. BẢO THANH
Đánh giá một tác phẩm có tính nhân dân luôn căn cứ từ hai phương diện cơ bản là nội dung (phản ánh cuộc sống của dân, tâm tư, tình cảm, ước nguyện, quyền lợi…của nhân dân), và hình thức (phù hợp với thị hiếu của dân, được nhân dân ưa thích, trong sáng, giản dị, dễ hiểu…). Đỉnh cao của tác phẩm có tính nhân dân trong quá khứ là “Truyện Kiều”, một tác phẩm “nói mãi không cùng”, càng đọc càng mới. Ứng những điều này vào hiện thực các sáng tạo nghệ thuật hôm nay càng thấy chúng ta cần phải cố gắng nhiều để đưa tác phẩm trở về với đông đảo quần chúng.
Có “tác phẩm” lấy cảm hứng từ những câu chuyện làm tình (được gọi một cách mỹ miều là diễn ngôn tính dục), miêu tả một cách cặn kẽ, chi tiết những cảnh sex khêu gợi sự thấp hèn xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt, đáng bị lên án.
Có “tác phẩm” lại tràn ngập những ngôn từ tục tĩu, chợ búa (được núp dưới tên gọi diễn ngôn thế tục)…rất thiếu trong sáng, hoàn toàn khác với sự tinh tế kín đáo của tính cách Việt, cũng nên bị loại trừ khỏi tầm quan tâm của bạn đọc chân chính.
Có ấn phẩm lại thẳng thừng chối bỏ văn hoá Việt đã sinh ra chính tác giả, kiểu như: “Bản sắc văn hoá Việt Nam/ Nó giống như một cái xác chết thối/ Giống như một cái gối cũ/ Như một vết thương bưng mủ…”. Cần phải coi đó là thứ phẩm phản động để gạt nó ra ngoài đời sống văn hoá.
Môtip cởi trao là một hình tượng nghệ thuật trong ca dao còn cần nhiều những khám phá thú vị về cả mỹ học hình thức lẫn những giá trị biểu cảm nội dung. Thơ hôm nay cũng sẽ có môtíp này. Đây là một ví dụ:
“…em cởi bỏ mọi trang phục pha lê nứt vỡ
cởi bỏ mọi tư duy hình thức đã khô đình nát bến cạn
hoà nhập vào cơ thể ta đang tốc hành về phía ánh sáng
hay đóng cửa /tự huyễn hoặc mình /và chờ chết?
(Em nóng dần lên - P.H).
Dở vì trơ trẽn, tối tăm, bi quan, chán nản. Trao gởi mà chẳng có gì để gởi trao, chỉ thuần là những động tác, hành vi tăm tối. Trong một tập thơ của một nhà thơ trẻ được trao giải cao, cũng sử dụng môtíp này:
“Hai con thạch sùng làm tình không đủ làm ô uế bàn thờ
Cởi truồng trước ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ.
(Làm tròn - ĐDP).
Đúng là “ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ” (vì chúng không tình cảm, không tư duy) nhưng bạn đọc đọc lên lại cảm thấy xấu hổ, vì bị xúc phạm.
Thơ còn là địa hạt của trí tuệ mà một trong những biểu hiện của nó là cách dùng những hình ảnh thơ độc đáo, hấp dẫn. Hình ảnh “thơ” dưới đây có thể “độc đáo” nhưng không hấp dẫn:
“Ăn trái vú em săn chắc thõng vào mặt như hai quả chuông” ( N.H.H.M)
Vì mâu thuẫn, “vú em” đã “săn chắc” thì không thể “thõng vào mặt” được. Và liên tưởng nghịch vì chỉ có thể “ăn” những trái có nét gần gũi với “vú em” như trái hồng, trái ổi, trái đào…chứ còn “ăn” cả “hai quả chuông” thì trở thành quái gở. So sánh sau vừa thô vừa không thuyết phục được người đọc vì giữa cái so sánh và cái được so sánh không có nét tương đồng nào:
“Bầy tinh trùng như bầy đom đóm bay trong đêm” (V.C.H).
Thơ luôn phải đổi mới, đổi mới quyết liệt bắt đầu từ quan niệm của chủ thể tạo ra những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống. Đó phải là góc nhìn của sự yêu thương kính trọng nâng đỡ con người. Từ chữ tâm (chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài) người nghệ sỹ mới có thể dùng sức nặng của con chữ như Đỗ Phủ nói Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (Lời thơ chưa kinh động lòng người thì chết chưa yên) để trải lòng mình, đem hồn mình tri âm hồn người.
Thơ là sự sáng tạo hình ảnh mới lạ kích thích bạn đọc hướng tới cái đẹp cao cả, hướng thiện, nhân văn chứ quyết không là sự làm lạ bằng những liên tưởng vật hoá:
(1) Mùi gạch non như mùi nách đàn bà (D.T).
(2) Em đi đùi mọng, vú mọng
(3) Em đi mủ đêm, nhớt đêm…( D.T).
Phải thừa nhận tác giả của những câu thơ trên giàu liên tưởng, tạo ra những hình ảnh lạ nhưng không “nên thơ” chút nào. Đàn bà xưa nay vẫn được coi là biểu tượng cho cái đẹp nhưng ở câu (1) thì bị hạ thấp. Câu (2) không mới không lạ, còn câu (3) thì tối tăm quá, “Em” bị coi thường quá. Có thể vì “đổi mới” quá mà thơ đi vào bí hiểm chăng?. Cũng là nói về hình tượng này sao trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm người con gái lại được đề cao đến tuyệt đỉnh, vẻ đẹp của con người sánh ngang với vẻ đẹp của vũ trụ: “Cười như mùa thu toả nắng”.
Một sự liên tưởng ngược lại, vũ trụ như là người con gái nhưng câu thơ dưới đọc lên thật phản cảm vì đó là hình ảnh người con gái – vũ trụ ấy đang trong “ngày đèn đỏ”:
Những đám mây hành kinh trời xa vòm xanh quần lót, mà đôi chân sông núi thập thò…(V.C.H).
Trong khẩu ngữ dân gian, khi các cô gái đến ngày đó chẳng may phải nói ra thì cũng không dám nói thẳng hành kinh mà có cô ý tứ nói “đến ngày…”, “chu kỳ”, “chuyện riêng của phụ nữ…”. Thế mà trong thơ…!!!
Trong sáng tác của một số ít người viết trẻ xuất hiện những hình ảnh không đẹp, tiếc thay lại được sự cổ vũ quá mức cần thiết của một vài nhà phê bình. Một người viết trẻ gần đây in tập thơ mang tên “Hở” có những câu như: “Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ Chị tổng đài giọng nhu mì/ À nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều” (Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông). Thế mà trong một buổi giới thiệu “đình đám” với sự có mặt của hai nhà phê bình “gạo cội” lại được đánh giá “Qua tuyển thơ Hở, độc giả sẽ cảm nhận rõ tố chất thi tài, hiền triết trong mỗi câu chữ”…!!! Chúng tôi xin nhấn mạnh các chữ “thi tài”, “hiền triết”. Thế mà “thơ” thế này: “Em ơi hở sịp rồi kìa, tôi không dám nhắc sợ lia lưỡi nhìn”( Hở). Thôi thì cứ cho quần “sịp” rồi “lông”… vào thơ cũng còn khả dĩ vì, nói như nhiều người, thơ hôm nay đang mở ra đón tất cả những gì ngoài đời sống ùa vào, nhưng các nhà quảng bá lại cho là “thơ … đi vào những biến điệu của đời sống thường nhật: từ việc ăn mặc hở hang cũng trở thành triết lí: Con gái bây giờ thích khoe hàng. Chính thảm họa của văn hóa tiêu dùng hiện đại chạm đến bản chất thi sĩ của L”; “Thơ…mang sắc vẻ trẻ trung nhưng cũng già dặn xa cách với những gì phù phiếm. Trẻ, nhưng đã sâu đậm những triết lý, giả định…”, thì ghê gớm quá vì các phẩm chất “triết lý”, “thi sĩ”, đâu phải nhà thơ nào cũng có được, để trở thành“hiền triết”, “thi tài” ở xứ Việt ta có được mấy người?
Tính nhân dân, một khái niệm lý luận nghệ thuật quan trọng bậc nhất mà không hiểu sao gần đây bị coi nhẹ. Trong các giáo trình mới được xuất bản hình như các nhà học thuật cũng bị lôi kéo bởi tính thời thượng mà dành số trang nhiều hơn giới thiệu về hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền, giới tính, tính dục…Bây giờ hỏi một cử nhân văn chương, nghệ thuật về nội hàm, lịch sử, tính chất… của khái niệm này, chắc là khó khăn đối với họ.
Tính nhân dân là mối liên hệ mật thiết giữa sáng tác nghệ thuật ưu tú với thị hiếu thẩm mỹ, tư tưởng, tình cảm, lợi ích của nhân dân. Ở thế kỷ XVIII các nhà lý luận nghệ thuật Khai sáng phê phán chủ nghĩa cổ điển bởi tính quý tộc bảo thủ, đòi văn nghệ hướng về nhân dân, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần công dân cho họ. Đến thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng bởi phong trào đấu tranh của nông dân chống chế độ nông nô, các nhà dân chủ cách mạng Nga kêu gọi nghệ thuật phải phục vụ cuộc đấu tranh chống bất công. Đứng trên quan điểm duy vật lịch sử cho rằng nhân dân vừa sáng tạo ra của cải vật chất vừa sáng tạo ra những giá trị tinh thần, kế thừa những hạt nhân tích cực trong lý luận đi trước, Mác bổ sung và hoàn chỉnh một quan niệm khoa học về tính nhân dân.
Một tác phẩm nghệ thuật có tính nhân dân là phải phản ánh những sự kiện, những vấn đề của đời sống có ý nghĩa đối với vận mệnh, hạnh phúc của nhân dân. Tục ngữ, ca dao, dân ca có tính nhân dân sâu sắc vì đó là tiếng nói, là tư tưởng tình cảm của nhân dân, khuyên bảo, giáo dục con người hướng đến cái đẹp vĩnh cửu của chân, thiện, mỹ. Thơ Hồ Xuân Hương sâu đậm tính nhân dân bởi đó là tiếng nói bênh vực người phụ nữ, đấu tranh chống lễ giáo khắc kỷ, đồng thời đó là tiếng lòng khát khao hạnh phúc, lẽ công bằng…Một tác phẩm không phải cứ nói về dân nghèo mới có tính nhân dân, vấn đề ở chỗ tác phẩm đó có thể hiện được tư tưởng, tình cảm, lợi ích của nhân dân hay không. Nhìn ở góc độ này ta lại thấy “Chinh phụ ngâm” tuy tập trung nói về nhân vật là phụ nữ quý tộc nhưng qua đó để lên án, tố cáo chiến tranh, nêu cao khát vọng hòa bình, thì vẫn là một tác phẩm có tính nhân dân sâu sắc.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định là quan điểm tư tưởng và thái độ phản ánh của người nghệ sỹ sáng tạo ra tác phẩm có vì nhân dân, tôn trọng nhân dân hay không.
BT
VNQD