Hình tượng Bác Hồ trong điện ảnh Việt Nam gần đây

Thứ Sáu, 08/09/2017 00:47
 . MAI ANH TUẤN

1. Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lâu, đã là nguồn cảm hứng lớn và bất tận của nhiều loại hình nghệ thuật. Hình tượng Bác Hồ, vì thế, cũng trở nên đa dạng, phong phú trong âm nhạc, hội họa, điêu khắc, văn chương, điện ảnh, sân khấu… Sáng tác về Bác không chỉ là thôi thúc tự tâm của mỗi người nghệ sĩ mà còn là dịp để nhận thức một cách sâu hơn những giá trị cốt lõi của cách mạng, con người và dân tộc Việt Nam được kết tinh trong con người Bác.

Từ sớm, điện ảnh Việt Nam đã có những thước phim về Bác. Tuy nhiên, ở chặng đầu, giới làm phim chủ yếu đi theo dòng phim tài liệu nhằm ghi lại một cách chân thực các hoạt động của Bác trên cương vị Chủ tịch nước. Sau khi Bác mất, dòng phim này vẫn tiếp tục chiếm ưu thế, đem đến những hiệu quả đặc biệt trong việc tuyên truyền về cuộc đời, nhân cách, công lao to lớn của Bác. Trong số đó, đáng kể nhất là bộ phim Hồ Chí Minh - chân dung một con người (1990) của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Tác phẩm điện ảnh xuất sắc này đã dựng lại phần nào hành trình cuộc đời của Bác, nhất là giai đoạn Bác trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây nền dân chủ cộng hòa non trẻ nhưng đủ sức đương đầu, chiến thắng mọi khó khăn, thử thách. Phim được thực hiện bởi một đội ngũ có chuyên môn cao: ngoài đạo diễn Bùi Đình Hạc là người đã từng nổi tiếng với hai phim tài liệu trước đó về Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc với Lê-nin, 1979; Đường về Tổ quốc, 1980), phim còn có sự tham gia của nhà quay phim Lê Mạnh Thích, nhà biên kịch Bành Bảo, nhà văn Nguyễn Đình Thi trong vai trò người viết lời bình, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đảm nhận phần nhạc phim. Có thể nói, Hồ Chí Minh - chân dung một con người đã kết hợp và xử lí nhiều kĩ thuật, thủ pháp khác nhau vốn được coi là giáo khoa thư của dạng phim tài liệu như mô tả (expository), quan sát (observational), dàn dựng (performative) nên những hình ảnh, thông tin, sự kiện, địa điểm, nhân vật không chỉ đạt độ chính xác, khách quan mà còn gây hiệu ứng thẩm mĩ cao. Hình ảnh của Bác trong phim gây xúc động trước hết vì mọi mưu cầu, hành động của Bác đều rất mực giản dị, gần gũi nhưng lại hết sức thiết thực, lớn lao đối với đời sống nhân dân. 

Sau thành công của Hà Nội mùa đông năm 46 (1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh), từ đầu thế kỉ XXI trở lại đây, điện ảnh Việt Nam bắt đầu có thêm nhiều phim truyện về Bác, tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (2003, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), Nhìn ra biển cả (2010), Vượt qua bến Thượng Hải (2010, đạo diễn Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ), Thầu Chín ở Xiêm (2015, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), Nhà tiên tri (2015, đạo diễn Vương Đức). Khác với phim tài liệu (documentary), phim truyện (feature film) vừa phải tuân thủ chặt chẽ các tư liệu lịch sử liên quan đến Bác, vừa có thể thêm bớt, sáng tạo một số chi tiết, câu chuyện mang tính nghệ thuật nhằm làm cụ thể và nổi bật hơn nữa những góc cạnh khác nhau trong chân dung cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Chính ở điểm đòi hỏi phải tạo ra những khám phá, phát hiện mới sao cho chân thực, hấp dẫn và ý nghĩa này mà phim truyện về Bác thực sự là một thử thách lớn.

2. Dễ nhận ra một đặc điểm chung của các phim trên là những nỗ lực xử lí, gia giảm các tư liệu tiểu sử. Mỗi phim mỗi cách nhưng về cơ bản đều lấy sự tôn trọng lịch sử, bối cảnh, nhân vật làm cơ sở. Theo quá trình hoạt động cách mạng của Bác, ta có thể sắp xếp các phim trên theo thứ tự sau: Nhìn ra biển cả tập trung khắc họa khát vọng, ý chí tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Từ một cậu học sinh lớp đệ nhị Quốc học Huế tích cực tham gia phản đối chính quyền thực dân áp sưu cao thuế nặng, Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo truyền dạy tinh thần yêu nước, rèn luyện thể chất cho học sinh sắp bước vào lứa tuổi thanh niên của trường Dục Thanh (vùng biển Phan Thiết). Nhân vật thầy giáo Thành gây ấn tượng vì nét trẻ trung, đôi mắt sáng và đặc biệt luôn đau đáu trước cảnh nước mất nhà tan. Tuy chưa thể hình dung trọn vẹn con đường phía trước nhưng mỗi lời nói, việc làm của thầy giáo Thành trong hai năm dạy học ở Dục Thanh đều toát lên thái độ kiên quyết, cái nhìn viễn kiến hướng về mục tiêu giành độc lập dân tộc. Phim Thầu Chín ở Xiêm dựng lại hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Thái Lan với mật danh Thầu Chín. Trong hai năm 1928-1929, Thầu Chín có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản. Giữa vòng vây theo dõi, truy bắt của mật thám Pháp, Thầu Chín vẫn hết sức khéo léo gây dựng tổ chức, tuyên truyền, huấn luyện cho các cán bộ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây. Thời gian tuy ngắn nhưng Thầu Chín đã chiếm trọn tình cảm yêu mến, chở che, đùm bọc của bà con Việt kiều, khuyên nhủ họ tôn trọng phong tục tập quán Xiêm, học chữ Xiêm, cùng bà con đào giếng lấy nước, vỡ đất làm vườn, trồng rau, nuôi gia cầm. Đó còn là một Thầu Chín biết kìm nén nỗi nhớ nhà, nhớ đất mẹ quê hương, cốt sao hoàn thành việc lớn. Năm 1931, dưới tên giả Tống Văn Sơ, Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Hồng Kông bắt giam với ý định trao cho chính quyền Pháp ở Đông Dương. Nhờ sự giúp đỡ và biện hộ tận tình của luật sư Frank Loseby, Tống Văn Sơ được thả tự do ngày 28/12/1932. Sau đó Người đi Thượng Hải rồi bí mật trở lại Liên Xô. Hai bộ phim cùng do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất là Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và Vượt qua bến Thượng Hải lần lượt tái hiện và chuyển dựng lên màn ảnh những sự kiện dồn dập đó. Nếu Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông thiên về hình ảnh một Tống Văn Sơ lịch lãm, sắc sảo, giỏi ngoại ngữ, có khả năng thuyết phục được những người bất đồng chính kiến với mình, đem lại sự tin cậy và luôn tỏ ra bình tĩnh, lạc quan trong những tình huống nguy nan, thì Vượt qua bến Thượng Hải lại mô tả một Nguyễn Ái Quốc - “anh Tư” giản dị, chí tình với ân nhân, miệt mài với công việc, khéo léo liên hệ với tổ chức quốc tế để tìm cơ hội thoát khỏi sự truy bắt của kẻ thù. Cả hai phim còn khai thác phẩm chất, cốt cách “An Nam” luôn biết mình biết người, khiêm tốn nhưng không cúi mình, tình nghĩa anh em đồng chí sâu nặng nhưng không lụy tình cảm riêng tư ẩn sâu trong Nguyễn Ái Quốc. Người nhận được sự cộng tác, trợ giúp hào hiệp của bạn bè quốc tế, của người dân Trung Hoa một phần vì lúc nào Người cũng nêu cao những đòi hỏi, mong muốn chính đáng của nhân dân Việt Nam. Phim Hà Nội mùa đông năm 46 lựa chọn thời khắc những ngày hòa bình ngắn ngủi trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mở đầu công cuộc chín năm đánh Pháp sau đó. Trong những ngày đêm kiên nhẫn chịu nhân nhượng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có những quyết định kịp thời, chính xác mà còn lay động lòng dân bởi tình cảm nhân từ, yêu thương, quan tâm và sẻ chia những điều nhỏ nhất. Tiếp nối mạch sự kiện này, phim Nhà tiên tri đi sâu khai thác vẻ đẹp giản dị, gần gũi của Bác khi Người cùng với Chính phủ kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc tiến hành công cuộc đánh đuổi giặc Pháp xâm lược. Mặc dù gian khổ, thiếu thốn mọi bề nhưng khoảng thời gian “ngọt bùi khoai sắn thay cơm” này càng khẳng định những dự báo, tầm nhìn thiên tài của vị Cha già dân tộc về thắng lợi tất yếu của nhân dân ta.

 
093783f4762996aad2832b95a882dc4d Thau Chin u01A1 Xiem
Cảnh trong phim Thầu chín ở Xiêm- Ảnh: TL

Như vậy, các phim trên đều có xu hướng khắc họa hình tượng Bác Hồ trong giai đoạn Người đi tìm đường cứu nước cho đến đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là “khoảng trống hình ảnh” mà dòng phim tài liệu cảm thấy đầy khó khăn vì những thước phim về Bác không có nhiều. Với phim truyện, sẽ càng khó hơn khi phải tái dựng bối cảnh xã hội, lịch sử sao cho trung thực với mỗi địa điểm mà Bác đã đi qua trên hành trình cách mạng của mình. Về điểm này, nhìn chung các phim đều có những xử lí khá công phu, tỉ mỉ. Chẳng hạn, ở Nhìn ra biển cả, phim đã có những khung hình thu lại cảnh sinh hoạt thôn dã thường ngày của Huế và đặc biệt là vùng biển Phan Thiết đầu thế kỉ XX. Trong phim Thầu Chín ở Xiêm, cảnh quan và phong tục của bản Đông, xã Pamakhap (tỉnh Udon Thani, Thái Lan) cũng được dàn dựng công phu, sinh động. Với hai phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và Vượt qua bến Thượng Hải thì không gian phố xá, đô thị, sự nhộn nhịp và đông đúc của nhiều hạng người lại được đặc tả. Ở phim Hà Nội mùa đông năm 46 thì không khí “cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” thường xuyên được tô đậm với những trận đánh kìm chân quân Pháp của quân tự vệ thủ đô. Nhưng phim cũng dành riêng nhiều trường đoạn thể hiện tinh thần bình tĩnh, thanh lịch và lãng mạn của người Hà Nội ngay cả khi phải lâm vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Ở phim Nhà tiên tri, khung cảnh núi rừng hùng vĩ Việt Bắc trở thành phông nền nổi bật khiến khán giả thấm thía hơn sự lựa chọn địa thế để làm an toàn khu của Bác, một con người lúc nào cũng trân quý và bảo vệ thiên nhiên xứ sở. Cùng với dàn dựng bối cảnh xã hội, các phim trên cũng đề cập đến những nhà hoạt động cách mạng, những đồng chí và học trò xuất sắc của Bác như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Thúc Hứa, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh,…

Bên cạnh việc tuân theo sự chính xác của tư liệu, mỗi phim đều gài cắm ít nhiều tình tiết hư cấu, không phải để làm cho sự kiện lịch sử bị loãng đi mà chủ yếu để diễn đạt đầy đủ hơn những hiểu biết, quan điểm của người làm phim về hình tượng Bác Hồ. Đó phải là một hình tượng nghệ thuật làm bật nổi được những phẩm chất cao quý của Bác nhưng không sa vào lối tư duy thần thánh hóa nhân vật. Nhà làm phim cũng muốn khai thác những nét tính cách đời thường, rất cận nhân tình của Bác nhưng cũng không thể bỏ qua tầm vóc, vị thế của một lãnh tụ dân tộc tài đức trọn vẹn. Chính vì thế, hư cấu như thế nào để nhân vật được tiếp nhận đúng đắn, không phiến diện sai lệch, sẽ cần phải cân nhắc kĩ lưỡng. Có thể bắt gặp một điểm hư cấu thường được các phim trên sử dụng là khai thác những biểu hiện tình cảm riêng tư của nhân vật. Trong Vượt qua bến Thượng Hải, nữ bác sĩ Phương Thảo đem lòng yêu thương, săn sóc “anh Tư” Nguyễn Ái Quốc và phim cũng đã cận cảnh khuôn mặt rơm rớm nước mắt của “anh Tư” khi biết tin Phương Thảo chết. Trong Thầu Chín ở Xiêm, đạo diễn đã “sáng tạo” ra nhân vật O Hoàn cũng đem lòng thầm yêu trộm nhớ Thầu Chín. Trong Nhìn ra biển cả, cô nữ sinh tên Bình không khỏi lưu luyến khi thầy giáo Thành rời trường Dục Thanh… Những mảnh ghép nhân vật hư cấu như trên không làm cho nhân vật chính bị mờ nhòe đi, trái lại, nó càng khẳng định tấc lòng trung với nước hiếu với dân trước sau như một của Nguyễn Ái Quốc. Mặt khác, nhờ sự sinh động, đa sắc thái của các câu chuyện, tình huống mà người xem càng cảm nhận rõ hơn diễn biến tâm lí, chiều sâu nội tâm của nhân vật.

Thực ra, sự phân biệt rạch ròi giữa phim tài liệu và phim hư cấu không phải lúc nào cũng cần thiết. Nhà nghiên cứu Warren Buckland từng nhấn mạnh: “...nghe có vẻ hơi quá nhưng có thể nói rằng trong mối quan hệ với hiện thực, phim tài liệu không hề tỏ ra có ưu thế hơn so với phim hư cấu bởi lẽ cả hai đều sử dụng các thủ pháp giống nhau - cơ học, quang học và quang hóa học”(). Đối với thể loại phim tiểu sử (biographical film) như những phim truyện về đề tài Bác Hồ mà chúng ta đang bàn thì thao tác hư cấu, gia giảm tư liệu lại càng được xem là cần thiết. Khi đó, dựa trên những thông tin tiểu sử của một cá nhân (có thật), người làm phim sẽ xây dựng một câu chuyện đáng tin về con người đó với những ràng buộc về tên tuổi, cuộc đời, hành trạng, thời đại, danh tiếng, di sản để lại… Trong cấu trúc tự sự, phim tiểu sử phải đạt đến sự cô đọng về thời gian, có thể dùng kĩ thuật phục hiện (flashback: cốt truyện quay ngược trở lại nhằm khắc họa các sự kiện đã xảy ra trước đó), tiếng thuyết minh (voice-over), các hiệu ứng thẩm mĩ (ánh sáng, trang phục, đạo cụ…) để tối đa hóa cảm thức về một “sự thật” đã có. Một nhân vật trong phim tiểu sử được coi là thành công nếu nhân vật chạm đến cảm xúc của số đông, có những kiểu mẫu hành vi ảnh hưởng đến xung quanh. Bởi vậy, phim tiểu sử có thể dựng lại nhân vật đã mất nhưng cũng không ít trường hợp đang sống; họ là những chính trị gia, triết gia, nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng và cũng có khi là một thường dân có số phận đặc biệt. Gần đây, khá nhiều phim tiểu sử thành công, tạo ra bình luận sôi nổi lại khai thác về những người đã, đang nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, cũng là thần tượng của giới trẻ như The Social Network (2010, về người sáng lập mạng xã hội facebook Mark Zuckerberg), Jobs (2013, về ông chủ của Apple - Steven Jobs), The Theory of Everything (2014, về nhà vật lí Stephen Hawking)…

Trong loại phim tiểu sử thì nhìn chung, phim về các nhà lập quốc, các anh hùng dân tộc là một hiện tượng phổ biến. Điện ảnh Xô-viết trước đây từng có khá nhiều phim về Lenin (Lenin in Oktober, 1937; Stories about Lenin, 1957; A Mother’s Heart, 1965; Lenin in Poland, 1966; The Sixth of July, 1968;…). Điện ảnh Hollywood thì có hẳn một truyền thống làm phim về các tổng thống. Trong đó, riêng về Abraham Lincoln, “người giải phóng vĩ đại” và là tổng thống thứ 16 của Hoa Kì, đã có bốn phim: Abraham Lincoln (1930), Young Mr. Lincoln (1939), Abe Lincoln in  Illinois (1940) và Lincoln (2012, giải Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhất)… Nhìn rộng ra như vậy để thấy khi một tác phẩm điện ảnh khắc họa thành công các yếu nhân quốc gia thì ngoài việc khẳng định công lao, sự nghiệp, nhân cách của nhân vật đó, chắc chắn nó còn tác động rất lớn đến cảm xúc, nhận thức của khán giả ở thời điểm hiện tại.
 
3. Nếu đặt các phim về Hồ Chí Minh trong mạch chung của dạng phim tiểu sử lãnh tụ - chính trị gia trên thế giới, thì rõ ràng, chúng ta còn có những hạn chế nhất định về mặt kĩ thuật, thủ pháp. Tuy cũng sử dụng thuyết minh, phục hiện và chú ý trau chuốt hình ảnh, nhưng một số phim vẫn gây cảm giác nặng nề, nhịp phim chậm, chuyện phim có quá nhiều tình tiết, sự kiện. Mặt khác, do các phim quá chú trọng truyền tải thông điệp nên hình tượng Bác Hồ vẫn chủ yếu được xây dựng trong khuôn thức tương đối giống nhau, nhất là ở khía cạnh lối sống giản dị và gần gũi thân tình, tâm trạng thương nhà nhớ nước. Các diễn viên (Tiến Hợi, Trần Lực, Minh Hải, Bùi Bài Bình, Mạnh Trường) tuy đã nỗ lực diễn xuất nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tròn vai, chưa thực sự tạo ấn tượng mạnh. Bởi thế, so với cuộc đời và con người thực lúc nào cũng tạo sức hút của Bác, những phim truyện về Bác vẫn chưa thật sự tương xứng, chưa có nhiều cơ hội để trình chiếu ở phạm vi quốc tế. Thiết nghĩ, đấy sẽ là nguyên do khiến các nhà làm phim tiếp tục sáng tạo, đầu tư chuyên môn để có nhiều tác phẩm điện ảnh về Bác xuất sắc, phổ biến hơn nữa.
 
M.A.T
______
 1. Warren Buckland (2011), Nghiên cứu phim, Phạm Ninh Giang dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.280.          
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                                                                                            

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)