Szentendre - Hội An trong những ngõ nhỏ

Thứ Ba, 15/08/2017 00:07
. DI LI

Một chút của nước Áo còn lại
Chiều hôm ấy, khi bầu trời vẫn còn ửng nắng và trong xanh tuyệt đẹp thì nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thông báo bạn của bà đã đến. Đó là chị Nguyễn Phương Thảo và chồng là anh Phan Anh Sơn sống ở Budapest. Họ cất công đi từ Hungary sang Áo để đón chúng tôi với quãng đường hơn hai trăm cây số. Thực ra đó là một người bạn trên Facebook của cô Nhàn và bản thân cô cũng chưa gặp họ bao giờ. Tôi kinh ngạc, và ngại quá đi mất, sắp tới chúng tôi còn ở nhà họ tận hai ngày nữa. Ở nhờ nhà một người bạn của bạn, đề nghị họ đưa đón từ nước nọ sang nước kia, mà người bạn ấy lại chưa ai gặp bao giờ. Đi nhiều, gặp nhiều, tôi kết luận có lẽ chỉ người Việt Nam mới có được thịnh tình hiếu khách và sự hào phóng nhường ấy. Vợ chồng chị Thảo lại là những người khiến khách lạ vừa nhác gặp đã thân thiết ngay từ những phút đầu tiên.

Chỗ chúng tôi đến đầu tiên là tòa nhà Hundertwasser - Krawina nằm tại quận 3, cách trung tâm Vienne chừng bảy cây số, một công trình kì lạ, tác phẩm được kiến trúc sư thiên tài người Áo Friedensreich Hundertwasser (1928-2000) hoàn tất năm 1985. Mặt sau của tòa nhà mới thực là nơi nhộn nhịp vì các tầng trên của khu chung cư với 52 căn hộ vẫn có người ở như thường còn tầng trệt là quán bar, cà phê, phòng tranh và bảo tàng Hundertwasser. Còn vách tường ư? Đó là một công trình nghệ thuật không theo trật tự nào với những đường lượn, những lồi lõm, xiên xẹo, những đa vật liệu và đa màu sắc.  Thi thoảng có vài cành cây khô khỏng chĩa ra từ những cửa sổ hành lang và cả những mảng dây leo kì dị bám trên vách tường. Tính tự do, hài hước của Hundertwasser và cảm hứng từ những sáng tạo hừng hực sức sống của Gustav Klimt tràn ra thành cây cỏ mọc trên mái nhà hay ngay cả trong các căn phòng đang có người ở. Hundertwasser để lại vô số di sản cho người Áo và cũng vì thế mà ông nổi tiếng khắp các châu lục. Dường như quốc gia nào cũng có một kiến trúc sư điên rồ, ấy cũng lại là điều may mắn cho những đất nước sở hữu họ, hay cho ngành du lịch của họ.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn mong ngóng được đến Budapest càng sớm càng tốt để thăm thú bên ấy, tôi thì muốn “câu giờ” ở Áo càng lâu càng tốt, còn chị Liên, một thành viên khác trong đoàn, thì muốn mau chóng đến khu outlet - nơi mua sắm, chỗ ngã ba biên giới Áo-Hung-Slovakia để mua sắm. Anh Sơn, chị Thảo đưa chúng tôi ra outlet, đó là một trong những ngã ba đường biên nổi tiếng nhất thế giới, nằm cách Vienne chừng hai chục cây số. Nó phân chia ba quốc gia Áo - Hung - Slovakia chỉ bằng một cái bàn đá tam giác, mà mỗi cạnh lại quay về một nước, trên có in quốc kì của cả ba nước ấy. Biên giới giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu dường như không tồn tại, chẳng thứ gì có vẻ như là ranh giới giữa chúng, và rủi nếu xe của bạn có đi nhanh quá không kịp đọc biển chỉ đường xem mình đang thuộc địa phận nước nào thì chỉ còn cách trông chờ vào chiếc điện thoại. Chạy quá vài cây số thế nào cũng có tin nhắn của tổng đài nơi bạn đã đăng kí roaming báo cho bạn biết rằng bạn đã sang một quốc gia khác và giá cước sẽ là ngần này tiền. Liền sau đó tên một nhà mạng lạ hoắc cũng hiện lên màn hình thay thế cho cái công ti viễn thông đã quen thuộc từ mấy hôm nay. Outlet vùng biên xuất hiện tất cả những thương hiệu lớn nhất thế giới, được sắp xếp theo từng khu trên sơ đồ và nếu chỉ có duy nhất mục đích mua sắm thì bạn nên có mặt ở đó cả ngày rồi thuê khách sạn ngay tại chỗ mà nghỉ cho khỏe để hôm sau còn tiếp tục khuân đồ và quẹt thẻ…

Chẳng mấy chốc chúng tôi co ro rời khỏi cái outlet quyến rũ ấy, nhọc mệt tìm cho ra chiếc xe đậu giữa rừng xế hộp gắn biển Áo, Hung, Slovakia và thậm chí cả Đức, Séc... rồi thẳng tiến ra xa lộ để kịp cho chị Thảo về nấu phở.

Bánh Lángos ở Szentendre
Chị Phương Thảo là một doanh nhân thành đạt ở Budapest mà bất cứ người Việt nào sống lâu ở đây cũng đều biết đến. Chị có lối nói chuyện duyên dáng, ứng xử chân thành mà khéo léo khiến khách lạ ở tạm cũng cảm thấy thân tình như người nhà. Xe vào đến Budapest lúc đã xâm xẩm tối rồi lại nhanh chóng tách khỏi những con phố người xe tấp nập để chạy ra một hướng khác về phía ngoại ô. Vợ chồng chị có một căn biệt thự lớn ở đó, nơi mà lối vào len giữa các dãy nhà tối om không một ánh điện, chẳng gia chủ nào bật đèn vườn cũng như không một tia sáng nào len ra khỏi những bức tường bí ẩn kín bưng ấy. Ấn tượng ấy thoạt khiến người ta có cảm giác đây là một khu dân cư đã lâu không còn người ở. Chị Thảo yêu thiên nhiên mê đắm và sẵn sàng chia sẻ những thành quả trồng hoa ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào có thể. Chị thất vọng vì chúng tôi sang chậm tí nữa thì sẽ đúng độ xuân về, cây trái đua nở và khu vườn của chị sẽ trở thành thiên đàng để ngắm nhìn, còn giờ thì vườn hoa vẫn còn đương trụi lá. Tôi đi qua mảnh sân tối bưng và lọt vào không gian ấm áp của căn biệt thự hai tầng có gian bếp dễ thương với bộ tủ bếp màu trắng, bức tường hoa nhạt, chiếc rèm voan mỏng phất phơ trong ánh đèn vàng và những dây vạn niên thanh xanh mướt trên cửa sổ. Nhìn căn bếp người ta thường đoán ngay được tính cách của nữ chủ nhân. Chẳng nơi nào phô bày sự thật rõ ràng hơn nhà bếp, thay vì những gì có thể che đậy ở phòng khách. Anh Sơn, chị Thảo là những người hạnh phúc. Họ yêu nhau say đắm khi tuổi đã không còn trẻ, tôn trọng, gắn bó với nhau và sống giữa một không gian tuyệt vời cho những ngày còn lại của thiên đường. Thiết tưởng cũng chẳng còn bình yên và hạnh phúc nào lớn hơn thế. Tôi nhớ rõ từng chi tiết trong căn nhà trang nhã ấy, nơi người ta có thể quên đi những muộn phiền của danh lợi bị bỏ quên ngoài cánh cổng gỗ đang đóng bờ sương giá. Anh chị đã sắp xếp cho chúng tôi hai phòng ở tầng hai, có lò sưởi ấm áp, chăn nệm mới thay thơm phức và đêm ấy, tôi ngủ say giấc trong sắc êm dịu của màu gỗ nâu từ những đồ đạc nhỏ nhắn của căn phòng.

 
szentendre 9542 1 exact978w qsbxyjcm2h
Một góc szentendre - Ảnh: ST

Cả hai tối ở lại cùng gia đình chị Thảo, thấy tối nào cũng có khách. Bữa trước chúng tôi ăn món phở bò tuyệt hảo cùng hai chục vị thực khách đều là người Việt. Nhiều người hay tin về sự có mặt của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn mà thêm phần phấn khích. Tối thứ hai thì tôi được gặp tiến sĩ tâm lí Menis mà anh chị đã nhắc đến hầu như trong tất cả các cuộc trò chuyện. Sáng sau, tôi bị đánh thức bởi những tiếng lách cách nhè nhẹ từ dưới bếp. Tôi xuống phòng ăn khi tất cả đã ngồi vào bàn và đồ điểm tâm đã bày biện linh đình. Ngạc nhiên chưa, nơi tôi ngồi ăn tối hôm qua nằm giữa một khu vườn mà bên ngoài có ao nước nhân tạo bé xinh. Hai mặt tường kính khiến thực khách có thể vừa ăn sáng vừa ngắm nhìn muôn hoa rực rỡ đung đưa trong nắng sớm nếu như giờ đang độ mùa hè. Tuy nhiên, sáng ấy trời ủ nhiều sương mù, nhưng lại cho ra đời một quang cảnh âm u tuyệt mĩ khác bên ngoài cửa kính mà chẳng thể bao giờ bắt gặp ở xứ sở nhiệt đới. Mái ngói đỏ của nhà hàng xóm nhô lên từ sau vách tường ngăn hai khu vườn lân cận, và nó ướt rượt mưa đêm. Đằng sau ấy là tấm phông khổng lồ màu xám của bầu trời chưa tới độ xuân về. Chủ nhà đãi chúng tôi nhiều rau và cả món bơ Hungary mà tôi đồ rằng là loại bơ ngon nhất thế giới mà tôi từng được ăn. Đấy là một buổi sáng đầu tiên trong hàng trăm chuyến đi mà tôi được ngồi thanh thản và bình yên đến thế để trò chuyện ở nơi xứ lạ, các câu chuyện rất thú vị với những người chủ nhà. Dự định hôm ấy chúng tôi sẽ về thành phố Szentendre (thuộc hạt Pest), cách Budapest hai mươi mốt cây số. Chị Thảo ca ngợi nhiều về nó, bảo rằng nhiều cuối tuần chị về đây cho yên ả và để tận hưởng không khí thơ mộng. Chị bảo rồi tôi sẽ thấy, Szentendre là một bản hiếm nữa của Hội An.

Khi đặt bước đầu tiên vào khu phố cổ Szentendre, tôi hơi giật mình. Gì thế kia? Đúng là Hội An thật. Cũng những con đường trải gạch nhỏ hẹp tấp nập khách đi bộ. Cũng tường vàng sậm, cửa gỗ thâm u, mái ngói nâu trầm. Cũng những cửa hiệu đua nhau bán đồ thời trang handmade. Cũng những ngách nhỏ rẽ xiên bất thường. Cũng vẻ lãng mạn, thi vị, rêu phong cổ kính ấy. Đông đúc mà lặng lờ những lắng đọng thời gian. Kì lạ chưa, sao lại có những trùng hợp nhường ấy. Phía đường cái kia, Szentendre nằm nép mình bên dòng Danube khiêm nhường, âu cũng như Hội An nhiều thế kỉ ngả bóng xuống Thu Bồn lặng lẽ. Sông Danube dài 2850km, chạy khúc khuỷu qua nhiều thủ đô của châu Âu, và nghe đâu khúc Danube uốn lượn quanh Szentendre cũng là đoạn sông hữu tình nhất. Szentendre có diện tích bốn mươi tư cây số vuông với gần ba vạn dân, cũng xấp xỉ sáu mươi cây số vuông của Hội An, dù dân số thị thành phố Hội giờ đã gần trăm ngàn người. Chả thế mà tình cờ có đoàn xứ Quảng đi thăm Budapest, rồi ghé Szentendre, về nhà lập tức bàn bạc anh em kết nghĩa, và tin vui ấy là đúng ngày Quốc khánh Hungary 20/8/2014, hai thành phố nổi danh về du lịch, văn hóa và nghệ thuật đã bắt tay hữu tình. Đọc báo nghe đài thấy bảo hôm kí kết có thị trưởng thành phố Szentendre và chủ tịch UBND thành phố Hội An. Tại lễ kí kết, chủ tịch ta bảo thị trưởng họ rằng ngắm sông Danube lại nhớ tới... Thu Bồn. Đấy, cũng đâu phải mình tôi nói thế. Mà thực ra sông nào mà chẳng là sông, nước dòng ở đâu cũng là giống nhau, chỉ khác có đôi bờ.

Duy có một thứ rất khác ở Szentendre là giá cả đắt khiếp. Tây họ trọng đồ thủ công (handmade), nghĩa là trọng sức lao động bằng đôi tay, mình thì lao động rẻ, nên về Hội An coi như được mua sắm tẹt ga, còn dạo một vòng quanh Szentendre khó mà mua được thứ gì. Đồ gốm, đồ thêu tay, túi da thuộc, nữ trang hổ phách... ấy là đắt cắt cổ. Nếu như Hội An có rất nhiều nhà cổ được bảo tồn với kiến trúc hình ống chạy dài vào tận sân trong cùng những gian gác, cột kèo, nhà ngang bí ẩn thì ở Szentendre cũng có vô số bảo tàng được tận dụng từ nhà dân (có thu phí vào cửa). Ở thành phố lâu đời xinh xắn như một thị trấn này, hầu như nhà nào cũng có một hầm ngầm dưới đất. Toilet được đặt dưới ấy, và cũng nhờ đi toilet mà tôi được lạc xuống dưới hầm, trước có lẽ là hầm chứa rượu, giờ biến thành nhà hàng. Trên mặt đất người ta bán thời trang, dưới lòng đất người ta ăn uống trong bóng tối om om của vách đá chật hẹp, với những lối đi trần thấp rẽ ngang dọc y như thời trung cổ. Đi lại dưới ấy, cứ e ngại bỗng đâu lại thình lình bắt gặp một bóng hồn mặc áo gia nhân kiểu dáng thế kỉ 18 đứng im lìm chẹn ngang đường hầm với một giá nến lập lòe trên tay. Ấy thế mà để đặt được một bàn dưới hầm thì cũng đắt ra phết chớ không rẻ như trên mặt đất.

Cũng giống như Hội An, khắp Szentendre người ta mở bảo tàng và phòng tranh. Đặc biệt nhất là bảo tàng nổi tiếng thế giới Marzipan. Ở đây người ta trưng bày các tác phẩm điêu khắc làm từ... kẹo. Khách sẽ được chứng kiến các nghệ nhân nhoay nhoáy nặn kẹo thành những nhân vật bé xíu trong phim hoạt hình. Tuy nhiên, tác phẩm vĩ đại nhất lại chính là ca sĩ Michael Jackson và công nương Diana với kích thước bằng người thật. Trọng lượng của “M. Jackson kẹo” là 62kg và người ta đã phải mất 336 giờ đồng hồ để điêu khắc cho ra hình dạng ông vua nhạc Pop, còn công nương nặng 55kg kẹo thì cũng mất tới 340 giờ chế tác. Các loại nhạc cụ, ô tô, đầu máy xe lửa, chậu cây xương rồng được nặn tinh tế đến từng chi tiết, và đặc biệt là tòa nhà quốc hội ở Budapest được tạo tác trong vòng 4 tháng trời mới xong. Ừ thì ở Hội An người ta chỉ dùng kim chỉ mà thêu dệt thành những bức tranh khổng lồ thì tại phố thị này, họ nặn kẹo ra các tác phẩm điêu khắc. Thực là cân sức cân tài.

Ở Hội An người ta đi chùa Cầu, còn đến Szentendre hãy trèo lên đỉnh đồi để đứng ở sân nhà thờ trung tâm mà ngắm toàn cảnh mái đỏ nhấp nhô của thành cổ. Đến Hội An, khách lãng du tìm ăn cơm gà, cao lầu, bánh đập... thì ở đây, giữa Szentendre này nhất định phải ăn súp cá và bánh Lángos. Món súp cá trứ danh của xứ Hung tôi đã say mê miêu tả về nó trong cuốn “Nụ hôn thành Rome”, vì thế giờ chỉ nên nói đến Lángos. Chính thế, cái cách người ta mua bánh ăn mới giống ở Hội An làm sao. Tôi vẫn còn nhớ hồi lang thang phố Hội, có lần hỏi đại một người đi đường rằng quanh đây có hàng hoành thánh, bánh vạc nào ngon thì được chỉ vào trong một ngách nhỏ. Bán tín bán nghi đi vào trong ấy, càng đi thấy đường càng chít hẹp, thấy giống đi thăm người bà con thất thập cổ lai hi sống quên lãng ở nơi hang cùng ngõ hẻm chớ đâu giống lối vào một tiệm ăn nổi tiếng. Ngờ đâu gần cuối ngõ có một cái nhà hàng thật. Mà thực ra ấy cũng vốn là một nhà dân, chủ nhà ngày ngày vẫn sinh sống ở đó, chỉ tiện việc kê thêm vài bộ bàn ghế cọc cạch vào phòng khách, bày cái bàn chế biến ra ngoài sân, ấy đã là thành... tiệm. Ngồi giữa quán ăn trong con ngõ vắng hoe mà cứ y như về quê ăn cỗ. Ở Szentendre này cũng hệt như thế. Cũng ngóc ngách lắt lẻo trèo leo, rồi khi nhìn thấy một cái sân quê mùa treo tấm bìa đề Lángos, trên tường sát mái nhà còn lủng lẳng một chiếc bánh Lángos bằng nhựa to gần cái chậu, lại thắt nơ vải ba màu quốc kì, bên cạnh treo cái ấm nhôm, chị Thảo bảo tôi: “Đây là nơi bán bánh Lángos ngon nhất vùng này.” Ngon nhất Szentendre ấy cũng là ngon nhất Hungary. Nhất Hungary đồng nghĩa nhất Trung Âu. Mà nhất Trung Âu tức ngon nhất thế giới rồi. Bởi bánh Lángos từ xứ Hung mà ra. Vậy mà cái tiệm bánh trứ danh chỉ là ngôi nhà một tầng treo rèm mành mành kiểu Việt Nam, với ô cửa sổ trổ ra, ngày xưa chủ nhà dùng để đón nắng gió, giờ thêm cái bàn vào bậu cửa để biến thành chỗ bán bánh. Lại chế thêm chiếc ghế băng dài và hẹp cao như quầy bar cho khách đứng tạm mà ăn. Nhưng mà bán hàng kiểu ấy là rất tài tử, rất kiêu, dù ở Hội An hay Szentendre thì cũng như nhau. Hết giờ bán rồi. Mặc cho khách nghếch mũi đứng ngoài rào mà nhòm vào sân trong thèm nhỏ dãi. Đúng là nhà của mình có khác, chả mất tiền thuê, cũng chả phải mướn nhân công, bữa nào khỏe thì nhóm lò, gặp hôm mệt thì nghỉ, chả có làm sao sất. Khách số đen cả đời mới đến Szentendre một lần, lại nhằm đúng hôm chủ nhà kiêm người bán kiêm bồi bàn kiêm đầu bếp khó ở trong người thì đành nuốt bực cất mấy đồng xu trở lại túi quần. Chị Thảo bảo bữa nào có hàng bán thì khách đứng xếp dọc cái sân con này.

Tôi nhớ đường rồi, ấy là cái ngách dẫn lên nhà thờ. Đời mình chả lẽ không quay lại Hung lần thứ ba. Lần sau ấy, nhất định sẽ quay lại Szentendre, và nhất định sẽ lại leo lên ngách, đứng xếp hàng ở sân con để chén kì được món bánh thượng hảo hạng ấy mới yên. Nhưng không được ăn bánh của bà đầu bếp làm Lángos siêu nhất địa cầu thì ăn chỗ khác chớ sao. Lúc ra xe để đi về, tim tôi chợt thắt lại khi nhìn thấy một biển hiệu Lángos bên bờ sông. Mừng húm. Tôi cuống cả lên mua bánh, chỉ sợ tất cả những người bán bánh Lángos đều có chung một đặc điểm là thích đóng cửa hàng đúng vào lúc người ta muốn ăn nó nhất. Lángos thực chất là một loại bánh mì tròn dẹt nên nó cũng được bán như cách ta bán bánh kebab hay bánh mì kẹp thịt, khách mua xong là mang đi luôn chứ không có chuyện ngồi ăn tại chỗ, nên quầy bánh thường chỉ là một ô vuông nhỏ để nhận tiền trả bánh. Bánh Lángos được làm bằng bột mì, sữa, men, đường và muối. Sau khi nướng, bánh sẽ nóng hôi hổi, thơm lừng, phồng to lên và mềm mại để có thể vừa xé vừa ăn. Mặt bánh phủ sốt kem hoặc sữa chua, hoặc khoai tây nghiền, pho mát, xúc xích, thịt nguội, trứng, nấm, bắp cải, rượu kefia. Vị ngọt thì có đường và mứt. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là bánh trơn, loại “không người lái” ăn với nước sốt tỏi. Cũng giống ở Áo, ở đây người ta để sẵn cốc tỏi xay với nước và một cái chổi (loại chổi quét sơn nhỏ). Khách đến ăn lấy chổi phết sốt tỏi lên mặt bánh cho đượm. Lángos vì thế vừa giống bánh mì Nan của Ấn Độ, vừa có vị quẩy chấm mắm chua ngọt. Tôi gọi một chiếc Lángos pho mát, giá quãng chừng bốn năm chục ngàn tiền Việt, nhưng bự tổ chảng vài người ăn chẳng hết, thấy quả đúng như người Hung nói, đến xứ này mà không biết súp cá và Lángos thì mất nửa cuộc đời, khác nào đi Bắc Kinh mà không được ăn vịt quay, ghé Hà Nội mà bỏ qua phở vậy. Chưa phải chiếc bánh mua từ lò Lángos nổi tiếng trong ngõ hẻm trên đường dẫn lên nhà thờ, vậy mà miếng bánh xốp mềm đã tan trong miệng béo ngậy cùng vị đằm pha trộn của pho mát và tỏi xay. Lángos không chỉ nổi tiếng ở Hungary mà còn chu du sang cả Áo, Séc, Slovakia, Croatia, Serbia, Rumani, Ba Lan và Anh Quốc. Người Anh còn đặt tên riêng cho nó là “Bánh mì chiên Hungary”.

Chị Thảo là một nữ doanh nhân có đầu óc kinh doanh thứ thiệt, nhìn đâu cũng ra ý tưởng và lợi nhuận. Thấy chúng tôi tò mò và thích thú với bánh Lángos, chị bảo chỉ cần có người quản lí chung thì ngay lập tức sẽ đưa bánh Lángos về sát Tháp Rùa, nơi tập trung những cái miệng sành ăn nhất xứ Việt. Sẽ chẳng khó gì việc chở một gã đầu bếp người Hung tóc vàng hoe sang đứng lò. Đến giờ tôi vẫn cứ ngóng mãi cái dự án bánh Lángos của chị. Cơ mà khổ, cái người chỉ thèm ăn bánh thì có bao giờ mà làm ra tiền được, nên chị Thảo nói xong liếc mắt một vòng nhìn quanh đầy ý nghĩa xem ai có ý kiến gì, ngõ hầu chỉ thấy người ăn bánh tì tì, chẳng ai có ý định chung chia làm giàu gì hết nhờ Lángos. Tôi đành gõ ra mấy dòng này, hi vọng có độc giả nào đó đọc được mà chợt nảy ý định mở nhà hàng chuyên bán súp cá và Lángos ở ngay Hàng Bông. Lúc ấy mình bỗng được nhờ...
 D.L

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)