. Thiếu tá, nhà phê bình NGUYỄN ĐỨC HÀ
Thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đến nay đã tròn 50 năm. Đây là khoảng thời gian đủ trọn vẹn để những chiêm nghiệm, đúc kết mang tính triết lí, giàu suy tưởng xuất hiện trong tiểu thuyết của nhà văn quân đội thời hậu chiến (phân biệt với các sáng tác thời kỳ kháng chiến giai đoạn trước năm 1975). Qua các chiều kích sáng tạo, thời gian cũng trở thành đối tượng để các nhà văn khẳng định dấu ấn nghệ thuật. Nghiên cứu yếu tố thời gian trong tác phẩm văn học không chỉ giúp nhận diện các chất liệu, thành tố của hình thức biểu hiện mà còn giúp khám phá đặc điểm, phong cách sáng tạo của các tác giả.

Một số cuốn sách viết về đề tài chống Mĩ.
Ở bài viết này, chúng tôi thực hiện khảo sát yếu tố thời gian truyện kể theo lí thuyết của Genette trong tiểu thuyết chiến tranh đề tài chống Mĩ của một số tác giả quân đội thời hậu chiến: Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh (1990), Khuất Quang Thuỵ với Đối chiến (2010), Trung Trung Đỉnh với Lính trận (2010), Nguyễn Bảo với Đỉnh máu (2013), Chu Lai với Mưa đỏ (2016). Trong các tác phẩm trên, nổi bật hai phương pháp biến cải, xử lí thời gian truyện kể là sai trật tự niên biểu và tốc độ kể, cũng chính là yếu tố hỗ trợ đắc lực các nhà văn quân đội thời hậu chiến tạo nên những “sinh thể” văn chương độc đáo về đề tài chống Mĩ, cứu nước.
Sai trật tự niên biểu trong thời gian truyện kể
Trong lí thuyết trần thuật của truyện kể, thời gian là một trong những phạm trù quan trọng thể hiện ý thức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Khác với thời gian vật lí có tính chất không thể đảo ngược, chỉ vận động một chiều, không trở lại, trong tác phẩm văn học, mỗi nhà văn có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, kể xuôi hay ngược, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại hay tương lai, có thể chọn độ dài khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời tuỳ theo ý đồ sáng tạo để biến cải những niên biểu ấy thành thời gian truyện kể mang tính nghệ thuật.
Khi nhắc đến trật tự niên biểu của thời gian truyện kể, yếu tố căn cốt đầu tiên chính là thời gian sự kiện được xác lập trong câu chuyện. Thời gian sự kiện mang đến xác tín cho người đọc những thông tin họ sắp được đón nhận. Thời gian sự kiện được hiểu là thời gian vật lí, lịch sử của hiện thực bên ngoài, được mô tả, đề cập trong tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật là một thế giới - thế giới nghệ thuật, thế giới này có nhân vật vận động trong không gian và thời gian. Thời gian trong tác phẩm được tái tạo lại. Đó có thể là cả một đời người, cũng có thể chỉ vài ngày, một ngày, nhưng cũng có khi chỉ là một khoảnh khắc.
Đặt vào hoàn cảnh từng tác phẩm, thời gian sự kiện trong Nỗi buồn chiến tranh được mô tả từ năm 1965 đến những năm 90 của thế kỉ XX, khoảng 25 năm. Lính trận được tính từ khoảng hơn ba tháng hành quân trước khi tiểu đội phải chia tay, xé lẻ đội hình về các đơn vị khác vào ngày 2 tháng 10 năm 1965 được khắc trên báng súng. Cộng thêm 38 ngày tổ chức chiến dịch Pleime, tổng thời gian sự kiện trong tác phẩm khoảng 4 tháng rưỡi. Đối chiến có dòng thời gian sự kiện bắt đầu từ mùa khô tháng 3 năm 1970, kết thúc khi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào hoàn tất vào tháng 3 năm 1971. Tổng thời gian sự kiện trong toàn bộ tác phẩm diễn ra khoảng 1 năm.
Với Mưa đỏ của Chu Lai, thời gian sự kiện chính được miêu tả gói gọn qua 81 ngày đêm. Thời gian sự kiện ấy làm nền tảng hồi ức lại những số phận người lính trước tháng ngày bom đạn giày xéo, quần đảo tại Thành cổ. Trên nền lịch sử - sự kiện của 81 ngày đêm khói lửa, chết chóc, mất mát, đau thương, Mưa đỏ có sự tham gia của cả hai bên chiến tuyến: ta và đối phương. Đại diện bên này là Đặng Huy Cường và 6 chiến sĩ trong tiểu đội. Còn Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, thời gian sự kiện được bắt đầu từ tháng 8 năm 1974 tại điểm cao 1062, mặt trận Thượng Đức đến hơn ba mươi năm sau.
Trên trục thời gian nhất quán đó, niên biểu các sự kiện được các nhà văn quân đội sắp xếp theo cách riêng, không nhoà lẫn hay đơn giản, xuôi chiều. Trong đó, nổi bật là việc sử dụng yếu tố sai trật tự niên biểu ở mức độ và cách thức khác nhau.
Cụ thể, Lính trận và Mưa đỏ có cách kể chuyện theo mạch hồi cố. Chính vì vậy, toàn bộ thời gian văn bản là sự ngoái lại từ hiện thực. Ở Lính trận, sự kiện được mở đầu từ việc giới thiệu những nét chung tiêu biểu của các nhân vật, sau đó đưa người đọc đến thời điểm hiện tại khi hầu hết các thành viên trong tiểu đội đã hi sinh. Nhân vật Bỉnh còi đến thăm Hiển và phát hiện ra cuốn nhật ký chiến trường của Ty hâm. Anh cùng đồng đội cũng đến nhà của anh Chuốt nay đã trở thành già làng. Cũng từ đây, họ ngồi bên ghè rượu, lần lượt kể cho nhau nghe về cuộc chiến mà mình đã tham gia cùng nhau. Mạch truyện trở lại thời điểm tiểu đội nghỉ tại chân dốc Ngàn Lẻ Một từ những năm 1965.
Trong khi đó, Mưa đỏ bắt đầu từ sự kiện bản nhạc giao hưởng được dàn nhạc chơi tại Nhà hát Lớn. Sự kiện này là điều kiện kích thích người đọc, đưa người đọc đến với những liên tưởng đoán định. Đặng Huy Cường, tác giả của bản nhạc là ai? Cô gái mặc áo bà ba và người mẹ ngất xỉu khi nghe giới thiệu về bản nhạc là ai? Sự kiện này cũng là phương tiện để tác giả khai triển được kết cấu cốt truyện. Sau đó, trật tự niên biểu của Mưa đỏ được đưa về mốc thời gian ban đầu khi giới thiệu về nhân vật Đặng Huy Cường từ lúc nhập ngũ đến quá trình chiến đấu cùng tiểu đội 1, trung đội 3, đại đội 8 tại Thành cổ Quảng Trị.
Ở Đối chiến, người đọc cũng bắt gặp thủ thuật ngoái lại với mật độ cao. Người đọc có thể nhận diện thủ thuật này khá thường xuyên. Như khi trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên có ý khơi lại câu chuyện của tiểu đoàn trưởng Kiều Bá Thịnh để vợ ghen với cô giáo người Mường ở Lương Sơn, Hòa Bình, thủ thuật ngoái lại được sử dụng để tái hiện lại những gì đã xảy ra: “Đó là câu chuyện xảy ra từ năm 1967, khi trung đoàn đang luyện tập để chuẩn bị đi chiến trường. Hồi ấy Thịnh đang còn là trung đội trưởng ở một đại đội chủ công. Trong đại đội còn có chú em ruột của vợ Thịnh là chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn. Chẳng may thế nào, một hôm cậu em trinh sát vớ được ông anh vợ đang tình tự trong ruộng mía với một cô giáo trẻ trong bản Mường gần đó. Cậu không báo cáo tổ chức nhưng nhân lần về tranh thủ liền mang câu chuyện đó ra kể với bà chị gái”[1]. Những đoạn ngoái lại như vậy giúp nhân vật xuất hiện tự nhiên, không gò ép, qua đó, nhân vật được miêu tả đầy đủ, trọn vẹn hơn.
Trong các tác phẩm khảo sát, Đỉnh máu và Nỗi buồn chiến tranh sử dụng yếu tố sai trật tự niên biểu nhiều hơn cả. Với Đỉnh máu, mở đầu là cuộc gặp gỡ đặc biệt của Ngọ, người chiến sĩ Giải phóng năm xưa và Hán, người lính từng phục vụ trong quân đội Sài Gòn tại một quán nhậu ở bên cạnh sông Hàn, Đà Nẵng. Hai người từng chiến đấu tại điểm cao 1062, Thượng Đức: “Hán trạc tuổi Ngọ - cái tuổi mà cách đây hơn 30 năm họ là những trai tráng. Dĩ nhiên, cả hai cùng hiểu rằng, thoát chết ở đỉnh máu 1062 để bây giờ còn ngồi với nhau là cả một sự kỳ diệu của số phận”[2]. Dẫu còn chút nghi ngại trước những câu hỏi của đối phương, họ vẫn chìm sâu vào câu chuyện hồi tưởng về cuộc chiến đấu năm xưa. Sau đó là sự đan xen giữa thực tại của hơn ba mươi năm sau trong hành trình Ngọ và Hán tìm lại dấu tích, kỷ niệm chiến trường xưa và hiện thực chiến tranh khốc liệt nơi đỉnh máu 1062. Tất nhiên, chỉ có hai mốc thời gian chính song hành trong suốt mạch truyện của Đỉnh máu.
Có phần phức tạp hơn Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sử dụng thủ thuật sai trật tự niên biểu dày đặc, thách thức độc giả nhiều hơn. Tác phẩm mở đầu bằng “Mùa khô đầu tiên sau chiến tranh...” cho biết dòng thời gian trong truyện đang vào thời điểm 1975 sau khi cuộc chiến kết thúc, nhân vật Kiên và đồng đội đang đi tìm kiếm và quy tập hài cốt đồng đội. Kể từ những dòng chữ đầu tiên này, tác giả Bảo Ninh đã dẫn dụ người đọc men những câu chuyện đã bị xáo trộn về trật tự niên biểu. Có ít nhất 7 mốc thời gian chính được Bảo Ninh khai thác: năm 1965, 1969, 1975, 1980, 1985, 1990 và thời điểm hiện tại trong câu chuyện. Câu chữ trước vừa ở thời điểm kể, câu chữ sau đã ngoái lại ở thời điểm rất xa: “Chính là ở đây vào cuối mùa khô năm 69, mùa khô cực kỳ cùng khốn của toàn cõi B3, tiểu đoàn 27 độc lập, cái tiểu đoàn bất hạnh mà anh là một trong mươi người may mắn còn được sống, đã bị bao vây rồi bị tiêu diệt mất hoàn toàn phiên hiệu”[3]. Trên trục thời gian nhiều xáo trộn ấy, những biến cố về tình yêu, chiến trường, đồng đội hy sinh, quy tập hài cốt, gặp lại tình yêu xưa, viết văn... được sắp xếp trọn vẹn. Cũng vì vậy, Nỗi buồn chiến tranh trở nên lạ lẫm hơn, đặc biệt hơn cả trong cách xử lí yếu tố thời gian so với phần đa các tác phẩm khác.
Diễn biến cốt truyện trong tiểu thuyết của các nhà văn quân đội thời hậu chiến là quá trình hồi cố quá khứ nhân vật. Câu chuyện bắt buộc phải có sự sai trật tự niên biểu trong quá trình trần thuật. Tuy nhiên, yếu tố sai trật tự niên biểu không nhiều và không làm ảnh hưởng đến mô hình cấu trúc nội tại của cốt truyện. Trật tự thời gian hầu hết được giữ nguyên trong xuyên suốt câu chuyện. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như Đỉnh máu và Nỗi buồn chiến tranh trật tự niên biểu bị xáo trộn liên tục, còn lại ở các tác phẩm khác thường xuất hiện sai trật tự niên biểu ở phần đầu của câu chuyện, khi cốt truyện phải gánh cho mình đặc điểm hồi cố, phân tích và lí giải, trước khi trả lại cho nó sức hấp dẫn nối tiếp của phần sau.
Tốc độ kể như một dụng ý nghệ thuật
Cùng với sai trật tự niên biểu, tốc độ kể cũng là một thủ thuật được các nhà văn quân đội thời hậu chiến sử dụng giúp tăng thêm tính hấp dẫn, cuốn hút cho truyện kể. Tốc độ kể có vai trò quan trọng trong việc tạo nhịp điệu riêng cho truyện kể. Sự gấp gáp, vội vã hay thong thả, dồn nén của hành động, chi tiết; cảm xúc riêng biệt của người kể chuyện đều chịu ảnh hưởng của tốc độ kể.
Qua thống kê, thời gian văn bản của Nỗi buồn chiến tranh là 320 trang cho cốt truyện 25 năm = 0,035 trang/ngày; Đỉnh máu là 478 trang cho cốt truyện hơn 30 năm, trung bình 0,043 trang/ngày; Đối chiến là 567 trang cho cốt truyện 365 ngày, trung bình 567: 365 = 1,55 trang/ngày, Lính trận là 237 trang cho cốt truyện 135 ngày, trung bình 237: 135 = 1,75 trang/ngày; Mưa đỏ là 352 trang cho cốt truyện 81 ngày, trung bình 352: 81 = 4,34 trang/ngày.
Dựa vào các số liệu trên, có thể thấy tốc độ kể chuyện của Nỗi buồn chiến tranh, Đỉnh máu, Đối chiến, Lính trận gấp gáp hơn hẳn Mưa đỏ. Những hành động, chi tiết trong truyện bị dồn nén nên hoạt động liên tục, mở rộng liên tục. Cũng vì vậy, mạch truyện trong Nỗi buồn chiến tranh, Đỉnh máu, Đối chiến, Lính trận thiên về hành động, tình tiết gay cấn. Trong khi đó, Mưa đỏ có tốc độ kể chậm hơn rất nhiều, truyện kể có phần thiên về bộc lộ cảm xúc, miêu tả nội tâm nhân vật.
Để phục vụ cho tốc độ kể gấp gáp kể trên, các nhà văn quân đội thời hậu chiến sử dụng tối đa các kỹ thuật viết “giản lược”, “tóm lược”. Với yếu tố “giản lược”, “tóm lược”, thời gian kể ngắn hơn thời gian được kể, tác giả không mất nhiều câu chữ để giản lược thời gian được kể. Trong Nỗi buồn chiến tranh, Lính trận và Đối chiến, các từ ngữ “giản lược” và “tóm lược” xuất hiện với tần suất cao. Cụ thể, trong Lính trận: “Mấy hôm sau, chúng tôi được nghỉ hai ngày, vào một buổi sáng, suýt soát ba tháng hành quân...”. Trong Đối chiến: “Ngày thứ hai ở khu dừng chân, từ hôm qua tới giờ, về nước đã hơn bốn tháng trời, vào ngày thứ tư kể từ ngày người tình và anh trai bị bắt, một tháng sau…”. Trong Nỗi buồn chiến tranh: “Mùa khô đầu tiên sau chiến tranh, mùa mưa năm ngoái, từ hồi đầu 73 đến giờ, vào cuối mùa thu năm 76 ấy, những ngày sau đó...”.
Trong khi đó, với tốc độ kể có phần chậm, Mưa đỏ lại xuất hiện nhiều hơn những “điểm dừng tự sự” và “cảnh diễn” để kéo giãn mạch kể. Nhà văn Chu Lai thường sử dụng phương pháp này giúp câu chuyện trong Mưa đỏ diễn ra với tốc độ chậm hơn, độc giả không bị rối trong những tình tiết dồn dập. Những đoạn miêu tả phong cảnh, nội tâm nhân vật xuất hiện với tần suất cao trong Mưa đỏ: “Hà Nội chiều cuối đông. Gió lạnh hun hút thổi dọc những phố vắng. Lá rụng cô đơn xuống vỉa hè. Chiến tranh mới đi qua, cuộc chiến tranh phá hoại khác có thể ghê gớm hơn lại đang rình rập tìm đến. Hà Nội gượng nhẹ trong những bước chân đi, trong từng hơi thở, trong mỗi mắt nhìn, lo âu và chờ đợi”[4]. Điểm chung của những “điểm dừng tự sự” trong Mưa đỏ là thường được sử dụng ở đầu các các phần, tiểu mục nhỏ. Ở đó, tác giả vừa miêu tả được không gian bao trùm của hiện thực khách quan, vừa giúp giảm đi thời gian được kể, tăng thời gian kể hơn.
Ngoài “điểm dừng tự sự”, các “cảnh diễn” cũng được Chu Lai sử dụng với tần suất cao. Đó là những đoạn đối thoại hay độc thoại nội tâm của các nhân vật. Theo thống kê, Mưa đỏ có trung bình 3,06 lượt lời đối thoại/trang văn bản. Một tỉ lệ tương đối cao giúp các “cảnh diễn” có thể kéo giãn tốc độ kể trong câu chuyện.
Yếu tố thời gian trong truyện kể đã được các tác giả quân đội thời hậu chiến khai thác triệt để. Với thời gian sự kiện sát với lịch sử, các tác giả đã xây dựng được sự tương quan trong góc nhìn của độc giả với sự kiện câu chuyện được kể. Ngoài ra, cách tổ chức, sắp xếp thời gian cũng thể hiện rõ nét đặc trưng trong phong cách kể chuyện của các tác giả. Nếu như Chu Lai vẫn ổn định với những trang văn giàu cảm xúc, kéo giãn tốc độ kể bằng những “điểm dừng tự sự” và “cảnh diễn” thì Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy và Nguyễn Bảo có cách kể khá dồn dập với những hành động, chi tiết bị dồn nén đến mức tối đa. Trong khi đó, Bảo Ninh có cách xử lí yếu tố thời gian đặc biệt nhất khi đẩy nhanh tốc độ kể, xoá nhoà ranh giới mang tính niên biểu của thời gian. Chính điều đó mang đến sự độc đáo, khiến câu chuyện có nhiều đột biến, khúc quanh, đôi khi chỉ trong một vài câu văn ngắn. Qua đó, tạo nên sức hấp dẫn, tò mò, ham thích khám phá tác phẩm cho độc giả.
Thời gian là yếu tố cần thiết và tồn tại xuyên suốt trong truyện kể. Với các nhà văn quân đội thời hậu chiến, yếu tố thời gian được sử dụng trong các sáng tác ngày càng mang nhiều nét tươi mới, hiện đại. Nhiều tác giả đã loại trừ việc xem thời gian chỉ là dấu mốc đánh dấu niên biểu đơn thuần trong tác phẩm. Họ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, thậm chí “thách thức” người đọc bằng các kỹ thuật xáo trộn, sai trật tự niên biểu và thay đổi tốc độ kể phù hợp với từng tác phẩm. Những thủ pháp trong xử lí yếu tố thời gian đã đánh dấu những nét tươi mới, hiện đại và hấp dẫn trong hình thức biểu hiện của tiểu thuyết chiến tranh chống Mĩ của các nhà văn quân đội thời hậu chiến.
N.Đ.H
----------
[1] Khuất Quang Thụy, Đối chiến, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr. 37-38.
[2] Nguyễn Bảo, Đỉnh máu, Nxb Lao động, Hà Nội, 2013, tr. 5-6.
[3] Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr.11.
[4] Chu Lai, Mưa đỏ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018, tr.12
VNQD