm nhẳng với Nương. Nàng xới bát cơm, nàng so đôi đũa, lặng im, ngần ngại. Cứ mong ngày dài ra mãi, để bận bịu, để còn có lúc gặp nhau. Gặp ai chả biết. Cho đến buổi chiều kia ra rút thêm rơm vào vần nồi khoai mới chắt nước, một bàn tay kéo tuột thắt lưng nàng, một thân người đổ ập vào nàng. Chưa vào thu mà sương xuống sớm quá. Rơm ấm quá. Bếp lụi mất rồi. Bếp nhà mình? Khéo mà nồi khoai không chín được... Nương bồng bềnh trong rơm trong sương trong khói chiều xóm nhỏ, bất giác mở choàng mắt, hồn vía bay biến. Khuôn mặt đàn ông. Tân? Lang? Rúm lại. Đau đớn. Căm giận. Dáng đàn ông bước lùi. Tiếng lạch xạch tay ai kéo lại bờ rào. Sức nặng, hơi ấm đang đè đang nghiến đang phủ lấy nàng biến mất. Lang? Tân? Đứng dậy, vặn lại cái cạp quần, chẳng nói chẳng rằng cúi ôm một ôm rơm lùi lũi đi ngang bếp quẳng vào đó, rồi đi.

Đêm ấy, Nương một mình một nhà. Buồng tối vo ve tiếng muỗi. Ngoài sân giăng sáng. Tân vừa kéo cái chiếu vắt trên sào ra sân nằm. Nàng đã biết chắc rồi. Cái người vần vũ với mình bấy lâu là ai. Cái người nằm chòng queo ngoài sân kia là ai. Giá mà bấy lâu chồng vợ thực là chồng vợ, có phải bây giờ nàng cũng có thể ra sân, kéo cánh tay lực lưỡng kia, vén váy ngồi xuống, ngả mình. Vợ chồng son. Giăng sáng. Nương bối rối, lo sợ, rồi bất giác mỉm cười.
*
*    *
Đấy không phải là lần đầu tiên Tân chứng kiến cảnh giao hoan của vợ mình với em trai. Nhưng ngay cả lần này chàng cũng chỉ vật vã một mình, im lặng như bấy lâu nay im lặng. Không ngủ được vì sương lạnh, vì giăng trôi ơ hờ trên mắt nhắm, dần dần Tân thấy như mình mỏng đi, biến mất. Chàng đâm oán ông Phó. Chú ơi! Chú cưới vợ cho cháu có ngờ đến nông nỗi này không? Chàng hận Lang? Nhà nghèo, anh em côi cút với nhau làm anh không nỡ có vợ rồi tìm cách đay nghiến nhau đẩy em ra riêng. Ngày đó cứ ngơi tay mở được mồm là nó nhắc toàn những Nương với Gái. Mình thương nó mà sao nó nỡ? Chàng hận Lang vì chàng biết chàng không thể làm gì được đêm đêm trên cái chõng ăm ắp hơi Nương chỉ vì cái tình thương đó. Chàng hận Nương. Phải, với nàng chàng căm hận nhất. Bởi vì lần nào nhìn thấy cái cảnh giữa Lang và Nương là Tân lại thấy máu cuộn trong mình chỉ muốn nhảy xổ vào nàng, vồ lấy nàng, thọc năm ngón tay vào tóc nàng quấn lấy, riết lấy cái thân hình mơn mởn lúc sực mùi mồ hôi, mùi bùn, mùi khói, rồi từng lúc lại bảng lảng mùi lá bưởi gội đầu…

Sáng ra, lúc Lang về chuẩn bị ra đồng cày ải, chàng gặp một Nương bối rối đứng vấn tóc, váy đã vặn xắn ngược quá bắp chân. Giữa sân là cái nong ẩm sương đã hết hơi người. Cả làng, và chính ba người trong nhà ấy không hề biết rằng chẳng bao lâu nữa cái gia đình nhỏ ấy tan tác.
 
2.
Tích cổ kể vì ngại nỗi chị dâu cứ nhầm lẫn chồng với em chồng vì giống quá, giống quá mà người em là Lang đành phải ngậm ngùi bỏ nhà đi. Tầm bậy. Đó là Tân. Cái hôm chàng đi có phiên chợ họp nơi cánh bãi chỗ ngã ba sông. Đông lắm. Người tứ xứ quanh đó đổ về. Tân gánh một gánh trám hai anh em vào rừng nhặt từ mấy hôm trước về ra chợ, rồi đi luôn. Chàng đi lúc Lang ở ngoài đồng về lấy mấy củ khoai luộc từ đêm trước, nhân thể rót thêm ấm nước. Tiếng người xáo xác ngoài chân giậu. Trong nhà, Nương đang bận rộn điều gì, lưng cúi, mông cong. Nàng ngoái nhìn ra, mắt lóng lánh trong bóng tối âm âm. Chỉ có thế mà Lang nổi gai dọc sống lưng, người ngay lập tức rừng rực. Chàng sáp lại. Lại như mọi lần muốn đổ nhà đổ cửa. Lại như mọi lần chỉ có tiếng người thở, lử lả. Nhưng lần này mắt Nương cười. Nương cười. Đột nhiên Lang hiểu ra, nàng biết hết. Chàng bủn rủn. Sợ vì cảm giác có tội với anh, sợ bị chú nọc ra trị tội, sợ phải thẹn mặt với xóm làng. Trên cả nỗi sợ chợt đến mà mưng toàn thân như mắc phải gai mây là nỗi tức giận. Tức giận chính mình đã không biết rằng với Nương hóa ra chàng chỉ là một con bòi. Con thạch sùng bám trên xà nhà tắc lưỡi. Lần đầu tiên trong cuộc giao hoan Lang nghe ra một âm thanh khác ngoài tiếng thở của mình của Nương. Lang xìu dần. Đời trước đã không kể rằng chính lúc đó là lúc Lang biết mình sẽ phải đi. Ngay lập tức. Chàng đi, hùng hổ kéo tấm giại giấp ngõ, không biết rằng anh mình cũng đã âm thầm đi trước khi chợ vãn, chỉ có mấy tiền bán hai giành trám dắt lưng. Chàng đi, không biết giọt máu của mẹ cha rớt qua đời sau đang mấp máy trong lòng người đàn bà trẻ mà chàng đã mê bao lâu trước khi trớ trêu sao nàng thành chị dâu chàng.

Một bữa cơm vắng. Hai bữa cơm vắng. Nhà quạnh hơi đàn ông. Hàng xóm bắt đầu hỏi han. Nương bắt đầu run. Dắng tiếng một lần trả lời Tân Lang được buổi cày vỡ xong rồi thì vào rừng kiếm miếng. Dắng tiếng hai lần rằng ông Phó nhắn gọi hai cháu lên ngược. Mẹ đi buôn bán xa xôi những đẩu đâu không biết, chẳng thể hỏi mẹ đầu vú thâm lại rồi, lông mày dựng ngược rồi, bầm ơi làm sao làm sao? Mặt mũi Nương héo hon đi, nhưng ngực càng vồng càng mẩy, ngồi thổi cơm có lúc bất giác nới thắt lưng đưa tay xoa bụng, thấy như bụng lớn từng ngày. Cũng chẳng ngại gì, dẫu gì cũng là gái có chồng, có ai thẽ thọt với nhau đầu ngõ cuối ngõ cũng đố dám bảo nàng chửa buộm phải gọt gáy bôi vôi. Song nàng làm sao có thể hàng ngày lại ngồi bên mâm cơm cùng với chồng nàng nếu Tân trở về, nàng làm sao chịu nổi cái lúc vào ra đụng chạm với em chồng nếu Lang trở về. Người ấy… Nhưng mà hai chàng biệt tích. Đã bốn lần giăng khuyết giăng tròn. Chỉ mới năm trước chưa chồng, Nương đâu biết có một ngày nàng cần hơi đàn ông đến thế, dẫu là một đàn ông như Tân lạnh lẽo, im lìm, đừng nói là Lang, mà mỗi bận gần nhau vết tay chàng nghiến lấy bụng lấy hông nàng tím suốt nửa tuần trăng, cứ đỏ lên, tím bầm, ngả xanh rồi lại đỏ, lại tím.

Ngày ông Phó về làng thì ngôi nhà của hai đứa cháu mái gianh đã thủng, gà qué nhà hàng xóm vào ra xớn xác. Vạt cải bên hông bếp đã lên ngồng đâm hoa vàng dại cả chiều. Ông Phó không buồn đảo qua nhà mình, lật bật quảy gánh qua cửa nhà cháu. Trong bóng tối âm âm lành lạnh, ông Phó chảy nước mắt, nghĩ tới hai thằng cháu dại, nghĩ tới đứa cháu dâu, lại nghĩ tới mẹ nó đang chờ mình ở đồng rừng và những món quà mẹ nó tự tay đặt trong cái thùng đựng dăm cối, còn đắp thêm lên đó cái vỉ buồm mới. Rồi ông đứng dậy tìm cái chổi cùn ẩm mốc dựng trong xó, lòm khòm quét quáy rồi thắp lên bàn thờ mấy nén hương.

Tích cổ chưa bao giờ kể tới người chú thay cha của anh em Tân Lang. Chỉ kể rằng Lang bỏ nhà đi, mà tôi đã nói là tầm bậy rồi đấy. Rồi Tân thương em đi tìm. Rồi Nương cũng. Và họ chết. Em biến thành đá. Anh thành cây cau cho vợ rụi xuống biến thành dây trầu rễ bò quanh em đá tảng ngọn vươn lên quấn lấy anh cau. Rồi người đời sau…
 
3.
Mới đây, khi trở về nơi từng đi điền dã sưu tầm các dị bản truyện cổ dân gian, tôi đã nghe được một câu chuyện khác hẳn.

Bà chủ nhà đã bảy mươi, vốn người nhà nước về hưu ngồi sưởi nắng ngày hanh với cụ bà mẹ chồng hơn chín mươi, nghe nhắc chuyện Trầu Cau, thủng thẳng bảo chẳng có đâu. Là sao?

- Thì tôi về làm dâu, nghe bà nội ông nhà tôi kể vậy. Cứ như tôi được nghe thì các cụ Tân cụ Lang cụ Nương nhà tôi chả ai chết. Chỉ có điều các cụ từ bấy không bao giờ gặp mặt.

Thì ra thế. Tân quảy hai cái giành không, cứ dọc sông đi ngược. Cho tới một cái làng đâu như mạn trên Hạc Trì. Ở đó, chàng gặp người chị em bạn gái cũ của Nương, cha mẹ hứa hẹn với chỗ làm ăn từ bao giờ đem con gả chồng xa nay chồng mới chết. Là Gái. Cụ Tân cụ Gái về sau ăn ở với nhau được những mấy mặt con. Nói chung cụ Tân hạnh phúc. Không hạnh phúc sao lắm con thế.

Lang bỏ nhà, xuôi theo sông mà đi. Tới những khúc sông gặp sông, chàng cứ theo dòng lớn mà bước. Đi mãi, tới tận những diêm điền. Con gái vùng này mắt hoe hoe lông mày lông mi ngắn tủn, hay nhìn xuống, dáng thô, nhiều người đầu cạo vộc. Sau này ở lâu chàng mới biết họ là đàn bà có chồng, cứ cưới xong là xuống tóc để đội muối về tắm gội cho dễ. Họ chẳng có gì gợi nhớ tới Nương mà thành ra như nhắc. Đồng muối lúc nào cũng bạc, nhưng người thì mặn tình. Lang thở dài, nghĩ quê nhà thăm thẳm lắm rồi bèn ở lại. Nghe nói cụ bà lấy cụ Lang sau này là người duy nhất ở vùng diêm điền có chồng mà vẫn được để tóc dài. Con cháu các cụ về sau kẻ ở lại giữ nghề làng, người lên thuyền ra khơi vào lộng. Làm muối hay làm gì cũng đều bám biển, đều cực khổ, nhưng tính tình nồng nhiệt hệt như ông tổ mấy mươi đời. Không biết bao năm biệt xứ có khi nào Tân Lang thầm lặng nhớ người cả hai bỏ lại? Nương.

Đấy chính là tổ của họ bên chồng bà chủ nhà và cả mấy chi họ khác sống quây quần ở mấy làng quanh đó, còn mộ ở cái chỗ thành phố mấy năm vừa rồi cắt làm đất dự án. Cũng có nghĩa họ là hậu duệ của cụ Lang, nhưng họ chưa bao giờ gặp những người anh em con cháu của cụ Lang và cụ bà gái diêm điền. Ngày đó, chả thấy chồng về, em chồng cũng bặt, mẹ xuôi ngược miền nào chỉ thỉnh thoảng mới nhắn lời về, một đêm Nương thu vén xống áo bỏ ra đi. Rồi một mình sinh con, một thân độc lực nuôi con, không bao giờ còn gần gụi một ai khác cho tới ngày nhắm mắt.

Bà lão chín mươi đột nhiên cựa mình, thì thào với bà con dâu thất thập nhờ ngoáy hộ cối trầu. Bà chủ nhà bảy mươi cười bảo tôi:
- Cụ tôi nghiện giầu bảy tám chục năm nay. Bây giờ kiếm cho cụ khẩu giầu cũng chẳng dễ gì. Cau giầu thì người ta còn bán để thắp hương, nhưng mà tầm cho được khúc vỏ chay hay đoạn rễ quạch vừa miệng cụ thì đến là khó. Ai không biết cứ tưởng chỉ cau với giầu không quệt tí vôi tôi là đủ độ, nhưng mà phải có miếng rễ quạch, hay miếng vỏ chay chát chát thì vị nó mới đằm, và kiểu gì cũng phải có tí thuốc lào thì giầu mới thơm mới nồng, nước cốt mới đỏ. Ngày trước tôi cũng theo chúng bạn tập nhai giầu, nhưng đến lúc thành người nhà nước thì cũng lại theo chúng bạn cạo hết răng đen chị ạ. Chứ răng cụ tôi vẫn nhưng nhức hạt na đẹp lắm. Cứ bảo ăn giầu độc mà chả thấy cụ đau răng bao giờ, răng cũng mới chỉ rụng mấy cái, còn ít hơn tôi.

Bà lấy cái chày bé như ngón tay út của đứa trẻ vét khẩu giầu đã nhuyễn gói vào trong miếng lá trầu không, đưa tận tay mẹ chồng. Trầu đã giập thơm mùi tháng năm tít tắp. Tôi thò tay quệt ngang thành cối đưa lên mũi, nghe bà chủ nhà cười:
 - Cha bố cái đĩ con nhà tôi đi học xa thỉnh thoảng mới về ngoáy được cho cụ cối giầu, nó lại nói như hét vào tai cụ là bà ơi bà tập nhai kẹo cao su đi cho nó tiện. Xửa xưa các cụ nhà tôi...

Tân ngược dòng... Lang xuôi dòng... Đời cả hai đều như nước, lúc vập bờ, lúc trào, rồi lại mướt mát chảy trôi. Còn lại nơi này...
Thế ra là thuở ấy cụ bà Nương chỉ sang sông! 
 
 L.M.H

 
 
 
 
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next