Thần Rớt trên phố Long Tiên

Chủ Nhật, 20/08/2017 00:05
. ĐINH PHƯƠNG
1.
Cách ngày sinh nhật lần thứ mười lăm đúng ba ngày, thần Rớt quyết định không lớn nữa. Thật mệt. Thần nghĩ. Và thế là thần không lớn thêm chút nào nữa thật. Cứ mãi mãi ở tuổi mười lăm. Cái tuổi không ra bé, cũng không trưởng thành, cứ lấn cấn ở giữa khoảng lưng chừng. Lưng chừng bao giờ cũng tốt hơn thật cao và thật thấp. Thần lại nghĩ. Dù việc nghĩ khiến cho thần không được thoải mái cho lắm. Rớt dãi qua khóe miệng chảy tong tong thành vũng xuống đất. Mặt trời hôm nay lên muộn chưa kịp hong khô số rớt dãi mà thần thảy ra trên đường. Đi lại cũng mệt. Và thế là ngoài quyết định không lớn thần còn quyết định hạn chế thấp nhất việc đi lại. Mình chỉ đi đúng ba mươi bước là nghỉ. Thầy ghét đếm các con số. Mọi nỗ lực của ông thầy dạy trán hói ở cách nhà thần ba nhà về bên trái, số lẻ trở nên vô ích.
“Tôi không biết nó sẽ trở thành gì nữa.”

Tất nhiên, ông ta làm sao biết được thằng bé còi cọc, bẩn thỉu ấy rồi sẽ trở thành thần. Cái hành trình thành thần vốn nhiều gian lao khó đoán biết. Chữ nghĩa, các phép tính đoạn tuyệt với thần đầu tiên. Chúng bỏ thần đi trong sự níu kéo tuyệt vọng của chính bản thân thần và bố mẹ. Bố mẹ thần đọc “một với một là hai, hai thêm hai là bốn, bốn với một là năm, năm ngón tay thật đẹp” và giơ ngón tay của mình ra chỉ cho thần thấy. Thần giơ tay mình ra soi dưới ánh nắng từ cửa sổ hắt vào. Thần thích thú nhìn bóng của những ngón tay nhỏ xíu, cũn cỡn đang nhảy múa trên mặt bàn. “Này, tập trung vào, đọc lại cho bố nghe xem nào.” Thần ngơ ngác ngẩng nhìn vào mắt bố. Sương giăng qua phố cách sải tay không nhìn thấy mặt nhau. Đèn đường lập lòe vàng, tụ thành quầng sáng trên cao không chạm đến đất. Bố thở dài, chán nản quay đi. “Mẹ lạy con đấy, con ngoan, học đi rồi mẹ mua bim bim cho.” Bim bim không quyến rũ được thần. Mím môi, thần ngơ ngác nhìn vào mắt mẹ. Mưa lất phất đọng trong sương lơ lửng không trôi. Người đi đường ai cũng vội mà không thể vội. Mẹ cũng như bố, nhưng mẹ không thở dài, mẹ lắc đầu như quả lắc đồng hồ treo tường hiệu con ngựa xám. Con thạch sùng tháng giá trên trần nhà tặc lưỡi gọi gió. Gió đi chơi nghe tiếng gọi ùa về, đèn đường bị đập tan tỏa ra bốn phía. Chữ cái, số đếm cũng theo đó tuồn tuột trôi.

Người ta bảo thần không thuộc về cõi này. Riêng thần, thần nghĩ, mình chỉ xa lạ với cõi này mà thôi. Một chút ít. Sẽ đến lúc quen dần và trở thành người của cõi này. Nhưng lúc ấy xa xôi lắm. Khi câu chuyện này đang diễn ra thì thần vẫn xa lạ với tất cả. Và minh chứng rõ ràng nhất là thần quyết định không lớn nữa. Phải nói rõ cho mọi người biết không lớn ở đây là không lớn về mặt tinh thần. Còn về mặt thể chất thần vẫn tiếp tục tăng mười ngày một lạng. Một tháng thần tăng được ba lạng thịt. Tháng tết thì tăng nhiều hơn do bánh chưng, giò, thịt gà và miến lòng mề. Thần không muốn béo nên thỉnh thoảng nhịn ăn, nhưng lại thèm, ăn lại, vẫn béo. Từ đấy, nghiệm ra không phải cái gì thần cũng làm được.
 
2.
Nơi thần dừng lại cuối cùng là giữa phố Long Tiên. Nhà vợ chồng nhà giáo cấp hai về hưu. Bà tên Diệp dạy Văn, ông tên Hồng dạy Sử, bà nghỉ hưu đã năm năm nay, ông mới nghỉ năm ngoái, thỉnh thoảng bà vẫn lẩm nhẩm đọc thơ Wislawa Szymborska: Cái chết thậm chí không biết những gì trực tiếp gắn với nghề mình. Ông im lặng ngồi đọc báo, lịch sử luôn im lặng, người ta đi vào lịch sử nhờ những quãng lặng lẽ gặm nhấm của người đời sau, rồi đột nhiên được tung lên hoặc vùi xuống, như thế.

Xin nói lại để quý độc giả khỏi nhầm giữa hai nhà giáo này với ông thầy dạy trán hói ở cách nhà thần ba nhà về bên trái, số lẻ. Ông giáo hói dạy Toán. Thời trẻ họ chung nhau một mối tình. Nhưng cuối cùng bà dạy Văn lại lựa ông dạy Sử. Văn và Sử đi chung nhau trong tổ xã hội. Sự đời trớ trêu không có chuyện như Táo quân, một bà, hai ông được. Bà ngậm ngùi bảo anh Sử hợp với em hơn, chúng em quen nhau từ nhỏ, mong anh Toán thông cảm. Dù không yêu chúng mình vẫn là bạn tốt của nhau anh nhé! “Bạn tốt” là hai tiếng chứa nhiều cay đắng, hằn thù khi nó gắn với vế trước “không yêu”, và tất nhiên có cả sự mong ước trả thù một mất mát. Thà rằng bảo toẹt không yêu không thể là bạn còn dễ chịu hơn. Khổ lúc đó ông Toán ậm ừ, thở dài thườn thượt, mắt ươn ướt, lê những bước nặng nhọc đi về cuối phố. Tóc cắt ba phân lộ trán không đủ bay như tài tử điện ảnh. Trời chuyển chiều không mưa như trong mấy bộ phim có tình có cảm, oi bức, ngột ngạt đến tức thở. Loa phố gắn trên cột điện oang oang thông báo các nhà có chó nhốt lại đề phòng bệnh dại bùng phát tại các tỉnh phía Bắc. Cũng loa ấy sáng hôm sau bổ sung thêm cụm từ “chó thả rông sẽ bị trật tự đập chết không đền bù”.  Sáng hôm sau nữa thì loa không thông báo gì, chợ cháy hàng riềng, mùi rựa mận thảng thốt bay lẩn quẩn từ nhà nuôi chó sang nhà không nuôi.

Duyên nợ còn kéo dài khi thầy Toán nhận quyết định chuyển từ trường cấp hai Bãi Muối về trường cấp hai dốc Bồ Hòn. Buổi trao quyết định mắt thầy trũng sâu, má xám ngoét, tay cẳng gà run run, tóc bạc trắng như có ai trêu đùa đổ vôi bột lên đầu. Mọi người tưởng thầy không muốn xa trường, xa học sinh, xa đồng nghiệp xúm vào an ủi. Thầy giờ chẳng còn nước mắt đâu để khóc. Chiếc xe đạp Mipha xanh cọc cạch li biệt ngôi trường gắn với thầy năm năm, ba tháng, hai ngày rưỡi. Học sinh xếp hàng đứng cổng vẫy vẫy tay nhìn bóng gầy mỏi mệt, thầy gò lưng nhấn pêđan hun hút xa. Áo trắng mặc nhiều chuyển thành màu cháo lòng lẫn vào ánh mắt, vào cây cỏ, vào nắng, vào cả tiểu thuyết của ba đứa học sinh sau này trở thành nhà văn. Chỉ khác đại từ nhân xưng: một là tôi, hai là anh ta, ba là hắn. Và nghề nghiệp của ba nhân vật: một bộ đội, một kĩ sư và một giáo viên.

Thế mới thấy hư cấu của nhà văn dù phong phú đến đâu cũng chỉ đến thế. Nhà văn không phải nhân vật thật để biết câu chuyện diễn ra chính xác thế nào. Và nhà văn cũng không biết: Trường Bãi Muối cách trường Bồ Hòn 4,5 km về phía nam thị xã (mãi đến năm 1998 thị xã mới lên thành phố).

Nhưng tất cả không còn là khoảng cách có thể đo đếm được.
Mới tháng trước, khi tất cả còn ở mức chờn vờn yêu đương thì thầy mong được gần cô ấy. Còn bây giờ, khi một người bên này, hai người bên kia, qua vực sâu thăm thẳm chẳng cách nào gần được. Vọng lên là tiếng u u mơ hồ cõi khác. Yêu thương không thành là đi qua vực thẳm. Nhưng thường không ai đi hết vực thẳm đúng nghĩa. Phải nhắm chặt mắt, đi trong vạch, không được lấn ra ngoài. Lấn ra ngoài là rơi xuống vực, vô hình, không chết, nhưng hình phạt thảm khốc. Mất đi một phần chiếc bóng đang sở hữu.

“Chúng em quen nhau từ nhỏ.”
Thầy lẩm nhẩm, bám vào câu nói, lấy đó làm lí do cho thất bại tình ái của mình và mải miết đạp xe. Thầy không muốn đi dạy nữa, muốn vứt quách tất cả để trở về đâu đó. Bất cứ đâu trên thế gian rộng lớn này. Một nơi chó má, bẩn thỉu, nghèo hèn cũng được. Nhưng còn nơi nào để về, chiến tranh mấy chục năm nghiền nát tất cả những thứ có thể nghiền rồi. Thời gian cũng thành vụn cám trên một đường thẳng của thực tại. Không đi dạy thì lấy gì đút vào lỗ mồm, duy trì cuộc sống cùng các mối quan hệ.

“Chúng em quen nhau từ nhỏ.”
“Chúng em quen nhau.”
“Chúng em.”
“...”

Ấu thơ trong thầy thức dậy uể oải vươn vai. Thầy nhớ hồi bé vẫn một mình ra bờ sông nấp xem đàn bà, con gái trong làng tắm. Một lần thầy nhìn thấy tảng sẹo chạy dọc lưng, xuống mông của cái Tảo, hoa khôi của lớp. Sẹo làm thành lớp da khác tách biệt với lớp da đằng trước. Khoảng sùi dày mai rùa ụp xuống đỏ lựng, trên đó là vài vệt ngoằng dài bằng ngón tay như rết đang bò, bóng nhoáng vì nước.

Sợ hãi. Thầy lờ mờ biết từ cái nhìn đó buộc phải nuôi một bí mật. Đêm về, mơ con quái vật kép, nửa đằng trước là mẹ, nửa đằng sau là quỷ dạ xoa tóc trắng xóa, răng nanh dài thò ra hai bên mép, mồm toàn máu như bà ngoại vẫn kể. Ú ớ, sợ hãi, không thể thoát ra, chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Nửa mê muốn chạy trốn khỏi mồm con quái vật kép đang tiến đến ngày một gần, thỉnh thoảng nó lại quay về mặt trước là mẹ, nó làm thế thầy càng sợ tợn, bởi khoảng cách từ yêu thương sang sợ hãi chỉ là cái quay người; phần sợ hãi không biến mất hoàn toàn chỉ ẩn nấp sau kia; nó sẽ quay lại khi phần yêu thương, hi vọng được nhen lên; đồng thời thúc đẩy cảm giác hồi hộp, hưng phấn được nhìn rõ con quỷ; nó là chủ trong giấc mơ này, còn thầy chính là con mồi bị vờn. Nửa tỉnh cảm nhận được cơ thể nằm cong, quay mặt vào tường, bên cạnh là em trai; chỉ cần bàn tay cấu mạnh vào bụng là nỗi đau ập đến chấm dứt giấc mơ; nhưng tay không thể cử động; ý thức thành thừa thãi, chẳng thể điều khiển hoạt động đến các bộ phận; hoặc chỉ cần hét lên để người khác tỉnh ngủ lay dậy là xong; nhưng cũng không thể hét. Tuyệt vọng trôi ngược trở lại trong mơ nơi có con quái vật kép đang chờ. Mùi ẩm mốc của căn phòng vẫn còn váng vất. Mong thấy mẹ. Đồng thời khoái cảm gặp quỷ đồng trỗi dậy. Song thầy không gặp ai. Tất cả chỉ còn bóng đêm nặng trĩu rình mò, thấp thỏm.
 
3.
Chẳng có gì bất tử. Trừ thần.
Thần Rớt đứng bên này đường. Cạnh biển báo hiệu cho người đi bộ qua đường sơn hai màu vàng, đỏ hoen rỉ. Thằng người trên biển báo vội vã, chúi về trước trên các gạch ngang. Thằng người này cũng như bao thằng người khác trên các biển báo được làm và cấm làm chẳng biết mình đi đâu, phía trước là gì, hiện đang làm gì trên tấm biển này. Mơ hay không mơ? Giấc mơ thằng người giả cựa mình thành người thật, bước xuống, đi về bên kia chỉ có trong cổ tích. Phim Hollywood chắc cũng có cảnh đấy nhưng thần chưa được xem. Có 10 khoảng trắng và 11 khoảng đen đan nhau để sang bờ vực mới. Khoảng trắng rộng hơn khoảng đen một chút.

Thầy dạy Toán đi chợ về. Tay lỉnh kỉnh xách can mắm hai lít, lọ dầu ăn có hình ông tướng cởi trần, gói bột nêm rong biển, hai lạng rưỡi cá bống mũn, mớ rau muống đỏ chia hai bữa, ba quả thanh long ruột đỏ, năm nghìn dưa chua xin thêm nước, cùng riềng xay sẵn, me, cà chua... Thầy vẫn sống một mình đằng đẵng trong căn nhà tập thể hai gian, một nhà vệ sinh, một bể nước mấy chục năm nay. Có nhiều đám mối lái nhưng chẳng đám nào thành. Cô nào thầy cũng tìm ra lí do để chê sau một, hai lần gặp gỡ. Cô cao quá, cô béo quá, cô miệng hôi, cô không ý tứ cười hở cả lợi, cô ngồi không khép đùi, cô xỉa răng không che miệng, cô hay thở dài... Dần dà, những cô thầy chê đều yên bề gia thất, con cái đề huề. Còn thầy vẫn thế. Thi thoảng gặp nhau tại đám hiếu hỉ họ hỏi thầy vợ con gì chưa. Tìm được ai vừa ý nâng khăn sửa túi chưa? Thầy gượng cười như mếu, giọng run run chỉ nói được hai chữ  “tôi... tôi...” rồi thôi. Các cô chẳng nỡ lòng hỏi nữa lảng đi chỗ khác hoặc chuyển sang chuyện mới.

Thầy chỉ có chuyện cũ về tình yêu lỡ dở.
Và trả thù tư tưởng.
Dừng lại, khạc, lấm lét nhìn quanh, xong vội vàng nhổ bãi tướng vào chân thần, giọng run run: “Bố thằng dở người”. Nhổ xong mặt thầy hỉ hả, vui mừng bước nhanh về số nhà lẻ. Nơi có giàn hoa giấy không trổ hoa, cánh cửa gỗ màu xanh nước biển đêm đêm cót két như có ai cựa mình bên trong đang đợi. Hôm nay, chương trình Vui - khỏe - có ích số 197 phát sóng. Hai số nữa là tới số có thầy tham gia với tư cách người chơi của đội Đầm Ấm, xếp hạng nhì, sau đội Đoàn Kết và trên đội Yêu Thương. “Chúng mày cứ đợi mà xem.” Thầy rít qua kẽ răng nói vu vơ. Mắt liếc xéo vào căn nhà số 264, ông giáo Sử đang nằm gà gật trên ghế, vừa đọc sách vừa ngủ, quyển sách đóng bìa da dày cả gang tay đè lên bộ ngực lép kẹp. Bà giáo Văn tầm này đi chợ chưa về. Hai con người đó mới chính là người thầy nhổ chứ không phải thần đứng kia.

 
nguyen anh minh
Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Thần là nơi trung chuyển các ẩn ức.
Hồn ma Sigmund Freud mặc vest xám đứng cạnh thần Rớt. Vẫn ánh mắt gườm gườm soi mói vào giấc mơ mỗi người. Freud không qua đường. Thầy giáo dạy Toán cũng không qua đường. Tuy ở cùng dãy nhà nhưng nhà thầy là số lẻ duy nhất trong cả dãy nhà chẵn. Nguyên phố Long Tiên xưa là khu tập thể phân cho giáo viên của trường Bồ Hòn. Sau nhà thành phố, chia ra bên lẻ bên chẵn. Nhà thầy Toán số chẵn, xếp sau nhà cô dạy Văn và thầy dạy Sử. Thầy làm đơn gửi thành phố xin chuyển nhà mình từ số chẵn sang số lẻ. Lí do đưa ra: Tình yêu hóa thổ tả. Trong đó lí giải tại sao thổ tả và thổ tả thế nào. Nguyên nhân, cách phòng chống, cách li. Na ná tên dịch ra tiếng Việt cuốn tiểu thuyết của nhà văn giải Nobel Văn học năm 1982 Gabriel García Márquez. Đơn gửi đi 103 lần, viết tay cần mẫn trong hơn ba tháng, tốn 206 tem thư, ngày một lá, ngày một lá. Cuối cùng, khi lá 104 còn đang viết dở thì thành phố đánh giấy về cho phép chuyển từ nhà số chẵn sang nhà số lẻ, kinh phí tự chịu, cam kết không xảy ra mâu thuẫn với các nhà xung quanh. “Thế số nhà của mình giờ là bao nhiêu?” Sau khi suy đi tính lại thầy tự làm biển số 263 treo trước cửa.
Phố Long Tiên có hai nhà mang số 263.
Bên này và bên kia.
 
4.
Số 263 bên kia là quán cắt tóc, gội đầu mới mở được gần ba tháng. Nữ chủ quán người dong dỏng cao, tóc nhuộm vàng, răng hô. Cả ngày chỉ ngồi cười, đuổi ruồi và sơn móng tay. Quanh đi quẩn lại hai màu xanh đỏ. Hết xanh lại đỏ, hết đỏ lại xanh. Đỏ tận cùng, xanh tận mạng. Mặc trời đất ngày ngày xoay vần trên đầu. Bao đời ruồi sinh sôi nảy nở bay vào bay ra. Cô chỉ ngồi cười, đuổi ruồi và sơn móng tay. Phía ngoài cửa cây bàng tỉ mẩn ngày ngày thả xuống một vài chiếc lá vàng trang điểm cho vỉa hè. Nắng dạo qua một chút các tầng lá trên rồi lặng lẽ đi ra ngoài phía đường. Nắng ghét nơi chật hẹp, u tối. Chú chim sâu đuổi theo nắng bị chiếc ôtô bus màu cam cán chết. Vệt máu đỏ còn lưu lại trước kính lái phải qua mấy trận mưa chuyển mùa mới sạch.

Thần đứng bên này đường thương cho chú chim sâu.
Thần muốn an táng cho chú chim sâu nhưng không thể nào bước tiếp được. Bởi từ nhà ra đến đây là quá ba mươi bước. Nếu vượt quá quy định đặt ra thần cũng như người, sẽ mất đi một phần cái bóng của mình. Yêu thương không thành là đi qua vực thẳm. Từ xưa đến nay chưa từng có ai đi hết được một vực thẳm đúng nghĩa. Có nhiều vị thần chỉ đi được hai phần ba quãng đường. Người bình thường chỉ đi được một phần ba. Phải nhắm chặt mắt, đi trong vạch, không được lấn ra ngoài. Lấn ra đôi chút là rơi xuống. Không có lần sau, làm lại và sám hối. Quyết định đi qua vực thẳm đồng nghĩa với tự sát.

Kết cục mất bóng không đáng nói. Chỉ có hành động đi đến mất bóng là đáng nói. Dù biết trước kết cục nhưng cả thần lẫn người đều sẵn sàng. Vô vàn cái bóng nham nhở trôi nổi trong cõi người này. Khi chết đi họ chỉ còn là cái bóng nham nhở ấy ở cõi khác; với câu chuyện cũ, kí ức cũ. Người mất đi một nửa cái bóng thật khó sống ở cõi khác. Muốn chết cũng không chết được. Họ phải sống với sự thiếu sót bên cạnh sự hoàn chỉnh, toàn vẹn của những cái bóng khác. Để thời gian phủ lên lớp bụi mờ trắng xám. Một cái bóng không thể tự kết liễu đời mình. Cứ thế trôi vật vờ lẫn vào mọi thứ, vào thời gian, vào những cái bóng hoàn thiện. Lẫn chứ không phải biến mất hoàn toàn. Nheo nheo mắt tập trung là nhìn ra.

Trên đời chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc là làm thế nào để chết.
Albert Camus vật vờ nhớ một cơn mưa tháng sáu. Cơn mưa đổ xuống con đường dẫn vào hẻm núi vô vàn bóng nước. Bóng nước vỡ ra. Hẻm núi vẫn đấy. Núi xanh, cây xanh. Camus lại mặc vest đen. Câu chuyện tất nhiên chẳng có gì quan trọng hay hồi hộp, li kì như truyện trinh thám. Trong núi cũng không có con ma cà rồng nào bay ra. Chỉ có cơn mưa đang ngớt, bóng nước vỡ dần, đường sắp khô. Núi xanh và cây xanh. Nhìn ngược lại con đường đã đi qua là những tầng mây xốp xếp dài, chồng nhau, níu kéo khoảng trời về vô tận. Camus vẫn mặc vest đen. Nhưng có gì đấy đã không còn là màu đen nữa. Sự chuyển của trời đất từ những giọt ào ạt xối rồi ngơi dần đã dấy lên trong lòng Camus điều gì đấy. Như chính điều thần Rớt đang nghĩ bây giờ.

Cho đến bao giờ?
Thần Rớt lắc lắc đầu vì chính thần cũng không biết. Thần đã đưa chân ra nhưng rồi rụt ngay lại. Cõi khác với vị thần cai quản khác, thần không có quyền gì. Nhưng còn chú chim sâu? Chú chim sâu nát bét dưới bánh xe ôtô, xe máy, xe đạp và chân người. Đầu tiên còn nhận ra hình hài chú chim. Mà hình hài chú chim thế nào xét đi xét lại cũng vẫn là hình hài chú chim. Nhưng thoáng sau chỉ còn là khoảng đen đen, thâm thẫm. Thân thể chú lẫn vào bánh xe, vào giày dép. Cái khoảng đen đen gợi về một hình dung biến mất hoàn toàn khi xe rửa đường đi qua. Chỗ kia, chỗ kia hay chỗ kia. Chẳng phải. Thần tìm về vệt ngày loang nhưng con đường tìm về xa quá.
Không có chuyện mỗi mảnh ấy biến thành một chú chim được đâu.
Thần Rớt đau đớn hét lên.
 
5.
Lưng chừng bao giờ cũng tốt hơn thật cao và thật thấp.
Có thật như thế không?
Thần bắt đầu biết yêu. Người yêu là chủ quán cắt tóc gội đầu ở số 263 bên kia đường, nơi ngày ngày thần đứng nhìn sang. Cô vẫn mở quán từ sáng sớm, ngồi cười, đuổi ruồi và sơn móng tay. Khách hàng lác đác mấy ông hói, bụng to, trong đó có cả thầy dạy Toán, mà việc đếm tóc có khi còn nhanh hơn gội. Có ngày cô chỉ ngồi thế, không đói. Thần Rớt tò mò muốn đi sâu hơn vào cuộc sống đang hiển hiện trước mắt kia. Cô nghĩ gì về thần? Nghĩ gì về một ước mơ xanh xao nào đấy. Thần tính ra mỗi ngày cô sẽ nhìn thần từ chín đến mười hai lần, lần nhìn lâu nhất là tám phút. Cô cười e ấp. Tóc tan vào ngày nắng. Ngón tay sơn xanh vuốt vuốt lọn tóc mai rối gài lại vào vành tai. Nhưng thần chỉ có đúng ba mươi bước là nghỉ. Sang bên kia là cái chết. Nhưng dừng bên này tất cả cứ lơ lửng, chòng chành.

Lần đầu tiên trong đời thần không muốn làm thần nữa. Thần chỉ muốn làm người bình thường như ông Hồng dạy Sử, có người yêu thương, gắn bó là bà Diệp dạy Văn. Hay kể cả bi kịch như ông thầy dạy Toán trán hói. Thần vẫn chưa biết tên ông. Con phố nhỏ nhoi có nhiều điều thần chưa biết. Tí nữa ông qua đây nhổ nước bọt vào chân thần, thần sẽ hỏi xem ông ta tên gì? Cái tên để xác định vị trí giấc mơ. Tên của mỗi người phù hợp với mỗi giấc mơ nhất định. Ông ta xấu tính nhưng biết đâu giấc mơ của ông ta lại đẹp, chính xác như loài hoa ngọc lan với cánh trắng muốt không bao giờ khác. Thần sẽ hỏi thêm tỏ tình phải làm thế nào. Mua hoa hồng bao nhiêu bông là đủ? Phải nói gì để người đối diện nhận lời yêu mà không từ chối? Một cơ hội. Thần cũng như người cần một cơ hội để nắm lấy.
 
6.
Quãng mê mệt.
Chính xác là quãng mê mệt. Đúng hôm thần định vượt bờ vực đen trắng lao sang bên kia đường tỏ tình thì xe đến sửa đường. Nhựa đường bóc lên đổ vào lớp mới. Vạch kẻ đường cũng bị xóa đi vẽ lại cách đó hơn hai mươi mét. Thằng người trên biển báo dành cho người đi bộ bị rút đi thay bằng một thằng mới hơn, đẹp trai hơn ở quãng khác. Thần Rớt bị bố mẹ bắt ngồi trong nhà vì bụi.

Còn tình yêu?
Tình yêu của thầy dạy Toán và cô chủ quán gội đầu cắt tóc nảy nở từ số nhà trùng 263. 263 tiếng đồng hồ anh nhìn em từ bên này đường mà em không biết. Ông tơ bà nguyệt se duyên cho chúng mình khi xếp đặt cùng chung số nhà đấy. Sau mấy chục năm đằng đẵng nghiên cứu về tình yêu thầy tìm ra được lời tỏ tình không thể hấp dẫn hơn. Từ anh, em tiến sang chúng mình ngọt sớt. Buộc hai phần tử riêng rẽ có điểm chung mơ hồ thành một. Cô chủ quán ngập ngừng, mắt chớp chớp ngẩng lên nhìn rồi cụp xuống ngay, miệng cố ngậm cũng không hết hàm răng chực trào ra. Tay rút điện thoại, vào phần máy tính, bấm 263 : 24 = 10,958333. Thiếu một tiếng nữa là đủ mười một ngày anh ấy nhìn mình từ khi mình chuyển đến đây. Cô ngẩng lên lần nữa nhìn thẳng vào mặt người đối diện. Vành tóc đen kia do chính tay cô nhuộm hai hôm trước, lúc ấy anh lờ mờ nói để đến được với tình yêu anh dám làm tất cả, thay đổi tất cả. Hóa ra tình yêu là mình đây. Tim đập nhộn nhịp. Nhưng...

Khi cô mới manh nha ý nghĩ về sự thiếu phù hợp, khoảng cách giữa hai người thì thầy đã ra đòn quyết định. Bó hoa được mang vào quán từ khi nào. 263 bông hoa hồng này thể hiện cho tình yêu của anh đối với em. Chúng mình sẽ có cùng nhau 263 giấc mơ hạnh phúc em nhé! Thầy biết bí mật mà thần Rớt không biết. Cô là fan trung thành của truyện ngôn tình.
Thật thổ tả.
 
7.
Đường sửa xong... ngày... tháng... năm...
Quán cắt tóc, gội đầu số 263 đóng cửa vì nữ chủ quán xinh đẹp bận đi lấy chồng. Chồng ở số nhà 263 đối diện. Đám cưới bắc rạp dọc phố, nhạc xập xình, pháo bông lả tả. Bà Tảo hoa khôi của lớp ngày xưa biết tin cũng đi mừng. Thầy Toán hạnh phúc bẽn lẽn trong vòng tay cô dâu kém hơn bốn mươi tuổi. Đại diện họ nhà trai là thầy Hồng dạy Sử. Đại diện họ nhà gái là cô Diệp dạy Văn. Họ hàng không có vì đều nhất quyết phản đối đám cưới. Nhưng có hề gì khi họ đến với nhau vì tình yêu ở quãng mê mệt nào đấy.

Chỉ còn thần Rớt rớt lại ở phố Long Tiên.
Mắt nhắm nghiền. Lắng nghe nhịp tim đập. Mặt nghiêng nghiêng sang phải, cơ miệng không giữ cho cân đối. Nước từ sự chênh lệch của các khớp nối trào ra ngoài. Vài người đi bộ ngang qua vội vã như không nhìn thấy. Giữa các tiếp giáp con người đẩy xa nhau hơn. Bao năm thần vẫn âm thầm chịu tội. Như Prômêtê bị xiềng ngày nào trên dãy Coocadơ. Con đại bàng bị Dớt bắt sống bằng buồng gan của Prômêtê sau này bị Hêraclex giết chết.

Thần Rớt tìm vạch, biển báo để sang đường
... như người bình thường.
 
Đ.P

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)