Tinh thần khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 20/02/2019 10:34

. CHÍ VĨ


Hạt nhân của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là tình yêu thương con người vô hạn. Rất đúng với câu nói của Người: "Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ áp bức"(1). Tư tưởng ấy được thể hiện sâu sắc, cảm động, đầy tình thương mến trong các bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc Người đi xa.
Nâng niu tất cả...


Như chúng ta đều biết, Người viết bản Di chúc đầu tiên vào ngày 15 tháng 5 năm 1965. Đến tháng 5 năm 1968 Người xem lại và "thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết". ở bản viết này (1968) thì "công việc đối với con người" được Bác nhắc đến trước (Đầu tiên là công việc đối với con người...), hầu như mọi tầng lớp người trong xã hội đều được Bác quan tâm chú ý. Người yêu cầu Đảng, Chính phủ và đồng bào quan tâm một cách thiết thực, cụ thể đến "những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình" bằng cách "làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh". Trong quan niệm của Người vừa thể hiện tình thương, lòng biết ơn nhưng cũng hết sức tin tưởng vào bản lĩnh, nghị lực của những con người "tàn mà không phế". Bác Hồ kế thừa truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" ân tình ân nghĩa của đạo lý dân tộc mà nhắc nhở "mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta". Người quan tâm tới hoàn cảnh gia đình thương binh, liệt sĩ và mong muốn chính quyền giúp đỡ họ "quyết không để họ bị đói rét". Phụ nữ luôn là những người chịu thiệt thòi, vừa phải đảm đang việc nhà, gánh vác việc nước nên Người đề nghị Đảng và Chính phủ "phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo". Với nhãn quan chiến lược đi trước thời đại, Bác Hồ sớm nhìn thấy tình hình đất nước sẽ thiếu hụt cán bộ, công nhân kỹ thuật... mà đã đề nghị các cấp lãnh đạo phải sớm có kế hoạch đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là một tư tưởng biện chứng, có kế thừa, có phát triển và luôn hướng tới tương lai: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".


Tinh thần khoan dung văn hoá Hồ Chí Minh có mạch nguồn từ đạo lý tình thương con người của dân tộc: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng". Người từng lấy hình tượng bàn tay để nói về cách ứng xử giữa người với người, năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, tuy ngắn dài nhưng đều hợp lại nơi bàn tay. Con người ta cũng có thế này, thế khác, người này người khác, nhưng tất cả đều là con cháu Lạc Hồng. Trong Di chúc Người không quên nhắc tới những người lầm đường lạc lối và coi họ chỉ là "nạn nhân của chế độ xã hội cũ". Đối với họ, theo Người "thì Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện". Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là như thế, có lý, có tình, bao dung, độ lượng, luôn đậm tình người.
Nước ta là một nước nông nghiệp, người dân nước ta đa số là nông dân. Trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước vĩ đại, tầng lớp nông dân đã có những đóng góp cực kỳ lớn lao. Điều ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ ghi nhận. "Ăn quả nhớ người trồng cây", một đề nghị của Người thật đúng với tinh thần đạo lý ấy của dân tộc: "Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất".
...chỉ quên mình


Người viết những dòng này khi đã 78 tuổi: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Người dân Việt Nam nói chung gọi Bác Hồ là vị Cha già dân tộc. Một số tộc người Tây Nguyên trong thời kỳ kháng chiến đã tự nguyện đổi tên họ để được mang tên họ Hồ, vì họ coi Bác Hồ là người đã đổi đời cho họ. Không hề ngẫu nhiên một câu ca dao, mà nếu là người Việt Nam thì ai cũng thuộc: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Ngay cách gọi tên Bác Hồ đầy thân thương ấy đã nói lên người Việt chúng ta đã coi Bác Hồ như là một người thân trong gia đình. Vì sao vậy? Vì Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời mình để đem lại cho người dân Việt Nam một cuộc sống mới, tự do, hạnh phúc. "Mong manh áo vải hồn muôn trượng", lúc còn sống Người tận tâm, tận lực vì nước vì dân, đến lúc yên nghỉ Người cũng không hề nghĩ cho riêng mình mà luôn nghĩ đến dân đến nước: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Và thật cảm động, sinh thời đã vì non nước này đến khi ra đi Người cũng mong muốn thân xác mình hoà vào nước non ấy. Người yêu cầu thi hài mình được "hoả táng", "vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng". Nhưng sâu sắc hơn nhiều là một ý tưởng được mãi mãi gần gũi với nhân dân, mãi mãi sống cùng đồng bào mình, non sông đất nước mình: "Tro thì chia ba phần, bỏ vào ba cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.


Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi".


"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết"
Chúng tôi cho rằng hạt nhân trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề đoàn kết. Tinh thần ấy đã được Người kế thừa từ truyền thống: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" và phát triển lên một tầm cao mới ở thời đại Hồ Chí Minh. ở bản Di chúc năm 1965, trong phần nói về Đảng, Người luôn nhấn mạnh tới sức mạnh đoàn kết, coi đó là nguyên nhân thắng lợi cũng là mục đích phấn đấu của mỗi cán bộ đảng viên. Người căn dặn cách tốt nhất để "củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng" là "tự phê bình và phê bình" trên cơ sở "tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Đoàn kết và thấm nhuần đạo đức cách mạng, đấy là hai bài học lớn mà chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn để góp phần giữ gìn Đảng ta thật trong sạch như mong muốn của Bác Hồ.


"Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay"
Các bản Di chúc đều tràn đầy một niềm tin chiến thắng: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà" (bản 1965). Từ "nhất định" được nhắc lại nhiều lần như khẳng định một điều chắc chắn. "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi..."; "Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi..." (bản 1968). "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn" (bản viết ngày 10-5-1969).


Với nhãn quan chiến lược thiên tài, Người đã nhìn thấy trước bước đi của lịch sử và chỉ ra nhiệm vụ "cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn" là mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh. Muốn thắng lợi thì "việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng". Bác đã rất tin tưởng vào sứ mệnh của Đảng ta trước yêu cầu của nhiệm vụ mới. Đảng ta đã lãnh đạo thành công nhiệm vụ giành lại độc lập tự do cho dân tộc nhưng để lãnh đạo thành công nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước thì tránh sao khỏi ngỡ ngàng, sai lầm và thiếu sót vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Bác đã nhìn thấy trước điều ấy nên đã đề nghị "chỉnh đốn lại Đảng" để phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới, "làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó...", tức tài năng, năng lực hoàn thành nhiệm vụ; và "toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân", tức phẩm chất, đạo đức. Như vậy quan niệm của Bác về người cán bộ là phải vừa có tài vừa có đức, hơn cả thời chiến tranh, hôm nay trong thời buổi kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập này ta càng thấy lời Bác căn dặn càng trở nên có ý nghĩa thời sự cấp thiết. Vâng lời Bác, làm theo lời Bác chúng ta sẽ thực hiện tốt điều mong muốn của Người: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

........

CV

(1) Nhà nước và pháp luật Việt Nam - Nhà xuất bản Pháp lý, 1990, tr.174 chuyển dẫn từ sách. Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003, tr.378.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)