Trời xanh thăm thẳm

Thứ Tư, 23/08/2017 00:24
. ĐỖ PHẤN

X bị bắt. Cái tin đến muộn nhưng không làm ai ngạc nhiên. Ngày nào chả có con nghiện bị bắt trong cái xóm nhỏ ven sông này. Người ta chỉ không thể tưởng tượng ra nổi rằng cần phải có bao nhiêu trại giam để mà nhốt các “tiên ông”. Và lại càng không tưởng tượng nổi trong trại giam người ta đã làm gì với những kẻ như hắn. Ra trại, đứa nào cũng quỷ quyệt, ranh mãnh hơn. Và thật tuyệt vời, chúng nghiện hơn. Cứ y như vừa đi tập huấn một lớp nâng cao nghiệp vụ hút hít trở về.

Lần này thì sẽ ngồi tù lâu, rất lâu là khác. Hắn không chỉ can tội hút hít. Người ta bắt quả tang hắn đang đi bán lẻ cái thứ bột trắng chết người ấy. Cô thầm tiếc cho mình đã không nhận lời mời của em gái sang Đức làm ăn từ dạo cuối năm ngoái. Ngày hắn mới đi cai nghiện lần thứ ba trở về. Béo trắng, nhanh nhẹn và hơn cả là yêu chiều cô hết mực. Hắn đã làm cho cô sống lại những tháng năm tuyệt vời hạnh phúc khi hai người mới quen nhau ở nước Nga. Khi đứa con gái ra đời…

Tài sản duy nhất còn lại sau ngày hắn bị bắt là một cái vỏ nhà rỗng ruột. Nhiều đêm nằm cạnh con, cô đã không tài nào chợp mắt nổi. Chỉ lo hắn sẽ đột ngột trở về bán nốt cô hoặc đứa con. Nhưng chuyện ấy chưa xảy ra. Cô biết lần này nếu không kịp thời quyết định, rất có thể khi hắn về, mọi chuyện sẽ lặp lại như ba lần trước. Lại hứa hẹn, tha thứ và cam chịu cho đến lần tiếp theo! Bán cái nhà đi. Con gái gửi về cho ông ngoại. Lên đường sang Đức. Con gái khóc, bao giờ mẹ về? Cô an ủi, một vài năm nữa mẹ sẽ đón con sang!

Tháng chín, bầu trời xanh thăm thẳm. Đứng ở sân bay, con gái vẫy mẹ. Nó vẫy mãi cho đến khi chiếc máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ chìm khuất trong đám mây lãng đãng cuối chân trời.
*
*    *
Ngày đầu tiên trong cuộc đời, con bé vắng cả bố lẫn mẹ. Ông ngoại còn đang bận chăm bà trẻ mới sinh em bé. Cái thằng cu đỏ hỏn mắt nhắm tịt kia ông bảo nó phải gọi bằng cậu. Ừ thì cậu! Như các bạn ở lớp nó là cùng. Năm nay vào lớp mười, lũ bạn trai đứa nào cũng vỡ tiếng. Giọng nói ồ ồ, cái nhìn lơ đãng, có mấy đứa còn lún phún ria mép trông rất ngộ. Nó đã thành con gái từ lâu rồi. Cái bọn oắt con kia thì biết gì cơ chứ? Cứ cậu cậu tớ tớ nô đùa. Thỉnh thoảng, nó vờ nhảy phốc lên lưng một đứa, tì cặp vú mới tấy lên nóng hôi hổi vào bên ngoài lần áo đồng phục mỏng tang của bạn trai. Cậu ấy mặt mũi đỏ nhừ. Đỏ toàn bộ những chỗ mà nó nhìn thấy. Trong lớp chỉ có một đứa bạn trai là nó chưa thể tìm cách đến gần. Cậu ấy luôn đứng ngoài các trò nghịch ngợm. Mặt mũi lúc nào cũng đạo mạo như thầy giáo dạy môn địa lí. Thầy địa lí là thầy giáo duy nhất ở trường không có học trò học thêm. Địa lí thế giới chả bao giờ thay đổi, ít nhất là trong sách giáo khoa. Sự trang nghiêm mực thước của thầy có lẽ cũng vì thế mà không thay đổi. Không có thu nhập phụ làm gì mà chẳng đạo mạo khinh đời?

Ông ngoại suốt ngày ngồi ôm máy vi tính ghi ghi chép chép hàng chuỗi dài những con số. Nó chỉ biết lờ mờ rằng ông chơi cá độ gì đó. Bà trẻ cũng là dân chơi trên mạng. Từ ngày về ở với ông, bà không chơi nữa. Dành toàn bộ thời gian chăm sóc gia đình và thằng cu mới sinh. Thỉnh thoảng cô bé phải ẵm “cậu” cho bà trẻ rảnh tay giặt giũ, nấu nướng. Đó là một công việc chán nhất. Thằng bé còi cọc luôn miệng khóc mếu, chẳng biết là nó muốn gì. Bà trẻ trạc tuổi mẹ nó, có con lần đầu dĩ nhiên không thể biết. Ông ngoại thì lâu quá không nuôi trẻ nên cũng quên cả rồi. Đôi lúc cáu quá, nó phát mạnh vào mông thằng “cậu”. Thằng bé khóc chết lặng rồi im bặt. Hay là nó thích ăn đòn? Nhưng cô bé không có nhiều cơ hội để đét đít nó! Căn nhà vẻn vẹn hơn hai chục mét vuông, hiếm khi cả ông lẫn bà đều vắng mặt. Nếu một người vắng nhà may ra còn có dịp. Nhưng chuyện ấy cũng ít xảy ra. Ông và bà đều là những người lớn tuổi. Dường như họ đã lãng phí mất rất nhiều năm tháng rồi thì phải. Cứ nhìn cái cách họ quyết tâm dành cho nhau đến ngần ấy thời gian trong ngày thì biết. Đôi khi họ còn không ngại ngần âu yếm nhau ngay trước mặt cô bé. Ông bảo bà, đã mấy hôm rồi đấy! Bà cười sửng sốt, ông này rõ lạ, vừa mới sáng hôm qua, đầu óc nhớ nhớ quên quên thế thì chết! Ông lẩm bẩm, ừ, trí nhớ nó bỏ tôi rồi!…

Buổi trưa oi bức. Sân trường im ắng dưới bóng si cổ thụ. Những con chim vành khuyên tí tách nhặt sâu trong kẽ lá. Chợt tiếng trống trường vang lên gióng giả. Ngôi trường như bừng thức huyên náo. Đám học trò túa ra. Đồng phục trắng xôn xao một góc phố. Thằng Đức đi sau nói nhỏ vào tai con bé, chiều Thủy sang nhà tớ chơi, mẹ tớ đi Sài Gòn rồi! Cái thằng tưởng nhút nhát đạo mạo như thầy giáo địa lí hóa ra sợ mẹ. Sang chơi thì có gì mà sợ? Mẹ chưa bao giờ là người đáng sợ!

Buổi chiều, Thủy nói với ông bà địa chỉ và số điện thoại nhà thằng Đức. Cô bé ôm cặp sách sang nhà Đức. Tất cả các bậc phụ huynh trên đời đều tin rằng con cháu mình đến nhà bạn để học nhóm. Không ai ngăn cản chúng. Có người còn tự hào về trẻ con hiếu học nhà mình. Đám trẻ không cần ai dạy, chúng thừa biết đề nghị của chúng bao giờ cũng được chấp nhận. Dĩ nhiên ban đầu bao giờ chúng cũng quan tâm đến bài vở. Giở sách ra làm bài tập thể. Loáng cái là xong. Trí tuệ tập thể cần được rèn luyện từ nhỏ vì đằng nào thì khi lớn lên chúng cũng phải làm chủ tập thể?

Bố thằng Đức đi vắng, ra nước ngoài làm ăn mấy năm mới về một lần. Ở nhà chỉ có hai mẹ con nó và cô giúp việc. Mẹ đi Sài Gòn, nó còn lại một mình trong căn nhà rộng mênh mông với cô giúp việc cả ngày không nói một câu. Thủy tò mò xem xét khắp nơi. Đi một đoạn lại thấy một cánh cửa, Thủy không hiểu người ta phải làm nhiều cửa thế để làm gì. Nhà nó chỉ có một cánh cửa ra vào. Mở ra là khoảnh sân chung. Nó hỏi thằng Đức những cửa này mở ra đâu. Ngốc thế, phòng mẹ, phòng khách khứa ngủ lại, phòng bố mỗi khi về, phòng cô giúp việc, phòng đặt máy tập thể dục, phòng kho. Thằng Đức dẫn Thủy vào phòng nó. Cơ man nào là truyện tranh, đồ chơi siêu nhân chạy pin và chiếc máy tính màn hình mỏng to đùng. Con bé như mê man trong tiếng nhạc dồn dập, tiếng súng bắn và tiếng gào thét của trò chơi điện tử thằng Đức vừa bật lên. Hai đứa cắm cúi chơi suốt buổi chiều…
*
*    *
Cuối năm, mẹ Thủy viết thư về. Thủy con, mẹ rất mừng khi biết con được lên lớp. Cố gắng lên con nhé… Cuối năm nếu hoàn thành thủ tục bảo lãnh, mẹ và chú Pitơ sẽ về đón con sang…
*
*    *
Chiếc ôtô đen bóng nhẹ nhàng dừng bánh trước cổng. Một hồi chuông ngắn vang lên. Cô người làm chạy xuống hé tấm sắt ở lỗ cổng nhìn ra. Thằng Đức hốt hoảng, mẹ tớ về! Thủy nhìn nó ngặt nghẽo cười thì sao nào. Người đàn bà ăn mặc rất diện lôi một chiếc vali vào phòng khách, cô giúp việc hai tay hai túi lễ mễ theo vào. Con bé quan sát mẹ thằng Đức thầm nghĩ. Bố mình khi “đi xa” mẹ thường buồn bã và ăn mặc rất lúi xùi. Bố Đức đi xa, mẹ nó diện ngất trời. Cũng phải thôi, bố nó đi làm ăn gửi tiền về, còn mẹ mình phải đem tiền đi thăm nuôi bố. Nhưng hai ông bố đều là những người đi xa, có lẽ cũng chẳng khác gì nhau lắm? Nó đem chuyện này nói với thằng Đức. Thằng bé lặng thinh. Nó không muốn nói cái chuyện không muốn nói. Lại càng không thể nói cho Thủy. Thỉnh thoảng có những người đàn ông ăn mặc rất lịch sự đến chơi nhà Đức. Có người còn ngủ lại đêm. Mẹ nó bảo đấy là những bạn làm ăn của bố mang tiền từ bên kia về. Nó chả tin. Người đi tây về thường có cái mùi rất lạ. Một hôm bất ngờ nó thấy chú Huy ôm hôn mẹ nó trong phòng. Hôm khác lại thấy chú Hải dậy rất sớm lấy xe mở cổng ra về. Rồi lại hôm nữa nó thấy mẹ sai cô người làm ra cổng nói với chú Sơn là mẹ nó đi vắng. Thực ra thì mẹ nó đóng cửa ở trong buồng với chú Huy…

Thủy cầm cặp sách rời phòng Đức. Người đàn bà sang trọng thoáng chút ngạc nhiên. Đức lí nhí, chào mẹ, đây là bạn Thủy lớp con! Thủy tươi cười xin phép ra về. Người đàn bà với theo, lúc nào rảnh rỗi cứ sang chơi cháu nhé!                                                                                           
*
*    *
Suốt gần một tháng hè, mẹ Đức vắng nhà. Căn nhà trở thành nơi tụ họp của các bạn cùng lớp. Nhiều hôm chỉ có mình Thủy sang chơi. Hôm nay là ngày nghỉ cuối cùng. Mai đã phải tập trung lớp học hè. Cô giáo chủ nhiệm muốn dạy trước chương trình toán lớp mười hai, cả lớp nộp đơn đi học. Hơn mười mùa hè như thế rồi. Đứa nào lại không quen? Mùa hè là để học trước chương trình những môn cơ bản. Đứa nào không theo, đầu năm làm bài kiểm tra chất lượng khắc biết, chỉ có ngồi mà ngáp.

Thủy ngồi trên giường Đức đọc sách, nghe nhạc. Đức hí hoáy bên máy tính. Hôm nay chúng có vẻ yên lặng. Bao nhiêu trò chuyện huyên náo đã theo chân đám bạn cùng lớp về hết từ sáng rồi. Thấy Đức rất chăm chú bên màn hình, Thủy nhẹ nhàng đến sau lưng nó. Cảnh tượng trên màn hình làm Thủy thoáng giật mình. Những đôi nam nữ trần truồng ôm khít vào nhau. Những cái hôn không dừng ở môi, ở mặt. Hình ảnh qua mạng không mềm mại uyển chuyển như trên phim, nhưng không vì thế mà kém phần khêu gợi. Nó đỏ bừng hai tai, hơi thở gấp gáp. Lúc Đức quay lại thì Thủy đã áp sát cặp vú rắn đanh vào vai nó. Thủy thảng thốt, Đức hay xem phim này? Hôm nay mới xin được địa chỉ, vào mạng thử! Thủy ôm lấy đầu nó xoa nhẹ rồi hôn lên trán nó. Hai đứa từ từ dìu nhau về phía chiếc giường, mắt vẫn không rời màn hình. Chúng thứ tự làm theo những gì đang diễn ra trước mặt. Bỗng Thủy kêu thét lên, có cái gì đó âm ấm chảy giữa hai đùi nó. Đức bật dậy trố mắt sợ hãi…
*
*    *
Buổi tối, mẹ Thủy gọi điện về. Ông ngoại nhấc máy. Nó nghe như có tiếng thút thít ở đầu dây bên kia. Chỉ thấy ông ngoại nét mặt hầm hầm đưa máy cho nó, nói chuyện với mẹ mày! Con à, cứ yên trí học hành đi, chậm nhất là hai tháng nữa mẹ với chú Gioóc sẽ về đón con! Chú Gioóc với chú Pitơ là thế nào ạ? Là hai chú… Tín hiệu tắt phụt. Chắc thẻ điện thoại của mẹ nó hết tiền…
*
*    *
Lớp học thêm mở ngay tại nhà cô giáo. Bàn ghế bé tẹo như hồi ở vườn trẻ. Hơn bốn mươi đứa nhét vào căn phòng hai chục mét vuông nhà cô. Hơi nóng loanh quanh trong phòng bủa vây lấy chúng. Đến chính cô giáo đứng gần tấm bảng cũng luôn tay phe phẩy chiếc quạt giấy mà mồ hôi vẫn nhỏ giọt hai bên thái dương. Học trò đứa nào cũng cảm thấy thương cô. Mỗi ngày chỉ học chừng hai tiếng là cả cô và trò đều mệt lả.
 
pham ha hai
Minh họa: Phạm Hà Hải

Sau hai tiếng học nhà cô, Thủy lại về nhà Đức. Tất nhiên Đức không dám công khai rủ rê. Tan học, Thủy có thể về nhà. Nhưng không hiểu sao như có một ai đó dẫn đường, ngày nào nó cũng về đúng căn phòng của Đức. Hai đứa bật máy nghe nhạc, xem phim và cùng nhau làm chuyện ấy. Cô giúp việc lầm lì suốt ngày chả nói câu nào. Hễ thấy đến giờ ăn mà Thủy còn ở đấy, cô tự động dọn thêm bát đũa.

Sau bữa ăn, mẹ Đức về buồng. Lúc ngang qua nhà tắm chợt phát hiện như có tiếng người nôn oẹ bên trong. Bà đứng lại chờ xem có chuyện gì. Thủy bước ra mặt tái mét. Linh cảm cho bà biết có chuyện không hay. Bà giữ con bé lại nhìn kĩ vào gương mặt nó. Lông mày đã hơi dựng lên. Không còn nghi ngờ gì nữa. Mấy hôm nay cái dáng đi của nó đã có phần hơi gượng gạo. Bà dẫn nó vào phòng mình nhẹ nhàng nói, cháu có thai đấy, yêu nhau thì bác không cấm nhưng còn đang đi học, bác sẽ giúp cháu giải quyết. Sự ngọt ngào của bà làm Thủy lâng lâng xúc động. Nó gục đầu vào lòng bà khóc nức nở.

Mẹ Đức quen rất nhiều người ở đây. Gặp bà ai cũng niềm nở. Việc của Thủy được giải quyết nhẹ nhàng ngay trong buổi sáng. Mẹ Đức dẫn Thủy về nhà dặn dò việc uống thuốc rất cẩn thận. Thuốc men để riêng trong một chiếc hộp ở phòng Đức. Đức không có nhà. Hai ba ngày hôm sau, Thủy sang uống thuốc, Đức vẫn vắng mặt. Chỉ có cô người làm lặng lẽ như một chiếc bóng mở cổng cho Thủy vào. Thủy gặng hỏi, cô người làm chỉ nói, cậu Đức đi với bà chủ vào Sài Gòn! Nó chán nản bỏ ra về…
*
*    *
Cuối thu, bầu trời xanh thăm thẳm. Thủy ngước nhìn về phía chân trời tìm trong những vạt mây thưa bóng dáng của một chuyến bay mà nó hằng mong đợi.
*
*    *
Mẹ Thủy về cùng với một người đàn ông ngoại quốc lông lá xồm xoàm. Hai bắp tay xăm trổ những hình vằn vện các màu trông rất khiếp. Cái bụng lưng lửng đè xuống kéo căng sợi dây lưng to bản. Cái đầu chớm hói lúc lắc trông rất tức cười. Người tây thường già trước tuổi? Nó hay xem đá bóng trên tivi, thấy nhiều cầu thủ hơn hai mươi tuổi mà đầu đã hói tịt. Mẹ nó giới thiệu, đây là chú Pôn! Lại chú Pôn, thế là ba chú!

Đúng như nó nghĩ, chú Pôn còn kém mẹ nó mười sáu tuổi. Mà lạ thế, người Việt so với tây là quá trẻ. Mẹ nó đứng cạnh chú Pôn trông rất vừa đôi. Nhất là khi đi siêu thị mua sắm. Chú Pôn chững chạc điềm tĩnh đi sau, mẹ nó nhí nhảnh lăng xăng chọn hàng, chú rút ví đếm tiền trả chậm rãi như một ông chồng so đo thật sự.

Ở nhà, ông ngoại đã lo làm xong hộ chiếu cho Thủy từ lâu rồi. Mẹ nó về chỉ việc mang giấy mời lên sứ quán Đức xin cấp visa. Hai mẹ con vào sứ quán làm việc. Chú Pôn ngồi chờ ở một bar rượu bên ngoài.

Nhân viên người Việt ở phòng cấp visa nét mặt lạnh tanh, khinh khỉnh. Anh ta xem xét giấy tờ rất tỉ mỉ. Cuối cùng gấp gọn hai cuốn hộ chiếu vào tập giấy tờ đưa trả cho mẹ Thủy, cứ theo như ngày sinh ghi trong hộ chiếu thì chị mới chín tuổi đã sinh cháu, chị về kiểm tra lại đi. Mẹ Thủy cúi đầu thất vọng. Không qua nổi mất rồi! Sang Đức muốn lấy chồng, trót khai ra cái tuổi tạm phù hợp với chồng. Nghĩa là mẹ hăm sáu mà con thì mười bảy!

Không xin được visa, mẹ nó và chú Pôn lại phải quay về Đức. Trước khi đi dặn nó, mẹ sẽ tìm cách cho con sang sau, cứ yên tâm đi học bình thường! Nó rân rấn nước mắt không trả lời. Đi học bình thường ư? Đức đã bỏ nó đi Sài Gòn, bạn bè trong lớp cũng có đứa loáng thoáng biết chuyện. Mẹ Đức cũng đã hỏi han cô giáo chủ nhiệm về nó, chắc hẳn đã biết quá rõ nó là con cái nhà ai!

Nửa tháng sau, Đức gọi điện về cho Thủy. Đầu dây đằng kia Thủy nghe thấy rất ồn ào. Đức đang ở đâu đấy? Mình đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, mẹ mình nhờ chú Sơn đưa mình sang Úc học tiếp, mình xin lỗi nhé, đi vội quá không chào Thủy! Thủy lơ mơ cố hình dung lại người đàn ông tên là Sơn. Cái người đã có lần nó nhìn thấy đứng ngoài cổng nhà Đức, vẻ mặt rất hoang mang và thất vọng. Thủy dập máy không nghe nữa. Thằng Đức sợ mẹ là rất đúng. Mẹ nó làm được bao nhiêu là việc.

Thủy quyết định bỏ học. Ông ngoại nó vừa ốm một trận suýt chết. Nửa đêm xe cấp cứu đến nhà. Bà ngoại bế cậu ngồi ở đầu giường khóc nức nở. Nó loáng thoáng nghe bác sĩ bảo ông nó bị “thượng mã phong” gì đó. Nó chỉ hiểu mỗi từ “mã” ở trong bộ tam cúc có vẽ hình một con ngựa. Thủy bỏ học phần vì chán nản, phần khác là việc xuất ngoại của nó không thành. Nhưng vẫn còn rất nhiều hi vọng. Ở nhà chờ đợi và cũng là giúp bà trẻ được khối việc.

Ông ngoại ốm, mọi việc dồn lên vai bà trẻ ngược xuôi lo toan. Nhiều hôm nó thấy bà trẻ giở túi xách ra tìm kiếm cái gì đó rất lâu rồi lại đậy vào, mắt rơm rớm nước. Tự nhiên nó thấy thương bà trẻ quá chừng. Trạc tuổi mẹ nó mà người thì đang bay nhảy hội hè mãi bên trời tây với chú Pôn lực lưỡng và chững chạc, người thì ngày ngày ngồi đút từng thìa cháo cho ông ngoại nó nằm mơ màng như một ông tiên thoát tục trên giường. Lại còn thêm một ông tiên con suốt ngày nhèo nhẽo là cậu nó. Nó bảo bà, hay bà xin cho cháu đi làm. Cháu biết làm gì bây giờ? Làm gì cũng được! Bà trẻ ôm nó vào lòng khóc nấc lên.

Bà trẻ không xin cho nó đi làm hay không có thì giờ để nghĩ đến việc ấy, nó không biết nữa. Tiền nong mẹ nó gửi về dạo này cũng thưa thớt, nhiều hôm nó đã phải nhịn cả ăn sáng. Chợt nhớ ra có hôm lang thang ở phía Ô Cầu Dền, nó để ý thấy có những quán karaoke lắp cửa kính đen sì, bên trên treo một tấm bảng nhỏ có dòng chữ “tuyển nhân viên”. Thử đến đấy xem sao? Hát hò với nó là việc nó cũng thích và cũng đã được nghe quá nhiều khi còn “học nhóm” ở nhà Đức.
Nó mạnh dạn đẩy cửa bước vào. Tiếp nó là một cậu trai có lẽ chỉ hơn nó vài tuổi, mặt mày bặm trợn, xám ngoét. Họ tên là gì? Ở đâu? Đưa chứng minh thư đây. Nó bảo để quên ở nhà! Lên phòng làm việc luôn nhé, mai mang chứng minh thư đến! Thế còn tiền công? Công nào, vớ vẩn cái con này, lĩnh ở khách ấy, khéo chiều thì lĩnh nhiều, mà mày còn phải chia cho tao nữa đấy! Cậu tiếp tân dẫn nó lên phòng hát hé cửa nói vọng vào phía trong, em cho thêm nhân viên mới lên đây! Bên trong có tiếng quát lè nhè át cả tiếng người đang hát trong loa, vẫn còn thiếu một em nữa đấy nhé! Có ngay, có ngay! Cậu trai đẩy nó chui tọt vào phòng hát tối đen, chỉ nhìn thấy cái màn hình rộng sáng chói và những gương mặt bơ phờ bóng loáng phản chiếu những hình ảnh sáng tối liên hồi. Một bàn tay nắm lấy tay nó kéo vào. Nó ngồi xuống và biết rằng mình đang ngồi trên đùi một người đàn ông nồng nặc hơi rượu. Chưa kịp nhìn rõ mặt, những cái hôn nhờn nhờn lợm giọng đã chan lên mặt nó. Tự nhiên nó ợ lên một tiếng bất ngờ và chạy thẳng vào toilet. Cái cảm giác những ngày đầu có thai lại ập đến, nó nôn thốc một mạch, mắt mờ đi. Gắng gượng quay vào phòng, bây giờ đã có kinh nghiệm, nó khéo léo tránh những cái hôn sỗ sàng và những bàn tay còn đểu cáng hơn thế…
*
*    *
Sáng hôm sau mệt lả trên đường trở về. Thủy tha thẩn đi bộ qua nhiều con phố và chợt nghĩ. Thực ra thì bố nó tên thật không phải là X. Chỉ vì nghiện ngập nên bị dân bờ sông gọi chung vào một cái tên như vậy vừa là để giấu hộ danh tính người nghiện và cũng là để tránh dây dưa vào đám người cặn bã ấy. Thực ra thì mẹ nó cũng muốn đưa nó sang Đức, chỉ không biết đưa sang để làm gì mà thôi. Hay lại là để lấy một chú Pitơ nào đó. Có thể lắm chứ. Nước Đức là một nước thiếu đàn bà, đến như mẹ nó chả xinh đẹp trẻ trung gì…

Thực ra thì Đức cũng yêu nó, nhưng mẹ Đức còn yêu Đức hơn. Chả dại gì để con mình vướng vào một đứa như nó. Thực ra thì ông ngoại cũng rất yêu nó. Nhưng ông ngoại ốm mất rồi. Chỉ còn bà trẻ là người thường xuyên có mặt bên nó. Bà cũng rất yêu nó nhưng sức vóc ấy cũng chả làm được gì nhiều để chứng tỏ. Bà chỉ còn biết ngày ngày động viên nó cố chờ. Thực ra thì nó vẫn chờ…

Trên kia, bầu trời vẫn thản nhiên xanh thăm thẳm như lần đầu hi vọng. Xanh đến mức như chưa hề biết những gì đã xảy ra với nó…
 Đ.P     
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)