2024 đánh dấu đúng 100 năm Joseph Conrad qua đời. Trong khi cuốn nổi tiếng nhất là Giữa lòng tăm tối đã được chuyển ngữ cũng như giới thiệu thời gian trước đây, thì phải sau một thế kỉ (kể từ ngày mất), các tập truyện ngắn của ông mới dần xuất hiện. Giữa đất và nước là một trong số đó, và vẫn cho thấy được sức quyến rũ vô cùng đặc biệt của nhà văn này.
Cuốn sách gồm 3 truyện ngắn Vận may mỉm cười (Nhị Linh dịch), Kẻ đồng hành bí mật (Anh Hoa chuyển ngữ) và Freya của Bảy đảo (Công Hiệu giới thiệu). Những tác phẩm này đều được viết từ những năm 1910, bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ giữa Conrad và viên thuyền trưởng C.M. Marris – người ông đã từng phục vụ trong những chuyến tàu đi qua Mã Lai và cũng đề tặng trong cuốn sách này. Marris cho biết những thuyền viên của mình rất thích đọc các tác phẩm có đề tài đi biển của Conrad, vì vậy mà vị nhà văn đã chấp bút viết nên 3 truyện được đăng lần lượt trên các tạp chí văn học trước khi được tập hợp lại và in thành sách.
Nơi đất liền của cái ác
Vẫn như phần lớn trước tác của Conrad, Giữa đất và nước vẫn lấy bối cảnh những chuyến đi biển đã trở thành dấu ấn đặc trưng của ông. Trong đó tựa đề đặt ra lưỡng đề nhỏ hơn, rằng giữa đất và nước chính là điều gì? Ở tác phẩm này, Conrad đã đặt rất nhiều suy nghĩ vào nội tâm của các nhân vật, từ đó cho thấy không có nơi nào là hoàn hảo cả khi mà con người có mặt ở đó. Với phần lớn tác phẩm lấy đề tài đại dương, không khó để ta áp đặt Conrad coi những chuyến đi là điều tích cực. Tuy vậy qua tập truyện này thế nhị nguyên ấy đã bị lật ngửa để ta nhận ra cả đất và nước chỉ là bối cảnh, trong khi thứ quan trọng hơn chính là con người ngụ ở nơi đó.
Nhà văn Joseph Conrad.
Trong truyện Vận may mỉm cười, Conrad kể về một vị thuyền trưởng chuyên chở hàng hóa cho các ông chủ ở một hòn đảo vốn được mệnh danh là Viên ngọc Đại dương. Tại đây ông đã được gặp vị thương nhân M. Jacobus u sầu, tịch lặng cùng những mánh lới để bán được hàng. Trong thời gian lên đảo, anh cũng gặp được người anh bí ẩn của Jacobus và cô con gái Alice đương tuổi xuân thì nhưng thường trực im lặng với câu cửa miệng: “Tôi chẳng quan tâm”. Tại đây một mối tình lạ đã dần thành hình, từ đó mà vị thuyền trưởng bị cuốn vào chính vòng xoáy mình muốn thoát ra nhưng lại bất khả để cố níu giữ phút giây hiếm hoi khi tình yêu cất tiếng. Kết thúc tác phẩm, Conrad mang đến một kết thúc kì dị nhưng không kém phần ám ảnh, khiến cho người đọc sẽ mãi còn nhớ đến một “vận may” xuất phát từ chuyện tình yêu vô cùng kì lạ.
Truyện ngắn dài nhất và hay nhất này có thể nói đã đại diện cho sự tương phản Conrad đưa ra trong chính tiêu đề. Trong khi nếu giữa biển cả mênh mông, viên thuyền trưởng nhận thấy một sự tự do, nhìn thấy hòn đảo mà mình sắp đến trong làn sương khói của chốn thần tiên, thì khi bước chân vào đất liền, những gì ập đến là sự xô bồ và cái phàm phu của cõi nhân quần. Đơn cử người thuyền trưởng ấy đã kịp nhận ra: “Các lợi ích thương mại đó là thứ làm bại hoại cuộc sống đẹp đẽ nhất trên đời. Tại sao biển lại phải phục vụ cho thương mại - và cả cho chiến tranh nữa? Tại sao lại đi lao thân mình trên biển để giết chóc và buôn bán, theo đuổi các mục đích ích kỉ xét cho cùng chẳng có chút quan trọng nào?”
Mọi thứ được Conrad dẫn dắt từ từ, để sau một quãng ta mới nhận ra được sự bất thường trong thế giới ấy. Ông từng bước đi từ vị thuyền trưởng im lặng không nói thứ gì, cho đến buổi sáng hoành tráng, ngập ngụa đồ ăn thức uống đến từ đất liền. Càng đi sâu vào ta lại càng thấy được những điều khác, từ thói đời gian trá như việc phải đến đám tang của một người không quen không biết trên đảo mới là lịch sự đến việc chứng kiến người anh của Jacobus nhận người có gương mặt giống y hệt mình để làm tay sai và thẳng thừng trừng phạt y dẫu đó là một việc vặt vãnh: “Chuyện này sẽ dạy cho thằng ngốc đó về việc dám quấy tôi vào giờ này”… Cõi đời trên vùng đất ấy vô cùng phức tạp và cũng vì thế đã khiến Alice – người thiếu nữ xuân xanh rơi vào im lặng, còn người vú nuôi già luôn luôn e ngại mọi mối làm ăn – nơi những thương nhân là loài quỷ dữ đánh mất nhân tính.
Không chỉ truyện này mà ở các truyện ngắn khác cũng không quá khó thấy Conrad gửi gắm rất rõ về những ẩn dụ có liên quan đến Kinh Thánh. Chẳng hạn trong Vận may mỉm cười, những phù phiếm ấy của nơi nhân quần là một đại diện cho thất hình đại tội, trong khi ở truyện Kẻ đồng hành bí mật, ta thấy ở đó motif Abel và Cain cũng rất rõ ràng. Như những tội lỗi từ thời nguyên thủy, Conrad nhận thấy ở đây những phàm phu tục tử, những thứ tha hóa đâm vào mục ruỗng. Nhưng như một sự kết nối từ đây sang truyện thứ hai, ta thấy nơi đại dương ấy cũng không hào phóng khi trên tàu thuyền thì những đứa con của Chúa vẫn luôn phạm tội và nghi kị nhau. Kẻ đồng hành bí mật có thể nói là tác phẩm làm rõ nhất cuộc sống cũng đầy phức tạp trên những chuyến tàu. Ta không thấy ở đó bài ca ngợi ca đại dương vốn là lẽ thường, mà còn là những tranh đấu mang tính khắc nghiệt cũng của một đời sống khác.
Một xã hội thu nhỏ
Tập truyện Giữa đất và nước của Joseph Conrad.
Như chính thuyền trưởng trong truyện này nói: “Nhưng điều khiến tôi cảm nhận rõ nhất là tôi vẫn còn lạ lẫm với con tàu; và nếu phải nói hết sự thật, tôi cũng phần nào lạ lẫm với chính bản thân. Là người trẻ nhất trên tàu (chỉ trừ so với viên phó hai), và chưa từng thử sức với một vị trí phải gánh đầy đủ trách nhiệm, tôi sẵn sàng cho rằng những người khác đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ; nhưng tôi tự hỏi bản thân tôi sẽ trung thành đến đâu với hình ảnh lí tưởng mà mỗi người vẫn ngầm đặt ra cho chính mình”. Đối với Conrad, chiếc tàu dường như cũng đồng thời là một xã hội thu nhỏ, nơi những mô hình quyền lực và các nấc thang địa vị cũng đầy khắc nghiệt như trên đất liền. Chính sự cô độc và bị cô lập này đã sản sinh ra nơi vị thuyền trưởng một sự phân chia về mặt não trạng - một kiểu “bác sĩ Jekyll và quý ngài Hyde”. Ta thấy điều đó trong cốt truyện chính, nơi vị thuyền trưởng đã cứu sống một thuyền viên chạy trốn vì giết người ở một con tàu cách đó không xa trên vịnh Xiêm La và nỗ lực giúp y lẩn trốn cái giá treo cổ đang chờ đón mình.
Về mặt động cơ, Conrad tạo ra nhân vật chạy trốn trong sự mơ hồ hoàn hảo đến mức khiến ta nghi vấn liệu nhân vật ấy vốn có tồn tại? Y ta xuất hiện vào đêm trăng sáng khi thang dây được thả xuống đặc biệt và có thể nói là một cơ hội trăm năm có một. Mọi thứ định mệnh sắp xếp cho y, từ căn phòng chữ L dễ bề che giấu cho đến bồn tắm vừa vặn thân người hay tủ chứa đồ che được bản thân… Nhân vật này vừa hiện tồn một cách vật lý, nhưng cũng không khỏi khiến ta hoài nghi liệu y có phải là một motif tương tự như của Stevenson, nơi não trạng chia đôi để ủi an mình trong lúc nào đó. Nếu theo nghĩa đó, có thể thấy rằng sự lạc lõng của một thuyền trưởng trẻ là một áp lực vô cùng to lớn. Nó khích bác y phải tạo cho mình đến 2 nhân dạng khác nhau, một tự gò mình vào trong khuôn khổ không thể thoát ra, một cho bản thân cảm giác tự do không thể trốn chạy. Cho đến cuối cùng khi nhân vật này nhảy xuống bờ biển cùng lúc với người thuyền trưởng đã lần đầu tiên thành công áp đặt mệnh lệnh của mình lên những người khác, thì ta thấy đây chính là kết cục có ý nghĩa kép đã giải thoát cho cả 2 bản thể.
Qua Kẻ đồng hành bí mật ta thấy với Conrad ngay khi trên thuyền thì đó cũng là một nơi không hẳn hoàn hảo. Truyện Freyda của Bảy đảo cũng cho ta thấy góc nhìn tương tự xoay quanh một motif vô cùng kinh điển, về chuyện tình yêu của phía ác báo có quyền lực và nơi thiện lành không có gì cả. Những tưởng những viên thuyền trưởng mang trong mình tinh thần tự do và làn gió khoan khoái sẽ có những cách hành xử khác đi, nhưng bản chất con người đã mang trong mình mầm mống bất khả. Qua câu chuyện này Conrad cũng nói nhiều hơn về sự áp đặt quyền lực của đế chế và những nỗi sợ thâm căn cố đế đến mức ám ảnh, biến một người cha không thể bảo vệ được con gái mình. Ông cũng cho thấy một tuổi thanh xuân không hề biết sợ thế nhưng cũng chính sự không giới hạn ấy đã đem lại bi kịch. Cũng như cuối cùng là thứ tình yêu gần như độc nhất không thể cản ngăn, nó vừa là cứu cánh nhưng cũng có thể là một nhát dao bén ngót đâm vào con tim của một sinh vật vẫn đang còn sống.
Có thể nói qua 3 truyện ngắn trong tập Giữa đất và nước, Conrad đã dựng nên những câu chuyện hấp dẫn và đầy kì lạ, để qua đó cho thấy bản chất phàm phu của chính con người. Từ một câu chuyện đậm tính Gothic đến retell Kinh Thánh, một tình yêu kinh điển đến mô hình doppelganger hấp dẫn và đầy bí ẩn, Conrad cho thấy sự phong phú trong cách kể chuyện cũng như tài năng trong việc khơi dậy tâm lí nhân vật. Có thể nói dẫu một trăm năm cũng đã trôi qua, nhưng những kho tàng mà ông để lại vẫn còn giá trị, không thôi chất vấn lương tâm người đọc ở ngay buổi này.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD