Tóc rối

Thứ Ba, 25/07/2017 00:44
. HOÀNG KHÁNH DUY
Thuyền xuôi về bến Lức. Hai bên bờ cơ man là hoa dại. Mùa này con nước hiền hòa, sóng gợn li ti, cây cỏ bên bờ dập dờn in trên mặt sông. Kia rồi, cây sầu đâu. Mấy chục năm rồi mà nó vẫn sừng sững bên bờ bến Lức. Hồi nhỏ, tôi cùng chúng bạn đua nhau trèo lên thân. Trên là trời xanh, dưới là đồng ruộng, xa là xóm làng, là miền hoa cỏ mênh mông trong nắng gió và dòng sông êm dịu chảy qua miền quê thanh bình như cổ tích. Tôi thầm cảm ơn những người bến Lức, những con người tình nghĩa đã không cưa bỏ cây sầu đâu của tôi, để nó đứng sừng sững ngó nhìn mây trời sông nước, như một nhân chứng của tuổi thơ… Ngày xưa, người làng truyền nhau câu chuyện trên sông bến Lức toàn yêu ma quỷ quái chuyên phá rối người qua sông. Người làng kể, có chiếc ghe gạo của đôi vợ chồng người Chà với đứa con nít không may đi qua quãng sông này, đứa nhỏ bị ma quỷ kéo xuống chết đuối, người mẹ nhìn thấy đau đớn kêu trời mà không làm gì được. Đoạn sông từ đó vắng tanh, người ta thà đi vòng qua quãng sông khác xa mấy giờ đồng hồ chứ không để ghe mình lọt vô “dòng sông ma quỷ”. Dòng sông mang mối oan truyền kiếp, người trong làng hạn chế không cho con nít ra sông tắm táp, rửa mặt, rửa tay hay đùa nghịch trên bờ… Nhưng có một người không sợ. Đó là chị Ngàn. Ngày ngày chị lênh đênh chiếc đò trên quãng sông này đưa khách sang sông, đưa bọn tôi đi học. Mũi đò cứ thế trở qua trở lại. Nhờ chị Ngàn, tôi không thấy bến Lức đáng sợ như người làng đồn đại. Những đêm tối đen mịt mùng, tôi dám trốn mẹ ra bờ sông, một mình cầm cây đèn trứng vịt bọc gió tù mù đi chụp nhái làm mồi cắm câu ngoài bến Lức. Cá ở đó nhiều lắm, nhất là mùa hạn. Cá lóc con nào con nấy bằng cổ tay, cá rô cá bổi thì vô số. Mùa con nước tháng tư, tháng năm, mặt sông êm đềm như mặt nước ao hồ... Buổi trưa, tôi thích ngồi trong mui đò nghe chị Ngàn kể chuyện. Chuyện về chú Út mặc áo lính, vác ba lô trên vai qua đò rồi đi mãi không về làm bến quê khôn nguôi thương nhớ. Buổi chiều, con đò neo mình dưới bến, trên bờ có cây sầu đâu mát rượi, mùa đông hoa rụng trắng một khoảng đất, rụng đầy mui ghe... Chị Ngàn ngồi phía mũi vừa chải mái tóc dài suôn, vừa đong đưa đôi bàn chân vờn nước. Những sợi tóc rối, chị cuốn tròn lại đưa cho tôi mang vào khoang nhét lên mui lá. Rồi chị cất tiếng hát. Đâu đó trong không gian vẳng lên tiếng chim vịt gọi buổi chiều sóng sánh những giọt buồn yên ả. Thương anh thương mấy cho vừa/ Đếm sợi tóc rối em chừa cho anh/ Bây giờ én có còn xanh/ Buồng cau, li rượu anh dành cho ai?...

 
VNQD 24052017Toc roi
                                 Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Ngày chị lấy chồng, tôi khóc rưng rức. Người lạ áo dài khăn đóng, mâm quả cau trầu qua đò bến Lức rước chị về bên kia sông. Nghe đâu cách mấy lần đò nữa mới tới. Tôi chột dạ. Trong suy nghĩ non nớt của mình, tôi tự nhủ “Trời ơi, không lẽ mình không còn được gặp chị Ngàn nữa sao”. Buổi rước dâu, tôi núp ở gốc cây sầu đâu cạnh bến nước nhìn chị mặc áo dài đỏ, tóc cài hoa tím theo người ta bước xuống đò, qua sông. Đò chở chị ra giữa sông tôi mới lao ra, đứng trên bến sông thầm gọi... Từ ngày chị đi lấy chồng, tôi không còn những buổi trưa nắng hè oi ả, những buổi chiều khi hoàng hôn xuống, một mình ra bến sông ngồi đong đưa đôi chân vờn nước. Bến quê vắng bóng chị Ngàn buồn hắt buồn hiu. Chiều quê đâu đó vẳng tiếng chim non lạc bầy, chim mẹ đập cánh dáo dác tìm con…

Ba má tôi quyết định dọn nhà lên phố sau hơn nửa đời dãi gió dầm mưa chắt chiu dành dụm. Căn nhà cũ ba kêu người bán lại. Buồn thật, căn nhà mà tôi gắn bó, ăn ở, ngủ, bị roi đòn... suốt đoạn đầu cuộc đời nay sang tên đổi chủ cho một người lạ huơ lạ hoắc. Chiếc thuyền chở gia đình tôi rời bến. Bến Lức khuất dần sau lưng.

 
*
*    *
Mấy mươi năm tôi mới lại về quê. Thuyền neo lại trên bến sông năm nào. Bến giờ tấp nập. Người làng không ai còn nhận ra tôi. Mấy mươi năm... tôi đâu còn là thằng Út èo uột “chúa quậy” năm nào. Tóc tôi đã vài ba sợi bạc và trên gương mặt hiện những nếp gấp thời gian. Làng đã hoàn toàn đổi khác, tôi không nhận ra đâu là nhà của những người thân thuộc ngày xưa nữa. Bến quê cũng khác... Ngày xưa con đường đi học quanh co uốn mình giữa những rặng tre già nhiều tuổi, đầu làng có cái ao con mọc đầy bông súng, nước trong veo, thỉnh thoảng có chú trâu đi qua vục mõm xuống uống ngon lành, giờ không còn nữa. Tôi bỗng nhớ chị Ngàn, nhớ mái tóc dài, nhớ giọng hát “ngọt như mía lùi” chiều chiều ra mũi đò ngân nga, đôi mắt dõi dài trên dòng nước. Lần cuối cùng tôi gặp chị, là lúc chị áo dài tóc cài hoa theo chồng sang sông, cho đến tận bây giờ… Nhìn con nước buồn bã vỗ về mạn thuyền, tim tôi se sắt. Tôi khe khẽ gọi “Chị Ngàn. Chị Ngàn ơi…”. Đâu đó bên sông văng vẳng...  Bây giờ én có còn xanh/ Buồng cau, li rượu anh dành cho ai?...” 
 H.K.D
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)