Sen thắm giữa đời

Thứ Năm, 09/01/2025 00:32

(Đọc Sen thắm giữa đời của Nguyễn Hưng Hải, Nxb Nghệ An, 2024)

. ĐOÀN MINH TÂM
 

Nguyễn Hưng Hải là nhà thơ nặng lòng với đề tài về Bác Hồ. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông liên tục xuất bản nhiều tác phẩm viết về Bác như các tập thơ Bài thơ dâng Bác (2012), Dâng Bác một niềm thơ (2014), Ươm từ vườn Bác (2015), Cây bụt mọc trong vườn Bác (2017), Vành hoa đỏ dâng Người (2019)… Và trong năm 2024 này, bản danh sách những tác phẩm viết về Bác của nhà thơ lại có thêm một cái tên mới: trường ca Sen thắm giữa đời.

Trước nay khi viết trường ca về Bác, các tác giả thường tận dụng tối đa ưu thế của thể loại nhằm tái hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ cuộc đời của Bác từ khi sinh ra, lớn lên, trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng rồi đến khi về với “thế giới người hiền” như Theo chân Bác của Tố Hữu, Một người thơ tên gọi của Nguyễn Thế Kỷ. Ở một lựa chọn khác, các tác giả sẽ tập trung khai thác hình tượng Bác ở trong một khoảng thời gian nhất định. Hình ảnh Bác thuở thiếu thời trong Đi giữa một mùa sen của nhà thơ Thanh Tịnh, hay lúc ở Tân Trào trong Trăng Tân Trào của nhà thơ Hữu Thỉnh là những trường hợp như thế. Xét về khía cạnh thời gian, Sen thắm giữa đời được Nguyễn Hưng Hải viết theo kiểu thứ nhất, tuy nhiên đã có những biến đổi nhất định về phương thức thể hiện. Nhà thơ không tái hiện cuộc đời Bác theo dòng thời gian tuyến tính như nhiều trường ca khác mà lựa chọn dòng thời gian hồi tưởng vốn tuân theo logic của tâm trạng nhân vật trữ tình. Ví như ở khúc đầu tiên, Nguyễn Hưng Hải đưa bạn đọc đến với quãng thời gian Bác về thăm quê: Nén hương cong những tâm tư/ Về quê Bác lại giống như ngày nào; đến khúc 4, nhà thơ lại trở về với những ngày tháng tám mùa thu lịch sử giữa Ba Đình: Ai ngờ ông Ké bản mình/ Lại là Bác giữa Ba Đình mùa thu/ Có gì đâu chỉ sắn ngô/ Ngày sương trắng núi, đêm mưa bạc rừng. Cứ thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác hiện dần lên qua những hồi tưởng, xúc cảm của nhân vật trữ tình. Sự linh hoạt về thời gian này cho phép tác giả phản ánh tầm vóc và sự ảnh hưởng lớn lao của Bác đối với cá nhân mình và đất nước theo cả ba chiều thời gian: quá khứ - hiện tại - tương lai. Ở quá khứ, tác giả nhắc về công lao trời biển của Bác khi mang lại độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước, đem lại cơm no áo ấm cho toàn dân tộc, trong đó có gia đình mình: Nạn đói năm bốn lăm còn rùng rợn đến bây giờ/ Nếu không có Bác Hồ, làm sao những người cày có ruộng/…/ Bác đã mang về cho nội tôi hạt lúa/ Trên thửa ruộng mình cày bao thuở thuộc về ai/…/ Bưng bát cơm gạo mới, ơn Bác nhớ đừng quên. Hiện tại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người để ngày càng tốt đẹp hơn, trưởng thành hơn như mong muốn bấy lâu nay của Bác: Ta hãy tự hỏi mình học được Bác bao nhiêu/ Có thể là số nhiều/ Có thể là số ít/…/ Người ở trong ta/ ta học ở Người. Và đến tương lai, với tầm nhìn, sự dẫn đường đúng đắn, sáng suốt từ tư tưởng Hồ Chí Minh, nước Việt Nam nhất định sẽ hùng cường, giàu mạnh: Trong ước mơ hóa rồng cất lời ca mãi mãi/ Nếu không có Bác Hồ, không có chỗ buông neo.

Sự linh hoạt về thời gian ấy được triển khai dựa trên sự cố định về không gian. Như chúng ta biết, trong cuộc đời mình, Bác đã từng sống ở nhiều không gian khác nhau từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, từ biển cả đến núi rừng, từ trong nước đến thế giới, từ không gian tự do đến ngục tù… Trong Sen thắm giữa đời, Nguyễn Hưng Hải đã có một lựa chọn xác đáng: lấy Làng Sen làm không gian nghệ thuật trung tâm. Hình ảnh Làng Sen xuất hiện ở 12 trên tổng số 23 khúc trong bản trường ca, chiếm tỉ lệ hơn 50%. Đáng nói hơn, các khúc có sự xuất hiện hình ảnh Làng Sen đều là những khúc quan trọng nhất của bản trường ca. Mọi tình cảm, suy tưởng của tác giả về Bác, toàn bộ cuộc đời của Bác đều được soi chiếu từ không gian Làng Sen. Sự lựa chọn này có dụng ý rõ ràng. Làng Sen là nơi Bác sinh ra, là quê hương của Người, là điểm khởi đầu cho một huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Lấy Làng Sen làm hạt nhân, tác giả triển khai tứ thơ theo trục chính: gia đình - quê hương - dân tộc. Ở trục này, tác giả thêm một lần nữa làm sáng tỏ luận điểm vẻ đẹp của Bác là sự kết tinh của những gì tinh túy nhất của gia đình, quê hương và dân tộc. Bác được sinh ra trong một gia đình có người mẹ hiền dịu tảo tần hết lòng vì chồng vì con và một người cha là bậc quân tử tiết tháo: Kê đơn bốc thuốc sớm chiều/ Vẫn lênh đênh tựa cánh bèo lênh đênh/ Sợ theo lệnh của triều đình/ Mà vương bẩn cả gia đình, Làng Sen/ Đêm đêm thắp một ngọn đèn/ Kê đơn bốc thuốc cố quên sự đời. Đọc câu thơ Nguyễn Hưng Hải viết về hành động, lời dặn của cụ Nguyễn Sinh Sắc đối với Bác Đi cứu nước chứ đừng tìm gặp cha, chúng ta như bắt gặp lại hình ảnh cụ Nguyễn Phi Khanh dặn người anh hùng Nguyễn Trãi ở Mục Nam Quan ngày nào. Trong Sen thắm giữa đời, Làng Sen nói riêng và mảnh đất Nghệ An nói chung xuất hiện rất nhiều lần với vẻ đẹp của vùng địa linh nhân kiệt: Nghệ An luôn là nơi như tiếng gà báo thức/ Địa linh nhân kiệt/ Anh hùng hào kiệt/ Nơi nào cũng phát tích/ Thời nào cũng phát tích. Ra đi tìm đường cứu nước, hành trang trong tim Bác là truyền thống hào hùng của một dân tộc có lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước. Chính sự gặp nhau giữa gia đình - quê hương - dân tộc ấy đã tạo nên một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là biểu tượng của dân tộc Việt Nam thời hiện đại: Không có gì tự nhiên kể cả là sông núi/ Trải mấy nghìn năm với biết bao chờ đợi/ Mới có một người như Bác sinh ra/ Bác là hiện thân của khí thiêng sơn hà/ Của hồn thiêng nước Việt/ Của Làng Sen thao thiết/ Dòng sông Lam như một cánh tay/ Mềm ấm và thơm mái tóc tiên nữ/ Đất của văn nhân, anh hùng, lãnh tụ/ Không thể không sinh ra một người như Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc khắc họa sự vĩ đại của Bác, lòng biết ơn, tôn kính, yêu quý của nhân dân Việt Nam đối với Bác, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải còn chú trọng đến việc miêu tả những khoảnh khắc đời thường rất đỗi con người của Bác. Đây có thể coi là một trong những điểm tạo nên dấu ấn riêng của Sen thắm giữa đời trong các tác phẩm viết về Bác. Nhà thơ để cho Bác bộc bạch: Bác bảo Bác cũng còn nhiều cái tật. Và một trong những tật đó là Bác nghiện thuốc lá, thứ không tốt cho sức khỏe: Châm điếu thuốc cùng với người lính hút. Đi vào những khoảnh khắc đời thường, Nguyễn Hưng Hải còn dựng nên cả “một trời tâm trạng” trong Bác. Đó là nỗi thương cha nhớ mẹ khi không làm tròn phận hiếu: Thương cha mẹ đêm một mình nằm khóc/…/ Làm sao có thể vào Cao Lãnh vuốt mắt cho cha/…/ Đau lắm chứ, cả đời không mua được cho cha tấm áo/ Để mẹ nằm trên núi bao năm một mình; là nỗi buồn đau: Mặc cho bác cả Khiêm chiếc áo mới trước khi mất/ Chăm sóc bà Thanh lúc đã xế tà; là nỗi cô đơn khi đêm xuống, mọi người ai nấy đều trở về với mái ấm của mình, chỉ riêng Bác thui thủi một mình: Biết làm gì cho hết nỗi cô đơn/ Đêm dài quá, Ba Đình trăng sáng quá. Thương Bác, nhà thơ thầm ước ao những điều không bao giờ trở thành hiện thực: Giá như Người có vợ có con/ Thì lúc này đây chúng ta không phải nghĩ/ Đừng có tưởng dễ dàng đâu giản dị/ Chiếc quạt nan đưa gió bốn phương về.

Là người dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài Bác Hồ, cho đến nay Nguyễn Hưng Hải đã có trong tay một “gia tài” tương đối đồ sộ những tác phẩm viết về Người. Với Sen thắm giữa đời, nhà thơ đã tạo thêm một bông sen đẹp trong vườn thi ca nghệ thuật viết về Bác

Đ.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)