Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 844 (đầu tháng 5/2016) được mở đầu bằng bài đối thoại giữa tạp chí và Thiếu tướng Trần Hoài Trung - Cục trưởng Cục Tuyên huấn - nhân kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Cục Tuyên huấn (11/5/1946 - 11/5/2016). Bài đối thoại với tiêu đề Tuyên huấn quân đội vững vàng, kiên định, sáng tạo, tiên phong do nhà văn Nguyễn Xuân Thủy ghi sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về công việc của những người làm công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội.
Phần Văn xuôi giới thiệu bút kí Giao thông vận tải trong chiến dịch Điện Biên Phủ: sáng tạo trong khó khăn của Nguyễn Bắc Sơn và các truyện ngắn Người về đường còn dài của Lê Hoài Lương, Chiếc vòng bạc vía của Kiều Duy Khánh, Sa lan đỏ bãi Xanh của Văn Thành Lê.
“Gã” trong Người về đường còn dài thuộc kiểu “nhân vật chấn thương”, con nhà tập kết, một gia đình từng chắp vá những mẩu vất vưởng bên lề cuộc sống. Tuổi thơ, gia đình, quê hương… với gã đã tan hoang từ tít xa trong chiến tranh khói lửa. Giải phóng, đoàn viên, gã thấy lạc loài trong mắt cha, lạc loài với thời cuộc. Mãi đến khi về thọ tang cha, gã mới cảm nhận là ông đã về. Về thật sau chuyến đi dài. Của ông, của gã.
Không lấy con dao bổ quả dưa ra thì làm sao biết lòng quả dưa nó xanh hay chín. Yêu mà cứ câm nín, không bày tỏ thì làm sao đối phương biết mà đáp lại. Từ ngày người mình yêu về làm chị dâu mình, nỗi buồn trong lòng Bô - chàng trai dân tộc, nhân vật chính của Chiếc vòng bạc vía - ngày một dâng lên, như dòng nước lớn chảy vào ruộng nông. Và đến khi chứng kiến chị dâu hư hỏng, dám để cái vòng bạc vía nhìn thấy chuyện xấu thì Bô chính thức thành cái chum đựng rượu. Sau cuối, liệu Bô có tìm đưa được cái vía khôn trở về?
Nhân vật chính của Sa lan đỏ bãi Xanh tên là Yên mà đời không yên. Với Yên, bãi Xanh là nơi bất khả xâm phạm. Trong Yên luôn cồn cộn ngày hôm qua, cồn cộn bao điều bãi Xanh oằn mình dung chứa. Vậy mà đùng cái, quặng về làng. Như cơn lũ. Lũ của người. Cuốn trôi cổng làng xanh rêu trầm mặc. Cuốn trôi miếu làng dung dị thâm nghiêm. Và hăm hở muốn cuốn trôi bãi Xanh đỏ màu sa lan, đỏ màu kí ức của Yên. Yên - cô gái theo học rồi hành nghề giữ kí ức cho muôn nơi - liệu có níu giữ được bảo tàng kí ức cho làng mình, gia đình mình, bản thân mình?
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” kì này là Hồn quỳnh của nhà văn Phùng Văn Khai, một truyện ngắn đề tài lịch sử với cốt truyện vạm vỡ, giọng văn ma lực. Đường văn thăm thẳm, hút hắt, vô định. Nhưng rất đẹp. Đẹp trong sự bi tráng của cuộc sống lẫm liệt luôn dẫn dụ ngòi bút nhà văn.
Chủ âm của phần Thơ số này là những suy tư về chiến tranh và người lính, về biển đảo với sự xuất hiện nhiều thi phẩm chững chạc, ám ảnh:
- Chàng Gióng của ngàn xưa và người lính hôm nay
Vẫn một dáng tre đằng ngà nối mạch nguồn huyền thoại
Chiến thắng giặc, trao bình yên cho đất mẹ
Rồi thanh thản hóa mình vào núi vào sông…
(Từ bến tàu không số - Trần Bình Minh)
- Biển Việt Nam hiển hách chiến tích
Lằn ranh lãnh hải vẽ bằng máu thiêng
Sóng lăn tăn dấu ngã sóng đuổi nhau sóng vờn sóng dữ
Sóng ôm ghì sóng dâng tràn sóng du dương sóng bão
Sóng ôm sóng hình chữ S
Sóng trắng sóng xanh đều mang vị mặn máu nước mắt đời này kiếp khác
(Sóng S - Vi Thùy Linh)
- Những cánh tay dài ra dài ra của quân bành trướng
Những cánh tay đã bị chặt đứt mấy lần vẫn phù phép mọc ra
(Dáng đứng - Trần Thu Hà)
Nhân vật của “Văn nghệ Quân đội giới thiệu” kì này là tác giả thơ trẻ Nguyễn Đăng Khoa, hiện sống và viết tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Sự có mặt của Nỗi buồn chiến tranh ngày hôm nay vẫn có thể khiến cho những nhà văn và độc giả mẫn cảm và khiêm nhường của Trung Quốc ý thức được sự giàu có và đa dạng của văn học Việt Nam, ý thức được ý nghĩa phổ quát của văn học cũng như tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông mà Nỗi buồn chiến tranh đã đạt tới”. Bài viết Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông (về Bảo Ninh và "Nỗi buồn chiến tranh") của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa do Thiên Thai dịch từ tiếng Trung hứa hẹn là một điểm nhấn thú vị của phần Bình luận văn nghệ số này. Ngoài ra, phần này còn có các bài viết hấp dẫn, đáng chú ý của GS Lê Huy Bắc, PGS - TS Nguyễn Thanh Tú, PGS - TS Tôn Phương Lan, TS Đỗ Thị Hường, nhà văn Ngô Vĩnh Bình.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 844 (đầu tháng 5/2016) dày 120 trang với nhiều tranh, minh họa đẹp, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 5/5/2016. Mời quý vị đón đọc.
Văn
Nguyễn Xuân Thủy
Tuyên huấn quân đội vững vàng, kiên định, sáng tạo, tiên phong…
Lê Hoài Lương
Người về đường còn dài
Nguyễn Bắc Sơn
Giao thông vận tải trong chiến dịch Điện Biên Phủ: sáng tạo trong khó khăn
Kiều Duy Khánh
Chiếc vòng bạc vía
Phùng Văn Khai
Hồn quỳnh
Văn Thành Lê
Sa lan đỏ bãi Xanh
Thơ
Phạm Trọng Thanh
Chuyện cùng hải âu; Hát cùng cỏ biếc; Hát Mụa làng ta
Trần Đình Minh
Từ bến tàu không số; Hạt mặt trời trong đất bazan
Trần Thu Hà
Như nếp nhăn mất ngủ; Dáng đứng
Hương Sinh
Cõi lòng; Cuộc hành trình
Vi Thùy Linh
Hải trình của chai; Sóng S
Nghiêm Quốc Thanh
Điệp khúc một dòng kinh; Tôi đi qua những con đường
Nguyễn Giúp
Mơ thấy ta quay về; Đêm xa quê gặp người anh họ…
Trần Võ Thành Văn
Mạch tưởng sông; Giấc mơ hình trái cau non
Hào Thiện Chân
Vực thẳm; Vị sương; Những con đường màu gió
Hoàng Thúy
Tình yêu, lửa và bài thơ; Mọi dở dang đều rất đẹp
VNQĐ
Giới thiệu tác giả Nguyễn Đăng Khoa
Phạm Quốc Ca
Chuyến tàu qua quê hương; Hạnh phúc
Lương Hữu Quang
Tượng đài Hàng Dương; Nước mắt chiến tranh
Khuất Quang Thảo
Vườn quê; Về thôi
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Thanh Tú
Tiếp thu tư tưởng lí luận văn nghệ nước ngoài ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX
Tôn Phương Lan
Viết về chiến tranh: vấn đề và hiện tượng
Diêm Liên Khoa
Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông (về Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh)
Đỗ Thị Hường
Con đường sáng của Hoàng Đạo và tác phẩm của L. Tolstoy từ góc nhìn so sánh
Ngô Vĩnh Bình
Nhà số 4: một người trong một thời
Lê Huy Bắc
Tiểu thuyết điện ảnh: Ma làng của Trịnh Thanh Phong