Văn xuôi  Truyện ngắn dự thi

Qua khỏi dốc là nhà

Thứ Tư, 24/10/2018 00:22
Truyện ngắn dự thi . BẢO THƯƠNG
 
vdt1
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

- Hạnh đi rồi hả mẹ?
Tiếng hỏi dội vào vách gỗ, lọt qua khe hở, bay ra ngoài thung sâu, thung lũng sâu một màu trắng xóa, từ đây nhìn xuống, không thấy đường chân trời, mù khơi những hơi sương, như một nồi nước xông hơi ngày ốm. Từng lớp mây kéo từ đàng xa chạy về tận chân vách rồi lãng đãng du di như người ta dạo chơi cuối chân trời, một lúc nào mệt quá tìm về với mái nhà, hết buồn lại ra đi, ra đi buồn lại muốn tìm về. Những đám mây nhớ nhà. Anh đưa mắt thật xa, con đường chỗ dốc cao, xuyên qua làn sương mờ, nhìn sâu hơn dưới đó, xem có thấy nếp nhà lợp mái nâu cũ kĩ như thời gian phủ lớp mờ trầm mặc lên không, nhưng tuyệt nhiên không thấy.

Hạnh đã đi, đã dắt đứa bé ra đi, cây mận trước nhà mùa này đã trổ bông trắng xóa. Từ con dốc cuối cùng về đây, anh đã nhìn thấy.
- Thì để tôi làm bố đứa bé.
- Sao đành, Huy.
- Nhân cũng là bạn tôi.
- Đành vậy, nhưng…
- Cũng con người.
- Nhưng…

Hạnh vẫn đi, vẫn dẫn theo thằng bé, chắc men theo cánh rừng cù kì, có thân gỗ màu hổ phách, có lá non hình răng cưa, và những tán cây hình chiếc ô lớn che mát cả một vùng, che mát bầu trời, có che mát nổi mẹ con Hạnh không? Hạnh đã dẫn thằng bé qua lối đó, chắc chắn vậy, bởi đường về đây độc đạo, rừng cây cù kì chắn lối đi. Rừng cây cù kì mùa nào cũng nở những đóa hoa màu trắng nõn nường, cánh nhỏ li ti mà mùi thơm ngào ngạt, Hạnh thường lấy nó tãi lên đầu lên người anh, bảo, Huy ướp bằng hoa này đi cho Hạnh ngửi. Nếu thế, mình có mùi cây à? Mùi cây mới thơm và nồng ấm nhất. Nhưng Huy còn muốn mùi đất và mùi mây. Mùi đất, mây cũng thơm nhưng cây cù kì còn cho Huy sự mạnh mẽ và phóng khoáng, sự tự do và tình yêu nữa, tình yêu của Hạnh đấy, Huy biết không? Nói rồi, Hạnh cười và bỏ chạy, tiếng cười lan vào mây gió, lan vào mái nhà gỗ, lan vào rừng mận thơm, lan vào vách núi, và vào những đóa hoa cù kì còn đầy trên người Huy. Con gái nói bằng mắt, con trai lại thường không biết nghe bằng tai, mẹ anh khi thấy lông ngực con bắt đầu nhú, lông nách ra dài, và Hạnh thì lấp ló ở đầu dốc kia, bà thường nói vậy.

Ông ấy là bố anh. Bố anh ra đi khi anh còn chưa bằng hạt đậu, cũng chưa biết ngọ nguậy như con giun, càng không thể bằng con cua máy đòi ăn trong bụng. Ông ấy chưa biết đến sự hiện diện của một con cua, con giun. Ông ấy đi khi làm chồng với mẹ ba đêm.

Ông ngoại đưa hai mẹ con anh về đây. Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình.

Con có mồ côi đâu, mẹ anh thường cười, rồi lấy tay khều những que củi đẩy sâu vào bếp, ánh lửa hồng rực, khơi lên khuôn mặt lem luốc, khơi lên những đường rãnh sâu hoắm trên da mặt ông ngoại, và khơi lên nét xuân thì trên vòm ngực mẹ, khơi cả đôi mắt lấp lánh biết cười.

Bố anh vì sao không thấy về. Người làng không biết. Ông ngoại cũng chỉ thở dài bảo, đàn ông có nghiệp của họ, đàn bà chỉ biết ngồi bếp khơi tro, nấu cơm, và đun nồi cám lợn. Họ chân ngắn lắm, não cũng ngắn, mắt càng ngắn, đâu nhìn được xa, đái còn không qua ngọn cỏ, nên biết đường nào mà đo lường độ rộng của đàn ông mà tìm. Thôi, cứ ngồi đợi con ạ. Mùa này sang mùa khác, nó có tim, có mắt, nó khắc biết đường tìm về với vợ con, bằng không, cũng là thời vận. Ông chỉ nói thế, rồi cũng ngồi bên vách như mẹ anh, chờ bố anh đã bao mùa. Nhưng chưa bao giờ có người đàn ông nào vác túi càn khôn, đựng cả đất trời, vác cả nghiệp trị bình, đi trên con đường dốc cheo leo, vượt qua rừng cây cù kì. Đi thêm một đoạn là gặp thung lũng hoa săng lơ, loài hoa nở vào mùa xuân, có lá màu hồng, có thân màu tím, rực cả một vùng núi non trùng điệp. Rồi đi vào một con đường chỉ bằng hai bàn chân, là đến một cái vách gỗ. Ở đó chỏng chơ mấy cái nồi đất, mấy cái chân bàn, và hai cái máng lợn, để gặp người phụ nữ ngồi bên nồi cám, và thằng nhỏ ngồi đan lưới cùng ông nó.

Chưa bao giờ anh gặp người đàn ông như thế, trong cách tả của ông ngoại. Đợi đi, rồi nó sẽ về, dáng y chang vậy. Đến cả ngủ mơ, anh cũng bắt gặp hình ảnh đó, y chang, nhưng chỉ trong mơ thôi.

Nên tiếng cười của Hạnh sáng ấy, làm cho câu nói hôm nào của mẹ dội lại.

Tiếng cười lẫn vào với vòm xanh của những chiếc lá màu ngăn ngắt, lá nào cũng giống lá nào, nên anh không thể tìm được nó ở đâu. Bao năm rồi, anh cũng không thể tìm lại nó ở đâu.
- Hạnh lại về hả mẹ?
- Đi rồi!

Mẹ thủng thẳng, rồi đưa ánh mắt xa mờ, nhìn ra rừng mận trắng. Mùa này trắng xóa cả một vùng rộng lớn. Màu trắng của nó làm người ta ngao ngán. Cái thời vụ khắc nghiệt của thiên nhiên thường mang vẻ đẹp lạ lùng kì thú lắm, nhưng chẳng tác động gì đến lòng người, khi mùa giáp hạt tháng ba thường đói. Màu trắng này rồi năm nay lại đói. Sao mẹ biết? Cành rủ xuống, lá cũng rũ như kia, là biết mưa đá về, giông lốc lắm, rồi hoa cũng rụng hết. Lấy gì mà ăn.

Anh lại ngồi bên vách, cũng y chang xưa ngồi cùng ông ngoại, nhìn ra cánh rừng mận bạt ngàn, gió đưa hương thơm nồng nàn của các loài hoa tháng ba lại. Mùa này, nếu ai ở xa về, không thể biết hương kia là loài nào, còn hương kia nữa. Nhưng với chiếc mũi thính nhạy của người chuyên ở rừng, anh biết cả mùi hoa cù kì, dù lẫn với bao mùi hoa khác. Nó lạ lắm, thoang thoảng, ngai ngái và len lỏi, rồi vút lên tất cả các mùi còn lại, để đọng lại lâu nhất, dù đi vào sau nhất. Hoa cù kì.

Mùi hoa ấy chỉ tổ cho kiến về và bướm nở giòi mà thôi, mẹ thường bảo vậy. Nhưng anh không cần biết cái sợ của người già, bởi nó là cái đẹp của tuổi trẻ. Có cánh rừng cù kì bạt ngàn và tiếng cười lẫn vào cây, vào đất, vào hoa, vào cả những vân vi thớ gỗ màu trắng phếch, để anh tìm mãi cho đến tận giờ.

Thung lũng vẫn mưa, giờ, anh đưa mắt nhìn xa hơn, xem có thấy thêm mái nhà nào không, mà tuyệt nhiên không thấy. Kể cả nhà Phiến.

Lần trước về, cũng vào ngày mưa. Trong lúc mẹ ra suối lấy thêm rêu, anh cũng ngồi thế, nhìn ra xa, xuyên qua màn sương. Từ lúc nồi nước xông khói lên mờ mịt, đến khi nó loãng ra, ấy là lúc nồi nguội, rồi tan biến, trời trong trở lại. Mái nhà lợp bằng màu nâu đã hiện ra cuối con dốc, nhỏ bé và cô đơn quá. Nó nằm bên cạnh gốc mận nở hoa trắng xóa, mà mỗi lần về đến dốc, đập vào mắt anh đầu tiên. Ngôi nhà, giờ có thêm một hàng mẫu đơn, cánh mỏng mà thắm rưng rức mỗi độ hè sang.

Nhà Hạnh đấy, bố mẹ Hạnh giờ đây già lắm, ông bà Hạnh thì đã chết như ông bà ngoại anh.

Nhà chỉ còn một con chó và một con mèo, dê không còn thả, ngựa không còn chăn. Hai thân già giờ chỉ ngồi hóng núi và hóng con.

- Cái Hạnh đi xa và lâu quá chẳng về - Ông nhìn hướng gió và bảo - năm nay rồi mưa lốc, gió xoáy, đá lại rải khắp thung lũng này thôi. Rồi chết đói. Tôi chẳng sợ chết đói, có cái Hạnh gửi tiền về. Nhưng rồi sẽ chết buồn. Chết buồn, đáng sợ lắm anh ạ, mà anh…

Ông nói đến đây rồi dừng lại.
“Mà anh chẳng lấy cái Hạnh nhà tôi cho rồi”. Anh đoán được câu ông bỏ lửng đó, nên chỉ cười cười bảo, hai bác giữ gìn sức khỏe, con về chơi. Phải đến tận sáu tháng nữa con mới lại về.

Đi thì cũng in ít thôi. Người già chỉ hóng con cùng hóng chó. Bà cụ nhà anh cũng tóp teo lắm rồi. Đi thì cũng in ít thôi. Tiếng ông cụ đuổi theo anh như cả một đàn ngỗng cổ dài, kêu những tiếng quang quác rượt người chí cùng mỗi lần anh đến, làm sống lưng anh lạnh ngắt, làm cơ thể anh dựng lên những lông măng, người anh ngây ngấy như trong cơn sốt.

Hạnh mấy năm nay chẳng mang thằng bé về. Nó ở đâu? Thằng bé lũn cũn vẫn theo chân anh ra suối câu dạo nọ, bây giờ chẳng biết sao rồi, cao bằng nao, bằng cái sào chọc cứt chưa, như mẹ anh vẫn ví. Chú làm bố cháu không? Cháu muốn thế lắm sao? Bố sẽ cho cháu đi bơi, dạy cháu săn chim, cho cháu cưỡi bò, và đi vào rừng bắt hổ. Rừng kia có nhiều hổ không chú? Hết rồi. Hết từ bao giờ? Từ sau chiến tranh. Chiến tranh hết, sao hổ cũng hết?

Thằng bé cứ dồn dập những câu hỏi, làm anh không biết trả lời sao. Anh cũng không thể lí giải sao chiến tranh hết hổ cũng hết. Khi anh còn ở rừng sâu, nhiều hổ lắm, đồng đội anh nhiều người bị hổ vồ. Đến nay thì tuyệt diệt. Đến thỏ cũng hết. Cáo, chồn, hươu, nai, rồi nhím, chẳng còn con nào. Chỉ còn cá dưới suối, chỉ còn chuột trên đồi.

Thằng bé thích thú với việc đi săn chuột vô cùng.
- Ngon lắm chú nhỉ?
- Ừ.
- Về ta sẽ thui và chấm muối phải không?
- Sao cháu biết?
- Mẹ cháu bảo vậy.
- Mẹ cháu hôm nay có nhà không?
- Có.
- Sao không rủ mẹ cháu qua bên này chơi?
- Mẹ cháu ngại.
- Ngại gì?
- Ngại chú!
- Sao cháu còn muốn chú là bố cháu?
- Vì cháu chưa thấy bố bao giờ.
*
*    *
- Hạnh đi rồi hả mẹ?
Tiếng anh hỏi lẫn vào khói bếp. Khói bếp mịt mù của ngày vừa ra khỏi cơn mưa. Mẹ lấy lá rừng ẩm đun nồi cơm, khói lên cay mắt. Khói lên xuyên qua lớp lá lợp mái, xuyên vào bầu trời ẩm, đọng lại thành từng đám âm âm mà không thoát lên được, gặp cơn gió, tạt vào mặt người, làm mặt anh nhòe hết nước.
- Khói quá mẹ.
- Ừ, cay mắt đó con. Con Hạnh đi rồi. Làm khổ bao đứa thôi.

Bà nói như đổ lỗi cho khói làm cay mắt con bà, như là hiểu đến tận từng góc tối thẳm nhất của thằng con già, bao lần viện cớ chẳng lấy vợ, chỉ chờ nghỉ phép, để lội bộ ba mươi cây số, đi dọc con đường rắn lượn, đi cắt con đường mòn đất đỏ, qua bìa rừng, rồi đến cánh rừng cù kì, vượt qua khỏi nó đến dốc, là gặp mái ngói hình âm dương âm u, đi đến con đường nhỏ chỉ bằng hai bàn chân, là sẽ gặp bà mẹ ngồi đốt lá rừng như ngàn năm rồi vẫn thế.

Anh nghe mẹ nói vậy thì đi xuyên qua làn khói để đi về phía cuối con dốc. Bây giờ vẫn vậy. Trận mưa vừa rồi không làm nó bị sạt lở thêm. Anh đến bên cạnh ngôi nhà có hai cụ già ngồi đếm gió. Chắc đàn ngỗng đã thịt, hoặc mang bán hết. Hai cụ già không sống bằng ngỗng, không sống bằng dê, bò, lợn, mà bằng tiền con gái gửi về hàng kì.

 
new
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Mày lĩnh hộ bác, có lần cụ đề nghị. Anh cũng ra ngân hàng lĩnh đâu vài bận rồi có người bà con xa nhận làm việc đó, nên lâu rồi anh không qua ngôi nhà ấy, dù lần trước có về đi nữa, nhưng chỉ xước qua, rồi ra con suối kia ngồi, nhìn lên bầu trời, lấy tay di di vào những chiếc lá mặt quỷ, bẻ  trái của nó ra xem, bao gương mặt người hiện lên, bao gương mặt bạn bè hiện lên. Nhân đấy. Nhân mặt người. Đâu là mặt quỷ? Mọi người vẫn đùa. Nhưng Nhân chơi thân nhất với anh. Nhân nhà bên kia dốc. Bố Nhân làm thày giáo dưới tỉnh, ít về lắm. Nhân vẫn đến nhà anh chơi mỗi khi không phải lên rừng và đến lớp.

- Mày thích Hạnh hả? - Có lần Nhân hỏi.
- Ừ.
- Tao cũng thích nó.
- Sao mày không ngỏ?
- Vì mày thích rồi.
- Nhưng tao cũng đâu dám ngỏ.
- Nhưng tao vẫn để phần mày.

“Nhưng tao vẫn để phần mày”, câu nói anh nhớ mãi, cho đến cả những khi nằm giữa Trường Sơn bạt ngàn gió nắng, những cơn nguy hiểm rình rập, những cơn sốt rét triền miên, những trận đánh trùng điệp kéo hết thời thanh xuân. Cái chết treo lơ lửng đến nỗi người ta cũng chẳng buồn giơ tay hất nó ra, thì câu đấy vẫn hiện về. Tao phần Hạnh cho mày.
Nhưng Hạnh có chờ anh về không?

Con suối hôm nay chảy ít vì chưa mùa hè, nhưng chính thế lại cho nó sự yên bình lạ, cho nó cả tiếng róc rách thanh thanh, cho nó cái lặng nhất định. Khi trời chiều ở rừng thường tĩnh vắng, thì chính âm thanh động duy nhất này làm người ta giật mình thao thức và chìm sâu hơn vào cõi lặng và cõi mộng của lòng mình. Hạnh không chờ anh, Hạnh đã lấy Nhân.
- Huy về ăn cơm thôi con.

Tiếng mẹ gọi ở cuối con đường anh vẫn nghe thấy. Rừng chỉ cho ta âm thanh là rõ. Ở rừng, tiếng nói bé cũng thành to. Ở rừng, âm thanh gió ngàn khiến con người ta muốn hú lên. Nhưng đừng, hú bỗng thấy thừa. Chỉ lặng yên để cảm nghiệm thôi.

Anh đi bộ lững thững qua chỗ cây sầu đâu ít lá vì bọn trẻ leo trèo bẻ cụt. Anh ngồi lặng yên ở đó thật lâu, tiếng gọi của mẹ để đấy. Bao giờ cũng thế, chuẩn bị nấu cơm, bà sẽ bảo, hai cái chớp mắt là được ăn thôi, cơm vừa sôi, bà sẽ nói, dọn ra nào, để thằng con có đi đâu thì nhớ đường về, bởi người già đợi con hơn đợi cơm. Tao ngồi ăn mày chứ có ăn cơm đâu. Bà thường nói vậy, rồi lấy đũa gẩy những miếng thịt vào bát anh, gẩy khúc cá suối vào bát anh, còn gẩy không khí về phía mình.
- Mẹ ăn đi chứ!
- Tao ngồi ăn mày chứ ăn gì cơm.
- Con thiếu gì đâu mà mẹ nấu nhiều.
- Cái Phiến tháng trước về đây, vẫn hỏi thăm mày.

Mẹ nhắc đến Phiến mà anh thì nghĩ đến Hạnh. Hạnh đã cưới Nhân và khóc khi lần đầu thấy anh đột ngột trở về.
- Tớ không biết.
- Hạnh đâu có lỗi.
- Người ta bảo Huy chết rồi...

Tiếng Hạnh khóc vang cả con đường dẫn lên cái chòi của đôi vợ chồng mù chuyên nghề cạo mủ. Tiếng Hạnh khóc lẫn vào với cánh hoa dủ dẻ, nên nó bỗng có mùi ngai ngái lạ. Tiếng Hạnh khóc lan cả đến rừng cây cù kì phía đường xa nơi rẽ về làng. Tiếng Hạnh khóc làm động những tán lá sầu đâu mà ngày đó còn rậm rạp, không thưa thớt như giờ. Vì ngày đó người trẻ ở làng chỉ có Nhân, anh và Hạnh.
 - Hạnh đừng buồn, rồi Nhân sẽ về.
 - Nhân đi rồi.
- Nhân sẽ về.
- Không phải thế…

Nói xong, Hạnh chạy hết con dốc, để về ngôi nhà gỗ có mái lợp màu âm âm xám xịt đó.
Anh cũng về với chiếc vách gỗ mà lửa bập bùng rọi xuyên qua đó ra ngoài khoảng không vắng lặng.
Thằng bé bảo:
- Hay chú là bố cháu?
- Mẹ Hạnh đồng ý không?
- Chú cứ dạy cháu bơi, dạy cưỡi bò, dạy chăn dê, là thành bố cháu thôi.
- Ai bảo cháu thế?
- Mẹ.

Là anh biết, thằng bé chưa bao giờ được ai dạy bơi, cưỡi bò, chăn dê. Hạnh bảo, đợi bố về để dạy con điều đó.
Nhưng Nhân đi lâu quá rồi. Bố Nhân mất rồi, mẹ Nhân cũng mất. Ba đứa em cần Nhân nuôi nấng.
- Hãy để tôi là bố đứa trẻ.
- Không được đâu. Còn sự nghiệp của Huy.
- Tôi chẳng ngại...
- Không được đâu, đàn ông cần mang túi càn khôn, đựng bồ kinh tế, cần đi xa và có chí khí…

Chính là hình ảnh bố anh, được ông ngoại vẽ lại. Và anh đã vẽ vào đầu Hạnh hết tháng ngày tuổi thơ, khi bẻ trái mâm xôi, khi bắt tổ ong và tắm suối.
- Cái đó đâu là tất cả.
- Nhưng cần với Huy.
*
*    *
- Hạnh đi rồi hả mẹ?
Anh hỏi mẹ vào cái ngày anh trở về. Linh tính sao, anh lại muốn vượt đoạn đường rắn bò ngoằn ngoèo, lỗ chỗ những ổ voi, đi qua những khóm mua già, đi qua rừng cây cù kì để về nhà sớm sớm.

- Nó đi rồi, mang theo thằng bé, nghe nói bố đứa trẻ bên đó. Sang đó liệu có gặp được nhau không, chẳng biết.
Dù sao Hạnh cũng đi tìm Nhân, anh có cớ gì mà mời gọi. Dù sao Nhân cũng là bạn anh, mà tấm lòng thủy chung của người con gái thì cần ngợi ca chứ.

“Cái đứa vượt biên theo chồng Ngụy”, dù sau này, câu nói đó có xát muối lòng anh, khi đâu đó, người trong làng, mỗi lần qua nhà bố mẹ Hạnh, thấy ông bà ngồi bên gốc mận to, đợi đứa con ở nơi xa xôi mà có lẽ chẳng bao giờ về nữa, cứ văng vẳng bên tai anh. Anh là người, Hạnh, Nhân cũng là người. Thằng bé cần có hạnh phúc.

Từ bận đó anh ít về làng. Nhưng anh vẫn hỏi thăm về Hạnh.
- Hạnh có gặp được Nhân không?
- Nào đâu có gặp. Thằng đó chết trên biển từ ngày vượt biên.
- Thế mẹ con cô ấy sống thế nào?
- Thì đi rồi khắc phải sống, còn thở còn phải sống chứ sao?
Từ bận đó anh càng ít về làng…

Hồi đi qua cánh rừng cù kì, mái tóc Hạnh dài vướng vào tán lá, bị gió đánh tả tơi giống như sợi tơ quấn sâu vào từng cái ngạc. Huy! Hạnh dừng xe và vẫy vẫy. Tiếng Hạnh nhỏ và thanh bị trôi đi cùng tiếng suối. Anh gỡ tóc cho Hạnh, một sợi, hai sợi…, anh muốn thời gian trôi thật chậm. Chậm như nhịp đung đưa của những bông hoa trắng muốt vào những ngày lặng gió nhất của mùa xuân, chậm như vòng xe cứ lăn. Qua khỏi dốc là nhà, nhưng anh không muốn tới nhà vội. Anh rủ Hạnh cùng mình rẽ vào khóm dâu da hái trái. Tiếng Hạnh cười rộn vang cả khu rừng vắng. Má Hạnh hồng, khi giơ tay nhón từng trái vàng mọng đưa vào miệng. Ngon quá, Huy. Anh không biết cái ngon của trời chiều, cái ngon của trái rừng thơm ngọt lạ, hay cái ngon của má người thiếu nữ, cùng tiếng cười trong veo tha thiết ấy, làm miệng anh cũng ngọt lịm.

Rừng bây giờ thưa vắng quá. Đoạn dốc cao xưa kia bạt ngàn loài cây sến, giờ cũng hết. Tiếng con chim gì cất lên từng hồi cô độc. Tiếng lẻ bầy khắc khoải xuyên qua khúc suối sâu, xuyên qua hàng cây dẻ ngựa, xuyên một trảng cỏ mướt xanh phía bìa bên ấy, rồi mất hút ở chỗ rừng sâu thẳm nhất …

Anh lững thững qua nhà Phiến. Có bận Phiến bảo, hay em về chăm mẹ cho anh.
Mẹ anh bảo, có tiếng cười con gái sẽ làm mềm đi những bức vách. Phiến hay ngồi bên bức vách cùng mẹ anh, đưa mắt nhìn ra khoảng thung xa. Mưa buồn quá! Phiến nói rồi nheo mắt lại, tránh một giọt sương nặng nước rơi vào khoảng không. Có thằng Huy sẽ đỡ buồn. Khi nào anh về hả bác? Khi nào về bác sẽ gọi con sang.

Phiến sang đã bao năm. Vẫn ngồi bên bức vách, đưa mắt nhìn ra mù xa, cố xuyên thủng bức tường mây, cũng không thể nhìn thấy ngôi nhà nhỏ lợp ngói âm dương, có cây mận nở hoa trắng mỗi đận tháng ba về, và đợi anh.

Phiến có tiếng cười giòn tan của Hạnh. Phiến có cái cổ cao và trắng còn hơn Hạnh. Phiến có dáng đi dịu dàng và mềm như nước chảy dưới khe. Phiến có giọng nói như con oanh cổ xanh trên rừng lo líu…
Mẹ anh bảo, mày còn so sánh với Hạnh, thì mày sẽ không lấy Phiến đâu.

Bây giờ làng mọc thêm một rừng trúc, ngay sát nhà anh. Rừng trúc vào mùa hè thì kêu lên tiếng vi vút lắm, khi gió thổi qua.

Anh hay lang thang lên đó, ngắm những đọt trúc non vừa chui ra khỏi mặt đất, hình nhọn mũi tên nhắm đến đỉnh trời. Những chiếc măng mạnh mẽ quá, con người cũng cần mạnh mẽ như măng, để mà sống.

Anh nghĩ miên man. Đất dưới chân tơi xốp lạ. Từng đám rêu xanh trơn trượt trên đường anh bước. Đám rêu hiền lành, nhu mì và thuần phục. Rêu muôn đời như thế, bé nhỏ và chẳng dám ngoi lên.

Anh chặt một đốt trúc làm sáo.
Món này, anh học được từ ngày ở rừng. Bạn bè anh mỗi người đều có một cây dắt trên ba lô, đi qua bao chặng hành quân, cây sáo vẫn nằm đó. Qua bao trận đánh, cây sáo vẫn vẹn nguyên. Những đêm trời vắng, sao khuya mênh mông, vùng chiến sự những hố bom đất cầy lên một màu đỏ lòm, đỏ cả của máu và xác người, lẫn mùi tanh, gây gây của tử khí, thì tiếng sáo lại cất lên, như thổn thức, như xa xăm, như gửi tấm lòng về nơi xa kia. Cũng là cánh rừng. Phía ấy, có Nhân bạn anh. Về nhanh mà cưới Hạnh, tao vẫn phần mày.

Tiếng sáo anh thổi, bay qua rừng săng lẻ. Tiếng sáo bay qua thung sâu mù mây ngày ẩm ướt. Tiếng sáo dội vào vách núi âm âm, những âm thanh đại ngàn. Tiếng sáo bay qua khoảng không ít ỏi chạy dài của những thửa ruộng bậc thang uốn mình cong như lưng thiếu nữ, mềm mại vài chiếc nón trắng nhấp nhô như cánh cò của những người đàn bà sơn cước cả đời gắn mình bên con, chồng và những viên sỏi cuội. Tiếng sáo xuyên vào làn mây trắng, bẩy cho những xốp bông trắng nõn bật lên cao. Tiếng sáo dội vào suối, làm những chú cá đang bơi lội tung tăng như cũng dỏng tai lên, rồi quẫy nước dập dờ. Tiếng sáo vang đến ngôi nhà nhỏ, giờ có hai cụ già ngồi ngóng con và đếm gió.

Tháng sau anh về đây rồi. Mẹ anh giờ cũng già lắm, vẫn lần mò nấu cơm và đã là người đàn bà miền núi khỏe mạnh, sống dai nhất vùng này.

Anh lại về với cây sáo trúc, về với con suối nhiều cá, về với rừng trụi lá. Nơi đây bây giờ chẳng còn cả chuột. Thung lũng thì vẫn mây mù, nhưng ít đậm đặc hơn. Và vẫn mận. Chỉ còn mận trắng xóa. Người ta trồng thêm, người ta nhân giống, người ta lai tạo. Vùng này giờ chỉ còn mận là bạt ngàn. Mùa về, lái buôn tấp nập ngược xuôi, rừng cây cù kì không còn nữa, gốc cây dâu da cũng không còn. Đất này là đất mận, thung lũng này hóa thung lũng mận. Hạnh về sẽ không biết đường vào làng. Hạnh về sẽ không có cột mốc cù kì đánh dấu, không có hương thơm cù kì dẫn đường, và không nhận ra mùi anh, mùi của tự do, phóng khoáng và đẹp đẽ. Hạnh ước anh có mùi tự do, nhưng rồi anh chẳng thể có mùi đó. Hạnh cũng không muốn anh có mùi đó nữa.

Thằng bé giờ đã lớn. Nó sẽ không còn ước chú là bố cháu. Nhưng nhất định anh sẽ dạy nó bơi, dạy nó cưỡi bò, bẫy thú, nếu nó muốn.
- Hạnh không về hả mẹ?
- Từ bận đó có thấy tăm hơi đâu.

Mẹ anh trả lời thủng thẳng, lại đưa mắt nhìn ra xa qua làn mây mù buổi sáng, sang ngôi nhà bé nhỏ phía chân dốc, có mái ngói màu nâu xếp hình âm dương. Ở đó, anh biết hai cụ già giờ không thể ngồi ngóng gió cùng con được nữa, mà đã nằm bẹp giường. Có người họ xa đến chăm sóc hộ, bằng đồng tiền ít ỏi từ bên kia Hạnh gửi về.
Hạnh rồi sẽ lại chẳng về…

Anh đưa cây sáo lên môi. Cây sáo ngậm môi anh rồi cho ra luồng hơi thẳng vút. Tiếng sáo man dại, tự do và khoáng đạt. Tiếng sáo luồn khe sâu. Tiếng sáo luồn tán cây, gọi về rừng cù kì bị chặt. Tiếng sáo đưa đường anh đến gốc sầu đâu rậm rịt xưa kia. Tiếng sáo vẽ lên hình mặt Nhân với cái cười độ lượng, đáng yêu. Tao phần Hạnh cho mày. Về cưới đi. Tiếng sáo vẽ hình đứa bẽ lũn cũn theo anh ra suối.
- Hạnh, tôi làm bố đứa trẻ nhé?
- Anh còn sự nghiệp.
- Hạnh không phải nghĩ về điều đó.
- Không, Hạnh không muốn...

Người làng bảo Hạnh ra đi vào một đêm không trăng. Thằng bé lũn cũn theo sau. Hai mẹ con giờ ở chân trời nào bên đó. Và Nhân, cũng ở chân trời nào? Anh đâu biết.
Tháng sau, anh về đây rồi.
Rừng hết rồi, chỉ còn lại mận… 
                                                            
 B.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)