Quảng Trị - bài ca không thể nào quên

Thứ Sáu, 21/07/2017 00:19
.HÀ TRANG

Hơn 40 năm sau cuộc chiến tranh, Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc miền Trung, xứng đáng với sự hi sinh của các chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc.

 
Ai đó đã từng chia sẻ rằng tất cả mọi vật đều rất sợ thời gian, bởi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả. Nhưng dường như thời gian cũng phải chịu khuất phục trước những kỳ tích, chiến công được làm nên từ một ý chí, một khát vọng cao cả. Điều đó đã cắt nghĩa cho việc mỗi năm hàng triệu người Việt Nam và các nước hành hương về nơi này - mảnh đất Quảng Trị anh hùng để thắp một nén nhang thành kính bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước anh linh những liệt sĩ đã ngã xuống vì nền hòa bình dân tộc.
 
Trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị - khu phi quân sự vĩ tuyến 17, giới tuyến chia cắt hai miền Bắc - Nam đất nước đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn, không biết bao nhiêu chiến sĩ, nhân dân ta đã nằm lại mãi mãi dưới đất đá, cây cỏ nơi đây.    

 
ảnh 4
Một gia đình đi thăm mộ tại nghĩa trang Trường Sơn

Quảng Trị - nỗi đau còn mãi
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi - thế hệ trẻ 9x của đất nước may mắn được ghé thăm và làm việc tại mảnh đất của dòng sông giới tuyến. Đến với Quảng Trị bây giờ, chúng tôi chỉ thấy hình ảnh của một tỉnh thành có nền kinh tế phát triển, nhà cửa khang trang, đời sống nhân dân ngày càng giàu mạnh. Dường như những đổ nát về của cải, mất mát về con người trong chiến tranh chưa từng xuất hiện tại miền đất đầy cát trắng này.
 
Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong vẫn là bầu trời Quảng Trị xanh ngắt, cỏ cây mơn mởn âm thầm làm dịu đi những mất mát, đau thương mà đất và con người nơi đây đã phải hứng chịu. Chưa một tỉnh thành nào trên đất nước Việt Nam lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở đây, 72 nghĩa trang liệt sĩ trải dài trên mảnh đất đầy cát trắng  này. Dưới cái nắng gay gắt của những ngày hè tháng 7, chúng tôi hành hương đến nghĩa trang Đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ của nơn 20.000 chiến sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
 
Những chiến sĩ được về đây đến từ mọi miền đất nước, người ở đầu đất mũi Cà Mau, xứ Nghệ nắng gió cũng có mặt, người lại đến từ Hà Nội thủ đô yêu dấu, miền núi Lạng Sơn cũng điểm danh… Họ đã dành cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả sinh mạng vì sự nghiệp hòa bình dân tộc.
 
Chúng tôi gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - một chiến sĩ từ Hà Nội hành hương về nghĩa trang Trường Sơn để thắp cho cô bạn gái chung lớp ngày xưa một nén nhang - nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Liên. Nhà thơ chia sẻ “Tạm biệt mái trường, cô ấy quyết định dừng lại sự nghiệp học hành, quyết ra chiến trường để đánh giặc, thống nhất đất nước thì sẽ quay lại học tiếp. Vậy mà cô ấy đã không thực hiện được, nằm mãi tại đây bỏ dở hết…”.
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi xé đạn
Chưa 1 lần được hôn
 
ảnh 2
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý lặng lẽ đến thăm lại bạn bè cũ tại nghĩa trang Trường Sơn
 
Chưa ở đâu như tại Quảng Trị, nhà người dân nào cũng có am thờ vọng bởi chỉ cần đào đất làm nhà, đào đất lắp cáp quang, đào đất trồng cây… là sẽ bắt gặp hài cốt của các chiến sĩ. Trong hàng ngàn người lính nằm lại tại đây, không ít chiến sĩ đã tìm được danh tính, quê quán để quay về với cha mẹ, nhưng cũng không ít người quên mất lời hẹn năm xưa mãi không chịu quay về. Dưới tầng tầng lớp lớp cỏ non của thành cổ Quảng Trị, dưới mặt nước yên bình của dòng sông Thạch Hãn, hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ của ta nằm đó, không biết đến bao giờ mới tìm được lại. Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, tuổi đôi mươi các anh mãi mãi hóa thành đất, thành cỏ cây.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
 
Quảng Trị - ru mãi bài ca bất tử
Những ngày tháng 7 đầy nắng gió Nam Lào, rất nhiều người đến với nơi đây. Chia sẻ với chúng tôi, bác Hồ Tất Ái - quản trang nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tâm sự  “Không phải chỉ đến ngày 27/7, ngày thương binh liệt sĩ thì mọi người mới đến đâu. Ngày nào cũng có người đến thăm các chiến sĩ, có không ít người lăn lội từ xa đến, thắp vội nén hương rồi lại vội về cho kịp chuyến xe…”.
 
ảnh 3
Kính cẩn trước anh linh các chiến sĩ
 
Không chỉ người dân sinh sống và làm việc tại Quảng Trị mà mỗi năm, hàng triệu người dân Việt Nam đều hành hương về đây để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hi sinh của các chiến sĩ đã ngã xuống để đất nước được như hiện nay. Có không ít đoàn từ nhiều nơi trên đất nước đều ghé thăm nơi đây để báo công với anh linh các anh hùng. Chị Hằng (Nghệ An) cùng với gia đình lặng lẽ thắp nén nhang khắp các ngôi mộ của chiến sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn chia sẻ “Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 7, tôi đưa các cháu về đây thăm ông nội của chúng. Đi sớm, ít người thì mới có nhiều thời gian, chứ những ngày lễ hội đông người lắm”
 
Tôi còn nhớ mãi hình ảnh người thương binh ngồi trên chiếc xe lăn, trong bộ quân phục đã ngả màu, cầm trên tay bó hoa cúc vàng đang lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt. Chiều tà bên bờ sông, đôi mắt người thương binh hướng về dòng sông với nét đượm buồn khiến cả không gian như ngừng lại. Lúc ra về, chúng tôi ngỏ ý xin bác kiểu ảnh kỷ niệm bên bờ sông, bác cười bảo chưa hỏi đồng đội ở dưới sông nên hãy chụp một mình bác, đừng làm phiền bạn bác đang yên giấc ngàn thu.
Đò xuôi Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
 
Rời Quảng Trị khi ngày mới vừa bắt đầu, ánh bình minh ửng hồng bao quanh như muốn níu bước chân chúng tôi. Nỗi đau của chiến tranh vẫn còn đâu đó trong bóng hình của đất, của cây, trong hình hài của thế hệ mới nhưng mảnh đất Quảng Trị vẫn rất đầy thân thương. Trên đường về, nhìn cảnh vật hai bên đường, tôi chợt nhớ tới những câu thơ trong bài thơ Anh sẽ về của Lê Trung Sơn:
Anh sẽ về Quảng Trị cùng em
Ăn mắm ruốc, nấu cơm khoai lẫn đỗ
Biển và cát ngàn đời nay còn đó
Nếu không về, anh chẳng nỡ đâu em…


H.T
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)