Những người con sống mãi

Thứ Tư, 26/07/2017 16:01
.PHẠM VĂN ĐẢNG

Đoàn công tác Tạp chí Văn Nghệ Quân đội đến thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Lừa vào một buổi chiều mưa hiếm hoi trên mảnh đất Bình Thuận khô cằn sỏi đá. Đã qua rồi cái thời lửa đạn. Chiến trường Nam Trung Bộ với những ấp chiến lược, đồn bót ngày nào, nay bạt ngàn thanh long trĩu quả.
 
Miền đất này đã từng sinh ra những người con chiến đấu ngoan cường và anh dũng chiến đấu, hy sinh trong những năm tháng khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong số đó, mẹ Phạm Thị Lừa có ba người con đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Mặc dù đã được nghe kể nhiều về mẹ, nhưng khi đối diện với câu chuyện nhớ nhớ, quên quên của mẹ, tôi cảm thấy như hương hồn các anh chị vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày nơi vùng quê Bắc Bình giàu truyền thống cách mạng. Có lẽ các anh chị ấy chỉ rời mẹ đi xa đâu đó, rồi lại trở về trong giấc mơ của mẹ mỗi lúc đêm về.
 
Mẹ VNAH Phạm Thị Lừa
Đoàn nhà văn tạp chí VNQĐ đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lừa
 
Căn nhà tình nghĩa UBND Bình Thuận xây tặng, mẹ treo một dãy Huân chương, nhưng không thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công ba người con liệt sỹ. Tôi đem thắc mắc này hỏi mẹ thì mẹ trầm ngâm ít lâu rồi khẽ nói: Mẹ cất vào rương rồi, coi như chúng nó đi nương đi rẫy ít lâu, còn con Xuân đi lấy chồng xa…
 
Mẹ bảo, mẹ thương nhất chị Xuân. Lúc hy sinh chị mới vừa bước qua tuổi mười tám - tuổi đẹp nhất của thời con gái. Trong ký ức của mẹ vẫn vẹn nguyên một chị Xuân da trắng như trứng gà bóc, tóc đen như mun làm điên đảo biết bao chàng trai trong làng ngoài ấp. Nhưng mẹ bảo, chị Xuân chẳng ưng ai. Chị quyết ra đi chiến đấu để trả thù cho anh trai, cho bà con làng nước.
 
Năm 1962 người con trai lớn của mẹ là Huỳnh Lương lên đường tham gia cách mạng. Chỉ hơn một năm sau đó anh hy sinh khi mới tròn mười chín tuổi. Đơn vị anh hôm ấy được giao nhiệm vụ tập kích ấp chiến lược Sara ở Hàm Đức (Hàm Tân – Bình Thuận). Bữa nhận được hung tin anh cùng rất nhiều đồng đội không về nữa, mẹ đã khóc cạn khô nước mắt. Đứa con mẹ rứt ruột sinh ra, nuôi nấng trưởng thành to cao vạm vỡ là thế, khi ngã xuống chỉ còn một nhúm xương thịt nhỏ nhoi bên dòng sông Lũy quê hương. Khi ấy là cuối mùa mưa năm 1963.
 
Mới qua giỗ đầu anh Huỳnh Lương ít hôm, chị Xuân nối gót anh em trong gia đình lên rừng theo cách mạng. Ngày ra đi, chị âm thầm không dám để mẹ tiễn đưa. Chị sợ rằng mẹ không chịu nổi trước nỗi đau anh trai vừa mất. Chỉ khi một lần đi công tác ngang nhà, chị lén hẹn gặp mẹ trên nương. Đến tận bây giờ khi nhắc đến tên chị, mẹ vẫn nghẹn ngào ân hận vì trước khi chia tay, chị kêu đói mà mẹ chẳng còn gì cho chị dù một miếng củ mì cầm hơi. Thế rồi trong một trận oanh tạc của trực thăng vũ trang địch, chị và nhiều đồng đội khác mãi mãi chẳng trở về. Mộ của các anh chị được đơn vị chôn tạm trong rừng, nhưng đau đớn thay sau một cơn lũ lớn, tất cả đã không còn gì nữa.
 
Người con liệt sỹ thứ 3 của mẹ là anh Huỳnh Văn Tứ, cũng lên chiến khu chỉ sau khi chị Xuân rời gia đình vài bữa. Sau khi chị Xuân hy sinh 2 năm, anh Tứ đã hy sinh khi tham gia một trận đánh ở Bình Tuy. Vậy mà mãi sau này mẹ mới biết tin, vì đơn vị anh di chuyển khắp chiến trường Nam Trung Bộ. Mẹ chỉ biết rằng, lúc anh ngã xuống cũng mới chỉ tròn hai mươi tuổi.
 
Ba cái tang lớn đổ xuống gia đình trong vòng sáu năm trời, những tưởng mẹ đã không gượng dậy nổi. Nhưng mẹ Lừa đã không gục ngã. Mẹ vẫn ngày đêm làm giao liên phục vụ chiến khu. Mặc dù có lúc mẹ bị địch bắt, tra khảo dã man vì chúng biết gia đình mẹ một lòng theo cách mạng. Song kẻ thù chẳng thể nào khuất phục được. Ý chí căm hờn đã thôi thúc mẹ quyết sống và chiến đấu vững vàng trước mọi nanh vuốt của kẻ thù. Các con mẹ đã hy sinh, nhưng còn hàng ngàn hàng triệu những người con đất Việt khác lại đứng lên chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
 
Mẹ Lừa với tấm khăn bên cửa sổ lau nước mắt. Khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn của một người mẹ bước sang tuổi 93 có lẽ đã khô cạn nước mắt chẳng còn nỗi đau nào hơn thế. Sức khỏe của mẹ những năm gần đây đã giảm sút rất nhiều. Mẹ không còn đi lại được nữa, chỉ nâng hai bàn tay di chuyển tấm thân còm cõi trên chiếc phản gỗ nhẵn thín ngả màu thời gian. Khi chúng tôi chúc mẹ sống lâu trăm tuổi, mẹ cười móm mém: Tau sắp trăm tuổi rồi, nhưng còn khỏe chán, tau muốn ra Hà Nội thăm Lăng Cụ Hồ, thăm tụi bây nữa chớ… Chúng tôi cùng cười, chỉ mong mẹ sống mãi, để còn được tri ân công lao của mẹ, người Mẹ Việt Nam anh hùng.
 
P.V.Đ
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)