Người tạc tượng Phật Bà

Chủ Nhật, 23/07/2017 00:30
. HOÀNG GIÁ

- Phụ vương! Con không thể!
- Sao? Vì sao con lại không thể?
- Vì... thưa phụ vương, chồng con còn đó. Hơn nữa xuất giá thì con là thím còn tại gia con là chị. Con hơn hoàng thượng những mười một tuổi, lại là gái đã bốn con. Con không muốn nhà ta theo vết chân họ Trần ngày trước.

Thanh Đô Vương Trịnh Tráng nghẹn lại trước lời tâu trình của cô con gái mà Vương rất mực yêu thương. Nhưng yêu thương là việc của yêu thương, còn sự nghiệp, còn danh gia vọng tộc, còn cuộc đời con trẻ. Vương trừng mắt. Bàn tay dày và to như tấm lá chắn khi giơ ra có thể che khuất cả mặt trời, nâng lên rồi dập xuống. Bộ ấm xuyến ngọc màu thanh thiên vỡ vụn như đống bổi cám. Trịnh Thị Ngọc Trúc run lẩy bẩy, quỳ rạp xuống.
- Hài nhi biết tội. Xin phụ vương xử theo gia pháp.

Trịnh vương quay đi lắc cái đầu to quá cỡ, trên đó những sợi trắng đã bắt đầu lấn át những chòm đen, làm rơi giọt đằm đẵm vị mặn yêu thương phụ tử, đưa cánh tay dài, săn chắc nâng nàng dậy:
- Con ngốc quá. Thằng Trụ còn đó mà như đã chết. Nay mai nếu không bị thượng mộc mã cũng suốt đời rục xương trong ngục. Còn họ hàng ư? Con xem xem có luật nào ràng buộc?

Vương dừng lại, khẽ nhếch mép cười:
- Với nhan sắc và trí thông minh tuyệt vời của con cha xem chả có hậu nào của nhà vua sánh nổi. Đừng nói con hơn hoàng thượng mười một tuổi chứ hơn nữa, bốn con chứ tám con, mười con, cha vẫn thấy con làm Hoàng hậu phải hầu hạ một ông vua không có chút thực quyền là con đã phải chịu thiệt thòi lắm rồi. À nhân đây cha cũng nói cho con biết: Hôm xưa một thầy pháp đã bấm quẻ cho thái tử Duy Hiệu và thằng Duy Tào của con. Thái tử thì mệnh yểu, còn Duy Tào thì mệnh đế. Cuộc nhân duyên này, cha đã nghĩ cho thằng Trụ. Chả lẽ con không? Thôi, cha bận.

Ngọc Trúc gục xuống. Nàng biết không thể trái mệnh. Nàng có thể cãi lại và tin cha nàng không nỡ xử mình tội chết. Nhưng nàng thương cha. Nàng đã nhìn thấy giọt nước mắt hiếm hoi của phụ vương, giọt nước mắt vì nàng - đứa con gái thông minh ngang bướng, được cha mẹ nâng hứng như hoa, không chỉ bé thơ mà ngay cả khi nàng đã có bốn đứa con với người chồng mà dù nàng không tự nguyện, không thật yêu thương nhưng bao giờ cũng vì nàng, thương yêu và tôn trọng. Nàng không thể phụ tấm lòng của chồng dù trong trái tim nàng cứ chập chờn một ảnh khác... Ảnh khác ấy nàng víu vào mà trẻ đẹp, yêu đời...
*
*    *
Tết Kỉ Dậu, lần đầu Trịnh Thị Ngọc Trúc được mẹ đưa về chùa Vạn Phúc xem hội thưởng hoa mẫu đơn. Chuyện tình Từ Thức - Giáng Hương khiến nàng háo hức từ lâu muốn về vùng đất Tiên Du. Nhưng mẹ nàng không muốn con gái sớm biết những chuyện ái tình nên mặc dù yêu chiều nhưng vẫn khất lần. Đến năm nay, ước mơ của nàng mới thành sự thật. Nàng say sưa ngắm những bông hoa mẫu đơn đủ loại sắc màu, khẽ khàng nâng những hạt sương long lanh mỗi khi tia nắng xuân chiếu tới lại ánh lên như những hạt trân châu. Nàng háo hức xin mẹ cho lên núi xem bàn cờ tiên, nơi cán rìu Vương Chất mục nát trên đỉnh Lạn Kha. Nàng được mẹ chiều, nhưng để đề phòng bất trắc, bà cho một đoàn thị nữ theo hầu.

Trên đỉnh Lạn Kha, những hạt sương chiều như những sợi bông trắng muốt vương lên tóc nàng. Mặt trời trườn nhanh sang bên kia dãy Nguyệt Hằng hắt lên phía trên quầng sáng nhẹ. Đẹp đến thắt lòng, nhưng thời gian không cho phép nàng nấn ná thêm được nữa.

Nàng và đoàn tuỳ tùng lục tục xuống núi.
Khi đã gần đến chân núi, một luồng hơi ấm áp phả vào mặt, tiếng róc rách như rủ rê, thủ thỉ khiến nàng sựng lại. Phía gốc đa cổ thụ có một con suối chảy qua. Nàng hăm hở vượt lên. Tới nơi, cái rét mùa đông còn vương lại bỗng nhiên biến mất bởi hơi nóng từ dòng suối nhỏ trong vắt bốc lên. Nàng thấy nôn nao, muốn bỏ bộ xiêm y nặng nề loè loẹt để được đằm đẵm mình vào dòng nước. Đoàn thị tì vòng quanh nàng. Họ quây màn quanh gốc đa già. Những mắt đa vội vàng khép lại, chim chóc trên tán cũng thôi ríu rít, những chiếc lá đa rủ xuống khe khẽ xạc xào…

Vẫy vùng giữa dòng nước nóng trong vắt, sung sướng ngửa mặt nhìn trời, cơ thể ngấp nghé thiếu nữ của nàng như đang nở ra phổng phao, cựa quậy. Hai nốt ruồi son trên nõn ngực mới nhú thắm đỏ như muốn vin xuống những cành đa, những lá đa và cả bầu trời mùa thu xôn xao khao khát...

Trời sập tối. Các nàng vội mặc quần áo, thu màn. Chiếc yếm lụa tơ tằm tuột tay rơi xuống. Nàng cúi xuống cầm lên và chợt giật mình thảng thốt. Chiếc yếm đã bị một vật gì đâm thủng! Chăm chú nhìn, nàng suýt kêu lên nhưng kìm lại được. Một chiếc đục nhỏ xíu, sắc như nước ai đó vô tình làm rớt. Trong đầu nàng vừa lóe lên hình ảnh một Chử Đồng Tử của rừng xanh nấp sau tán lá, nàng ngước nhìn lên những cành đa kiếm tìm một hình bóng người trai nhưng chỉ bắt gặp một khoảng xanh vời vợi. Giấu cái đục trong làn váy áo, nàng mỉm cười một mình.

Năm sau Ngọc Trúc lớn phổng lên. Tóc nàng xanh mướt, mắt như có ánh hào quang, môi thắm cánh hồng. Nàng lại tìm về hội hoa. Nhưng lần này, nàng ơ hờ trước những bông mẫu đơn hàm tiếu trong chùa bởi tâm trí còn đang nơi khác. Nàng trốn khỏi con mắt những người hầu, một mình tìm tới gốc đa già năm ngoái. Nàng hồi hộp muốn được một mình vào tận hưởng dòng suối nóng, một mình nằm ngửa ngắm những mắt đa... Nàng sẽ vờ như không biết, nhưng lần này, nàng sẽ ngầm để ý. Biết đâu Chử Đồng Tử rừng xanh sẽ xuất hiện...

Xa xa nàng đã ngửi thấy làn hơi ấm nóng. Từng đàn chim ríu rít đón nàng và nàng vô cùng kinh ngạc: Hai bên bờ suối là những vạt mẫu đơn rực rỡ. Nơi nàng tắm mùa xuân năm trước nước bốc hơi nghi ngút. Trong làn hơi ấy, nàng lờ mờ thấy một bóng người. Khi tới gần nàng giật thót mình. Bóng người ấy chính là nàng. Bức tượng khoả thân bằng gỗ cây dung thụ mịn màng tinh khiết đang ngả lưng trên phiến cẩm thạch trắng hồng, có những đường gân đỏ như những tia máu nhỏ. Nàng sượng sùng thấy trên ngực tượng được gắn hai viên đá đỏ sẫm đúng vị trí hai nốt ruồi son. Nàng ngơ ngác nhìn bốn phía, nhìn lên lùm cây, nhìn vào dòng nước. Từ bé, nàng đã rất thích nghe chuyện cổ tích, những huyền thoại, những chuyện kinh dị, rất thích đọc Lĩnh Nam chích quái… Nhưng nàng không tin. Mẹ nàng bảo sau này nàng sẽ khổ bởi nàng không thể trở thành một tín đồ. Nàng cãi: Nhưng con tin con người, con sẽ thành một tín nhân đồ. Tin con người còn khó hơn tin bất cứ thứ gì. Bây giờ nàng vẫn thế. Nàng tin là có một chàng trai đã nhìn thấy nàng tắm. Và ở cái tuổi mười lăm, nàng tin là người ấy sau này sẽ là chồng nàng. Chỉ có người chồng mới được biết tận tường về cơ thể người vợ. Nàng không thể không có người ấy…

 
le tri dung den trang 1
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nàng cất tiếng gọi, cất lời cầu xin. Thất vọng, nàng nghẹn ngào thề thốt. Rồi nàng rút cái đục vạch lên thân cây đa già một bài Đường thi bốn câu ba vần hẹn với chàng ngày này năm sau cho nàng tường mặt.

Năm sau, nàng về đúng hẹn. Những bông mẫu đơn nở to và ngạt ngào khác thường. Xa xa nàng đã ngửi thấy mùi trầm. Thứ trầm giã nhỏ trộn với bột các loài cây rẻ tiền có nhựa làm ra các loại hương nếu đốt nhiều sẽ gây ngột ngạt, khó thở. Còn cái mùi thoang thoảng của gỗ trầm hương lại quyến rũ khiến người ta tỉnh táo đầy hứng cảm. Chân nàng thoăn thoắt, ngực nàng phập phồng, mắt nàng long lanh vừa vui vừa thẹn. Nàng đã nhìn thấy một bóng người bên cạnh pho tượng khoả thân mịn màng bằng gỗ cây dung thụ. Nàng ào tới. Nàng sẽ nép vào ngực chàng, sẽ trách móc, sẽ ra lệnh và cả khóc nữa. Nước mắt của nàng sẽ thấm vào ngực chàng. Chắc là chàng sẽ cất kĩ chiếc áo đẫm nước mắt ấy để mãi mãi nhớ về lần đầu gặp gỡ.

Nhưng, nàng khựng lại. Trước mặt lại là nàng. Pho tượng bằng gỗ trầm hương đang ngơ ngác ngước nhìn tàn lá. Chiếc áo choàng mở rộng để lộ hai nốt ruồi đỏ thắm. Nàng cất tiếng gọi. Nàng tha thiết gọi chàng là phu quân. Tiếng nàng nghẹn tắc, dồn ứ, thảm thiết đến nỗi chim chóc xáo xác bay lên, mây đen kéo đến che cho mặt trời vội vã trốn chạy mãi sang bên kia dãy Nguyệt Hằng Sơn. Nàng đau đớn cầm đục vạch lên thân cây đa già bốn câu lục bát: Chẳng duyên sao nỡ cướp trinh/ Chẳng thèm gặp mặt sao tình vẫn đeo/ Mười hai bến, rũ tay chèo/ Dẫu tan tác nhụy vẫn neo bóng chàng. Thẫn thờ, nàng hụt hẫng bước từng bước sang bên kia suối. Nhưng rồi nàng dừng lại, quay về gốc đa viết tiếp một dòng: Ngày này xin hẹn tình lang…      
    
Cuối năm ấy, cha mẹ cho gọi nàng:
- Con à. Sang năm con đã mười bảy tuổi, cái tuổi phải xuất giá rồi. Cha mẹ đã chọn cho con một người chồng xứng đáng.

Nàng tươi hơn hớn. Chắc là chàng. Người đàn ông đầu tiên được biết thân thể nàng, biết hai nốt ruồi son mà mẹ nàng bảo sẽ cứu nàng khỏi số kiếp cái tuổi Bính Thân đa tình đầy bất hạnh. Người mà nàng đã nặng lời đơn phương thề thốt. Nhưng rồi nghĩ lại nàng hoảng hốt, thất vọng. Tiếng nàng lạc đi. Nàng hỏi:
- Thưa cha, mẹ. Người ấy là ai ạ? Có phải là…

Cha nàng cười lớn. Mẹ nàng ngơ ngác hỏi: “Thế con đã...”. Nhưng cha đang vui không để ý. Cha dịu dàng bảo: “Người này con chưa biết đâu. Đó là một chàng trai thông minh, tuấn tú và khí khái. Một người trẻ tuổi mà văn võ kiêm toàn, sau này ắt sẽ giúp cha làm nên nghiệp lớn. Người đó chính là cường quận công Lê Trụ, chú họ đương kim hoàng thượng”.

- Nhưng… thưa cha. Con còn nhỏ, con chưa muốn xuất giá.
- Hầy... Gái mười bảy sao bảo là còn nhỏ? Con không biết mẹ con về với cha lúc sinh con mới mười bảy tuổi sao? Thôi, cha mừng cho con. Hạ tuần tháng chạp sẽ tiến hành hôn lễ để sang xuân các con được hưởng tuần trăng mật.
Nàng vội vàng quỳ sụp xuống:
- Thưa cha. Con xin vâng lời. Nhưng cha cho con hoãn tới sang xuân. Con muốn trước khi xuất giá đi thăm viếng họ hàng.

 Mẹ nàng đột ngột chêm vào: “Và về xem hội hoa mẫu đơn chùa Vạn Phúc”. Nàng lí nhí: “Con cảm ơn mẹ”. Cha nàng chau mày suy nghĩ rồi cười:
- Được. Đi thăm họ hàng là việc nên làm. Vả lại lấy hay không, cưới xin ngày nào là quyền của ta chứ đâu quyền họ. Ta muốn gì mà chả được.

Tết Nhâm Tý tê tái rét. Từng cơn gió bấc hú u ú trên gác chuông chùa, rừng thông ngả rạp chìm trong những sợi mưa phùn. Ngọc Trúc nhờ khá nhiều người thân mai phục quanh gốc đa già. Nàng nhất định phải gặp chàng. Nàng sẽ cùng chàng xa chạy cao bay. Nàng không thể mất chàng. Nhưng bao nhiêu người thân cũng chẳng nhìn thấy gì ngoài những cây mẫu đơn đổ rạp, không nghe thấy gì ngoài tiếng gió mưa sầm sã. Lạ thay khi nàng tới, trời bỗng nắng bừng, những nụ mẫu đơn từ từ xoè cánh, rừng thông vi vút và suối nước nóng hầm hập toả hơi, một pho tượng ánh màu mận chín chăm chắm nhìn nàng, hai nốt ruồi đen sậm như hai vệt máu bầm. Dưới mấy câu lục bát nàng nhìn thấy mấy dòng chữ nét sắc bay nhảy như những ngọn lửa rừng: Cám ơn nàng đã vì ta/ Đáp tình không khéo hoá ra phụ tình/ Ví dù duyên nợ ba sinh/ Bỏ hai nhị thập ắt mình gặp ta.
*
*    *
Bốn câu lục bát hiện lên bay nhảy trước mặt. “Bỏ hai nhị thập” có phải là còn mười tám không? Ôi, đã mười tám năm qua nàng không trở lại gốc đa ấy, nàng phải vâng lệnh cha về với cường quận công, đã sinh cho chàng bốn đứa con ngoan. Nhưng những gì đã đến với nàng ngày ấy không bao giờ phai nhạt. Nàng mỉm cười, ngẩng lên nhìn phụ vương, thưa :
- Xưa nay cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con xin vâng mệnh, chỉ xin phụ vương ân chuẩn cho lễ thành hôn chậm lại để xuân này con có thể về chùa Vạn Phúc cầu phúc cho chồng con và cho các cháu.

Thanh Đô Vương cười lớn:
- Đúng là hiểu con không ai bằng cha mẹ. Phụ vương biết con là đứa con ngoan, chỉ cần con đồng ý trở thành hoàng hậu thì xin gì mà phụ vương chả rộng lòng ân chuẩn. Phụ vương đã nói rồi: Mọi cái là do ta quyết định cơ mà.

Vương xoè bàn tay to lớn ra trước mặt rồi đột ngột nắm lại, cười ha hả, cười đến nỗi từ đôi mắt vương chảy ra hai vệt nước vàng vàng như hai con thạch sùng đu hai bên má. Tiếng cười của Thanh Đô Vương vừa dứt thì tiếng chuông chùa Vạn Phúc cất lên.

Tiếng ngân của quả chuông nặng mấy ngàn cân âm vang khắp vùng Tiên Du, vượt dòng Thiên Đức giao hoà với tiếng chuông chùa Pháp Vân bên phủ Siêu khiến cả vùng xao động. Thượng toạ Thích Thanh Thọ vẫn chắp tay trước Phật đài sám hối.

- A di đà Phật, con là kẻ có tội. Pháp khí đã ngân vang, dưới địa ngục quỷ sứ đã ngừng tay tra khảo. Phật tử đều tĩnh tâm thiền định đón nhận vầng hào quang Đức Phật. Thế mà con vẫn u mê, vẫn còn nghĩ về nàng...

Đã hơn hai mươi năm, từ buổi chiều hội hoa mẫu đơn, Trương Văn Thọ nấp trên tán lá cây đa cổ thụ bên suối Hoả Kê đã vô tình nhìn thấy thân hình kiều diễm của cô bé đang sắp thành thiếu nữ. Chàng trai mười bảy tuổi có mớ tóc xoăn bẩm sinh nhà Phật, nước da đen sạm, khuôn mặt gồ ghề, đôi mắt sáng lấp láp mà trái tim thì nhũn ra run rẩy. Bàn tay dài như tay vượn với những ngón tay thon gầy bấu vào thân đa làm trầy đi lớp vỏ sần sùi. Sau ngày ấy, chàng trai họ Trương như kẻ mất hồn nhìn đâu cũng thấy bóng hình cô gái. Chàng quyết định lên ngọn Bát Vạn Sơn kiếm cây dung thụ già bóc hết lớp vỏ ngoài rồi ngày đêm đục đẽo.

Một hôm có ông khách từ Đông Kinh ghé thăm nhà. Ông khách kinh ngạc bảo:
- Đây há lại không phải là quận chúa Ngọc Trúc con gái thế tử Trịnh Tráng, cháu nội Bình An Vương Trịnh Tùng? Nhà cậu không ruộng, không vườn, năm thỉnh mười thoảng mới có người thuê dựng một căn nhà, đóng một cái cối, tạc một pho tượng thờ, sao dám mơ ước cao sang thế? Chuyện này mà tới tai chúa không khéo cả nhà đều mất mạng.

Bố Trương Văn Thọ sợ toát mồ hôi, vội vàng chắp tay thưa:
- Thưa đại nhân. Thật ra thằng Trương Văn Thọ không phải con tôi, nó là đứa bé vợ chồng tôi năm ấy hiếm hoi nhặt được. Nghe đâu nó là con hai vợ chồng người Chiêm Thành hay Ai Lao bị bắt. Người chồng đã bị xử tử, người vợ không nơi nương tựa đẻ rơi nó rồi cũng qua đời. Đã đến nước này vợ chồng tôi đành bỏ phí mười mấy năm nuôi dạy, truyền nghề tổ cho nó, chúng tôi sẽ đuổi nó khỏi nhà. Mong đại nhân cứu giúp.

Nghe bố nói vậy Trương Văn Thọ vừa sợ, vừa uất bèn bỏ nhà ra đi, lang thang tới chùa Vạn Phúc xin quy y cửa Phật. Nhưng chàng không sao quên được người con gái bên suối Hoả Kê, dù biết thân phận, diện mạo mình không xứng đáng. Sư cụ chùa Vạn Phúc là một chân tu hiếm có. Ngài thương yêu Trương Văn Thọ như con đẻ không chỉ vì Thọ là đệ tử mà còn vì Thọ thông minh, học một biết mười, khéo tay và rất có căn duyên. Ngài biết rõ chuyện gì xảy ra dưới gốc cây đa cổ thụ, còn biết đôi trai tài gái sắc này là sự trớ trêu mà tạo hoá bày ra để thử thách lòng người. Đôi trai gái ấy có nợ ba sinh, nhưng chữ tình luôn kèm theo kiếp nạn. Muốn tránh hoạ sát thân thì phải cách xa, hai mươi năm mới có cơ duyên gặp mặt.
*
*    *
Lần theo đường cũ, nàng tìm đến gốc đa cổ thụ. Cây vẫn xum xuê toả bóng xuống dòng suối nóng. Hoả kê vẫn nghi ngút bốc hơi. Nhưng những hạt mẫu đơn đã tàn đi, thay vào đó là những thứ cỏ lá nhọn màu vàng óng. Những lá cỏ khô thoang thoảng mùi ngầy ngậy như mật ong rừng.

Thiếu phụ lặng lẽ đưa mắt ngắm dòng suối, ngắm gốc đa, ngắm những pho tượng chân dung thuở nàng còn trinh trắng, bất giác buông một tiếng thở dài. Ôi, một kiếp phù du. Giàu sang quyền chức mà làm chi. Hạnh phúc là ở trái tim chứ hạnh phúc đâu ở miếng cơm manh áo, đâu ở chức trọng quyền cao. Nàng lẩm nhẩm đọc lại những vần thơ. Những chữ khắc trên cây xưa lặn sâu vào thớ gỗ, còn giờ đây chúng nổi lên vằn vện, đứt quãng như những vệt mối xông. Mười tám năm rồi còn gì. Mười tám năm, cái người tài hoa ấy, chắc đã năm thê bảy thiếp, đã quên những dòng chữ này, con suối này, cây đa này, đã chẳng bao giờ biết được những cây mẫu đơn huyền thoại, quý phái bị thứ cỏ vàng ệch sỗ sàng kia lấn át và chắc chẳng ngờ rằng nàng đã lại tới đây…

Nhạn quá trường không(1)
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm

(Nhạn bay ngang trời
Bóng chìm đầm lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý giữ lại bóng hình)

Nàng giật mình quay lại. “A di đà Phật”. Nhà sư da sần đen, miệng đọc thơ, đôi mắt to sáng đăm đắm nhìn nàng. Mặt nàng hồng rực, tim đập liên hồi, hai nốt ruồi trong ngực áo như muốn trồi ra. Linh cảm bảo nàng đấy là chàng. Giá như mười tám năm trước thì nàng đã nhao tới, đã ôm ghì lấy chàng, đã khóc, đã cào cấu, bắt chàng phải ôm nàng thật chặt, hôn nàng thật đắm say. Sẽ dâng hiến cho chàng tất cả. Nhưng giờ đây, nàng chỉ thảng thốt nhìn chàng. Nước mắt dồn lại nơi khoé mắt, nối đuôi nhau thánh thót nhỏ xuống. Nước mắt của nàng rơi vào những pho tượng. Những pho tượng bỗng ánh lên tinh khôi như mới. Những nốt ruồi đỏ hồng rực lên, óng ánh như những tia nắng. Dòng suối đang róc rách bỗng chảy ạt ào. Hương cỏ mật dâng đầy ngan ngát. Từng đàn chim ríu rít sà xuống, những mắt đa nở ra nhấp nháy... Nhưng nàng không cảm nhận được chúng. Nàng quay cuồng trong mộng mị, thấy cây đa chao đảo xô nàng ngã sóng soài về phía trước.

- Ngọc Trúc!
Nhà sư buông rơi chuỗi tràng hạt. Kẻ tội đồ của đấng tạo hoá nằm gọn trong vòng tay kẻ tội đồ nơi cửa Phật. Tiếng chuông chùa Vạn Phúc chợt ngân vang. Tiếng ngân của pháp khí đã chở che cho hai kẻ tội đồ, đã dẫn họ vượt qua tà tâm trở về chính đạo. Nhà sư giật mình bừng tỉnh, vội đưa tay lần tràng hạt, rồi đọc to lên bài thơ tứ tuyệt.

Thế số nhất tức mặc(3)
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc nhất thăng xuân

(Số đời một hơi thở
Tình đời hai biển trăng
Cung ma đâu sá kể
Nước Phật một trời xuân)

Nàng hiểu ý, đưa tay rút chiếc đục nhỏ xíu từ trong ngực áo trao tận tay nhà sư, cúi đầu cảm tạ rồi quay người đi về đường cũ.
Qua cửa chùa Vạn Phúc, cảm thán cuộc đời, thân phận, nàng tức cảnh đọc bài thơ, có hai câu kết:

Cá trung chân hữu ý(2)
Dục ngữ hốt hoàn vương

(Ở trong thực có ý
Muốn nói bỗng quên hoài)
*
*    *
Lại mười lăm năm nữa.
Người đàn bà đa tình đã là mẫu nghi thiên hạ bước tới tột đỉnh vinh quang, nhưng chán ngán cảnh đời đã quy y tại chùa Vạn Phúc, rồi theo hoà thượng Minh Hành về hưng công xây dựng chùa Nhạn Tháp. Còn sư Thích Thanh Thọ khi trở lại chùa Vạn Phúc đã quỳ dưới chân sư cụ vừa khóc, vừa bộc bạch lòng mình. Sư cụ khe khẽ kêu “Thiện tai! Thiện tai!” rồi bảo:
- Tiền duyên con chưa trả, căn quả con còn nặng. Không phải đức Phật từ bi không muốn dung con mà đời còn cần con nhiều lắm. Phật tại tâm con ạ.

Chiếc đục nhọn sắc Thọ giấu trong lần áo cà sa bỗng như cựa quậy. Từ đó chàng trở về với cái tên Trương Văn Thọ.
Thiên hạ đồn rằng: Chàng Trương quay lại nghề tạc tượng. Mấy chục, mấy trăm, thậm chí mấy ngàn tác phẩm của chàng đều là tượng Phật, đều phảng phất dáng hình nàng và pho tượng phụ nữ nào cũng có hai nốt ruồi son trên ngực. Có lẽ bàn tay chàng, trái tim chàng, cuộc đời chàng đã vĩnh viễn thuộc về nàng và nàng đã vô tình biến chàng thành nghệ sĩ. Nhưng chả lẽ người nghệ sĩ ấy vừa là đệ tử Phật môn lại vừa là đệ tử của tình yêu bất diệt?

Hơn ba trăm năm sau người ta vẫn bảo pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp có khuôn mặt thánh thiện, thông thái, từ bi giống hệt khuôn mặt của hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, giống hơn cả pho tượng chân dung của bà đặt ở phủ thờ.

Còn dòng chữ dưới bệ tượng “Nam đồng giao thọ Trương tiên sinh phụng khắc” thì ít ai dám quả quyết đó là chàng Trương Văn Thọ, vì chả lẽ Trương Văn Thọ vẫn còn nặng quả kiếp thế sao? 
 
H.G
--------
1. Nhà sư Hương Hải trả lời vua Lê Dụ Tông về Vô tâm
2. Thơ của nhà sư Pháp Thuận
3. Thơ của nhà sư Thường Chiếu
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)