Hội đình

Thứ Năm, 03/08/2017 00:41
. ĐẶNG THỊ THÚY
Người Trà Cổ dù ở đâu xa, cứ mồng một tháng sáu ta hàng năm đều náo nức về dự hội đình, để được tự tay dâng hương tưởng nhớ công đức Thành hoàng làng, tưởng nhớ các vị Tiên công, khai hoang lập ấp từ hơn sáu trăm năm trước. Ngày hội đình, con cháu khắp nơi tìm về gốc gác nguồn cội.

Con đường dẫn đến đình làng rực rỡ sắc cờ. Những ngôi nhà hai bên đường cũng được trang trí đẹp đẽ hơn. Tuy các nghi thức chính chỉ được tổ chức ba hôm, nhưng không khí lễ hội đã tưng bừng khắp mọi nhà từ những ngày cuối tháng năm âm lịch. Sáng ngày ba mươi tháng năm, cụ mo cùng các ông cai đám của làng lên đình làm lễ Mộc Dục. Mộc Dục để rửa tượng thần, đồ tế khí và tất cả những đồ vật có trong đình. Khi tất cả đã sạch sẽ phong quang, người ta mới bày biện hương đăng trà quả lên các ban thờ, chuẩn bị đầy đủ mọi thức cho từng phần việc.

Vào buổi chiều, lễ rước mâm ngũ quả và cây đèn thần được tiến hành một cách tôn nghiêm, trang trọng. Đoàn rước mâm ngũ quả có kì lân dẫn đầu. Đôi kì lân một trắng một vàng, mắt to miệng rộng, thân mình dát vảy lấp lánh, dũng mãnh uốn lượn theo nhịp trống rộn ràng. Tiếp sau là cờ ngũ hành và đội trống. Mâm hoa quả lớn được bày biện đẹp đẽ trên một chiếc kiệu rồng sơn son thiếp vàng đặt trên vai bốn thanh niên khỏe mạnh. Đi ngay trước kiệu là ông chủ tế với cây đèn thần. Tiếp sau kiệu là đội trống hội, cờ hàng, bát biểu và phường bát âm, mười hai ông cai đám cũ, các cụ già và đại diện dân làng. Đôi chiêng trống hàng ngày treo trong đình, nay theo sau đoàn rước gióng lên từng nhịp âm vang. Đoàn rước cứ thế đi một vòng quanh làng, sắc màu rực rỡ, âm thanh rộn rã qua ngõ từng nhà, báo hiệu làng bắt đầu vào hội.

Chiều ngày ngày ba mươi tháng năm, làng tổ chức cuộc thi Ông Voi. Ông Voi là các chú lợn được mười hai ông cai đám nuôi từ năm trước. Tục nuôi Ông Voi chầu thần là một trong những nét độc đáo đặc trưng của lễ hội, cũng là một phần việc mang đậm tính tâm linh của làng biển nơi đây, tượng trưng cho các vị Thành hoàng làng cưỡi voi đi chinh chiến và tuần du trên lãnh thổ của mình và thể hiện lời cầu phúc an cho mùa màng bội thu, chăn nuôi thịnh vượng. Cứ vào khoảng tháng tám đến tháng mười âm của năm trước, làng chọn mua mười hai con lợn giống khỏe và đẹp. Ông sư mo cùng mười hai cai đám và các chức sắc trong làng biện lễ lên đình, trình báo với Thành hoàng rồi mới đi bắt con giống về. Mười hai con giống được đưa về sân đình, đánh số thứ tự. Sau đó, làng tổ chức cho các ông cai đám bắt thăm. Ai bốc được số nào thì đem con giống đó về nuôi. Mỗi người đàn ông trong làng chỉ một lần duy nhất trong đời được vinh dự làm ông cai đám và nuôi Ông Voi. Theo tục xưa, người nuôi Ông Voi trong một năm phải tuân thủ các nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt: Không được ăn sau mọi người; không được ăn thịt chó; không được để người khác xoa lên đầu mình, không được ngủ với đàn bà, không được nói tục chửi bậy, không được cắt tóc. Cũng trong năm này, gia đình phải luôn giữ không khí vui vẻ thuận hòa, vợ chồng con cái không được nặng lời với nhau. Việc chăm sóc Ông Voi được thực hiện rất chu đáo, kì công, tận tâm và thành kính. Tối kị không được gọi Ông Voi là lợn; chuồng nuôi phải được gọi là “Nhà Ông Voi”. Ông Voi không bao giờ ăn đồ thừa, chỉ ăn cơm cháo nấu từ gạo ngon đã được vo sạch, rau rửa sạch, miến mì xào nấu và tráng miệng bằng quả tươi có vị ngọt. Mỗi ngày phải rửa mặt cho Ông Voi vào buổi sáng và sau mỗi bữa ăn. Phải chải lông và tắm gội bằng xà phòng, sữa tắm dành cho người. Tối ngủ phải mắc màn tránh muỗi. Nhà Ông Voi lúc nào cũng phải thoáng mát, sạch sẽ. Mùa hè có quạt, mùa đông lót chăn đệm và sưởi ấm bằng điện hoặc than củi. Có những câu chuyện về Ông Voi mà nếu không được tận mắt chứng kiến hoặc nghe chính người thân quen kể thì chắc khó có thể tin. Cách đây bốn năm, chồng của chị bạn tôi làm ông đám trưởng. Một hôm có người bạn đến chơi, thấy trong chuồng có chú lợn béo tốt, da dẻ hồng hào liền khen: “Nhà anh nuôi được con lợn đẹp thật đấy”. Thế là Ông Voi gầm lên, húc sầm sập vào cửa chuồng làm cho chị kia khiếp vía. Sau khi nghe giải thích, chị khấn rằng: “Con không biết nên mạo phạm, xin Ông Voi bỏ quá cho”, ngay lập tức “Ông” trở lại dáng vẻ hiền lành vốn có. Hay như năm ngoái, ông sư mo kể với tôi rằng, có gia đình ông đám nọ đến bữa ăn to tiếng nặng lời với nhau, khi múc cháo cho Ông Voi vẫn còn mặt nặng mày nhẹ. Ông hất đổ bát, không ăn liền mấy bữa. Gia đình hoảng quá bèn biện lễ lên đình, nhờ ông sư mo khấn xin giúp. Sau đó về nhà nấu nồi cơm, nắm lại và đút từng nắm, Ông Voi mới chịu ăn. Thế mới biết: chỉ là một con vật bình thường nhưng khi đã là biểu tượng của sự tôn kính thì cũng trở nên linh thiêng đến lạ lùng. Nhờ sự chăm sóc tận tâm như thế mà năm nào các Ông Voi cũng đều khỏe mạnh, tăng trưởng tốt. Ông nào cũng nặng trên dưới hai tạ, lông mịn mượt, da dẻ đỏ hồng.

 
hoi dinh
Ảnh: Internet
Trước giờ thi, mười hai cai đám trang điểm bằng cách nhúng ướt giấy điều rồi thoa đều khắp trên da, làm cho thân mình các Ông Voi thêm đỏ hồng. Sau đó, họ đưa mỗi ông vào một cái lồng sơn son, đặt trên xe có lọng che và tua rua sặc sỡ rồi đưa ra xếp hàng trên sân đình. Đến giờ thi, ông chủ tế thắp hương khấn vái rồi gióng lên một hồi trống. Không được huấn luyện bao giờ nhưng lúc này, khi nghe tiếng trống gióng lên, mười hai Ông Voi lập tức đồng loạt quay đầu về phía hương án, nằm phủ phục một cách thành kính và nghiêm trang. Ban tổ chức đi vòng quanh, chấm điểm từng ông theo tiêu chí đã định. Ông Voi giành giải nhất là ông to và đẹp nhất. Sau hội thi, các Ông Voi thường được đưa về nhà cai đám để làm cỗ dâng gia tiên, khao họ hàng và bạn bè về dự hội.

Đúng ngày mồng một tháng sáu, lễ khai mạc hội làng được tổ chức tại sân đình. Sáng sớm, khi mặt trời còn chưa nhô lên từ phía biển, tất cả già trẻ gái trai trong làng đã tập trung đông đủ. Sân đình rực rỡ cờ hoa, sặc sỡ xanh đỏ tím vàng áo mớ ba mớ bảy, áo the khăn xếp và áo dài truyền thống. Rộn rã tiếng nói cười, tiếng hỏi chào hoan hỉ, như thể đã lâu lắm rồi mọi người mới được gặp nhau. Đúng là vui như đi hội. Trước cửa đình, các cụ già say sưa diễn lại hoạt cảnh làng chài, tiếng hò kéo lưới, tiếng ru con và những làn điệu dân ca quen thuộc làm đệm cho nhịp tay đan lưới nhanh thoăn thoắt: Ớ … ơ ….ơ/ Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sung thì chát… ớ …ơ… mà lộc si thì già… Tiếp rằng: Ớ … ơ ….ơ/ Ở đây vui thú non tiên/ Rạng ngày lọc nước … ớ …ờ… mà lấy tiền nuôi nhau....

Những khúc hát cứ thế nối tiếp vang vọng khắp làng biển, như thúc giục những ai còn ở xa mau rảo bước đến hội. Người ta chen chân đến trước cửa đình, hút vào sự hoạt náo của những diễn viên không chuyên, áo nâu chân đất, tay múa run run, miệng móm mém, tiếng hát không tròn vành, sệt vị mặn của biển... ấy thế mà sao đầy hứng khởi, đầy lôi cuốn và say mê. 

Phần trọng thể nhất của lễ hội diễn ra ngay sau khi hoạt cảnh kết thúc. Đó là lễ rước kiệu nghênh thần, hay còn gọi là Lễ rước vua ra miếu. Thực hiện nghi lễ này là cả một đoàn rước dài, diễu hành rước kiệu từ sân đình đi vòng qua bãi biển, đến Miếu Đôi thờ Quận He ngoài bờ biển để xin chân nhang và nghênh thần hồi cung.

Tôi chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến đoàn rước nào dài hơn đoàn rước ở nơi đây. Và hình như cứ năm sau, đoàn rước lại dài hơn năm trước và trật tự không bao giờ thay đổi. Dẫn đầu bao giờ cũng là đôi kì lân, linh vật biểu tượng của điềm lành, sự bình yên, hạnh phúc và trường tồn. Tiếp đó là cờ Tổ quốc và cờ hội dẫn trước đôi trống, chiêng và đội cờ ngũ sắc. Mâm hoa quả lớn được trang trí đẹp đẽ, đặt trên kiệu rồng có lọng che màu đỏ tua vàng. Tiếp đến là hai hàng bát biểu bằng gỗ mạ vàng, phường bát âm và đoàn trống hội. Ông chủ tế và cờ vía đi ngay trước kiệu thần. Kiệu thần được chạm khắc tinh xảo hình đôi rồng vàng, được che bởi hai chiếc lọng vàng do tám thanh niên vạm vỡ kiệu trên vai. Đình làng thờ sáu vị Tiên công - sáu vị Thành hoàng có sắc phong, nhưng mỗi năm chỉ rước đại diện một thần, lần lượt cho đến hết. Đi sát ngay sau kiệu thần là ông sư mo và mười hai ông đám cũ, các cụ cao niên, các vị chức sắc trong làng, rồi đến mười hai ông đám mới. Các ông đám đều đội mũ vẽ họa tiết màu vàng, mặc áo dài xanh và quần trắng. Các mâm lễ vật được các phật tử áo nâu đội trên đầu, sắp thành hai hàng thẳng thắn đi tiếp sau. Nhân dân trong làng kính cẩn và trật tự nối tiếp theo đoàn rước với khăn áo sặc sỡ đủ màu. Đôi kì lân dẫn đầu rẽ vào đường vòng ra biển rồi mà đuôi của đoàn rước vẫn còn ở cửa đình. Suốt dọc con đường làng, trước cửa mỗi nhà đều bày một hương án với đèn nến, vàng mã và hoa quả của vườn nhà, khi đoàn rước vừa tới, gia chủ thắp hương thành kính khấn vái, cầu xin thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an.

Phải đứng từ xa, dưới bóng hàng phi lao xanh mát nhìn ra, thấy đoàn người dài thẳng tắp với khăn áo sặc sỡ sắc màu tung bay trong gió biển, nổi bật trên nền cát trắng tinh, trên nền nước xanh trong và những con sóng trắng xóa cứ nối tiếp nhau đổ về phía bờ mới cảm nhận hết cái linh thiêng và ý nghĩa lớn lao của lễ hội làng Trà Cổ. Con người bé nhỏ là thế, biển cả mênh mông là thế, vậy mà trước biển, hình ảnh những ngư dân đã trở thành trung tâm của bức tranh tuyệt đẹp ấy, đầy tự tin, thật vững vàng và mạnh mẽ. Phải chăng sự mạnh mẽ ấy có được do con người nơi đây biết lưu giữ, biết trân trọng và phát huy bản sắc độc đáo của văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Phải chăng sức mạnh ấy có được bởi quyết tâm bám biển giữ làng được sáu vị Tiên công truyền dặn lại. Hay sức mạnh ấy được khẳng định bởi niềm tin về một cuộc sống đầy sức khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tôm đầy khoang, cá đầy sân như lời cầu khấn. Nếu đã từng một lần đến thăm ngôi đình thuần Việt nơi địa đầu Đông Bắc này, hẳn rằng không ai có thể quên được đôi câu đối được khắc trên bức hoành phi trong đình khi đình được dựng lên từ 600 năm trước: “Nam sơn tịnh thọ - Địa cửu thiên trường” (Nước Nam bền vững - Đất vững trời dài). Đôi câu đối ấy giống như lời nguyền giữ đất giữ biển, nó khắc sâu vào tâm thức của các thế hệ nơi này. Nó tạo nên niềm tin bền bỉ và mãnh liệt vào sự vĩnh cửu trường tồn của đất nước, con người và văn hóa Việt. Đó cũng là lời lí giải duy nhất cho câu hỏi: Tại sao ngôi làng nhỏ bé này có thể phát triển ngày càng phồn thịnh ngần ấy năm nơi biên ải mà không hề bị đồng hóa, vẫn giữ vẹn nguyên những nét kiến trúc và lối sinh hoạt văn hóa thuần Việt tự xa xưa.

Sau khi tiến hành lễ nghênh thần tại Miếu Đôi, đoàn rước kiệu thần về đình làm lễ an vị. Lễ đóng cây tây đám thường diễn ra vào buổi tối hôm đó. Cây tây đám là vật thiêng của đình, vừa biểu hiện uy lực của thần, vừa thể hiện sự tôn kính của dân làng đối với thần. Đó là một cây gỗ tròn và dài, sơn màu đỏ, suốt năm được để trên một cái liễng ở gian cuối bên trái đình. Đến giờ lễ, cụ sư mo tay cầm nến, miệng hát chúc. Dứt bài khấn, trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng, cụ sư mo cùng mười hai cai đám chia làm hai bên, ghé vai chuyển cây tây đám đặt lên giá ở hai cột cái ngoài cửa đình, độ cao chỉ ngang mặt người. Điều đó có nghĩa là, bất cứ ai vào đình đều buộc phải cúi đầu để bày tỏ sự thành kính, tôn nghiêm trước Thành hoàng. Từ đây, trong suốt kì hội, đèn hương trong đình luôn được thắp.

Sau khi đóng cây tây đám xong, thủ khoán đánh ba hồi trống, trưởng làng mới thực hiện gọi sổ bìa xanh. Việc gọi sổ bìa xanh giống như gọi sổ đinh ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Tất cả đàn ông trong làng đều được gọi tên, theo trật tự tuổi tác. Trưởng làng đọc hết sổ bìa xanh thì xướng lên:“Đêm đã về khuya/ Dân ta còn nhiều/ Sổ  ta còn dài/ Hãy tạm gọi đến đây/ Xin các cụ về nghỉ”.

Dân làng ra về, còn các cai đám ở lại đình, chuẩn bị cho nghi thức đại tế ngày hôm sau.
Lễ đại tế thường diễn ra vào sáng ngày mồng hai, sau khi rước cỗ của mười hai ông cai đám cũ từ nhà đám trưởng về đình. Đó là khóa lễ lớn nhất trong năm của làng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên bình thịnh vượng. Cũng trong ngày mồng hai và mồng ba, làng tổ chức các nghi lễ quan trọng khác như: dâng lễ tại chùa Vạn Linh Khánh (còn gọi là chùa Ông) và chùa Bà, lễ cất cây tây đám, gọi danh sách các ông đám mới. Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, cả làng lúc nào cũng nhộn nhịp, náo nức với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hát múa dân gian, hò kéo lưới, ca bài chòi. Làng còn tổ chức thi đan lưới, diễu hành - đua bè, các trò chơi dân gian truyền thống như đẩy đòn, chọi gà, cờ thẻ... Trong suốt tuần lễ hội, nhà nhà đều rôm rả vui tươi với những lời thăm hỏi chào mừng. Những người phụ nữ thi nhau trổ tài nấu nướng, bày biện các món ăn cho những bữa cơm gia đình đầm ấm, đông đủ cháu con, bè bạn.

Vào chiều mồng ba, làng tổ chức rước và tế cỗ của mười hai ông cai đám mới rồi mới làm lễ tống đăng và bế mạc hội. Cũng chiều hôm đó, nhà nào nhà nấy soạn một mâm cỗ, mang ra đình cúng lễ Thành hoàng rồi ngả chiếu ra sân thụ lộc. Hội làng kết thúc thật độc đáo bằng một bữa liên hoan tập thể ngay tại sân đình, thắt chặt thêm mối đoàn kết, gắn bó giữa những ngư dân làng biển, tạo thêm sự hứng khởi cho những chuyến vươn khơi. Mọi người nâng chén chúc tụng nhau một năm an bình thịnh vượng. Những người con xa quê bùi ngùi nhấp chén chia tay, hẹn đến mồng một tháng sáu năm sau sẽ lại về.

Hết hội làng, mọi người trở lại với cuộc sống thường nhật, với lưới chài tôm cá, với những ngày vào lộng ra khơi. Dẫu phải thường xuyên đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, dẫu bao gian khó hiểm nguy vẫn rình rập, chực chờ,  họ cũng không bao giờ chùn bước. Trong tâm thức mỗi người, mẹ biển luôn bao dung chở che cho họ, các vị Tiên công vẫn luôn bên họ, bảo vệ, phù trì cho con cháu bình an trong cuộc sống và trong những chuyến vươn khơi. Niềm tin vĩnh hằng ấy đã trở thành ý chí, thành nghị lực để những ngư dân nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc này quyết tâm giữ đất giữ làng, chung sức đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, xây dựng xóm làng ngày càng bình yên, phồn thịnh.

Chia tay với hội làng Trà Cổ, tôi vẫn thấy lòng mình còn nguyên cái cảm giác xốn xang. Phải chăng đó là vì vùng đất này được lập nên bởi những ông tổ là người vùng biển Đồ Sơn quê tôi. Phải chăng ấy là bởi những nghi lễ này, cách sống phóng khoáng, chân thành và hồn hậu của những người dân làng biển này chính là sợi dây vô hình, gắn kết trái tim và tình cảm con người từ thẳm sâu trong tiềm thức. Thế mới biết, giá trị của những yếu tố phi vật thể, của tín ngưỡng và tâm linh có vai trò lớn lao đến thế trong đời sống hiện hữu của mỗi con người.
Đ.T.T
       
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)