Gió ông cụt

Thứ Sáu, 11/08/2017 00:12
. SƯƠNG NGUYỆT MINH
Lúc ấy, đêm đã vào khuya.
Trăng ủ ê úa vàng treo lơ lửng trên ngọn tre. Làng quê im lìm chìm trong giấc ngủ sâu sau một ngày làm thổ mộc. Tôi đang mơ màng. Những chuyện mẹ cằn nhằn về đường chồng con lúc tối, tôi không thể đem theo vào giấc ngủ. Những suy nghĩ cố hữu nằm trong cái đầu già nua đã làm mẹ thao thức, trở mình liên tục, giát gường kêu cọt kẹt. 

Trong trạng thái phiêu diêu, tôi lang thang vào cõi âm thanh của tiếng dế, ễnh ương, chão chàng và vô vàn tiếng côn trùng rỉ rả. Bản hỗn tấu rộ lên lại tắt lịm như thể có bước chân người đến rồi đi, đi rồi đến. Lại nghe được cả tiếng động lạ vẳng mơ hồ xa xăm như tiếng ngựa gõ móng xuống đường làng lát gạch nghiêng. Cộp cộp... cộp cộp... Tôi nhỏm dậy. Rõ ràng, có cả tiếng gió rít quẩn theo lá khô và cành cây rung xao xác, tiếng gót giày thúc huỳnh huỵch vào hông ngựa...

“Ngủ đi con. Đi đường cả buổi chiều mệt mà mày không chịu ngủ.” Giọng mẹ lo lắng, có chút buồn phiền nhưng vẫn tỉnh như sáo.
“Con nghe có tiếng gì như tiếng cành cây rung và ngựa gõ móng.”
“Gió ông Cụt đấy. Hôm nay trở trời, ông Cụt phi ngựa đi tuần. Chị đi xa lâu ngày, quên hết cả rồi.”
“Ôi!... Con nhớ ra rồi. Thảo nào, ngoài trời trăng úa như tàu lá chuối khô vàng, mẹ nhỉ.”
“Dạo này mất mùa, đói kém sinh đạo tặc. Chợ Bút hôm nào họp cũng trộm cắp như rươi, hở cái gì ra là mất cái đó. Đêm hôm, nhà ai cũng đóng cổng chắc mà gà qué, ngan ngỗng vẫn bị bắt; chó mèo bị câu lén; đến trâu bò còn bị dắt trộm. Ông Cụt đi tuần suốt đêm mà không ngăn xuể.”

Cảm giác buồn chán tràn ngập lòng tôi.
Ngoài kia, tiếng vó ngựa cộp cộp vẫn vang lên bồn chồn dẳng dai.
Giá là ngày xưa tôi đã sợ hãi ôm chầm lấy mẹ. Còn bây giờ, sau khi tôi đã qua sông dài biển rộng, len lỏi vào cả những xó rừng hoang vắng, đầu đội bom rơi..., thì nỗi hốt hoảng, sợ hãi gió ông Cụt không còn nữa. Nhưng, tôi vẫn giữ nguyên vẹn nỗi ám ảnh (bây giờ thêm cả lòng thành kính) tiếng gió lướt đêm tối trời và tiếng vó ngựa gõ ngày xưa ấy. Hình ảnh ông Cụt mặc áo giáp, không đầu, tay cầm đại đao, cưỡi ngựa cứ hiện lên rõ mồn một, có thể đứng xa chiêm ngưỡng, đứng gần chiêm ngắm được. Lòng tin về một tín ngưỡng dân gian nhiều hơn hay chỉ là ảo giác? Tôi chưa lí giải được. Chỉ biết rằng gió ông Cụt hằng đêm vẫn hiện hữu trong câu chuyện mỗi nhà, là câu cửa miệng để dọa trẻ con khóc “Mày có nín đi không! Ông Cụt đi tuần đến cổng nhà ta kìa.” Ông Cụt cũng len vào giấc mơ trẻ nhỏ làm chúng thảng thốt, vã mồ hôi. Không sợ làm sao được khi mà trong làng vào những lúc trời lọ lem tối, có những người đang đi, nghe tiếng gió lướt cùng tiếng ngựa gõ móng đã giật mình ngã lăn nhào vào hàng rào.

Lạ kì thay, những người bị hẩy ngã trên đường, dúi dụi vào bờ tre, bụi gai mây, sứt đầu bươu trán hoặc vỡ đầu thành tâm thần ngớ ngẩn... đều là các ngữ khoét vách đục tường thó gà, lén câu chó, trộm trâu bò hoặc là kẻ sống ác trên đời. Nghe có vẻ hoang đường, nhưng sự thật thì vẫn cứ là sự thật, bởi chẳng có người dân lành, lương thiện, tử tế nào bị ngựa ông Cụt xô ngã.
*
*    *
Gió ông Cụt đánh thức, tôi hoàn toàn tỉnh táo.
Đêm, lại nghe tiếng dòng sông trước cửa nhà thở than, tiếng tôm búng nước, tiếng thạch sùng kêu não nề càng thêm sốt ruột. Bên kia cánh đồng Ngoài, phía xa xa dưới chân núi Đợi Chồng vẫn có ánh lửa lập lòe yếu ớt. Mẹ bảo, đấy là Xóm Đàn Bà. Sao lại là Xóm Đàn Bà? Gọi thế là vì ở đó nữ công nhân chè gần hết là gái ế chồng. Ôi trời! Lòng tôi hoang vắng, ngùi ngùi. Tôi tủi thân. Tôi cám cảnh. Tôi bẽ bàng. Tôi xót xa. Khổ thân cả một thế hệ con gái ế thừa.

Ngày tôi rời làng đi học, chân núi trồng toàn chè tốt ngút ngàn và vải rừng mọc xanh um, quả ăn chua loét. Nông trường chè toàn con trai con gái xứ khác tụ về. Con trai khỏe mạnh mặc áo may ô cuốc đất lật cỏ, mặt đỏ gay, mồ hôi lấm tấm. Con gái chân tay nần nẫn. Ngực đầy căng nhưng nhức. Chiều vãn. Hoàng hôn buông trên dãy núi Tam Điệp, khói lam mơ màng bay trên mái gianh cũng là lúc tiếng cười trai gái nông trường chè xôn xao trên mặt sông Cái. Họ đùa nghịch. Ngụp lặn. Té nước. Có khi lặn và trôi xuôi xuống tận bến tắm làng. Những đêm trăng dát vàng xuống cánh rừng chè, tiếng hát tiếng đàn ghi ta bập bùng ở nông trường bộ được khuếch đại qua loa phóng thanh vang tận ngõ ngách làng Yên Hạ. Bọn tôi và Long thường rủ nhau vượt qua cánh đồng Ngoài sang bên đó xem liên hoan văn nghệ công nông binh. Những ngày ấy bình yên, vui vẻ biết bao!

Chiến tranh phá hoại bằng không quân Mĩ ào đến. Bom giặc giội xuống cầu Bút. Cả làng Yên Hạ, cả miền Bắc sợ hãi màu trắng. Màu trắng dễ bị máy bay phát hiện. Màu trắng đồng nghĩa với chết chóc. Màu đen và màu xanh làm cho người dân quê và cả mấy anh dân phòng cảm thấy yên ổn hơn. Cả nông trường chè, cả làng Yên Hạ sống với đêm tối âm thầm, sống với ánh trăng vừa lãng mạn bình yên vừa thấp thỏm âu lo. Lửa giấu dưới hầm. Đèn vặn nhỏ như hạt đỗ. Không còn những đêm văn nghệ hát hò đèn măng sông sáng choang. Con trai làng ra trận. Con trai nông trường chè ra trận. Làng thưa dần đàn ông. Nông trường chè cũng vơi dần trai tráng.

 
gio ong cut suong nguyet minh tao linh 871
Minh họa: Tào Linh

Sau chiến tranh, tôi trở về. Nông trường chè vẫn còn. Mấy dãy nhà tập thể cho công nhân ở tồi tàn, vách hở, nóc dột; toàn các chị các cô trên dưới ba mươi. Cái tên Xóm Đàn Bà ấy chẳng biết ai đặt và có từ bao giờ. Chịu. Nhưng, có phải chỉ mình cái xóm ấy không chồng đâu. Cái làng Yên Hạ này cũng mấy trăm đàn bà con gái không chồng. Chỉ có điều, cái xóm ở nông trường chè chưa đầy một trăm đàn bà con gái ấy sống gọn một góc chân núi, trơ trơ ra, dễ nhìn thấy. Còn các chị các cô làng này ở trong nhà mình, nhà mình lại ở lẫn cùng các gia đình đủ đầy khác nên ít ai để ý. Thực ra, làng này - làng Yên Hạ - cũng là Làng Đàn Bà không chồng. Nạ dòng góa bụa, gái ế chồng là nỗi lo buồn đeo bám.

Mẹ và chị dâu trưởng cũng mất chồng. Mẹ lo con gái nên chập tối đã cằn nhằn, than thở về đường chồng con muộn mằn của tôi. Cằn nhằn có nghĩa là người đang bất lực, tôi đọc được nỗi lo lắng trong cõi lòng bất ổn sâu thẳm của mẹ. Tôi cố sức chịu, không thể rút ruột kể hết cho mẹ nghe những gì mình đang bị ám ảnh sợ hãi từ dọc đường chiến tranh. Tôi đã ngoài ba mươi. Có bà mẹ nào không héo ruột gan lo lắng khi có đứa con gái chưa đứng đầu đứng số, cứ mòn mỏi, héo hắt. Khổ thân tôi! Nếu như chiến tranh ác liệt, thiếu ăn, gian khổ dường như bất lực trước tuổi thanh xuân bừng bừng sức sống của tôi thì hòa bình, tôi lại bất lực trước thời gian. Người ta cứ bảo tôi trẻ hơn so với tuổi, nhưng thực ra tôi thấy mình đã già đi nhiều.

Bước ra khỏi cuộc chiến, thân thể tôi vẫn còn đầy đặn, nhuận sắc lắm. Vậy mà, chỉ mấy năm sau, tôi tàn tạ như cây lộc vừng xanh bỗng chốc rùng mình một cái, lá rụng lả tả chỉ còn trơ trọi thân cành gầy guộc khẳng khiu; cứ như ngôi nhà hoang, xiêu vẹo, rách nát sắp đổ ụp đến nơi. Mắt thêm quầng thâm và vết rạn chân chim. Loáng thoáng vài ba vết nám in hình trên đôi má không còn căng mịn nữa. Tự nhiên, nước da xanh xao, có lẽ do hậu quả những trận sốt rét rừng theo thời gian lấy đi sức sống non tươi và khí sắc đậm đà. Ngay đến khuôn ngực đầy đặn ngày nào bây giờ cũng đang lép dần như hạt thóc gầy mảnh sót lại ở sợi rơm cuối mùa gặt. Tôi sợ hãi đến mức bỏ luôn thói quen đứng ngắm tấm thân trần trước gương mỗi khi tắm xong. Chẳng lẽ, tôi lại tàn tạ dặt dẹo, héo hắt, mất sức sống đến thế?

Mẹ tôi ban đầu còn xa xôi bóng gió, rằng con nhà ấy bằng tuổi chị đã tay bế tay bồng, lít nhít một lũ con. Vất vả một chút nhưng nhìn đàn con ăn như tằm ăn rỗi cũng mát lòng mát dạ. Tôi giả vờ không nghe được, nói lảng sang chuyện khác. Mẹ sốt ruột, hỏi trực tiếp, rằng chuyện chồng con thế nào, chị cũng phải cho mẹ biết chứ; đã có đứa nào phải lòng chưa. Tôi thủng thẳng khất lần: Vợ chồng là cái duyên cái số. Mẹ cứ cho con từ từ, học xong chuyên khoa ngoại, con cưới chồng ngay. Lúc ấy, mẹ chả có sức mà bế một đàn cháu lóc nhóc như đàn lợn con cho mà xem. Nhưng, mẹ không vui, mẹ biết tôi đang cố trì hoãn. Bà rên rỉ: Con người sinh ra như đũa có đôi; đã sinh ra một người đàn ông, tạo hóa rất cân bằng nặn ra một người đàn bà. Còn trẻ không lo cái thân, đến lúc già vật vờ như cái bóng biết trông cậy vào ai. Ông cha nhà mình ăn ở tử tế, tích đức hướng thiện, sao con lại bạc phúc, phải chịu tội như giời đày...

Con gái nhà quê hai mươi, hai mốt chưa chồng con là bố mẹ đã lo cuống quýt, đi ra đường chẳng dám ngẩng mặt lên. Con gái hai bốn, hai lăm tuổi chưa cưới xin coi như ế chồng. Nhà có gái ế chồng thì làm ăn lụn bại, mùa màng thất bát, nuôi lợn lợn chết, trồng khoai khoai hà. Âm khí bao trùm cửa nhà. Làng xóm người thương thì ít mà người nguýt lườm, châm bị thóc chọc bị gậy thì nhiều.

“Nhà bác có con lợn cái không bán cứ giữ mà nuôi mãi à?”
“Bao giờ tháo ngòi quả bom nổ chậm cho chúng tôi đến ăn mừng với.”

Cãi nhau thì sinh chuyện. Lặng im ngậm bồ hòn làm ngọt thì tức anh ách.
Tôi hiểu, tạo hóa chưa bao giờ làm cái gì thiếu hụt, cũng như không bao giờ làm cái chi thừa thãi. Cả thế giới sinh vật và loài người là một cân bằng sinh thái đến hoàn hảo. Đã sinh ra một con đực, tạo hóa cũng đẻ ra một con cái. Vừa đôi phải lứa, tiền đề cho sinh tồn nòi giống. Sau mấy chục năm chiến tranh, riêng làng Yên Hạ có đến hơn hai trăm trai tráng ra trận mà không về; có nghĩa là ở làng cũng khoảng ấy người phụ nữ thừa ra.

Những cuối chiều mùa đông ảm đạm, sương mù chưa kịp giăng thì khí âm đã bốc lên. Lãng đãng, nghi ngút, trắng mờ, tựa hồ các làn khói mỏng manh. Bầu trời màu xám nặng sùm sụp, hạ thấp xuống, cảm giác có thể thò tay với được. Âm âm. U u. Ngột thở.

Làng toàn đàn bà. Bến sông Trinh Nữ toàn đàn bà ngồi dãi thẻ giăng hàng sát mép nước, bì bọp vỗ giặt quần áo. Đường làng cũng toàn đàn bà vác cuốc, kéo xe ba gác, gồng gánh hoặc dắt trâu đi cày.

Rồi đến tắm sông, đàn bà cũng chật bến. Tóc dài đen xõa mặt nước. Lặng lẽ. Im lìm. Nước mang tính phồn thực và nữ tính. Những người đàn bà cô độc làng Yên Hạ tìm đến nước sông. Những cặp đùi dài, những đôi vai trần, những khuôn ngực căng âm thầm dìm trong nước mát mặc cho sóng nước mơn man, vỗ về. Nước mềm mại ban phát niềm sung sướng hoan lạc, tưới mát cõi lòng khô khát cô đơn, tủi hờn. 

Tôi cũng tìm đến sông Trinh Nữ. Tôi tìm về tuổi dậy thì xa lắc xa lơ trong trắng. Kí ức tràn về đầy ắp dào dạt như con nước lớn mùa hạ, tôi ngỡ mình đang bì bọp tắm dưới sông xưa. Nước triều lên, lũ trẻ trâu ngụp lặn, kì cọ cho mình kì cọ cho trâu. Bến tắm bọn con trai phía đầu nguồn, bến tắm bọn con gái phía hạ nguồn cách nhau chỉ vài trăm bước chân. Trâu đồng đất mập mạp, da đen nhánh cũng lặn ngụp phì phò, thỉnh thoảng lại ngóc đầu ngửa mặt lên trời cười trơ lợi rồi rống lên ồ ồ. Âm thanh khàn khàn là của giống trâu đực ngửi thấy mùi mồ hôi hoặc nước tiểu trâu cái, không chịu được nên kêu nài nỉ tha thiết. Con trâu Cộc chưa thiến rất dữ tợn đã húc chết người nên bị cưa sừng lồng lên, rẽ nước bơi xuôi xuống bến bọn tôi đang tắm. Mọi nỗ lực của tôi cố xóa hình ảnh con trâu cụt sừng, mắt đỏ, gân mặt nổi chằng của nhà Long ra khỏi đầu đều bất lực. Cái sự dữ dội của giống đực khát dục đeo bám tôi mãi mãi.

Hình ảnh Long thì lại kì vĩ hớp hồn, làm tôi cảm phục. Long không buông thừng, như con tắc kè cố bám chặt mình trâu. Con Cộc bơi nhanh, sóng rẽ cuộn đằng đuôi, không cách gì hãm nó lại được. Con Cộc phát cuồng chồm lên. Tôi hốt hoảng rời lưng con Măng thì hai chân trước con Cộc đã giáng đúng chỗ tôi vừa nằm. Con trâu cái gặp bạn tình băm bổ đứng ì một chỗ, mõm nghếch lên kêu ra chiều sung sướng. Long ôm cổ con trâu Cộc như người đánh đu rồi bị hất tuột xuống nước.
Tôi và Long dìu nhau lên chỗ nước nông vừa lút hai vai. Bàn tay Long vô tình ôm phải ngực tôi. Cặp vú mới nhu nhú chũm cau, nhũ hoa sân lại do va chạm khác giới đầu đời. Bất ngờ, tôi rơi vào tình trạng xung động. Có vật gì cứng ngắc thúc sau lưng tôi. Những ngón tay thô cứng của Long thọc xuống qua cạp quần và sờ soạng. Tôi xoay người lại, vật cứng ngắc ấm nóng thúc vào rồi bất ngờ như nước ấm từ vòi phun phụt từng nhịp ngắn vào rốn tôi. Râm ran, tôi cảm nhận có một dòng nước ấm rịn ra giữa hai đùi. Tôi kéo vạt áo bị tốc ngược xuống. Trước lúc nhắm nghiền mắt tận hưởng niềm sung sướng đầu đời, tôi và Long vòng tay, chân co lên quắp vào nhau, cả hai chìm tự do xuống đáy sông đỏ phù sa. Chỉ đến khi sặc nước chúng tôi mới buông nhau ra và ngoi lên bơi vào bờ nằm vật ra. Long nhìn tôi bối rối. Tôi quay mặt đi, giấu e thẹn, ngượng ngùng.

“Miên bị đỉa cắn. Máu chảy xuống mắt cá chân kìa. Để mình bắt cho.”
“Không! - Tôi ngăn bàn tay Long đang cuống quýt định thò vào ống quần. - Máu... mình đấy.”
“Bị thương à? Mình có đụng vào đấy đâu.”
“Ngốc ạ.”

Tôi ghé miệng vào tai Long thì thầm. Long chợt hiểu, mặt nghệt ra.
Dưới sông, con Cộc và con Măng đang bơi bên nhau, thỉnh thoảng lại nghếch mõm lên thở phì phì và cười trơ lợi.
Lúc ấy, tôi và Long mới nhận ra có rất nhiều người đàn bà đang dưới sông uồm uồm lội lên và từ xa chạy đến. Tôi hốt hoảng nhảy tùm xuống sông, nước đến ngang hông.

“Chúng mày có bị làm sao không?”
Tôi và Long lắc đầu.
“Khiếp! Thấy trâu nó lẹo nhau thì bỏ đấy mà bơi xa ra chứ.”
Tôi và Long im lặng.
“Thấy hai đứa chìm nghỉm xuống. Tao chỉ sợ trâu nó bổ móng xuống đầu chúng mày. Sợ quá.”

Tôi và Long vẫn lặng im.      
Trời la lá tối.
Tôi dong trâu về. Tin đồn trâu lẹo nhau hất hai đứa xuống nước tí nữa chết đuối đã lan đi gần nửa làng.
Ông Thọt bô bô kể dọc đường liên thôn:
“Cái con trâu dái cụt sừng ấy khiếp lắm. Năm ngoái, mùa rét thằng cu Long vừa cầm thừng đánh trâu ra khỏi chuồng thì nó ngửi thấy mùi nước đái của con trâu cái nhà tôi. Chả là nó ở cuối chiều gió mà. Thế là nó tế cộp cộp trên đường gạch. Tôi ngồi trên lưng con trâu cái mà nó có nể đâu. Nó chồm lên, một tí nữa là nó bổ vỡ đầu tôi. May mà tôi nhào xuống đất kịp, chân đã thọt lại bị què.”

Có tiếng ai đó đế vào:
“Đã bảo nhà Long thiến mẹ nó đi thì không thiến.”
“Ừ, thiến bố nó đi. Cái giống trâu dái nó dữ dằn lắm. Thấy giống cái là nó cứ muốn đè ngửa ra. À quên, nhảy chồm lên.”
Lại có tiếng chen ngang:
“Mẹ khỉ! Làng toàn đàn bà con gái. Còn vài thằng đực không ra trận được thì què, cụt, sứt môi, lồi rốn; thằng nào cũng yếu ớt, dặt dẹo. Dương khí suy kiệt, âm khí bốc lên ngùn ngụt, làng ta đến thời mạt rồi. Cũng phải để vài con đực dù là giống vật cho khí dương nhuận sắc chứ.”

Quả thật, những câu chuyện đàn ông đàn bà, âm thịnh dương suy sau này lớn lên tôi mới hiểu. Chứ lúc ấy, trong lòng tôi hòa trộn nhiều cảm giác nhẹ nhõm, khoan khoái, thích thú và bâng khuâng. Tôi nghĩ, nghe tin ồn, mẹ sẽ xót xa, rất lo lắng; rồi mừng rỡ khi thấy tôi lù lù về đến nhà còn vẹn nguyên. Mẹ không hề biết đứa con gái tuổi dậy thì đang sung sướng cười thầm mãn nguyện. Mẹ là người tâm lí, biết lo xa. Những lúc chỉ có hai mẹ con, mẹ hay thủ thỉ nói chuyện đàn bà con gái, chỉ bảo chuyện thầm kín từ trước nên chiều nay tôi mới không hoảng hốt. Vậy là tôi đã qua thời trẻ con sang thời thiếu nữ. Lòng thênh thênh, với những niềm vui của riêng mình.

Nhưng hôm sau tôi lại bị chôn vào một hố thẳm ngột ngạt thê lương. Vừa đánh trâu về đến cổng tôi đã thấy người nườm nượp ra vào. Tiếng khóc ai oán của mẹ làm tôi giật mình.
“Đưa tao đánh trâu vào chuồng cho. Vào với chị dâu mày đi.”
“Có việc gì thế chú Thọt?” - Tôi líu cả giọng, run run.
“Anh Trưởng mày chết. Xã vừa mang giấy báo tử đến nhà.”

Tai tôi ù ù như cối xay lúa. Hai đầu gối tôi khuỵu xuống rồi lại nhổm lên, chạy vụt vào nhà. Đám đông đứng ngồi lố nhố. Người sụt sịt. Kẻ lặng im. Người lặng lẽ lau nước mắt.
Mẹ rũ như tàu lá chuối nhúng nước sôi, khóc gào không thành tiếng. Tôi nhào đến bên mẹ. “Anh chết rồi! Con ơi!” Mẹ chỉ kịp nói ời ời trong nước mắt một câu như thế rồi ngất xỉu. Tôi ôm chầm lấy mẹ, nước mắt giàn giụa. Mọi người xúm lại kéo tôi ra rồi khiêng mẹ lên giường, người bôi dầu cù là, kẻ vớ lấy quạt mo quạt lấy quạt để. Cô Hiên y tá rẽ đám đông vào ấn huyệt và kéo tay mẹ làm động tác cấp cứu hô hấp. Chị dâu ngồi trơ trơ ở góc nhà im phắc không nói chẳng rằng, nước mắt không chảy một giọt.

Chị dâu nghe tin đánh nhau ở Quảng Trị ác liệt lắm, người chết như rạ. Người chị sợ nhất làng là ông xã đội trưởng, cứ thấy bóng ông là chị lảng, cứ nghe bước chân ông ngoài cổng là chị sợ run, trống ngực đánh thùng thùng. Ông mà đến nhà ai là có việc lớn, không đưa giấy báo tử thì cũng sức cái lệnh tuyển quân. Có lần ông đến nhà thăm hỏi chúc Tết gia đình bộ đội, chị đánh bạo thưa: “Em nói khí không phải, anh Trưởng nhà em mà chết, giấy báo tử sức về thì xin bác giữ lấy, không bao giờ đưa cũng được.” Ông xã đội trưởng bảo: “Cái cô này ăn nói mất lập trường. Phải đối diện với mất mát hi sinh mà đứng dậy sản xuất ra nhiều lúa gạo chi viện cho chiến trường mau đến ngày thắng lợi cuối cùng chứ.” “Ấy là em nói thế. Em sợ chồng em chết lắm. Có sa sẩy gì em không sống nổi. Cứ coi như chồng em còn sống, còn bận đánh nhau chưa về, đời đàn bà còn có cái mà hi vọng, đỡ đau lòng, bác ạ.” Mẹ mắng té tát: “Phỉ phui cái miệng chị.”
Bây giờ chị dâu trưởng ngồi kia, bất động.

“Khóc lên một tiếng đi em!”
 “Cái con này lạ. Bao nhiêu đám báo tử ở làng, vợ con người ta khóc ời ời mà nó tạnh như không.”
“Nó không nhỏ được nước mắt thế này thì chết mất.”
“Cô van cháu. Cháu khóc đi, khóc được thì lòng mới nhẹ nhõm.”
“...”

Đám đàn bà ngồi bên cạnh mỗi người góp một câu. Người động viên, kẻ an ủi, người lặng lẽ quạt gió cho chị dâu.
Có người đàn bà nào đó đẩy tôi vào trong buồng bắt thay quần áo, lau chùi thân thể. Chị ta quơ vải màn xô của chị dâu vắt trên dây, ấn cả nắm vào giữa hai háng tôi rồi mới cho mặc xi líp. Trong trạng thái ngây hồn, tôi làm theo như cái máy không suy nghĩ, không biểu lộ tình cảm. Vài ngày sau, thương nhớ anh Trưởng và đau đớn nguôi ngoai, tôi cố vắt óc nhớ lại xem ai là người giúp mình trong buổi tối tang thương đó, nhưng chịu, chẳng tài nào lần ra nổi.
Đêm thật dài và sâu.

Người ta bảo “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, không những thấy ma ở cây gạo, tôi còn gặp ma ở nghĩa địa. Tôi đã từng co rúm người khi theo chân anh Trưởng đi bắt cá nhảy khăm qua gò Mã Giáng. Trăng buông mờ mờ. Gò đống hư ảo. Sương đục trắng màu sữa quyện quanh các mộ chí lô nhô cao thấp. Mặt nước vũng trâu đằm, vũng mới cải táng chập chờn ẩn hiện một vành trăng khuyết xanh xao. Thần hồn nát thần tính, những bóng đen chập chờn đứng ngồi trên mả mới ngó nghiêng nhìn tôi, lặng lẽ di chuyển sau lưng tôi. Bước chân ríu lại, níu chặt vạt áo anh Trưởng, và trống ngực đánh thình thình chỉ sợ ma bắt. “Không sợ ma! Không sợ ma!” Tôi cứ lẩm bẩm trong miệng. Anh Trưởng tức cười quá: “Em không nhìn cái lưỡi hái đây à?! Ma nào đến đây, anh chém.” Lại có tối, chị dâu về nhà ngoại, mẹ đi ăn giỗ về muộn, một mình tôi lọt thỏm trong căn nhà rộng tối om. Ngọn đèn chai le lói không đủ ấm để xua đi cái cảm giác lạnh lẽo, u tịch và sợ hãi. Trùm kín chăn tôi vẫn mường tượng thấy các cô hồn rách rưới, đói khát vật vờ đi ngoài ngõ.

Nhưng, đêm báo tử anh Trưởng thì hoàn toàn khác. Có lúc tôi cảm thấy ngột ngạt khó thở, tim nhoi nhói như có ngàn mũi kim châm. Không khí và màn đêm dường như quánh lại. Bóng mẹ, bóng chị dâu và người thân cứ vật vờ. Mãi mãi tôi không thể nào quên được cái đêm đau buồn, nặng nề và lạnh lẽo ấy.

Nửa đêm, hàng xóm lần lượt ra về. Nhà còn ba mẹ con tôi, mấy ông chú, bà cô, ông bác cùng vài đứa em gái chị dâu ở lại cho nhà đỡ hiu quạnh. Bàn thờ anh Trưởng lập vội, bát nhang chưa kịp mua phải cắt một khoanh cây chuối để cắm hương. Mấy ngọn đèn chai khêu hết bấc vẫn tù mù. Hương thắp đỏ như mắt tôm bắt đèn suốt đêm. Trong đêm thỉnh thoảng có người sụt sịt. Cũng có khi lại ời ời vài tiếng khóc vì bị kìm nén không chịu được bật ra tức tưởi. Chị dâu vẫn ngồi như hóa đá. Bóng chị hắt lên vách đen ngòm như dán vào đó không cựa quậy. Tôi có cảm giác, dường như chỉ có cái xác chị ngồi đó, còn hồn vía bỏ chị đi phiêu diêu nơi nào rồi.

“Hình như thằng Trưởng nó về, chúng mày ạ?” - Mẹ ngồi nhổm dậy, vấn lại mái tóc rối bù. Giọng như mê sảng.
“Hay là mẹ mơ?” - Tôi sốt sắng hỏi.
“Thật. Thằng Trưởng về thật. Chả nhẽ ông Cụt cõng nó? Chả nhẽ...”

Mọi người lục tục dậy. Đèn được khêu lên, sáng hơn. Mẹ ngồi ngây đơ, trong lòng đầy nuối tiếc giây phút hiếm hoi được gặp con trai. Rõ ràng vừa rồi mẹ nghe thấy tiếng vó ngựa phi. Mở mắt ra mẹ đã thấy thằng Trưởng khoác ba lô ngồi trên lưng ngựa sau ông Cụt. Nhưng, người ngựa không đứng ở cổng hay ở sân nhà mình mà lại ở mom sông Cái phía bên kia. Mom sông là mỏm đất nhô ra dòng nước, có cây đa cổ thụ buông rễ xùm xòa, có cành vươn ra rễ cây chấm xuống mặt sông. Ôi giời ơi! Ông Cụt không đầu, mặc áo giáp thì là người thuở xưa rồi. Còn thằng Trưởng, mẹ nhận ra ngay, nó mặc áo Tô Châu màu xanh lá cây, mặt buồn rười rượi. Mẹ bảo:
“Trưởng ơi! Mày thương u, mày nhớ vợ, nhớ em thì về đi. Sao cứ ở bên kia sông? Cả nhà đang chờ mày.”
Thằng Trưởng vẫn lặng im. Mẹ năn nỉ:
 “Ông Cụt ơi! Ông làm ơn cho cháu qua sông với. Cho vợ chồng nó về gặp nhau sum họp. Vợ nó còn trẻ, chờ chồng đằng đẵng.”

Hình như thương người đàn bà yếu đuối đang quá đau đớn, ông Cụt nói, giọng trầm vang phát ra từ lỗ họng bị tiện ngang cùng cái cổ, cứ hí hóp:
“Chiến binh này nặng lòng với đồng đội, bao nhiêu người cùng chết chưa về gặp được người thân nên chiến binh không thể bỏ họ về nhà.”
“Chả lẽ chỉ có vậy mà con trai tôi không về với mẹ với vợ?”
“Chưa về được. Hồn vía chiến binh vẫn đang trận mạc...”
“Không! Không! Ông Cụt ơi! Con tôi chết rồi mà. Ông có thương tôi góa bụa, thương đứa con dâu tôi son trẻ cũng góa bụa thì gọi giúp hồn vía thằng Trưởng nhà tôi về với.”
“Hồn vía chiến binh nặng nề lắm. Bà trông xem kìa, bao nhiêu cô hồn lởn vởn dọc hai bờ sông. Họ là những chiến binh chết tức tưởi từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Họ sẽ trách tôi vô tình, nhẫn tâm với nỗi đau của họ.”

Thất vọng. Mẹ ôm mặt khóc tức tưởi, đến khi ngẩng đầu lên nhìn sang bờ bên kia, chẳng thấy bóng dáng ông Cụt và anh Trưởng đâu. Chỉ nước sông mênh mông chảy xa xá. Một màu trắng hiu quạnh và khói sương bay huyền ảo...
“Chả lẽ ông Cụt chỉ cõng thằng Trưởng? Chả nhẽ cho u nhìn mặt mà không đưa nó về nhà? Chả nhẽ... Chả nhẽ...”
Mẹ cứ lẩm bẩm, da diết tiếc nuối. Mọi người không thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Lắc đầu. Thở dài. 
Tôi thầm thũi khóc. Câu chuyện trong cơn mê sảng của mẹ đeo đẳng bám riết tôi kinh khủng. Về sau, câu chuyện này được mẹ kể đi kể lại nhiều lần, tôi mới hình dung được phần nào cái thế giới vô hình mẹ đã phiêu dạt vào đúng cái đêm hôm thê lương ấy.
*
*    *
Ngày ấy, người ta làm lễ truy điệu anh Trưởng ở hội trường ủy ban xã. Một cái thuyền nan úp xuống phủ vải diềm bâu giả làm mộ. Trên mộ vắt lá cờ đỏ sao vàng. Trên phông dán dòng chữ: Vô cùng thương tiếc hạ sĩ Nguyễn Văn Trưởng. Gia đình, họ hàng nhà tôi đứng bên trái. Cán bộ lãnh đạo, chính quyền xã đứng bên phải. Giữa hội trường là đoàn thể phụ nữ, phụ lão, thanh thiếu niên. Nhạc chiêu hồn tử sĩ buồn bã kéo dài lê thê. Ở cái hội trường nhỏ này người ta đã làm lễ truy điệu cho biết bao nhiêu trai làng ra trận. Báo tử bao nhiêu người thì úp bấy nhiêu cái thuyền. Có lần úp tới bốn cái thuyền nan.

“Sao lại báo tử người ta vào đúng ngày giỗ trận nhỉ?” Có tiếng ai đó thì thào hỏi.
“Ừ. Để lui lại vài ngày hoặc báo tử sớm đi vài ngày, có hơn không. Ai lại báo tử, truy điệu đúng vào ngày cả làng cúng người chết. Nhẫn tâm quá. Mà tốt nhất là không báo tử chi hết. Cứ coi như bọn nó còn sống.”
Tiếng chú Thọt ai oán phàn nàn. Ông xã đội trưởng cố ghìm cơn phẫn uất, bảo:
“Đằng nào cũng thế, nay truy điệu một người, mai lại truy điệu một người, tang thương kéo dài lê thê càng đau đớn hơn.”

 Làng Yên Hạ này đã có tiền lệ rồi, thành dớp rồi. Cái dạo Pháp nhảy dù Phát Diệm, cả ba huyện nam Ninh Bình thành vùng tề. Giặc nghi Yên Hạ có bộ đội chủ lực kéo về, máy bay “bà già” châu đến bỏ bom tạ bom lửa xuống làng. Mấy trăm người chết trong buổi đang ăn dở bữa cơm trưa. Dân tán loạn dạt lên chân núi, chạy ra gò đống ngoài đồng. Nhá nhem tối, những người sống sót mới dám lò dò về nhà. Dân làng vừa khóc vừa nhặt nhạnh thi thể người thân đem chôn. Nhà chưa cháy thì ngả cánh cửa làm quan tài, nhà chỉ còn đống than thì xin chiếu manh hàng xóm về bó những cái xác không toàn thây. Gò Mã Giáng, gò Đồng Mo đông nghịt người, đầu trắng màu khăn tang và tiếng khóc ai oái, đau đớn. Nhập nhoạng, máy bay Pháp phát hiện ánh đèn đưa ma trên đồng trở lại dội bom một lần nữa. Thêm nhiều người chết, có người chết hai lần...

Mười bảy năm sau, đúng ngày giỗ trận, nhà đánh cá ao, nhà mổ gà, nhà nhà đi chợ mua đồ về cúng, con cháu đi xa kéo nhau về. Số phận khổ đau không buông tha làng Yên Hạ. Máy bay Mĩ đến, bom tấn dội xuống cầu Bút, bom bi thả vào làng. Ngày giỗ trận chồng chất thêm lần thứ ba đau thương...

Nhạc chiêu hồn tử sĩ lại vặn to lên, trầm buồn, não nề. Người ta bắt đầu làm lễ truy điệu anh Trưởng. Đến lúc này mẹ cũng không khóc được nữa. Cả đêm thức trắng, mệt mỏi và chấn thương tâm thần đã làm cho người thân trong nhà rã rời, kiệt sức.

Tôi không nhớ ông xã đội trưởng đọc điếu văn giọng điệu ai oán, rầu rĩ thế nào, chỉ nghe loáng thoáng được hơn chục chữ: Đồng chí Nguyễn Văn Trưởng đã hi sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam. Mặt trận phía Nam. Ôi trời! Là Nam Bộ? Là nửa nước phía Nam? Mênh mông. Bao sông dài. Biển rộng. Rừng sâu. Núi thẳm. Cả miền Nam bom đạn mù trời, biết nơi đâu mà lần.

Lại thêm một đêm nữa cửa nhà u uất. Đèn vẫn để lom đom đỏ. Người nào người ấy nằm bệt giường. Tiếng khóc không to, không gào thảm thiết. Chỉ sụt sịt khóc. Thảng thốt ơ hờ. Nhưng, sự thê lương chưa hề giảm. Tôi rơi vào trạng thái thức ngủ mơ màng. Trong cơn mơ, tôi nhìn thấy mẹ lúi húi, tay xách xô, tay cầm chổi cùn. Mẹ quét vôi trắng vào thân cây trong vườn. Mỗi cây một vòng vôi trắng như khăn tang. Hai cây cau anh Trưởng trồng đúng ngày đi bộ đội, mẹ quét vòng vôi trắng to hơn. Tôi hỏi: “U ơi! U làm gì lạ thế?” “U cho cây nó để tang anh Trưởng mày đấy.” “Cây cũng để tang hả u?” “Ừ, cây nó cũng biết nghĩ, biết vui buồn, mày không thấy à?” Tôi nhìn lên các vòm cây. Ôi trời! Cây nào cây ấy đều đứng buồn thiu, lá rũ, im phăng phắc.

Sáng hôm sau thức dậy, việc đầu tiên là tôi chạy ra vườn cây. Ôi trời! Thật đúng như trong mơ. Cây vườn nhà chít khăn tang trắng đồng loạt. Cây thì chít vải diềm bâu trắng. Cây thì chít vải màn xô. Hai cây cau chít khoanh vải trắng to nhất. Và lạ kì! Không thể tin được. Các vòm cây đều héo hon, ủ rũ.
*
*    *
Cái buổi sáng dạo ấy có khác buổi sáng bây giờ không nhỉ? Tôi lồm cồm ngồi dậy, thì mẹ đã thức tự lúc nào. Mẹ tôi bảo:
“Biết thế u chẳng kể chuyện ông Cụt nữa.”
“Mẹ chẳng kể thì con cũng vẫn cứ thức. Lần nào về nhà ngủ thì u thức, con cũng thao thức.”
Mẹ tôi thở dài:
“Làng mình âm khí nặng nề lắm con ạ”.
Làng rộn tiếng lao khao. Tiếng người gọi nhau đi chợ sớm. Tiếng quở con gái dậy muộn. Tiếng đánh trâu ra đồng... Tôi nhận ra, toàn là tiếng đàn bà, con gái.
 
S.N.M

 
 
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)