30 tháng 4 năm 1975:

Một tượng đài chiến thắng, một tượng đài thơ

Thứ Ba, 15/04/2025 05:19

. Nhà thơ NGUYỄN MINH KHIÊM

Nhắc đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là nhắc đến một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, một mốc son lịch sử chói lọi, một chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, oai hùng nhất, hi sinh xương máu nhiều nhất, chống đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai để giành toàn vẹn non sông, thống nhất đất nước. Nhắc đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là nhắc đến một đỉnh cao không gì sánh nổi của lòng yêu nước, sức mạnh vô bờ bến của tinh thần đoàn kết Bắc - Nam, vinh quang ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quật cường, niềm tin chiến thắng, niềm tự hào dân tộc không gì sánh nổi của quân và dân ta. “Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mĩ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tháng 12/1976).

Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 làm bùng nổ mọi nguồn cảm hứng, mọi tâm tư tình cảm, mọi dồn nén cảm xúc, mọi khát vọng, mọi trông ngóng, chờ đợi. Nó như một hiện tượng động đất cực lớn tạo nên những cơn địa chấn, sóng thần, giông bão cho văn học nói chung, thơ ca nói riêng. Từ các nhà thơ mang áo lính đến những nhà thơ không mang áo lính, ai cũng có thơ về ngày hội tụ non sông, ngày chiến thắng vĩ đại của non sông đất nước. Từ miền Nam đến miền Bắc, từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ miền núi đến miền biển, từ cán bộ cấp cao đến dân thường… thơ bung nở, thơ vỗ cánh, thơ reo vui, thơ thắp sáng, thơ kết quả, thơ toả hương.

Nhà thơ Chế Lan Viên gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là “ngày vĩ đại”. Ngày vĩ đại ấy làm cho tâm hồn ông không kìm nén được, bật lên như pháo hoa, như sóng xô, như thác đổ: Lịch sử có nhiều thế kỉ nhiều năm nhiều tháng nhiều ngày/ Nhưng năm tháng này chói loà, hoá thân, đột biến/ Là cấp số nhân, là tổng số thành/ Là sức mạnh của trăm ta nhân với triệu mình/ Là sự vật cộng vào nhau. Trái chín/ Là lên men. Thời cơ đến trước giờ nó đến/ Là rồng bay/ Ta reo vui sao bỗng chốc khóc ròng/ Cái hữu hạn lòng ta oà lên vì gặp cái vô cùng/ Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại/ Có phải ta vừa giành lại non sông, có phải?/ Có phải chớp mắt nhìn trời đất đã về ta? (Ngày vĩ đại). Chưa bao giờ trong tâm hồn ông rạo rực như hôm nay, đẹp như hôm nay, kì diệu như hôm nay. Ông khẳng định: Đêm nay sao sáng khắp vùng trời cao thấp/ Sao trên trời và sao dưới đất/ Trăm thành phố hai miền ngày hội lớn nhân dân/ Rực đuốc đèn và điệu múa kì lân/ Tôi muốn bay lên cao nhìn xuống non sông cho thoả mắt/ Từ Mục Nam Quan đến Cà Mau tít tắp/ Cái ánh sáng lạ kì của lúc hoá thân (Ngày vĩ đại).

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt, chưa có cuộc chiến tranh nào dài lâu, ác liệt, nguy hiểm, gian khổ, chịu đựng đau thương, hi sinh xương máu khủng khiếp như cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai. Chúng ta đã đi qua mấy triệu quả bom, đi qua mấy nghìn ngày ấp chiến lược, đi qua hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra, đi qua bao nhiêu trận tắm máu của Chợ Được, Vĩnh Trinh, Hướng Điền, Ngân Sơn, đi qua bao nhiêu chuồng cọp Côn Đảo, Phú Quốc, đi qua bao nhiêu bữa cơm thuốc độc của Phú Lợi… để về đến Sài Gòn. Ta bàng hoàng vui. Ta bàng hoàng sự thật. Cái khao khát, cái giấc mơ không phải mười năm, không phải hai mươi năm, không phải năm mươi năm. Nó dài hơn thế kỉ. Nhà thơ Tố Hữu phải thốt lên: Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ/ Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ/ Một trời êm ả, xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ/ Đây cuộc hồi sinh, buổi hoá thân/ Mùa đông thế kỉ chuyển sang xuân/ Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu/ Người vươn lên, như một thiên thần! (Việt Nam máu và hoa).

10h45' ngày 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Quân đội nhân dân

Để có được giây phút “mặt đất bình yên giấc trẻ thơ” ấy, từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, cả nước đã ra trận. Cả nước hoá chiến hào, chiến luỹ. Cả nước thành chiến sĩ. Lớp cha trước, lớp con sau, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu). Giặc Mĩ tuyên bố biến miền Bắc trở về thời đồ đá cũ. Chúng định thiêu đốt ta thành tro bụi bằng ngọn lửa na-pan. Chúng muốn dìm ta trong chất độc màu da cam. “Chúng muốn biến ta thành tro bụi” (Tố Hữu). Chúng rải thảm B52. Nhưng chúng ta đã hoá vàng nhân phẩm lương tâm. Chúng ta hoá thành đồng luỹ thép. Ta đánh chúng tan tác, hạ 47 máy bay trong ngày mùng 3, mùng 4 tháng 4 năm 1965 tại Hàm Rồng, Thanh Hoá. Ta đánh tan tác chúng bằng tiêu diệt mấy chục B52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không” - 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 tại Thủ đô Hà Nội. Ta đánh tan tác chúng bằng Ấp Bắc, Phú Mỹ, Pleiku. Ta Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng. Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/ Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang... (Toàn thắng về ta - Tố Hữu).

Khi lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập của Tổng thống nguỵ Sài Gòn, ta không reo làm sao được: Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa/ Cho chúng con giữa vui này được khóc/ Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già/ Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc/ Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà (Toàn thắng về ta - Tố Hữu).

Sau 50 năm nhìn lại ta mới đủ tầm, đủ kích để cảm nhận, để thấy hết những ý nghĩa, giá trị to lớn của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975. Và cũng sau 50 năm nhìn lại, ta thấy hết những đóng góp to lớn của văn học nói chung, thơ nói riêng về sự kiện vĩ đại ấy. Nếu chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 tạo nên động đất, sóng thần trong lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại, thì thơ ca về 30 tháng 4 năm 1975 cũng tạo nên một cơn động đất, sóng thần. Nó thay đổi tầm vóc nền thi ca Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1975. Nó tạo nên những đỉnh cao, những tượng đài hùng vĩ của thi ca. Hàng loạt nhà thơ như Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Thu Bồn, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Lê Văn Vọng, Nguyễn Duy, Nguyễn Minh Khiêm viết về 30 tháng 4 năm 1975. Thơ ngắn có. Thơ dài có. Trường ca có. Mùa xuân ấy là mùa xuân của lòng người. Mùa xuân của đất nước. Mùa xuân của cách mạng. Mùa xuân của thi ca.

Những năm tháng xuyên rừng, trèo đèo, lội suối, ngủ núi, ngâm bùn, giày vẹt gót, tóc rụng, da xanh, sốt rét ác tính, không lúc nào người lính không mơ tới Sài Gòn. Hai tiếng đồng bằng, hai tiếng Sài Gòn vang lên trong từng hơi thở, từng nhịp tim, từng giấc mơ. Cứ tưởng khi vào đến Sài Gòn, mọi con tim, mọi lồng ngực vang thành sấm chớp. Ấy thế mà khi đứng giữa Sài gòn, chính người lính lại không nhận ra, không tưởng tượng nổi: Ngỡ như lạc tới hành tinh khác/ Trường Sơn sức gió nối nhau về/ Ầm ầm sắt thép rung trời đất/ Một luồng gió lớn thổi say mê/ Những đàn chim không biết tự đâu về/ Trăm giọng hót ngày hoà bình vui lạ/ Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra/ Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng/ Trải tin vui suốt dải đất hai miền/ Trăng trên trời rơi xuống buổi đoàn viên/ Rơi xuống mái nhà chồng Nam, vợ Bắc/ Đây mặt đất mùa hè thay áo khoác/ Pháo hoa bay lên nước mắt, nụ cười/ Tiếng trống vỗ như mở đầu, kết thúc/ Hoà bình về/ Cuộc chiến tranh qua (Trường ca Sư đoàn - Nguyễn Đức Mậu).

Cả đất nước hò reo. Cả đất nước tưng bừng mở hội. Lồng ngực vỡ ra để thoả khát khao: Ba mươi tháng tư!/ Ba mươi tháng tư!/ Tiếng reo nào mừng vui hơn nữa/ Từ nay thôi cuốc xẻng đào hầm/ Thôi đòn gánh bỏng vai ra tiền tuyến/ Thôi bịt mồm nhau khi qua bốt giặc/ Thôi cảnh xâu tay xà lim chuồng cọp/ Thôi ruột thịt nửa ta nửa địch/ Người một nhà thôi chĩa súng vào nhau (Ba mươi tháng tư - Nguyễn Minh Khiêm). Nhà thơ Anh Ngọc cảm nhận được ngày giải phóng Sài Gòn là ngày niềm vui của hoa thơm, quả chín. Những ngày đất nước “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” (Tố Hữu) là những ngày lòng người lính chát xanh. Những ngày Giặc đến/ Người ốm chống giường, chống phản đứng lên/ Trẻ con vơ tro, vơ cát đứng lên/ Người đang ăn thì cầm lấy đũa/ Người đi gặt thủ lấy chuôi liềm/ Không quay mặt chẳng bao giờ tiếc máu/ Dù cho phải đốt dãy Trường Sơn/ Dù cho ăn chay ăn độn/ Bíu lấy lá rau như bíu lấy lá buồm (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Những ngày Đất nước phải chia làm bao nhiêu mũi/ Đi bằng cách nguỵ trang như lá cây rừng/ Đi bằng cách chui thật sâu vào lòng địa đạo/ Đi bằng cách vòng qua châu Mĩ châu Âu/ Đi bằng cách vượt biển trên những con tàu không số/ Để về đến Sài Gòn (Ba mươi tháng tư - Nguyễn Minh Khiêm). Chỉ khi về đến giữa Sài Gòn, lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, tung bay trên toà Cố vấn Mĩ, tung bay trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu nguỵ Sài Gòn, chỉ khi Anh đã về đến nơi chích máu mình viết quyết tâm thư ngày xin nhập ngũ/ Viết bằng máu của cha nằm lại Điện Biên/ Trao cho mẹ phút giây hạnh phúc/ Về đến nơi mẹ ngồi bấm đốt ngón tay/ Hoàng hôn lõm phía trong liếp cửa (Ba mươi tháng tư - Nguyễn Minh Khiêm)… lòng người lính mới là quả chín: Cát bụi đường xa, khẩu súng, ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bỗng trầm cung bậc tìm nhau/ Phút này đây ta giành trọn cho nhau/ Anh trọn của em đến tận cùng ý nghĩ/ Giai điệu đẹp cho hồn em cao quý/ Anh nhắm mắt và uống cạn suối âm thanh/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa/ Tiếng kèn đồng đang nói đấy em ơi! (Sài Gòn đêm giao hưởng - Anh Ngọc). Sự hiện diện của các anh giữa Sài Gòn như nắng xua tan mây mù, như gió trút sạch lá vàng khô: Các anh về/ Làm một cơn giông lớn/ Sáng lên gương mặt phố phường/ Theo các anh rừng núi trở về/ Các anh về như núi/ Những người yêu của những người yêu/ Niềm trông đợi của những niềm trông đợi/ Những nụ cười dưới vành mũ sáng trưng/ Thành phố hả hê đung đưa bồng bột/ Những con đường ôm chầm lấy các anh/ Cùng một lúc ôm bao miền đất nước/ Ôi nước mắt! Tự bao giờ, nước mắt/ Kể bao điều mừng tủi với đoàn quân (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh).

Cái giá của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một cái giá không thể cân đo đong đếm. Khủng khiếp về đau thương. Khủng khiếp về xương máu. Không ai cảm nhận sâu sắc về sự khủng khiếp ấy bằng người lính. Họ là hiện thân, là minh chứng lịch sử sinh động nhất, chân thật nhất cho sự khủng khiếp ấy. Họ đối mặt từng giây từng phút với kẻ thù để giữ từng gốc sim. Trong ý nghĩ, họ đã từng đau đớn: Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc?/.../ Anh đang bò về phía gốc sim/ Ngực đập dội chuyền sang đất đá/ Quần áo tướp ra/ Một nửa người anh dâm dấp máu/ Anh đang đau cho đất đá anh yêu/ Gốc sim cằn và xơ xác làm sao/ Không che nổi anh đâu, bò cách chi cũng lộ (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Kí ức họ là sự hi sinh của anh em đồng đội ngoài mọi tưởng tượng: Nếu tất cả trở về đông đủ/ Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn...? (Trường ca Sư đoàn - Nguyễn Đức Mậu). Trong kí ức họ: Có giếng nước ai đào dưới dòng suối cạn? Múc nước lên, chúng tôi uống trong cơn khát cháy khô vòm họng/ Nước ngọt mát râm ran cơ thể cỗi cằn/ Chúng tôi biết đâu trong lòng giếng có xác người chết/.../ Khi bước giữa hàng cây tối đen, tôi vấp phải vật gì mềm nhũn, một mùi tanh lờm lợm xông lên/.../ Tôi đang ngủ, đang mơ, tôi nào hay bên những gốc cây bầy mối đục mòn đêm trên những xác người? (Cánh rừng nhiều đom đóm bay - Nguyễn Đức Mậu). Cái giá của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là cái giá của cả một dân tộc yêu chuộng hoà bình, quyết giành trọn vẹn non sông bằng tất cả tinh thần và nghị lực. Mỗi người lính ra trận thầm hiểu, tự hiểu: Em có thể mất anh bất cứ lúc nào/ Em có thể bơ vơ khi em còn rất trẻ/ Anh có thể chẳng bao giờ còn đánh được gốc tre/ Phơi nỏ sẵn dành sưởi đêm cho mẹ (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh).

Cuộc chiến tranh giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mĩ để giành toàn vẹn lãnh thổ là một cuộc chiến tranh siêu thực. Một cuộc chiến tranh bắt đầu từ lúc “mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh” cho đến lúc “mẹ đã phơ phơ đầu bạc” (Đất quê ta mênh mông - Bùi Minh Quốc). Một cuộc chiến tranh mà hàng triệu người xa lạ tự vai kề vai, nhập vào cuộc chiến: Một người hai người ba người.../ Chẳng phải họ hàng không cật ruột/ Trên con đường nhỏ gài lựu đạn/ Một khoảnh khắc một bước chân có thể tôi còn anh mất/ Không cật ruột chẳng phải họ hàng/ Mỗi người mỗi quê hương/ Họ đi vào chiếc nôi chung của một thời khốc liệt (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Vợ xa chồng đằng đẵng. Mẹ xa con đằng đẵng. Không phải hai mươi năm mà với Trần Anh Thái là ba mươi năm: Ba mươi mùa đàn sếu bay đi mưa trắng cánh đồng/ Ba mươi năm cuộc chia li không ngày gặp mặt/ Trai làng hoá bóng đêm không ngủ/ Biển vẫn trầm mình trong âm thầm lam lũ đáy vực gào sôi/ Nước mắt lặng lẽ rơi phía sau bóng tối/ Tiếng thở dài chôn nỗi buồn vào bao căn nhà thiếu vắng đàn ông/…/ Bao linh hồn đưa tiễn bằng hương khói trần gian/ Ba mươi mùa sóng thừa đầy biển/ Chị chẳng có cho mình/ Nắm đất thắp hương riêng (Đổ bóng xuống mặt trời). Những người vợ, những người mẹ ở hậu phương chờ chồng đi đánh giặc trở về: Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn/ Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi/ Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô/ Xóm làng thương không khoe con trước mặt/ Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Một sự hi sinh siêu thực. Một niềm tin, một sự thuỷ chung siêu thực. Sự hi sinh không tính được bằng các phép tính cộng hay tính nhân. Sự hi sinh tính bằng sông, bằng núi, bằng nỗi đau trong lồng xương ống máu của mỗi con người Việt Nam. Cứ thêm một giây dưới gông cùm, xà lim, máy chém, thuốc độc của kẻ thù là Thêm một người bị cắm cọc bêu đầu/ Thêm một người bị lôi đi mất tích/ Thêm một người bị chụp ảnh lăn tay/ Thêm một làng bị quăng bom hủy diệt (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh).

Chính vì thế, chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một chiến thắng siêu thực. Nó vỡ òa một niềm vui siêu thực. Đây là một cuộc giải phóng lịch sử. Mỗi chữ, mỗi câu thơ trong niềm vui ấy sâu thẳm nỗi niềm hạnh phúc tự do: Tháng tư nay cây cỏ cũng ra tù/ Mùa hạ đón bằng cơn mưa nồng nhiệt/ Mưa vỡ ra trên vòm cây thảng thốt/ Mưa ngọt ngào nhà cao thấp rưng rưng/ Hơi nước mờ bay không để dấu trên đường/ Tôi bị lắc giữa hai chiều hư và thực/ Trời ngây ngất tôi của trời một ít/ Phố chật người tôi bước với người đây (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Với Thanh Hải, mùa xuân này là một sự thay da đổi thịt. Ông như trẻ lại. Ông như bay lên, ríu ran, bất tận: Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hoà ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc/ Mùa xuân - ta xin hát/ Câu Nam ai, Nam bình/ Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình/ Nhịp phách tiền đất Huế (Mùa xuân nho nhỏ). Vương Trọng nửa mơ nửa thực, mấy nghìn ngày đội bom đội đạn kẻ thù, mấy nghìn ngày ngủ tăng ngủ võng, ngủ hầm mơ về cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Nhưng khi cắm cờ nơi đích cuối cùng, ông lại không tin nổi. Bất ngờ quá, ông cứ rưng rưng: Cắm cờ lên đích cuối cùng/ Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/ Cửa tròn vừa mở hé thôi/ Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve/ Từng người cởi mũ lắng nghe/ Nhìn nhau: mùa hạ đã về rồi sao? (Tiếng ve trưa ấy).

Cuộc đoàn tụ Bắc - Nam là một cuộc đoàn tụ siêu thực. Một người mẹ đào hầm, nuôi cán bộ cách mạng trong lòng địch hai mươi năm, một người con cũng hoạt động bí mật trong lòng địch hai mươi năm, khi gặp lại giữa Sài Gòn, hai mẹ con hai mái đầu bạc trắng: Mái đầu người con/ Trắng xuống mái đầu người mẹ/ Mái đầu người mẹ/ Trắng vào lồng ngực người con/ Những bàn tay gân guốc bện vào nhau/ Những sợi tóc rung lên/ Những nếp nhăn rung lên/ Những bờ vai rung lên/ Rung bần bật bờ môi khô héo/ Tiếng khóc hai mươi năm/ Tiếng nấc hai mươi năm/ Nước mắt hai mươi năm/ Kết thành pho tượng/ Ngày gặp mặt (Đoàn tụ trắng - Nguyễn Minh Khiêm). Một cuộc hoà nhập giữa mưa và nắng, giữa mặt đất và bầu trời, giữa nhật thực và nguyệt thực, giữa nụ cười và nước mắt: Hãy bắt đầu từ những tờ giấy khai sinh đã hiến dâng cho đất, chảy âm thầm, chảy dữ dội, chảy mãnh liệt, chảy qua khúc ruột mẹ bứt ra hai đầu cùng hô vang chiến thắng, chảy qua khúc ruột mẹ một thời hình da báo, một thời cài răng lược, chảy thành cờ đỏ sao vàng, chảy thành Đất Nước hình chữ S! Sau một cuộc hành quân thần tốc/ Trên một con đường không có lối rẽ/ Tất cả chúng ta đã về đến đích/ Trong một bản giao hưởng trùng trùng nốt trắng (Ba mươi tháng tư - Nguyễn Minh Khiêm). Sự dồn nén hai mươi năm, lồng ngực căng hai mươi năm, “hai mươi năm không đêm nào ngủ được, với miền Nam đêm nào cũng thức”, 30 tháng 4 hôm nay: Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt/ Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng/ Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh).

Nhạc sĩ Xuân Hồng reo lên bằng ca khúc đầy chất thơ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh như sóng, như gió, như sông suối cuồn cuộn cuốn ta đi: Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà/ Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca/ Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói/ Lưu danh đến muôn đời/…/ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh/ Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào/ Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào/ Cờ sao đang tung bay cao/ Qua hết rồi những năm thương đau/ Sau bao nhiêu năm nay mới gặp nhau/ Vui sao nước mắt lại trào.

Trong sự trào tuôn cảm xúc vĩ đại, ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong niềm vui thống nhất đất nước, hình Bác bỗng hiện về. Hình như nhà thơ nào cũng có Bác trong từng câu thơ chiến thắng. Người lính nào cũng thấy Bác trong ngày vui đại thắng. Hình ảnh Bác là linh hồn của chiến thắng. Bác là biểu tượng đẹp nhất của ý chí quyết chiến, quyết thắng, biểu tượng đẹp nhất của tình đoàn kết Bắc - Nam sum họp một nhà. Bác hiện lên tuyệt đẹp trong hồn thơ Tố Hữu: Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa/ Cho chúng con giữa vui này được khóc/ Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già/ Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc/ Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà/ Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam/ Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường kách mệnh/ Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam! Anh Ngọc lại thấy Bác hiển hiện trong bản giao hưởng chiến thắng của Sài Gòn. Hàng triệu nhân dân đổ xuống đường cờ hoa chiến thắng là những nhạc công. Lính pháo, lính tăng, đặc công, biệt động, công binh, liên lạc… là những nhạc công. Những đoàn quân từ năm cửa ô rầm rập tiến về là những nhạc công. Bác là nhạc trưởng. Bác là nhạc trưởng của cuộc chiến tranh vệ quốc giành độc lập, tự do, giành thống nhất toàn vẹn non sông vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam: Cây đũa thần, nhạc trưởng đã giơ lên/ Những khoảng trống lặng im bỗng bừng lên âm nhạc/ Đến ve vuốt lòng ta là tiếng hát/ Tiếng hát trong ta có tự bao giờ (Sài Gòn đêm giao hưởng). Trong thời khắc lịch sử thiêng liêng, trọng đại, nhà thơ Chế Lan Viên, người đã viết bài thơ nổi tiếng về Bác Người đi tìm hình của Nước lại nhắc đến Bác. Bác là cha đẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, là lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, là ngọn núi tinh thần cho mọi chiến thắng. Nhà thơ gọi Người là ngọc. Ông thấy lòng Bác vui trong ngày vĩ đại này: Viên ngọc thời Hồ Chí Minh chói ra khỏi cả thời gian nó chói/ Tổ quốc nâng niu hạt chuỗi/ Hẳn Bác sẽ hôn lên chiến công mà ta dâng Bác sáng mai này/ Da Bác đỏ hồng, tóc Bác bạc phơ/ Kìa Bác đang xuống nhà sàn từng bước gấp/ Hoa sen trắng, hoa sen hồng nở bừng theo mỗi bước/ Bác đi giữa cháu con, sông núi đang chờ/ Mùa sen lớn này Bác chia đều cho Tổ quốc/ Thơm vào bốn mươi triệu hồn người hương của Tự do (Ngày vĩ đại). Hình ảnh Bác là nguồn năng lượng, là điểm tựa tinh thần, là tiếng kèn thúc giục xung trận, là biểu tượng của niềm tin tất thắng cho mọi người lính, trong từng bước hành quân, trong từng trận đánh và cho ngày toàn thắng. Có lẽ vì thế, khi vừa vào đến Sài Gòn, hình ảnh đầu tiên là ảnh Bác Hồ. Không lạ mà vẫn không tin nổi: Sài Gòn ơi! Là mơ hay thực?/ Trái tim ai cũng nâng ảnh Bác Hồ/ Mắt người nào cũng sao vàng năm cánh/ Chờ đợi bao năm thương nhớ đổ ra đường/ Choàng siết những cái nhìn ngợp nắng/ Bao nhiêu đêm khát ngày gặp mặt/ Cỏ cây mừng cũng muốn bay lên/ Ngợp màu hoa từng con đường ngõ phố/ Như cả nước trồng hoa đợi có ngày này/ Lồng ngực tưng bừng mừng vui thống nhất/ Đất đá rung lên thành tiếng hát/ Luyện giọng hai mươi năm đợi ngày này để hát/ Sông suối chảy trên gương mặt người cuồn cuộn (Ba mươi tháng tư - Nguyễn Minh Khiêm).

Đúng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mĩ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.” Sau 50 năm nhìn lại (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng ta vô cùng tự hào. Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 không những mãi mãi là một tượng đài chiến thắng mà còn mãi mãi là một tượng đài thơ của dân tộc Việt Nam.

N.M.K

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)